Hệ thống tưới nhỏ giọt tự chế hiện nay đang rất được bà con ưa chuộng bởi không tốn nhiều chi phí, không mất nhiều thời gian, lại thỏa mãn được thú vui tự tay làm một hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây của mình.
Tự làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại nhà rất thích hợp cho trồng các loại cây rau, hoa, cảnh… Ưu điểm là tiết kiệm nước do nước được cấp trực tiếp cho cây trồng, không gây thất thoát, bay hơi hay thấm sâu.
Ngoài ra, còn giúp giữ độ ẩm đồng đều cho từng lớp đất. Với tốc độ tưới chậm, nước ngấm từ từ vào lòng đất nên chất dinh dưỡng và đất sẽ không bị rửa trôi.
Với cách làm hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản chúng tôi sắp hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ không cần lo lắng cho các cây trồng yêu quý của mình khi phải đi công tác xa hoặc du lịch. Chúng sẽ thay bạn chăm sóc cho vườn rau quanh năm tươi tốt và xanh um.
1, Hệ thống tưới nhỏ giọt tự chế bằng bình đựng nước có van điều tiết
Chuẩn bị:
- Bình nước 20 lít nếu số lượng cây nhiều (Chai nước ngọt 2 lít nếu chỉ có một cây)
- Từ một đến nhiều dây truyền y tế (Số lượng phụ thuộc vào số gốc cây)
- Một que sắt nhỏ nhọn hoặc đầu kéo hoặc máy khoan mini
- Keo nến.
Các bước làm:
Bước 1: Dùng kéo, máy khoan mini hoặc que sắt nung nóng để đục một hoặc nhiều lỗ ở gần đáy đựng nước. Số lỗ phụ thuộc vào số dây truyền.
Bước 2: Gắn đầu nhận của một dây truyền vào một lỗ vừa đục (giống với cách các bác sĩ truyền nước). Rồi dùng keo nến bịt kín xung quanh chỗ gắn để nước không bị rò rỉ ra.
Bước 3: Đổ nước vào bình rồi đặt ở vị trí cao hơn so với vị trí đặt đầu ra của dây chuyền (chính là vị trí quanh gốc cây cần tưới nước) mục đích là tạo áp suất từ nơi chứa nước xuống nơi thoát nước.
Bước 4: Đặt mỗi đầu ra của dây chuyền vào từng chậu cây cần tưới nước. Điều chỉnh tốc độ chảy bằng van dây chuyền.
Lưu ý: Không được đậy nắp bình, vì đậy nước sẽ không chảy ra do không có áp suất. Hoặc nếu đậy nắp thì phải khoan thêm nhiều lỗ to trên gần miệng bình.
Kết luận: Cách thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt này rất phù hợp cho cây trồng ở ban công, trên sân thượng với quy mô nhỏ, mang tính tạm thời khi có việc đốt xuất phải đi xa vài ngày.
2, Tự làm hệ thống tưới nhỏ giọt đóng mở thủ công
Cách này phải đặt đường ống PVC chạy dọc hàng cây, tùy vào số lượng cây tưới mà chọn ống lớn nhỏ. Trong bài viết này, để giảm chi phí Fao lựa chọn ống chính phi 21 áp dụng cho vườn 1000 cây và ống phi 16 để chia cổng tưới.
Các vật liệu kèm khác gồm: Ống nối chữ T và chữ L kích thước phù hợp, dây chuyền y tế còn van điều tiết, keo gắn đồ nhựa.
Đầu tiên, chúng ta cần một nguồn cấp nước là một bể nước xây trên cao hoặc một thùng phi đựng nước cỡ lớn đặt trên cao.
Bước 1: Kết nối ống PVC phi 21 với nguồn chứa nước và phân phối các đường ống PVC 21 này chạy dọc các gốc cây. Sử dụng ống nối chữ L cho chỗ rẽ ngang (tùy theo địa hình, vị trí đặt nguồn nước).
Bước 2: Từ các vị trí ống PVC phi 21 đi qua gốc cây, dùng ống nối chữ T để kết nối với ống phi 16 mục đích là để tạo cổng tưới.
Bước 3: Cắt toàn bộ dây chuyền y tế sao cho còn lại 2 phần như hình bên dưới (1 và 2). Rồi gắn 2 phần lại với nhau hợp thành một đầu điều tiết dòng nước.
Bước 4: Kết nối đầu điều tiết nước với đầu ống nhựa PVC phi 16. Dùng lửa hơ mềm phần lớn của đầu điều tiết nước, bôi lớp keo vào đầu ống nhựa PVC và khéo léo bọc đầu điều tiết nước vào. Đợi vài phút cho keo khô là ta đã có một đầu tiếp nước hoàn chỉnh.
Bước 5: Mở van của bình chứa cho nước chảy vào và điều chỉnh các đầu điều tiết sao cho lượng nước chảy ra tưới cho từng cây đạt yêu cầu.
3, Cách làm hệ thống tưới nhỏ giọt tự động phân phối nước
Chuẩn bị:
- Chai nước ngọt 2 lít số lượng tương ứng số gốc cây
- Đinh hoặc que sắt hoặc đầu kéo để đục lỗ
- Dao hoặc kéo để cắt chai nước.
Các bước làm:
Bước 1: Dùng đinh, que sắt nung đỏ hoặc đầu kéo đục các lỗ nhỏ trên nắp chai và cắt bỏ đáy chai nước ngọt. Số lượng lỗ trên nắp chai càng nhiều thì nước chảy càng nhanh, không đục lỗ nhỏ quá sẽ khiến đất lọt vào gây tắc. Đóng nắp chai lại sau khi đục lỗ.
Bước 2: Đào một hốc nhỏ sâu khoảng 10-15cm cạnh gốc cây. Đặt chai vào hốc, nắp chai úp xuống dưới và lấp đất lại, có thể chèn thêm đá để cố định chai không bị ngã.
Bước 3: Đổ nước vào chai, đậy hờ phần đáy chai vào chỗ đã cắt với mục đích để giảm áp suất cho nước không chảy nhanh quá và bảo vệ không cho đất đá rơi vào chai gây tắc. Công việc bây giờ là để cho hệ thống tưới nước tự làm việc.
Biến thể tự phương pháp này:
Một cách làm khác là bạn chỉ cần đục một lỗ trên nắp chai, không cần cắt đáy chai, khi đó bạn cũng không cần chôn chai xuống đất mà đặt nó nằm nghiêng ngay cạnh gốc cây, nước cũng sẽ chảy từ từ nhỏ giọt.
Trường hợp nước chảy quá chậm, bạn có thể đục 1 lỗ nhỏ ở đáy cháy để tăng áp suất. Nếu thấy nước chảy nhanh quá, đầu nắp chai nên cho chúi xuống tiếp xúc với đất, mục đích là dùng đất để cản nước chảy ra quá nhanh.
Phương pháp này chúng tôi tham khảo từ Jabi Serulo, một người nông dân Uganda đã thu nhặt chai nhựa vứt đi để chế hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp vườn cà chua của chị ấy sống sót qua mùa khô hạn.
Kết luận: Phương pháp thứ ba này nước hết rất nhanh do bình chứa dung tích nhỏ, vì vậy chỉ áp dụng được cho thời gian ngắn hoặc do bận công việc ngắn hạn không có thời gian chăm sóc cây.
Nguồn tham khảo: wikihow.vn / vuongthongminh.com
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!