TẤT TẦN TẬT NHỮNG ĐIỀU CÔ DÂU CHÚ RỂ CẦN BIẾT VỀ LỄ ĐÍNH HÔN

Tuy có thời gian tổ chức khá ngắn nhưng lễ đính hôn cần sự chỉn chu với nhiều nghi thức truyền thống và quan trọng. Mỗi vùng miền lại có phong tục cưới cũng như yêu cầu rất khác nhau. Những thông tin hữu ích dưới đây chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực cho cặp đôi chuẩn bị buổi lễ này!

Lễ đính hôn là gì?

Nói nôm na lễ đính hôn (còn gọi là đám hỏi) là một thông báo chính thức về việc hứa gả cưới giữa hai họ với nhau. Đây là bước đệm đặc biệt để tiến tới hôn lễ nên có khá nhiều nghi thức quan trọng và yêu cầu riêng. Các cặp đôi nên tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nghi thức này có giống lễ ăn hỏi?

Cả hai lễ ăn hỏi và lễ đính hôn đều là một nghi thức cưới hỏi ở Việt Nam. Nghi lễ này có nghĩa là đánh dấu đôi trẻ được đính ước, sẽ trở thành vợ chồng trong tương lai.

Cả hai cùng được tổ chức trước đám cưới một thời gian để gia đình hai bên gặp mặt, trao lễ vật, tiền dẫn cưới. Chỉ khác nhau duy nhất ở một điểm là tên gọi theo vùng miền. Miền Bắc gọi là lễ ăn hỏi, còn miền Nam gọi là lễ đính hôn.

Về hình thức, ngày đính hôn ở miền Nam được tổ chức theo phong cách thân mật. Đây là dịp giao lưu giữa hai gia đình nên giống buổi tiệc vui hơn là nghi thức cưới.

Buổi lễ này có nhiều phần, mở đầu là đón khách, tiếp theo là nghi lễ đơn giản, sau cùng nhà gái sẽ đãi tiệc nhà trai. Nhiều gia đình coi đây giống như tiệc cưới phía nhà gái nên tổ chức rất hoành tráng, vui nhộn.

Người miền Bắc coi trọng nghi lễ truyền thống nên hầu hết lễ ăn hỏi diễn ra trang nghiêm hơn và có sự tham dự của họ hàng, các bậc phụ huynh lớn tuổi.

Ngày đính hôn cần chuẩn bị lễ vật gì?

Đây là điều đầu tiên yêu cầu hai gia đình cần phải trang bị thật nghiêm túc. Ngoài lễ vật truyền thống cơ bản là mâm trầu cau, trà rượu, nhà trai có thể thêm một vài những món lễ vật khác như: trái cây, bánh mứt… để làm phong phú cho dàn sính lễ.

Các loại bánh mứt thường được nhà trai dâng tặng là bánh phu thê, bánh hồng, bánh cốm, bánh đậu xanh, mứt sen… Để trang trọng hơn, gia đình còn có thể chuẩn bị thêm heo sữa quay, mâm xôi…

Hơn nữa số lượng sính lễ cần đúng theo phong tục vùng miền. Trong khi các gia đình miền Nam yêu cầu lễ vật theo số chẵn 6, 8 hoặc 10…, ở miền Bắc đòi hỏi lễ vật số lẻ 5, 7 hoặc 9 tráp.

Cô dâu nên mặc gì trong đám hỏi?

Vấn đề trang phục nên được chuẩn bị khá sớm để có thể dễ dàng chỉnh sửa nếu có vấn đề gì xảy ra. Trang phục trong ngày đám hỏi cho cô dâu thường là áo dài truyền thống.

Màu sắc thì rất đa dạng tuy nhiên các cô dâu nên chọn những màu sắc cơ bản như đỏ, hồng, trắng, vàng đồng… Chú rể có đa dạng sự lựa chọn hơn khi có thể diện áo dài truyền thống hay bộ vest lịch lãm.

Bên cạnh đó, hai bạn cũng nên chú ý luôn đến trang phục dành cho cha mẹ của hai bên cô dâu, chú rể vì họ cũng xuất hiện rất nhiều trong nghi thức đính hôn.

Không thể thiếu một cặp nhẫn đính hôn

Trong ngày lễ trọng đại như vậy thì không thể thiếu được cặp nhẫn đính hôn để minh chứng cho tình yêu của cô dâu và chú rể. Từ khoảnh khắc trao nhau nhẫn cho nhau là cả hai đã là người một nhà.

