Tại sao phải tự lực tự cường xây dựng llvt

Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”. “Hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trở thành một luận điểm xuyên suốt trong Cách mạng tháng Tám, dù trong thời gian chuẩn bị hay lúc tiến hành tổng khởi nghĩa. Thực tế trong hoàn cảnh đó, nếu không tự lực thì cũng khó có thể trông cậy ai giúp đỡ. Điều này hoàn toàn khác với một số thế lực chính trị khác đã có ý dựa vào các lực lượng nước ngoài để giành chính quyền, thậm chí “tự hào” rằng có lúc đã được “độc lập” nhờ vào sự “đạo diễn” của ai đó!

“Tự lực” hiểu một cách đơn giản nhất là làm việc gì cũng tự bằng sức mình, với sức lực, khả năng của bản thân, không nhờ cậy ai. “Tự lực” thường được dùng trong cụm “tự lực cánh sinh”, có nghĩa là dựa vào sức lực của mình để tự giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, kinh tế… Còn “tự cường” là tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người. “Tự cường” thường được dùng với nghĩa dành cho tổ chức, dân tộc, đất nước, chẳng hạn “ý thức tự cường dân tộc”… “Tự lực” và “tự cường” thường gắn với các yếu tố “tự chủ” (với nghĩa tự quyết định mọi công việc của mình, không để ai chi phối), “tự do” (với nghĩa là trạng thái của một dân tộc, một xã hội và các thành viên trong đó không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong các hoạt động xã hội – chính trị, đồng thời không bị lực lượng ngoại xâm chiếm đóng), “tự quyết” (với nghĩa một dân tộc tự mình định đoạt những công việc thuộc về vận mệnh của mình, như thành lập nhà nước, chọn mô hình phát triển)…

Tự lực và tự cường có thể đồng thời biểu thị ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức và quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tự lực và tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành sự tự lực và tự cường của tập thể, của đất nước, của dân tộc.

Tinh thần tự lực và tự cường của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dân ta đã được thể hiện rõ nét trong Cách mạng tháng Tám. Từ chỗ các tổ chức đảng gần như bị tan rã, mất liên lạc (thậm chí đến Xứ ủy Nam kỳ còn không liên lạc được với Trung ương, các Xứ ủy viên còn lại không nắm tình hình của nhau…), lực lượng quần chúng bị phá vỡ… sau khởi nghĩa Nam kỳ nhưng chỉ trong vài năm, các phong trào cách mạng không chỉ được phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Từ chỗ Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật ở Việt Bắc với những bộ phận nhỏ lẻ thì đến trước tổng khởi nghĩa đã có hệ thống tổ chức ở khắp nơi trong cả nước và thu hút được hầu hết các tổ chức yêu nước, tiến bộ cùng tham gia. Từ chỗ lực lượng vũ trang chỉ có 34 đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nhưng chỉ trong vài tháng đã hình thành nên đội quân được tổ chức quy củ lên đến hàng ngàn người và đến Nam bộ kháng chiến thì đã có hàng vạn người… Sự tự lực, tự cường đó đã tạo nên sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, đủ sức làm nên kỳ tích trong Cách mạng tháng Tám.

Chúng ta nhớ lại trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đó là thêm một lần nữa thể hiện tinh thần tự lực, tự cường để quyết giữ cho được quyền tự chủ, sự tự quyết và nền tự do, độc lập của nước nhà.

Trải qua các cuộc kháng chiến, đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tiếp nối tinh thần đó để lần lượt đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất, hung hãn nhất, xảo quyệt nhất, tàn bạo nhất. Trong những lần đó, chúng ta đã được bạn bè thế giới giúp đỡ về rất nhiều mặt, tạo nên động lực tinh thần và sức mạnh vật chất lớn lao để chiến thắng kẻ thù. Nhưng, chúng ta đã chiến thắng bằng chính sức mình và bằng cách thức của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề tự lực, tự cường. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chiến tranh du kích, ngày 13/7/1952, Người rút ra kết luận: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Trước đó, vào tháng 5/1947, trả lời phỏng vấn của thông tín viên hãng Reuters, Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ Chính phủ trong dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, ngày 10/6/1948, Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”… Như vậy, theo Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn cần phải tự lực, tự cường, không chỉ trong kháng chiến, mà cả trong xây dựng đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đúc kết một bài học của cách mạng Việt Nam: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thực hiện đồng thời hai yêu cầu: một mặt nước ta phải đề cao năng lực tự chủ, luôn chú trọng sự tự lực, tự cường nhưng không dựa dẫm vào nước khác mà phải luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhân dân các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi. Và điều này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải liên kết, liên minh với nước này để chống nước khác hoặc dựa vào nước nào đó để phát triển, bởi nó không chỉ trái với truyền thống của đất nước ta, của Đảng ta mà còn phi thực tế!

Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thể hiện rõ ý nghĩa của nhận định ấy. Trong đó, yếu tố tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta, đóng vai trò quyết định và chính nhờ có nó chúng ta mới nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế và cũng từ đó chúng ta mới có năng lực để biến sự giúp đỡ thành những giá trị cụ thể.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đây là sự sáng tạo của bài học từ Cách mạng tháng Tám: khi trước, tự lực, tự cường là để giành độc lập, tự do; nay tự lực, tự cường là để xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Không có tinh thần đó thì đất nước không thể tự chủ, càng không thể phồn vinh, hùng cường!