Giáo dục sức khỏe về bệnh tăng huyết áp

Quan sát các triệu chứng hằng ngày và theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi dùng thuốc. Nếu có các biểu hiện bất thường như đau tức ngực, chảy máu vết chọc mạch, khó thở, táo bón, tiêu chảy… hoặc các phản ứng bất lợi sau khi dùng thuốc cần phải báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Khi giáo dục sức khỏe cho người tăng huyết áp, hãy hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng là một nội dung không thể thiếu trong công tác giáo dục sức khỏe bệnh tăng huyết áp. Vấn đề ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát huyết áp.

Bệnh nhân nên bắt đầu xây dựng chế độ ăn giảm muối. Theo như khuyến cáo, mỗi ngày chúng ta chỉ nên bổ sung thêm khoảng 5g muối hoặc ít hơn là đủ. Lượng muối nạp vào cơ thể càng ít, huyết áp sẽ càng thấp. Chỉ cần ăn muối giới hạn trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp.

Hạn chế ăn chất bột đường, chất béo, mỡ động vật. Nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và hải sản, ưu tiên sử dụng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật.

Cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và các loại đậu hạt để bổ sung đầy đủ chất xơ. Ngoài ra, ăn nhiều rau quả còn giúp tăng cường khoáng chất như kali, canxi và magie. Đây là các yếu tố vô cùng quan trọng giúp ổn định huyết áp.

Đặc biệt, nhiều loại củ quả có hàm lượng kali rất cao như: khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành và nhất là chuối. Vì vậy, chúng ta vẫn thường được khuyên rằng ăn chuối có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp và chống đột quỵ.

Ở những bệnh nhân có thừa cân, béo phì nên thực hiện giảm cân và điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý bằng chế độ ăn giảm calo.

Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân cao huyết áp với chế độ dinh dưỡng hợp lý

Thay đổi các thói quen xấu

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu uống một ít rượu thường xuyên sẽ có tác dụng làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, lạm dụng và uống quá nhiều rượu là nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp. Chính vì thế, khi giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp cần khuyên họ phải hạn chế bia rượu. Nam giới được khuyến khích mỗi ngày chỉ nên đưa vào cơ thể khoảng 30ml ethanol (tức khoảng 330ml bia hoặc 120 ml rượu vang hoặc 30ml rượu whisky). Riêng phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.

Không giống như việc uống rượu bia, từ trước đến nay hút thuốc lá vẫn luôn được cảnh báo là có hại cho sức khỏe. Ngừng hút thuốc là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh lý khác.

Ngoài ra, cũng nên thay đổi một số thói quen như dễ kích động hay thường có cảm xúc mạnh để tránh ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch.

Vận động, phục hồi chức năng

Thực hiện các hoạt động như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp,… là biện pháp cực kỳ hữu hiệu trong việc điều hòa huyết áp. Nhưng cần lưu ý rằng, sau một khoảng thời gian tập luyện có thể là 2 – 3 tháng, huyết áp mới có sự cải thiện rõ rệt.

Vậy nên đòi hỏi phải có sự kiên trì, đồng thời phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc chung: tập luyện thường xuyên, liên tục, tăng dần tốc độ và thời gian tập dựa theo tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Khi mới bắt đầu, nên duy trì thời gian tập luyện từ 20 – 30 phút/mỗi ngày.

Bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các vấn đề khác về tim mạch, chỉ nên đi dạo và hít thở không khí trong lành, tuyệt đối không vận động mạnh.

Cuối cùng, một vấn đề cần phải nhấn mạnh trong giáo dục sức khỏe bệnh tăng huyết áp đó là thời gian điều trị. Tăng huyết áp là một bệnh lý có quá trình chữa trị lâu dài. Sự động viên rất cần thiết để bệnh nhân có thêm động lực điều trị và tuân thủ đầy đủ việc thăm khám định kỳ.

Như vậy, trên đây là các thông tin hữu ích về giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp. Bản thân bệnh nhân hoặc người thân có thể áp dụng để góp phần đẩy mạnh hiệu quả điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Mặt khác, đừng quên chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bảo vệ bản thân một cách tốt nhất.