Việc chọn mua nhẫn cô dâu chú rể phải chuẩn bị từ trước, cùng nhau bàn bạc thống nhất để lựa chọn cho mình cặp nhẫn ưng ý. Kiểu dáng, chất liệu nhẫn bạch kim, kim cương hay nhẫn cưới vàng 18K là tùy sở thích của cả hai.

Những nghi thức cần có trong ngày đính hôn

Theo phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt, các nghi thức trong lễ dạm hỏi sẽ được diễn ra đúng trình tự dưới đây:

Nghi thức chào hỏi và trao lễ vật

Để buổi lễ đính hôn được diễn ra suôn sẻ, cặp đôi cần chú ý những vấn đề sau:

Lúc đến nhà gái khoảng 50m, nhà trai xem lại trang phục, mâm quả và xếp đội hình. Riêng chủ hôn và phụ rể bưng khay trầu rượu vô nhà gái trước để trình được vào làm lễ hỏi.

Sau khi chấp nhận, nhà gái sẽ vui vẻ mời nhà trai vào nhà để đặt các mâm quả trước bàn thờ gia tiên. Hai gia đình sẽ mời trà nước, thăm hỏi lẫn nhau rồi hai họ lần lượt giới thiệu những người trong gia tộc.

Đại diện nhà trai sẽ có một vài lời phát biểu ngắn về lý do buổi tiệc và các lễ vật mang đến. Đại diện nhà gái chấp nhận lễ vật và nói lời cảm ơn.

Cô dâu ra mắt hai họ

Khi hai họ thực hiện nghi thức chào hỏi và trao mâm quả, cô dâu mặc áo dài, ngồi ở phòng đợi. Lúc nghi thức trao – nhận lễ vật xong, nhà gái sẽ cho phép chú rể đón cô dâu xuống chào hai họ.

Lễ thắp hương bàn thờ gia tiên

Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày đính hôn. Trước tiên, đại diện nhà gái sẽ mang một số vật phẩm từ mâm quả nhà trai để dâng lên bàn thờ gia tiên đám hỏi.

Sau đó, chàng rễ đốt đôi đèn cẩn thận để cho tim đèn cháy thật tốt và hai ngọn lửa cháy đều nhau. Ngọn lửa này tượng trưng cho sự sống, niềm lạc quan và hơn hết là sự kết nối hiện tại với quá khứ, con cháu với ông bà và tổ tiên.

Chàng rể sẽ khấn vái hai họ, sau mới xá 4 xá trước bàn thờ tổ tiên rồi đưa 2 ngọn đèn cho hai chủ hôn hai bên cắm lên bàn thờ. Cuối cùng, đôi uyên ương sẽ thắp hương bái lạy tổ tiên.

Trao nữ trang cho cô dâu và tiền dẫn cưới cho nhà gái

Sau khi khấn vái ông bà tổ tiên, cô dâu, chú rễ đeo nhẫn cho nhau. Mẹ của chàng rể cũng đeo nữ trang cho cô dâu.

Thông thường trang sức cưới gồm có đôi hoa tai, vòng cổ và vòng đeo tay. Nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì ít nhất cũng có đôi hoa tai.

Bên cạnh trang sức, nhà trai cũng trao cho nhà gái một số tiền để biểu hiện lòng biết ước đối với công lao nuôi dưỡng của cha mẹ cô dâu. Ngoài ra, số tiền đó cũng thể hiện ý muốn chia sẻ một phần chi phí hôn sự cho nhà gái.

Sau đó, cô dâu chú rễ sẽ rót trà, rượu mời hai bên gia đình. Nhà trai cũng thông báo ngày lành tháng tốt cho việc tổ chức hôn lễ để hai gia đình thống nhất với nhau.

Nhà gái lại quả cho nhà trai

Thông thường khi nhận mâm quả của nhà trai, nhà gái sẽ lấy một phần, phần còn lại sẽ dùng để lại quả. Việc lại quả diễn ra sau khi nhà gái mời nhà trai dùng tiệc mặn và nhà trai xin phép ra về.

Lúc phân chia lễ vật, tuyệt đối không dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn và khi trả mâm quả nắp phải được để ngửa.

Thông thường, lễ đính hôn diễn ra trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Tuy nghi lễ không quá phức tạp nhưng đây được coi như lễ đính ước truyền thống không thể thiếu trong đám cưới của người Việt. Cô dâu chú rể hiện đại vẫn cần phải tuân thủ cũng như thực hiện đúng trình tự như trên để hôn lễ được diễn ra suôn sẻ.