Có người chết là. đánh đề

Có người chết là... đánh đề ảnh 1

Dân làng Triều Khúc tranh thủ dốc tiền đánh những con lô, con đề theo tuổi, ngày tháng năm sinh của người vừa chết

Nhiều năm nay, nổi lên là một làng chơi lô, đề rầm rộ, có “phong trào” nhất ở Hà Nội.

Do mê mải lô đề, cùng với những trò may rủi, người trong làng có một hình thức mê tín rất… quái đản: đánh lô, đề theo những thông tin liên quan đến những người mới chết.

“Nam tiến, nữ lùi”

Buổi sáng 7/4, trong làng có một thợ xây dựng trượt chân nên ngã từ giàn giáo tầng 3 của ngôi nhà gia đình anh Triệu Văn Tường, sinh năm 1964, ở xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xuống đất và ngất lịm.

Nạn nhân tên Hoàn, 28 tuổi, quê ở Hà Tây. Ngay lập tức, gia chủ đã đưa anh Hoàn đi cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường đưa đến bệnh viện, anh Hoàn đã bị tử vong.

Thế nhưng, điều lạ là ngay từ khi còn chưa biết anh Hoàn có bị tử vong hay không, nhiều người dân làng đã truyền tai nhau về cái chết và tỏ ra hoan hỉ hơn là bày tỏ nỗi thương xót cho kẻ xấu số.

Ngay lập tức, các quán nước chè, quán bia kiêm luôn dịch vụ ghi lô, đề trong làng bắt đầu “nóng” khách.

Hóa ra, người trong làng có “phong tục” rằng, cứ hễ trong làng có ai chết là dân ghiền lô, đề đổ xô, đánh tập trung vào những “con lô”, “con đề” theo ngày tháng năm sinh, tuổi tác của người khuất bóng. Từ đầu làng đến cuối ngõ, người ta “tán” rằng, anh Hoàn sinh năm 1981, năm nay 28 tuổi.

Như vậy, có thể chia tiền ra “ôm” cả dây gồm các con 28, 82, 81, 18. Tuy nhiên, đánh kiểu đó ít khi trúng quả, mà phải tuân thủ theo nguyên tắc sau: “nam tiến, nữ lùi”. Tức là phải đánh các con 83, 38…

Bởi vậy, chiều 7/4, đã có rất nhiều người dốc tiền vào hai con số 83, 38. Thật tình cờ, buổi tối, kết quả xổ số đã cho ra hẳn “con đề” 83. Nhà nhà reo lên như vỡ tổ vì trúng quả.

Trong vai một dân ghiền lô đề, chúng tôi tìm đến quán nước của bà T. ở xóm Đình, thôn Triều Khúc. Bà T. cũng tin rằng nếu trong làng có một người chết, đánh theo ngày tháng năm sinh, tuổi tác của người chết thì cơ may trúng lô, đề rất cao.

Bà kể: “Hôm qua, đã có hơn 100 người kéo đến đánh. Trong đó, có hơn 30 người trúng quả đậm”. Chị H., chủ một quán nước chè nằm đối diện, bảo: “Anh tin hay không thì tùy. Nhưng đó là sự thật ở đây. Cứ hễ có ai chết là người ta đổ xô đánh lô, đề theo người đó”.

Rồi chị kể, cách đây không lâu, có một cậu học sinh mới 15 tuổi chết ở xóm dưới. Thế là buổi chiều, bà con lũ lượt kéo nhau đi đánh các số 15, 51, 16, 61. Buổi tối, quả nhiên đề về 15. Còn lô thì về 3 “nháy” 61. Sau đó, lại đến một ông già 72 tuổi bị chết. Dân làng lại đổ xô đánh 72, 27, 73, 37…

“Chê số đời…”

Chúng tôi đem chuyện này hỏi thử một sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Hà Nội, vốn là dân ghiền lô, đề thuê trọ ở trong làng. Cậu cười, bảo: “Không phải khi nào có người chết cũng trúng quả. Tuy nhiên, cả làng này đều tin như thế. Họ nghĩ rằng, người chết thường là linh thiêng”.

Ông P., một người dân ở xóm Trại, thôn Triều Khúc, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng chiều nào cũng phải lượn một vòng qua các bàn ghi lô, đề trong làng, xác nhận: “Nói ra thì hơi quá đáng. Nhưng đúng là cứ trong làng có người chết là cả làng lại ào ào đi đánh lô, đề.

Càng là người chết trẻ, bị tai nạn giao thông thì càng đông người đánh. Thậm chí, một số dân say lô, đề còn rất tích cực đi “săn” thông tin về những người trong làng vừa bị chết. Tháng trước, trong làng có một thằng nghiện bị sốc thuốc chết, tôi cũng kiếm được 700.000đ tiền chơi con đề theo tuổi của nó”.

Làng Triều Khúc nằm ven tuyến đường nối TP Hà Đông vào Hà Nội, nơi có nhiều trường cao đẳng, đại học. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, sinh viên đến làng thuê trọ đông như kiến. Và cùng với người dân làng, sinh viên cũng là một lực lượng rất hùng hậu tham gia vào “trào lưu” chơi lô, đề theo… người chết.

Tuy nhiên, có không ít sinh viên đã phải ra trường trước hạn, bán cả sách vở, áo quần để trả nợ, nướng cả tương lai cho lô, đề, trở thành sạt nghiệp, chẳng hạn như trường hợp của T.Q.P, sinh viên năm thứ 4 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Mới đây, chỉ vì một dây con đề, con lô đánh theo vụ một thợ xây dựng tự do trong làng bị trượt chân tử nạn do ngã từ trên tầng cao xuống, mà P. đã phải bán cả chiếc xe máy trị giá hơn 10 triệu đồng của bố mẹ gửi xuống để trả nợ, giờ đây phải sống lần lữa, đói rách, bê tha, vạ vật lo vượt qua những ngày cuối cùng của đời sinh viên đại học.

Theo Văn Phúc HậuSài Gòn giải phóng