GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ HUYỆN TAM BÌNH
1. Vị trí địa lý.
Tam Bình là huyện nông thôn nằm ở phía Nam của tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm huyện Tam Bình cách Thành phố Vĩnh Long 32 km về phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh 162 km, và trung tâm TP.Cần Thơ 28 km. Phía Bắc tiếp giáp với huyện Long Hồ và Mang Thít, phía Tây giáp thị xã Bình Minh và tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp sông Hậu, phía Đông giáp huyện Vũng Liêm và huyện Trà Ôn. Tam Bình có 2 sông lớn chảy qua là sông Hậu và sông Măng Thít đây là hai tuyến giao thông thủy quốc gia và quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về giao thông đường bộ có Quốc lộ 1A, quốc lộ 53, quốc lộ 54, các tỉnh lộ 904,905,908,909 và các tuyến giao thông quan trọng nối liền Tam Bình với các trung tâm kinh tế của tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành lân cận.
Tam Bình có tổng diện tích tự nhiên là 27.972,1 ha. Diện tích đất nông nghiệp 23.763,57 ha, chiếm 84,95%; đất phi nông nghiệp 4.191,74ha, chiếm 14,98%. Trong đất nông nghiệp, đất canh tác cây hàng năm 15.594,4 ha, chiếm 55,74% diện tích tự nhiên; trong đó chủ yếu là đất trồng lúa và một số ít trồng rau màu; đất trồng cây lâu năm 7.892,45ha, chiếm 28,21%.
Đơn vị hành chính Huyện gồm 1 thị trấn là Thị trấn Tam Bình và 16 xã gồm: Tường Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc, Hòa Hiệp, Hòa Thạnh, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Hậu Lộc, Tân Lộc, Song phú, Phú Thịnh, Tân Phú, Long Phú, Bình Ninh, Loan Mỹ, Ngãi Tứ; với 132 ấp-khóm.
2. Dân số- lao động.
Dân số toàn huyện năm 2014 là 155.412 người (nam 77.162, nữ 78.250; thành thị 5.178, nông thôn 150.234, chiếm 14,93% dân số của tỉnh Vĩnh Long. Mật độ dân số 535 người/km2 được chia theo khu vực thành thị 3.064 người /km2; nông thôn 520 người /km2, Thị trấn Tam Bình có mật độ dân số cao nhất với 3.064 người /km2; thấp nhất là xã Mỹ Lộc 444 người/km2. Người Kinh chiếm khoảng 96,45%, các dân tộc khác chiếm 3,55% (người Khmer 5.309 người, chiếm 3,41%, người Hoa 176 người, chiếm 0,11%, và các dân tộc khác 30 người). Người Kinh phân bố đều ở các nơi; người Khmer sống tập trung ở xã Loan Mỹ; người Hoa tập trung ở thị trấn Tam Bình.
Dân số trong độ tuổi lao động 100.778 người (nam 52.796, nữ 47.982), tỷ lệ lao động qua đào tạo 42,7% ; Cơ cấu lao động: tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm 62,5%, công nghiệp- xây dựng 10,05%, thương mại – dịch vụ 27,45% so tổng số người trong độ tuổi lao động.
3. Địa hình.
Tam Bình có địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, cao độ giữa các vùng chênh lệch 0,3-0,5m từ phía Đông và Đông bắc và thấp nhất dần về phía Tây và Tây Nam, có cao trình 0,5 – 0,7m so với mực nước biển nên rất thuận lợi cho dòng chảy của nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển các vườn cây ăn trái. Về địa chất cấu tạo đất Tam Bình có loại đất mềm: Đất sét, đất cát và cát pha tạp chất hữu cơ, về thổ nhưỡng có 3 nhóm đất: đất phèn 11.911ha, chiếm 42,6% diện tích đất tự nhiên, đất phù sa 5.986ha, chiếm 21,4%, nhóm đất xáo trộn ( đất lên líp) có 7.488 ha, chiếm 26,8% , đất loại khác 2.587ha, chiếm 9,2%. Tóm lại đất Tam Bình có 18.431,9ha là đất tốt, chiếm 65,89% diện tích đất tự nhiên, hoàn toàn chủ động nước ngọt nên thích hợp cho trồng cây ăn quả đặc sản, nuôi thủy sản và luân canh lúa-rau màu. Đây được xem là thế mạnh của huyện.
