Đừng bỏ lỡ Top khó khăn của việt nam sau cách mạng tháng 8 [Hot Nhất 2023]

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua. Giặc đói hoành hành, nạn đói cũ chưa được giải quyết, thì một nạn đói mới sắp diễn ra.

Hình ảnh lịch sử về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội.

Sau khi Nhật chiếm Đông Dương và biến thành hậu phương để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược châu Á – Thái Bình Dương, chúng bắt chính quyền Pháp phải cưỡng bức thu mua lúa gạo của nhân dân Việt Nam theo giá rẻ, đồng thời ép buộc Ngân hàng Đông Dương phát hành thêm tiền để mua gạo. Đây chính là thời kỳ của nạn mua thóc tạ, một sự cướp bóc trắng trợn đối với người nông dân khó nhọc trồng nên cây lúa ở Việt Nam nói riêng và đối với dân tộc Việt Nam nói chung. Thóc lúa đã không đủ cung ứng nhu cầu chung, phát xít Nhật còn bắt người dân Việt Nam nhổ lúa, nhổ khoai, nhổ sắn để trồng cây đay là thứ nguyên liệu dùng làm bao tải đựng cát, phục vụ cho việc xây dựng các công sự của quân đội Nhật. Hai chính sách tàn bạo đó đã khiến cho cả vùng Đông Dương, nơi từng đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo (những năm 1936-1937, Đông Dương xuất khẩu 1,6 – 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau Miến Điện), khi đó trở thành một dân tộc thiếu đói trên quy mô gần như toàn thể. Cho đến đầu năm 1945, nguồn lúa gạo ở Đông Dương hầu như đã cạn kiệt. Chính những người trồng lúa lại là người bị đói trước tiên. Nông dân đói từ Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… lũ lượt kéo ra các thành phố đi ăn xin, kéo lên miền núi đào củ chuối, củ mài cầm hơi. Trên đường đi, họ chết dần, chết mòn. Số còn lại sống lay lắt thêm ít ngày rồi cũng chết, vì không còn cái gì có thể ăn được. Cho đến tháng 8-1945, Việt Nam đã có tới 2 triệu người chết đói. Đó là con số chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Đúng vào dịp bùng nổ Cách mạng Tháng Tám, cũng là lúc mưa rất nhiều, nước trên các dòng sông đều dâng cao. Mưa lũ xảy ra trong tình hình hệ thống đê điều đã bị chính quyền Pháp – Nhật hoàn toàn “xao nhãng” từ nhiều năm. Nạn vỡ đê diễn ra tứ tung trên đồng bằng Bắc Bộ. Chưa bao giờ trong lịch sử đê điều Việt Nam, nạn vỡ đê diễn ra rộng khắp như thế: sông Hồng, sông Thao, sông Thương, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Nhuệ đâu đâu cũng vỡ. Nước lụt chiếm 350 ngàn hécta trong tổng số 830 ngàn hécta diện tích lúa mùa đã cấy xong ở đồng bằng Bắc Bộ. Vỡ đê đồng nghĩa với việc một nạn đói lớn hơn nữa sẽ diễn ra vào mùa thu năm đó.

Về tài chính tiền tệ, khi cách mạng thành công, kho bạc hoàn toàn trống rỗng. Thực tế đó được Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận định một cách chua chát: Chính phủ cách mạng lúc đó là một chính phủ “không tiền”. Có một địa chỉ giữ tiền và đang in tiền là Ngân hàng Đông Dương nhưng do quân đội Nhật đóng giữ và chờ trao lại cho quân Đồng minh. Trong khi đó, tình trạng lạm phát một cách nghiêm trọng trong suốt 5 năm trước đó của Ngân hàng Đông Dương khiến cho bản thân đồng tiền Đông Dương cũng mất giá nghiêm trọng. Số tiền do ngân hàng này phát hành năm 1939 là 216 triệu đồng, đến tháng 10-1945, tới 2.483 triệu. Đồng tiền trong tay người dân Việt Nam “teo lại” nhanh chóng. Giá gạo từ chỗ 4-5 đồng/tạ, đến giữa năm 1945 đã lên tới 700-800 đồng/tạ.

Tình hình văn hóa và y tế cũng thê thảm khôn xiết. Sau 80 năm chịu sự “khai hoá văn minh” của người Pháp, hơn 90% dân số Việt Nam vẫn không biết đọc, biết viết. Sự dốt nát dẫn tới những tệ nạn mê tín, dị đoan, những hủ tục vừa tốn kém, vừa vô ích cho đời sống.

