Trà ô long: Thảo dược quý giúp bạn bồi bổ sức khỏe • Hello Bacsi

Trà ô long là trà xanh được lên oxy hóa một phần nên vẫn giữ được hương vị thanh khiết riêng và có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhờ quá trình oxy hóa một phần mà trà vẫn giữ được hàm lượng polyphenol, giúp ngăn ngừa các gốc tự do, nguy cơ gây bệnh ung thư và nhiều căn bệnh khác. Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm về trà ô long và những công dụng tốt cho sức khỏe của loại thảo dược quý này.

Trà ô long là gì?

Trà ô long theo tiếng Hán là “Rồng đen” do khi mới chế biến, trà có hình dạng giống con rồng đen, nhưng lúc vận chuyển, trà bị dập nát nên sau đó người ta đã chuyển sang chế biến kiểu viên tròn như hiện nay.

Nguồn gốc trà ô long

Trà ô long là một loại trà truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại trà này được làm từ lá của cây Camellia sinensis, loại cây cũng được sử dụng để làm trà xanh và trà đen nhưng sự khác biệt đến từ quy trình chế biến trà.

Mọi lá trà đều có chứa một số loại enzyme nhất định để khi vào quá trình oxy hóa, lá trà xanh sẽ thành màu đen sậm. Trà xanh là trà không áp dụng quá trình oxy hóa, trà đen được oxy hóa cho đến khi nó chuyển sang màu đen còn trà ô long thì được oxy hóa một phần. Chính quá trình oxy hóa một phần này tạo nên màu sắc và hương vị đặc trưng cho trà ô long. Tuy vậy, màu sắc của lá trà có thể có sự khác biệt tùy thuộc vào từng thương hiệu trà, từ màu xanh lá cây đến màu nâu sẫm.

Thành phần dinh dưỡng của trà ô long

Trong trà ô long có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và những chất chống oxy hóa rất tốt. Một tách trà ô long đã pha sẽ có chứa khoảng:

  • Kali: 1% nhu cầu hàng ngày
  • Natri: 1% nhu cầu hàng ngày
  • Magie: 1% nhu cầu hàng ngày
  • Niacin: 1% nhu cầu hàng ngày
  • Mangan: 26% nhu cầu hàng ngày
  • Fluoride: 5 – 24% nhu cầu hàng ngày
  • Caffeine: 36 mg

Một số chất chống oxy hóa trong trà, gọi là polyphenol có thể kể đến như theaflavin, thearubigins và EGCG. Trà ô long cũng chứa theanine, một loại axit amin có chức năng trấn tĩnh và thư giãn.

Quy trình sản xuất trà ô long

Trà tươi sau khi hái xong phải được chế biến ngay không để quá 2 giờ và trải qua một quá trình nghiêm ngặt gồm nhiều công đoạn khác nhau mới tạo nên những sản phẩm trà đạt chất lượng. Trà ô long thành phẩm có thể rất khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và kỹ thuật của từng nhà sản xuất.

1. Phơi khô: Lá trà vừa mới hái sẽ được làm dập nhẹ. Đây là một bước quan trọng trước khi bắt đầu quá trình oxy hóa và mang lại cho lá trà ô long hương vị thơm ngon cuối cùng. Những chiếc lá sau đó được phơi dưới ánh nắng mặt trời trong vài giờ đến lúc khô héo và mất đi một phần độ ẩm trong lá trà. Công đoạn phơi khô sẽ làm mềm lá trà, giúp lá trà không bị dập nát trong quá trình quay trà ở các bước tiếp theo.

trà ô long

2. Làm mát: Lá trà cần thời gian để hạ nhiệt sau quá trình phơi khô. Khi lá đã nguội hoàn toàn, chúng sẽ bắt đầu héo và xẹp xuống.