+ Giá từ vài trăm ngàn lên 25 triệu đồng/kg.
+ Đang bị tận diệt.
Nhiều thanh niên ở các làng quê miền Trung không còn màng đến chuyện làm ruộng, làm nghề mà rủ nhau khăn gói lên đường đi săn rùa đồng. Hỏi ra mới biết, từ cái giá vài trăm ngàn đồng/kg vào nửa năm trước đây giờ rùa đồng bỗng dưng nhảy vọt lên 25 triệu đồng/kg.
Bỗng dưng tăng giá
Những cuộc săn rùa đồng được mở rộng từ những thửa ruộng, bụi tre đến những ao hồ, lên đến tận những địa phương miền núi. Loài vật này đang bị truy cùng bắt tận. Đến cả những người đã từng gắn bó với con rùa đồng hàng mấy chục năm nay trong những hoạt động săn bắt, mua bán cũng thấy choáng váng trước sự tăng giá đột biến của loài vật này.
Anh Khánh ở huyện An Nhơn (Bình Định), người có thâm niên hàng chục năm trong nghề cung ứng rùa đồng cho thị trường miền Bắc cho biết: “Khoảng hơn nửa năm trước đây, giá rùa đồng chỉ được mua khoảng trên 200.000đ/kg. Khi ấy, các bạn hàng của tôi chẳng tha thiết gì mấy với mặt hàng này. Họ mua chủ yếu để cung ứng cho các nhà hàng đặc sản. Mà cung ứng cho ngành ẩm thực thì giá của nó được đánh đồng với giá các loại rùa sen, rùa đá, rùa gấu, rùa cạnh, rùa két… Bỗng dưng từ cuối năm ngoái đến nay, rùa đồng hút hàng. Giá của nó tăng từng giờ. Chỉ trong một thời gian ngắn mà giá rùa đồng tăng từ vài trăm ngàn đồng lên đến 25 triệu đồng/kg”. Theo dân trong nghề, giá rùa đồng tăng cao đột biến là do loài vật này đang được thị trường Trung Quốc “ăn” rất mạnh.
Anh Nguyễn Văn Điểu, chuyên gia có 20 năm trong nghề săn rùa đồng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn – Bình Định) cho biết thêm: “Tôi chẳng lạ gì với rùa đồng, thế nhưng bây giờ thấy nó lên giá vùn vụt khiến tôi cũng xây xẩm mặt mày. Cách đây 20 năm, lúc ấy rùa đồng còn rất nhiều, đêm nào đi soi cũng bắt được vài ba bao tải rùa. Nếu nó có giá như bây giờ thì mỗi đêm tôi kiếm tệ lắm cũng được… vài trăm triệu đồng!”.
Theo anh Điểu, săn rùa đồng có 2 vụ chính trong năm, đó là vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch. Trong những thời điểm này trời thường đổ mưa dông, sau mỗi cơn dông là rùa rời nơi ẩn náu bò ra ruộng để tận hưởng khí trời mát mẻ. Rùa rất nhiều, nằm đặc ruộng, đi mấy bước chân đã bắt được vài ba con. Chỉ bắt rùa lớn cả ký chứ chẳng thèm để mắt đến những con rùa bé. Và đêm nào đi soi, 2 anh em nhà anh Điểu cũng vác về mấy bao tải rùa. Khi ấy rùa đồng chỉ được bán với giá dao động từ 6.000đ đến hơn 10.000đ/kg. Anh Điểu tiếc nuối: “Nếu biết có ngày hôm nay, khi ấy tôi đào ao trong vườn, bắt cả rùa con thả vào nuôi thì đến giờ đã trở thành tỷ phú”.
Đang bị tận diệt
Mấy năm trước, mặc dù rùa đồng không có giá trị thật cao nhưng chúng vẫn được các nhà hàng đặc sản thu mua đều đều để cung ứng cho những cuộc nhậu của các khách hàng hạng sang. Do vậy, mặc dù chưa bị truy bắt ráo riết nhưng rùa đồng vẫn không thoát khỏi đôi tay của những kẻ lấy việc săn bắt làm kế sinh nhai. Anh Kiên, một tay săn rùa đồng bằng xung điện trên những dòng sông ở huyện Tuy Phước (Bình Định) tâm sự: “Mặc dù trước đây giá rùa đồng không cao nhưng mỗi đêm đi “rà” điện, bắt được vài ba ký cũng kiếm được gần 500.000đ, bằng cả 5 ngày đi làm thợ nề”. Bởi thế, dần dà rùa đồng vắng bóng.
