Trong kho tàng thành ngữ Việt Nam, thành ngữ có loài chó xuất hiện chiếm một phần rất lớn, bởi đây là loài động vật gần gũi với cuộc sống của con người. Qua việc tìm hiểu ngữ nghĩa chỉ loài chó trong thành ngữ tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều kỳ diệu, lý thú và sự tinh tế của dân tộc cũng như đặc trưng văn hóa, quan điểm thẩm mỹ của cha ông ta đã đúc kết lại từ bao đời nay.
Qua việc khảo sát từ điển “Tục ngữ, thành ngữ, ca dao Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi nhận thấy từ ngữ chỉ loài chó xuất hiện với tần suất 72 lần, thiên về cách tri nhận tiêu cực, tiếp đến là nghĩa trung hòa và một số ít thành ngữ mang nghĩa tích cực.
Theo quan niệm của người Việt, loài chó xuất hiện với tất cả những gì xấu xa khi dùng để biểu thị tính cách của con người. Chính vì vậy, thành tố chỉ loài chó trong thành ngữ tiếng Việt xuất hiện với nét nghĩa tiêu cực chiếm số lượng lớn. Mọi đặc điểm, tính cách, hành động của con vật này đều được gắn với những tính cách, hành động xấu xa của con người.
(Xem thêm: Tết Việt đầm ấm của du học sinh trường Kỹ thuật Điện tại Nga)
Trong thành ngữ tiếng Việt, chó biểu trưng cho loại người hay vật không có giá trị: “Chó già, mèo mù”, “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”; là người bất tài, vô dụng nhưng gặp nhiều may mắn: “Chó nhảy bàn độc”; “Chó ngáp phải ruồi”; là hạng người tự phụ huênh hoang: “Chó chạy trước hươu”; “Chó chê mèo lắm lông”; là kẻ chuyên ỷ thế: “Chó cậy gần nhà”, “Gà cậy gần chuồng”; là loại người tham lam, bần tiện, bẩn thỉu, ngu dốt: “Chó già giữ xương”; “Bẩn như chó”; “Ngu như chó”; hoặc là người hung dữ hay gây sự: “Chó dữ cắn càn”; “Đánh nhau như chó với mèo”.
Với người Việt, mặc dù chó là loài vật nuôi gần gũi nhất trong nhà, gần gũi với con người hơn cả những loài vật khác như lợn, gà, trâu, bò,… nhưng dường như nó không được coi là bạn của con người.
Loài chó với đa phần người Việt chỉ có địa vị là một con vật, thậm chí như một đầy tớ trung thành: “Đánh chó phải ngó mặt chủ”. Nó thường phải ăn những “Cơm thừa canh cặn”, phải ngủ ở ngoài hiên, đầu hè để giữ nhà cho chủ. Hình ảnh loài chó xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ tiếng Việt với nhiều sáng tạo mới và đa dạng. Nó thường gắn với những người, vật, việc không tốt, không may mắn hoặc không đáng được tôn trọng trong xã hội.
Khi tiếp xúc hoặc nói đến một người nào đó xấu xa, ngu dốt, đạo đức kém thì người Việt nói so sánh, ví người đó với con chó. Chẳng hạn như: “Ngu như chó”; “Bẩn như chó”; “Dại như chó”,… Hay thành ngữ “Chó nhảy bàn độc”, “Chó ngồi bàn độc” chỉ những kẻ kém hèn, ngu dốt nhờ có cơ hội may mắn mà nhảy lên được địa vị cao sang. Hoặc câu “Chó chê mèo lắm lông”, ý chỉ những người chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình.
(Xem thêm: Tôi bằng lòng ‘cày’ cả năm tiết kiệm tiền mua vé về quê ăn Tết)
Khi nói đến hình ảnh người mẹ ác nghiệt với con cái, thành ngữ có câu “Chó cái cắn con”, hoặc những kẻ hung hăng, hay gây gổ thì có “Chó càn cắn giậu”. Còn ai đó nghèo khó, cùng cực thì có “Chó cắn áo rách”. Đối với những người không có tài đức mà hợm hĩnh, kiêu căng, bản chất xấu xa lại ra vẻ tốt đẹp, đài các rởm thì có “Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi”.
Nhìn chung, phần lớn các câu thành ngữ đều lấy hình ảnh loài chó để chỉ những người xấu, những cử chỉ không đẹp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi cũng nhận thấy bên cạnh những cái nhìn tiêu cực, loài chó còn xuất hiện với nhiều điểm tích cực.
Không chỉ là loài vật xuất hiện gần gũi với con người, chó còn là loài được con người quý mến ở sự trung thành. Điều này được thể hiện rất rõ qua câu thành ngữ “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Ngoài ra, chó còn được đặt ở rất nhiều đền thờ miếu mạo. Chó còn là loài biểu trưng cho sự may mắn “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.
(Xem thêm: Sinh viên Sài Gòn có nên ‘phượt’ xe máy về Quảng Nam ăn Tết?)
Người Việt còn có tục lệ đặt chó đá ở trước cổng nhà hoặc đền thở để đuổi ma quỷ. Như vậy, con chó trong quan niệm và văn hóa người Việt vẫn được nhìn nhận với một số điểm tích cực.
Ngày nay, đời sống kinh tế ngày một phát triển, tư duy ngày càng đổi mới, vai trò của loài chó trong quan niệm của người Việt đã có một số thay đổi, được coi trọng hơn, được đối xử tốt hơn, đặc biệt là trong những gia đình giàu có và gia đình trẻ.
Việc tìm hiểu đặc trưng ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ loài chó trong thành ngữ tiếng Việt góp phần khám phá những điều mới mẻ về cuộc sống, phong tục, tập quán, văn hóa, tư duy của người Việt. Cũng qua đó, giúp ta thấy được sự tinh tế, và khả năng sáng tạo tuyệt vời của con người khi tri nhận về động vật nói chung và hình ảnh con chó nói riêng.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Phan Thế Hoài
- Mỗi lần về Tết tôi phải lì xì mất 5.000 USD
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!