Muỗi tấn công cao ốc

Nhiều người sống, làm việc trong các tòa nhà cao tầng đang khốn khổ vì bị muỗi đốt. Đó là chuyện bất thường đang xảy ra tại TP.HCM. Gọi là bất thường bởi muỗi thường sống ở những nơi ẩm thấp và chỉ bay cao dưới 10 m nhưng lại ngang nhiên hoành hành trong những tòa nhà cao chín, 10 tầng.

Ở tầng chín cũng bị muỗi đốt

Chiều 6-8, những người làm việc trong một cao ốc ở Tân Bình phải nghỉ sớm để lực lượng y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi toàn bộ tòa nhà. “Tòa nhà có cửa kính bao kín, ở các tầng chẳng có lan can, bồn hoa hay vật chứa nước nhưng không hiểu sao vẫn có rất nhiều muỗi. Ngồi làm việc ở tầng tám mà cứ phải đập muỗi đôm đốp” – một nhân viên trong tòa nhà cho hay.

Chị N., làm việc trong một tòa nhà cao tầng trên đường Trương Định, quận 3, than thở: “Mình ở tít tầng chín vậy mà thường xuyên bị muỗi đốt. Do tòa nhà không có khu vực nào bị đọng nước nên mọi người rất ngạc nhiên không biết muỗi ở đâu ra. Nghe nói muỗi sống ở tầng cao thường là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết nên mình càng thêm lo”.

Tại chung cư Cô Giang (quận 1), nhiều người sống ở tầng bốn, tầng năm cũng than phiền vì thường bị muỗi đốt. “Những người ở tầng cao nghĩ muỗi không thể bay tới nên ngủ không bao giờ mắc màn. Đến khi bị bệnh, tới bệnh viện họ mới tá hỏa khi biết mình bị sốt xuất huyết do muỗi đốt” – một người dân ở tầng trệt chung cư này phản ánh.

Bình xịt muỗi đang là “bạn đồng hành” của không ít nhân viên làm việc trong các cao ốc. Ảnh: T.THANH

BS Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 1, xác nhận tại chung cư Cô Giang từng có người dân sống trên tầng cao bị muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết. “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận 1 đã có 100 ca sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó có nhiều người sống ở chung cư cao tầng” – BS Thể thông tin.

Phần lớn từ công trình xây dựng

Theo ghi nhận của chúng tôi, những tòa nhà cao tầng bị muỗi tấn công thường nằm gần các công trình xây dựng. “Khi thấy có muỗi trong các tầng cao, chúng tôi kiểm tra ngay những khu vực chứa nước trong tòa nhà nhưng không phát hiện có lăng quăng. Theo quan sát của anh em trực đêm, muỗi từ bên ngoài bay vào tầng hầm để xe. Khi có người đi thang máy, chúng bay vào và theo lên các tầng cao” – lực lượng bảo vệ một cao ốc nằm gần công trình xây dựng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 lý giải.

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, khẳng định muỗi chỉ có thể bay cao dưới 10 m. Do đó chúng chỉ lên được các tầng cao bằng con đường… cơ học. “Muỗi trong các tòa nhà cao tầng có thể xuất phát từ các điểm chứa nước trong tòa nhà hoặc từ những công trình xây dựng lân cận di chuyển sang. Sau đó chúng “đi nhờ” thang máy hoặc bám vào các vật dụng và được người dân mang theo lên tầng cao. Lên đến đây, nếu gặp điều kiện sống thuận lợi (có nước đọng) chúng sẽ sinh sôi thêm” – BS Thọ giải thích.

Nhận định trên trùng hợp với kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế Dự phòng quận 1. BS Lê Văn Thể cho biết: “Hiện trên địa bàn quận 1 có rất nhiều công trình xây dựng để xảy ra tình trạng tù đọng nước, làm phát sinh muỗi. Đối với những công trình xây dựng lớn, chúng tôi phải phối hợp với lực lượng thanh tra xây dựng, cảnh sát môi trường mới vào được bên trong để kiểm tra, lập biên bản và chuyển cho UBND các phường xử phạt hành chính theo Nghị định 69/2011 về lĩnh vực y tế dự phòng”.

TRUNG THANH