Khám sức khỏe nhập học là một trong những yêu cầu cơ bản mà học sinh phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị hồ sơ nhập học ở bậc đại học. Để có thể hoàn thiện yêu cầu này một cách thuận lợi nhất, các tân sinh viên không nên bỏ qua bài viết dưới đây.
1. Tân sinh viên có bắt buộc phải khám sức khỏe nhập học?
Theo quy định tại khoản 5, điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT, sinh viên có nhiệm vụ tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định khám sức khỏe đầu khóa và khám sức khỏe định kỳ của cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, chắc chắn các tân sinh viên phải chấp hành quy định khám sức khỏe nhập học từ phía nhà trường.
Hơn thế, việc khám sức khỏe cũng mang rất nhiều lợi ích cho chính bạn. Khi thực hiện nội dung khám sức khỏe, bạn sẽ biết rõ tình trạng thể chất của bản thân, có thể phát hiện được các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp để cải thiện sức khỏe bản thân hoặc sớm điều trị nếu phát hiện bệnh.
Cũng theo Thông tư nói trên, nhà trường có thể yêu cầu khám sức khỏe tập trung hoặc đơn lẻ tùy theo điều kiện của từng trường. Tuy nhiên, đa số sẽ yêu cầu tân sinh viên chủ động khám sức khỏe và nộp giấy chứng nhận sức khỏe kèm theo hồ sơ nhập học.
2. Danh mục khám sức khỏe đầu vào đối với tân sinh viên
Nội dung Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định cụ thể các danh mục khám sức khỏe đối với sinh viên (bao gồm tân sinh viên năm nhất và các sinh viên trong quá trình học tập) gồm khám thể lực, khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó, khám thể lực bao gồm các kiểm tra thể chất cơ bản như đo chiều cao – cân nặng, kiểm tra huyết áp, đo nhịp thở, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI. Với 2 danh mục khám lâm sàng và cận lâm sàng, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết dưới đây.
2.1. Danh mục khám sức khỏe nhập học lâm sàng
Khám lâm sàng thường là hoạt động đầu tiên của quy trình khám chữa bệnh, bao gồm các danh mục khám thông qua quan sát, kiểm tra bên ngoài. Đây sẽ là cơ sở giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh, định hướng các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán bệnh.
Tại một số bệnh viện, quy trình khám lâm sàng có thể bao gồm cả danh mục khám thể lực nói trên. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT, danh mục khám lâm sàng sẽ bao gồm các kiểm tra theo chuyên khoa, ví dụ như:
- Khám răng hàm mặt
- Khám tai mũi họng
- Kiểm tra thị lực
- Khám da liễu
- Khám phụ khoa (với nữ giới)
2.2. Danh mục khám sức khỏe nhập học cận lâm sàng
Trong danh mục này, người tham gia khám bệnh sẽ bắt buộc phải thực hiện các nội dung sau:
- Xét nghiệm công thức máu, đường huyết
- Xét nghiệm nước tiểu
- Chụp X-quang tim phổi
Ngoài ra, người khám bệnh có thể sẽ phải thực hiện thêm một số danh mục khám cận lâm sàng khác theo yêu cầu của bác sĩ lâm sàng hoặc yêu cầu từ phía cơ sở giáo dục.
3. Nên khám sức khỏe nhập học ở đâu?
Việc thực hiện khám sức khỏe nhập học ở đâu hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, giấy chứng nhận sức khỏe của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đều được công nhận. Tuy nhiên, các cơ sở y tế phải đáp ứng được yêu cầu về cơ sở y tế và trang thiết bị của Bộ Y tế như:
- Điều kiện cơ sở vật chất: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa (nội-ngoại khoa, sản phụ khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt), phòng chụp X-quang, phòng xét nghiệm.
- Trang thiết bị: Máy phân tích sinh hóa, máy phân tích huyết học, máy phân tích nước tiểu, bộ dụng cụ lấy máu, bộ dụng cụ thử nước tiểu, máy X quang…
Để đảm bảo quyền lợi của người khám bệnh và tránh các rắc rối khi làm thủ tục nhập học, các tân sinh viên nên nghiêm túc thực hiện quy định khám sức khỏe theo yêu cầu của nhà trường. Bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để hoàn thiện quy trình khám sức khỏe.
Tại các tỉnh thành trong cả nước, số lượng bệnh nhân tới khám tại cơ sở y tế công lập không quá đông nên bạn có thể khám sức khỏe tại đó. Tuy nhiên với một số thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn thì lưu lượng khách tới khám tại bệnh viện công lập rất lớn. Do đó, bạn có thể cân nhắc khám sức khỏe tại các cơ sở y tế tư nhân để giảm thời gian chờ đợi và nhận được dịch vụ thăm khám tiện lợi hơn.
4. Cần chuẩn bị những gì khi đi khám sức khỏe nhập học?
Nhiều tân sinh viên sẽ có những bỡ ngỡ khi tham gia khám sức khỏe, nên bạn cần phải ghi nhớ những lưu ý dưới đây:
- Mang theo ảnh màu 4x6cm (trong 6 tháng gần nhất) và 1 trong các giấy tờ tùy thân có đóng dấu giáp lai: chứng minh thư, thẻ căn cước công dân, bằng lái xe…
- Đối với các xét nghiệm máu và nước tiểu, cơ sở y tế sẽ yêu cầu người thực hiện phải nhịn ăn uống tối thiểu là 6 tiếng trước khi khám. Do đó, người khám bệnh cũng nên lựa chọn thời gian khám bệnh vào buổi sáng.
- Bạn nên lựa chọn quần áo thoải mái để dễ dàng di chuyển và thực hiện thay đồ theo yêu cầu của nhân viên y tế.
- Với danh mục chẩn đoán hình ảnh X-quang, bạn cần tháo bỏ các vật dụng kim loại trước khi thực hiện chụp X-quang.
- Tham khảo thông tin bệnh sử của cá nhân và gia đình để các bác sĩ có thể tham khảo, đưa ra chẩn đoán chính xác. Nếu bạn đang có bệnh và sử dụng thuốc, bạn có thể mang theo đơn thuốc và hồ sơ bệnh án gần nhất.
- Dành riêng cho các tân sinh viên nữ, bạn không nên đi khám nếu đang trong kỳ kinh nguyệt. Sau khi kỳ kinh kết thúc từ 3 – 5 ngày, bạn có thể tham gia thăm khám bình thường.
Bạn có thể nhận giấy chứng nhận sức khỏe ngay trong ngày khám hoặc sau đó 1-2 ngày tùy từng cơ sở y tế. Chi phí khám sức khỏe bạn cần đóng phụ thuộc vào quy định của cơ sở y tế nhưng thông thường sẽ dao động từ 300.000 – 1.000.000 VNĐ cho các danh mục khám cơ bản.
Trên đây là toàn bộ các thông tin về việc khám sức khỏe chuẩn bị nhập học dành cho tân sinh viên. Hy vọng với những nội dung trong bài viết này bạn sẽ thuận lợi hoàn thành bài kiểm tra sức khỏe đầu vào và có trải nghiệm thời sinh viên tuyệt vời tại giảng đường mơ ước.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!