Hướng dẫn cách khám cảm giác nông sâu | Vinmec

Khám xúc giác:

  • Dụng cụ: Chổi lông, tăm bông, kim đầu tù và một mảnh giấy;
  • Cách khám: Bác sĩ dùng tăm bông, kim đầu tù hoặc chổi lông, mảnh giấy chạm nhẹ vuông góc với mặt da ở các vị trí đối xứng của 2 bên cơ thể. Sau đó, hỏi bệnh nhân có nhận biết được kích thích không, có phân biệt được kích thích nhọn và tù không, khả năng nhận biết kích thích 2 bên cơ thể có tương đương nhau không;
  • Kết quả thu được: Bệnh nhân có thể tăng, giảm hoặc mất nhận biết xúc giác.

Khám cảm giác nhiệt độ:

  • Dụng cụ: Sử dụng 2 ống nghiệm, một ống đựng nước lạnh 20°C và một ống đựng nước ấm 40°C. Thông thường, da có thể nhận biết được nhiệt độ của một vật nếu nó chênh lệch với nhiệt độ cơ thể là 5°C;
  • Cách khám: Lần lượt đặt các ống nghiệm đựng nước nóng và nước lạnh lên các vùng da cần khám. Sau đó, so sánh về khả năng nhận biết cảm giác nóng – lạnh giữa 2 bên cơ thể, giữa các vùng da khác nhau ở 1 bên cơ thể;
  • Kết quả thu được: Có thể phát hiện bệnh nhân bị giảm hoặc mất cảm giác nhiệt độ, phát hiện chứng bệnh không phân biệt được nóng – lạnh.

Khám cảm giác đau:

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Bác sĩ thực hiện châm kim nhẹ nhàng hoặc vạch mũi kim lên các vùng da đối xứng của 2 bên cơ thể, sau đó hỏi bệnh nhân về cảm giác giữa 2 bên cơ thể có như nhau không. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đếm số trong khi châm kim trên các vùng da khác nhau giữa 2 bên cơ thể theo cường độ giảm dần;
  • Kết quả thu được: Có thể phát hiện bệnh nhân bị tăng, giảm, mất cảm giác đau ở một vùng da nào đó hoặc bị rối loạn cảm giác đau.

Khám cảm giác định khu:

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Thực hiện như khi khám cảm giác đau, hỏi bệnh nhân bị đau ở đâu;
  • Kết quả thu được: Bệnh nhân có kết quả bình thường nếu chỉ ra đúng vị trí chịu kích thích trên cơ thể. Trong trường hợp mắc bệnh, người bệnh sẽ không nhận biết được vị trí bị châm kim trên cơ thể. Ngoài ra, có bệnh nhân gặp chứng đối cảm (tình trạng kích thích ở bên này nhưng bệnh nhân lại nhận thức là kích thích bên cơ thể đối diện).

Khám cảm giác phân biệt 2 điểm khác nhau trên da:

  • Dụng cụ: Compa có 2 đầu nhọn kèm thước đo độ mở;
  • Cách khám: Bác sĩ mở rộng 2 đầu compa, ấn nhẹ lên các vùng da khác nhau rồi hỏi bệnh nhân cảm thấy có mấy điểm nhọn. Tiếp theo, bác sĩ thu hẹp dần độ mở của 2 đầu compa, tiếp tục khám nhằm phát hiện khoảng cách nhỏ nhất mà bệnh nhân có thể phân biệt được 2 điểm chịu tác động bởi đầu compa. Sau đó, đo khoảng cách giữa 2 điểm;
  • Kết quả thu được: Với kết quả bình thường, khả năng phân biệt 2 điểm của các phần khác nhau trên cơ thể sẽ có sự khác nhau, trong đó đầu ngón tay là nhạy nhất (3 – 8mm), sau đó tới gan bàn tay, mu bàn tay, ngực, cẳng tay, chân, lưng cánh tay và đùi (75mm). Ở các trường hợp bệnh lý, khoảng cách mà bệnh nhân nhận biết được 2 điểm sẽ cao hơn.

Khám cảm giác hình vẽ trên da (cảm giác 2 chiều không gian):

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Bác sĩ viết các chữ, chữ số hoặc vẽ hình lên da bệnh nhân, hỏi bệnh nhân xem đó là chữ gì, số mấy, hình vẽ gì,… Ban đầu bác sĩ viết, vẽ chữ nhỏ, sau đó tăng lên nếu bệnh nhân không nhận biết được;
  • Kết quả thu được: Bình thường, người khỏe mạnh có thể nhận biết các chữ hoặc số có độ lớn là 0.5 – 25mm (tùy theo vùng da). Ở người mắc các bệnh lý về cảm giác nông, chiều cao các chữ hoặc số cần lớn hơn thì mới nhận biết được.