Trẻ nôn trớ nhiều: dấu hiệu cảnh báo 6 bệnh nguy hiểm | TCI Hospital

Trẻ nôn trớ nhiều không chỉ là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa đơn giản như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ mà còn có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh lý toàn thân nguy hiểm. Bài viết dưới đây cũng cấp các thông tin cần thiết của các bệnh lý này giúp bố mẹ có thể biết cách phân biệt và xử lý kịp thời.

1. Những bệnh lý nguy hiểm khiến trẻ nôn trớ nhiều

1.1 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Đây là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây ra hiện tượng nôn trớ liên tục. Nếu mẹ thấy bé hay trớ khi bú mẹ hoặc có dấu hiệu muốn ói nhưng không ói được thì có thể trẻ đang mắc phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Mẹ nhận biết được bệnh lý này thông qua các dấu hiệu sau:

– Trẻ nôn ói ra nhiều sữa, chủ yếu qua đường miệng và mũi.

– Bé thường xuyên khóc quấy vào ban đêm, ngủ không sâu giấc.

– Trẻ chậm tăng cân, một số trường hợp nặng hơn là suy dinh dưỡng, thiếu máu kéo dài.

– Với những trẻ có độ tuổi từ khoảng 2 tuổi trở lên, có thể xuất hiện cảm giác đau phía sau xương ức, kèm theo ợ nóng khó chịu kèm theo các biểu hiện ho, khò khè, khó thở.

Với chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời sẽ là tác nhân gây ra bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, răng mòn, chậm tăng cân, còi cọc, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển về hành vi sau này của trẻ.

1.2 Bệnh viêm dạ dày khiến trẻ nôn trớ nhiều

Những dấu hiệu điển hình khởi phát bệnh viêm dạ dày là: trẻ nôn nhiều, trung bình từ 10- 30 phút/lần 1 – 12 giờ đầu. Ngoài ra còn kèm theo sốt cao và đau bụng, tiêu chảy. Tình trạng này có thể kéo dài từ 12 – 72 giờ.

Bệnh này hay bị bố mẹ nhầm lẫn với hiện tượng ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ nhất là người làm bố mẹ ít kinh nghiệm. Khi thấy bé nôn nhiều nhưng không sốt thì khả năng cao là do ngộ độc thức ăn. Bé bắt đầu có dấu hiệu nôn nhiều sau khi ăn thực phẩm kém chất lượng từ 2-12 giờ. Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường không có biểu hiện tiêu chảy như viêm dạ dày nhưng vẫn cần đưa bé đến bệnh viện để kịp thời chẩn đoán và điều trị.

1.3 Trẻ nôn trớ liên tục do bị tắc ruột

Bệnh lý này thường xuất hiện khi ruột của bé có hiện tượng bị xoắn lại. Đây là một trong những bệnh hiếm gặp nhưng lại đặc biệt nguy hiểm nên trẻ cần được cấp cứu điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài nôn liên tục, triệu chứng phổ biến nhất của tắc ruột là đau bụng dữ dội, những cơ đau bụng dồn dập khiến trẻ không đứng thẳng hoặc ngồi thẳng được. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng điển hình khác bao gồm: nôn ra mật xanh vàng, nôn vọt (tuỳ vào mỗi trường hợp mới có), da dẻ nhợt nhạt, tái xanh, vã mồ hôi liên tục.

1.4 Bé bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Đây cũng là một trong các bệnh lý hay khiến trẻ nhỏ có hiện tượng nôn ói nhiều. Để nhận biết được bệnh này, phụ huynh cần chú ý đến những biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt cao, trẻ cảm thấy đau, khó chịu khi đi tiểu, nước tiểu có mùi khó chịu.

1.5 Trẻ nôn trớ nhiều do mắc chứng lồng ruột

Với các trẻ nhỏ có dấu hiệu nôn ói liên tục nhưng không sốt kèm theo chán ăn, bỏ bú, hay có hiện tượng đau gập bụng tuy nhiên không đi tiêu được thì tỷ lệ cao là trẻ mắc chứng lồng ruột. Biểu hiện của bệnh lồng ruột mà phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy bằng quan sát trẻ là thường co chân về phía bụng, người tím tái, nhợt nhạt, đi ngoài phân lỏng, phân có chất nhầy máu.

1.6 Hẹp phì đại môn vị khiến trẻ nôn trớ nhiều

Đây là bệnh hiếm gặp tuy nhiên bố mẹ vẫn phải cảnh giác nhất là các bé từ 3-5 tuần tuổi. Khi thấy trẻ đột nhiên nôn nhiều, thường xuyên lặp lại chu kỳ bú – trớ – đói thì khả năng cao là bé bị hẹp phì đại môn vị.

Tùy vào từng triệu chứng đi kèm với hiện tượng trẻ nôn ói nhiều mà phụ huynh có thể đưa ra phán đoán và xử lý phù hợp. Nếu trong trường hợp trẻ nôn trớ nhưng vẫn ăn và vui chơi bình thường thì có thể để bé theo dõi tại nhà. Ngược lại trong trường hợp bé có những triệu chứng bất thường bỏ ăn, người lừ đừ, hay đau bụng thì nên đưa đến bệnh viện ngay.

2. Bố mẹ phải làm gì khi trẻ bị nôn trớ liên tục?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, khi trẻ nôn trớ liên tục bất thường thì cha mẹ cần làm những công việc sau:

– Theo dõi dấu hiệu mất nước: mức độ nhẹ trẻ bị khô môi, luôn khát nước. Còn khi trẻ có dấu hiệu khóc ít nước mắt, không đi tiểu trong 6 tiếng, mắt trũng,… thì cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

– Thay đổi chế độ ăn: hệ tiêu hoá của trẻ lúc này đang bị tổn thương nên mẹ cần cho trẻ ăn loại thực phẩm dễ tiêu hóa, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và ăn chậm, không nên ép trẻ ăn quá nhiều.

– Nằm đầu cao: mẹ nên cho trẻ nằm đầu cao để giảm bớt trào ngược đồng thời làm giảm áp lực đến ổ bụng của trẻ bằng cách mặc quần áo thoải mái.

Trẻ nôn trớ nhiều, liên tục trong một ngày là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ. Mẹ cần nhận biết những triệu chứng nguy hiểm như nôn mật xanh mật vàng, bé nôn liên tục trong vòng 24 giờ, đau bụng nhiều và sốt cao trên 39 độ trong vòng 3 ngày thì cần đưa ngay đến bệnh viện để thăm khám.