Hiện nay, khi giá rùa đồng tăng cao đến 25 triệu đồng/kg, lập tức loài vật này bị truy bắt ráo riết. Đến cả những người xưa nay chưa hề “nhúng tay” vào “nghề” giờ cũng đổ xô đi săn rùa đồng. Khi rùa đồng đã trở thành vật “quý hiếm” thì những cuộc săn bắt loài vật này cũng trở nên gian nan hơn. Bây giờ, có đến một ngàn cơn mưa dông, tìm đến “mờ mắt” cũng chẳng thấy con rùa nào bò ra ruộng “ngao du” tận hưởng khí trời mát mẻ. “Trâu không tìm cột thì cột đi tìm trâu”, với phương châm này, những người đi săn rùa đồng hiện nay tìm đến tận hang ổ của chúng.
Kiên nói: “Bây giờ chúng tôi phải lùng sục tận từng bụi tre ven sông, ao hồ, thậm chí lên các vùng miền núi “phục” ở các con suối mới mong bắt được rùa”. Anh tiết lộ thêm, rùa là loài kiếm ăn dưới nước nhưng rất thích nghỉ ngơi trên bờ, nhất là nấp dưới lớp lá tre khô ở những bụi tre rậm rạp ven sông. Người đi săn chỉ cần 1 cái cây, đi dọc các bụi tre, vừa đi vừa xăm cây xuống lớp lá tre khô. Khi cây xăm đụng vào mu rùa, vang lên mấy tiếng “cộp, cộp”, khi ấy người đi săn có quyền reo hò.
Ở ao hồ, người đi săn rùa đồng chỉ cần mang theo ít mồi nhử và tấm lưới. Mồi nhử cũng đơn giản chỉ là mớ lòng heo tươi, bởi rùa rất khoái ăn thịt sống. Thả mồi xong bủa lưới, nếu có rùa nấp trong hang hốc chúng sẽ mò ra kiếm ăn và mắc vào lưới, thế là người đi săn “trúng quả”. Riêng với anh Nguyễn Văn Điểu, 1 “chuyên gia” săn rùa đồng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) thì có “chiêu” riêng: “Ở đồng bằng, giờ mà tìm ra con rùa cũng mờ mắt, bởi vậy, bây giờ phải đi An Khê (Gia Lai), phục ở những con suối ven chân núi, những vùng này bấy lâu nay ít người khai thác giờ mới còn nhiều rùa. Chẳng cần bắt được rùa lớn, cả rùa con giờ vẫn được thu mua tính theo cân lạng”.
Anh Điểu còn cho biết thêm, muốn bắt rùa ở những con suối ven chân núi phải dùng thuốc nhử, đó là loại thuốc nhử có xuất xứ từ Trung Quốc có giá 50.000đ/lạng. Tẩm thuốc nhử vào mồi (lòng heo tươi), treo mồi vào cái lờ rồi thả xuống suối. Lờ là vật dụng bằng tre thường dùng để đơm cá, nhưng đây là loại lờ đặc chủng, dài, dọc thân lờ có 10 lỗ để rùa chui vào. Khi đã vào lờ rùa không có đường ra vì có những cái toi giữ lại.
Trước thực tế này, nhiều người lo lắng sẽ chẳng bao lâu nữa, trên những cánh đồng, sông, suối, ao hồ sẽ mất tăm tích con rùa đồng, chúng sẽ chỉ còn tồn tại trong những chuyện kể.
Ngoài rùa đồng được bắt ngoài tự nhiên, hiện nay thị trường rùa đồng còn xuất hiện “rùa giả”. Chị Liễu, 1 người chuyên thu mua rùa đồng cung ứng cho những thương lái miền Bắc cho biết: “Rùa tai đỏ có dáng dấp rất giống rùa đồng, chỉ khác đường viền ở đầu hơi thô hơn 1 chút. Nét thô này chỉ những chuyên gia mới nhận ra, còn những người thu mua tay ngang (mới vào nghề) thì chịu thua. Do vậy, hiện có một số người dùng thuốc xăm người tẩm vào tai rùa đỏ cho nó chuyển màu đen làm “rùa đồng giả”. Đơn giản là vậy mà cũng qua mặt được khối người. Mua nhầm vài kg kể như mất đứt 50 triệu đồng”.
Chị Liễu còn cho biết thêm, hiện có nhiều người “trúng mánh” khơi khơi. Ví như anh Thắng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) trước đây nuôi vài con rùa trong hòn non bộ để làm cảnh, giờ bán được hơn 20 triệu đồng. Hoặc có người trước đây bắt được rùa, bán chẳng được bao nhiêu tiền nên mang về làm 4 cái kệ kê chân tủ. Rùa là loài sống “dai như đỉa”, thời gian không lấy được mạng sống của chúng. Và giờ người chủ lấy 4 “cái kệ chân tủ” mang đi bán kiếm cả trăm triệu đồng. Như mơ.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!