4. Khí hậu-thủy văn.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa mát mẻ quanh năm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và phát triển các vườn cây ăn trái vùng nhiệt đới. Số giờ nắng trung bình/năm từ 2.500 -2.600 giờ; lượng mưa trung bình từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm khoảng 94 -97% tổng lượng mưa cả năm.
Về thủy văn chịu ảnh hướng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Mực nước và biên độ triều khá cao, biên độ lớn tại sông Măng thít đỉnh 1,2m, chân 0,6m. Biện độ mực nước lũ vào khoảng 0,96 -1,2m, mùa kiệt từ 1,17 -2,1 m. Có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên tiềm năng tự chảy cho cây trồng khá lớn, khả năng tiêu rút tốt nên ít bị tác hại do mùa lũ hàng năm gây ra.
5. Kinh tế.
* Về Nông -lâm- thủy sản:
Giá trị sản xuất nông -lâm- thủy sản tăng trưởng bình quân hàng năm 8,53% (giai đoạn 2001 -2005: 7,05%; giai đoạn 2006 -2009: 4,28%; giai đoạn 2010 -2014: 2,92%; Dự báo giai đoạn 2015 -2020: 3,83%).
-Tốc độ tăng trưởng hàng năm nông nghiệp: 5,64% ( giai đoạn 2001 -2005: 2,9%; giai đoạn 2006 -2009: 4,0%; giai đoạn 2010 -2014: 3,11%; Dự báo giai đoạn 2015 -2020 :3,73%).
+ Lúa: Diện tích: 45.513,3 ha, tăng 3,21%. Sản lượng hàng năm: 276.427 tấn, tăng 6,43% so năm 2010.
+ Cây ăn quả: Diện tích: 7.611 ha, tăng bình quân 0,29% so năm 2010. Sản lượng hàng năm: 97.428 tấn, gồm các loại: Cam, bưởi, xoài, nhãn, măng cụt…
+ Cây rau màu: Diện tích: 4.836ha, tăng 7,12%. Diện tích rau màu phát triển mạnh tăng 41,03% so năm 2010, trong đó màu trồng trên đất ruộng tăng 81,82%. Hình thành vùng chuyên canh màu ở các xã Bình Ninh, Ngãi Tứ.
– Chăn nuôi: Đàn heo: 74.685con/năm, tăng bình quân 1,35% so năm 2010; Đàn bò:10.690con/năm, tăng 0,43%; đàn gia cầm:1.698.170con/năm, tăng 4,86%.
– Diện tích nuôi trồng thủy sản: 569ha, tăng bình quân 2,75 ha so năm 2010, sản lượng thủy sản đạt: 8.350tấn, trong đó thủy sản nuôi đạt:7.094tấn.
* Về Công nghiệp-TTCN.
-Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm: 18% (giai đoạn 2001 -2005: 7,5%; giai đoạn 2006 -2009: 17,22%; giai đoạn 2010 -2014: 9,74%; Dự báo giai đoạn 2015 -2020: 13%).
– Các ngành công nghiệp chủ lực: Xay xát, gạch, sản xuất cửa sắt, hàn tiện,…
– Các làng nghề, hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Thảm lục bình, Bánh tráng giấy.
* Thương mại -dịch vụ.
Tổng mức bán lẽ hàng hóa bình quân hàng năm: 24%, (giai đoạn 2001 -2005: 8,26%; giai đoạn 2006 -2009: 13,59 %; giai đoạn 2010 -2014: 15,01%; Dự báo giai đoạn 2015 -2020 : 15%).
Trên địa bàn huyện Tam Bình tính đến cuối năm 2014 có 139 doanh nghiệp và 6.878 hộ kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thương mại. Huyện đã hoàn thành quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020.
6. Tôn giáo, tính ngưỡng:
– Hiện trên địa bàn huyện có 5 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Hòa hảo. Về tín ngưỡng có khoảng 36.000 tín đồ chiếm 23,28% dân số theo 5 tôn giáo chính.