Trong lĩnh vực y tế, dịch tả diễn ra ở nhiều nơi, giết chết hàng vạn người. Nạn đói, rét đã sản sinh ra không biết bao thứ bệnh tật mà trước đó chưa được gọi tên. Trên mọi nẻo đường Việt Nam, nhất là ở nông thôn, các thị trấn nhỏ, người Việt Nam trông thật tiều tụy, rách rưới, bẩn thỉu, đầy rẫy bệnh tật. Đó cũng là kết quả của sự “khai sáng” trong 80 năm Pháp thuộc và 5 năm “cách mạng da vàng” Nhật Bản.

Sau khi Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh với uy tín cá nhân và tình cảm sẵn có đã liên lạc với chính phủ của các cường quốc và các nước láng giềng để tìm kiếm bạn bè. Nhưng tiếc thay, nỗ lực ấy không mấy thành công!

Với Mỹ, sau quãng thời gian thắm thiết ngắn ngủi của giai đoạn tiền khởi nghĩa, từ tháng 8-1945 trở đi, Tổng thống Mỹ Tơruman áp dụng một chính sách xích lại gần với các nước thực dân hơn là ngả về những dân tộc bị áp bức. Những đoàn đặc nhiệm của Mỹ tới Việt Nam để giúp đỡ kháng chiến chống Nhật từ thời kỳ tiền khởi nghĩa lần lượt ra đi.

Còn lại ba trong năm cường quốc nữa là Pháp, Anh và Trung Hoa dân quốc thì người Việt Nam không đặt bao nhiêu hy vọng, ngược lại họ còn là kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Theo hiệp định của các nước Đồng minh ký tại Pốtxđam tháng 7-1945, Đông Dương từ phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ được giao cho quân đội Trung Hoa dân quốc để giải giáp quân đội Nhật. Quân đội Anh cũng làm nhiệm vụ đó từ vĩ tuyến 16 về phía Nam.

Ở phía Bắc, ngày 28-8-1945, 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Nhưng lực lượng ô hợp này làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật thì ít, cướp bóc thì nhiều. Về kinh tế, họ buộc Việt Nam phải chấp nhận cho họ sử dụng hai loại tiền là Quan kim và Quốc tệ để mua hàng hóa trên thị trường Việt Nam và áp đặt một chế độ giá cả cực kỳ phi lý. Thực tế, họ đã dùng giấy lộn để đổi lấy những của cải thật của Việt Nam.

Quân đội Trung Hoa dân quốc còn kéo sang nước ta một đám người Việt lưu vong từ nhiều năm bên Trung Quốc, thuộc những đảng phái cũng ô hợp như họ. Trung Hoa dân quốc muốn dùng những thành phần lưu vong này để lập ra một chính phủ bù nhìn làm tay sai cho họ. Sự hiện diện và cách hành xử của 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc thể hiện rõ bản chất một kẻ xâm lược thứ ba sau Pháp và Nhật.

Ở miền Nam, ngày 12-9-1945, tướng Anh Gracey đã đưa 2.000 quân vào Sài Gòn để tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Gracey còn cho phép 1.500 quân Pháp đi theo và sau đó, mở cửa tất cả các nhà tù mà quân Nhật đã giam giữ quân Pháp, để cho hàng ngàn lính và thường dân Pháp được tự do. Hơn thế nữa, Gracey còn lấy vũ khí của Nhật trang bị cho những người Pháp này. Đó là cơ sở để bùng nổ cuộc chiến ở miền Nam vào ngày 23-9-1945, tức là chỉ 21 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập.

Còn Pháp? Ngay từ giữa tháng 8-1945, khi quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh thì tướng Đờ Gôn đã cử ba đặc phái viên cấp tốc bay sang Đông Dương và nhảy dù xuống ba miền trên lãnh thổ Việt Nam, mang theo mệnh lệnh của Đờ Gôn hòng phục hồi lại nền thống trị của Pháp ở Việt Nam.

Lúc đó, chỉ có hai nước láng giềng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam là Chính phủ Thái Lan của Thủ tướng Pridi và Chính phủ Miến Điện. Thủ tướng Pridi rất có cảm tình với cách mạng Việt Nam, ông đã tiếp nhận một phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam ở Băng Cốc. Phái đoàn này đã tổ chức mua vũ khí và các phương tiện cần thiết chở về nước, tổ chức huấn luyện các cán bộ điện đài, huấn luyện các lực lượng quân sự và gửi về nước một số tiểu đoàn để chiến đấu. Nhưng động thái này diễn ra không được lâu. Năm 1948, Chính phủ Pridi bị lật đổ. Chính phủ Songram lên cầm quyền đã khủng bố dã man những Việt kiều yêu nước muốn giúp đỡ đất nước. Niềm hy vọng cuối cùng ở nước bạn láng giềng đến đây chấm dứt.

NT (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam – 80 năm xây dựng và phát triển)