– Cơ sở thờ tự và tín ngưỡng dân gian có khoảng 69 cơ sở gồm: Chùa Phật 34 (có 02 chùa phật giáo nam tông khmer), 07 Nhà thờ Công giáo, 02 Tin Lành, 01 Cao Đài Tây Ninh, 04 Cao Đài Tiên thiên, 01 chi hội phật giáo Hòa hảo, 05 thánh thất, và 05 Đình Làng, 10 am miếu,…
7. Truyền thống quê hương và con người Tam Bình.
Tam Bình có một vị trí chiến lược rất quan trọng và từng là một trong những căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Vĩnh Long xứ ủy Nam Kỳ trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và đuổi Mỹ.Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước Đảng bộ và nhân dân Tam Bình đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ hy sinh để cùng cả nước viết lên trang lịch sử hào hùng và quang vinh. Gía trị của truyền thống lịch sử luôn tồn tại và có ý nghĩa đối với mọi người dù ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta. Trên từng địa danh, trên từng di tích lịch sử đã thấm đẫm mồ hôi, cả máu và nước mắt của những bà mẹ, những người con đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tam Bình để tạo được những mốc son lịch sử sáng ngời cho quê hương.
Để giành được độc lập và tự do Đảng bộ và nhân dân Tam Bình đã chịu những hy sinh tổn thất vô cùng to lớn trong hai cuộc kháng chiến có 3.148 liệt sĩ, 562 thương binh, 597 bà mẹ VNAH (trong đó còn sống 75 bà mẹ). Một chân dung tiêu biểu trong những chân dung bà mẹ VNAH đó là mẹ Nguyễn Thị Ngọt mẹ là người có chồng và 06 con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Tam Bình còn là nơi sinh ra nhà khoa học tài năng, những người con ưu tú của quê hương Tam Bình, những chân dung nổi bậc đó là: Ông Trần Đại Nghĩa sinh năm 1913 tại làng Chánh Hiệp, nay thuộc xã Hòa Hiệp huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long, ông là Giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, viện sĩ viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng viện khoa học Việt Nam; Ông Phan Văn Đáng sinh năm 1919 tại xã Mỹ Lộc huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long, Tháng 7 năm 1946 là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Vĩnh Long, năm 1954 là Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, năm 1975 là Phó ban đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam, năm 1976 là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phó trưởng ban Tổ chức Trung ương; Ông Phan Văn Hòa sinh năm 1894 tại làng Phú Lộc Đông, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc ấp 3 xã Phú Lộc huyện Tam Bình), gia nhập Đảng vào năm 1930 và là người Cộng sản đầu tiên ở địa phương, năm 1933 là Uỷ viên Ban Chấp hành Huyện Uỷ Tam Bình; Các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng liệt sĩ như: Lưu Văn Liệt , Lê Văn Lăng, Lê Văn Chính, Phan Văn Sáu, Thạch Thia, Trần Bội Cơ, Trịnh Minh Thế, Võ Văn Tổng, Võ Văn Tưởng. Liệt sĩ Võ Văn Tiểu.
Những sự kiện lịch sử tiêu biểu của cuộc đấu tranh các thời kỳ: như Khởi nghĩa Nam Kỳ ( xã Hậu Lộc), Chiến Thắng Thủ Cù ( xã Song Phú), Chiến thắng Cái Sơn (Long phú), Ngô Tùng Châu bắn rơi máy bay thực dân Pháp đầu tiên ở Vĩnh Long, bằng súng cá nhân ( FM đầu bạc) (thị trấn Tam Bình), Trận đánh 6 ngày đêm của du kích xã Hòa Hiệp (xã Hòa Hiệp).
Về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện hiện có 5 Di tích lịch sử: “ 1 Di tích cấp quốc gia (chùa Phước Hậu) tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ,; 04 Di tích cấp tỉnh gồm : Chùa Kỳ Son tọa lạc tại ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ; Chùa Đại Thọ, tọa lạc ở ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ; Miếu quan tiền hiền Phan Công An toạ lạc tại ấp Mỹ Phú I xã Tường Lộc; Khu lưu niệm Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi, tọa lạc ở khóm 3, thị trấn Tam Bình. Đồng thời 03 công trình Di tích tiêu biểu cho truyền thống và con người Tam bình: Khu Di tích Lịch sử căn cứ cách mạng Cái Ngang, tọa lạc ấp 4 xã Phú Lộc; khu lưu niệm giáo sư, viện sĩ,anh hùng lao động, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, tọa lạc ấp Mỹ phú I xã Tường Lộc; Bia truyền thống Công an tỉnh Vĩnh Long, tọa lạc tại ấp Danh tấm, xã Hậu lộc.
Bản đổ Tam Bình
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!