GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG | Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa

ĐDCKI. Đỗ Thị Tuyết Nga

I. Định nghĩa đái tháo đường:

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết, là hậu quả của thiếu hụt Insulin hoặc bất thường trong hoạt động Insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính đi kèm với tổn thương lâu dài ở các cơ quan như mắt, thận, thần kinh và mạch máu.

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tuyến tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.

Trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước

II. Bệnh đái tháo đường có thể gây ra những biến chứng gì ?

– Biến chứng cấp tính :

+ Do đường huyết tăng cao, có thể gây hôn mê nhiễm cetone hay hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

+ Hạ đường huyết là biến chứng cấp tính, thường do quá liều thuốc, insulin gây nên. Có thể do bệnh nhân nhịn đói, kiêng khem quá mức hay do uống nhiều rượu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê và thậm chí tử vong.

– Biến chứng mãn tính :

+ Biến chứng tim mạch : đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não và mạch máu ngoại biên đưa đến đoạn chi.

+ Biến chứng mắt : bệnh lý võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, giảm thị lực

+ Biến chứng thận : là biến chứng mãn tính thường gặp của đái tháo đường, gây bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận. Điều trị cần chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc để duy trì cuộc sống.

+ Biến chứng thần kinh : biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường gây mất cảm giác ở chân, tay hay dị cảm, tê, gây đau nhức, … là nguy cơ của nhiễm trùng chân đưa đến đoạn chi.

– Vì bệnh có tính chất mãn tính và có thể gây nhiều biến chứng, do đó cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống, … và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

III. Những vấn đề cơ bản mà bệnh nhân đái tháo đường và người thân chăm sóc cho người bệnh cần lưu ý :

1. Chế độ ăn uống :

1.1 Những thực phẩm cần phải hạn chế :

– Thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như xào, đặc biệt là chiên giòn. – Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

– Đồ ngọt như : đường, mía, tất cả các loại sữa chế biến, cà phê, đá chanh, trái cây đóng hộp, kẹo, mứt, chè, mỡ.

– Hạn chế ăn cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, các loại khoai (khoai lang, khoai mì,…), bánh bích qui, trái cây ngọt, trứng.

– Không dùng những thực phẩm làm từ óc, tim, gan, thận, lòng, phèo, và da vì có nhiều mỡ.

– Không ăn mặn.

– Hạn chế uống rượu, hút thuốc vì có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.

1.2 Những thực phẩm tốt cho bệnh :

– Các loại trái cây tươi ít đường như táo, bưởi, cam quýt, … là món ăn cung cấp nhiều vitamin tốt cho người bệnh đái tháo đường.

– Thực phẩm giàu chất xơ như cám ngũ cốc, rau xanh, các loại họ đậu, … có tác dụng giữ nước, hấp thu axit mật sẽ làm giảm đỉnh cao đường huyết sau khi ăn và có thể kéo dài sự hấp thu của chất đường.

– Các loại thịt nạc, đặc biệt là thịt bò vì chứa nhiều axit linoleic tổng hợp có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hóa lượng đường trong máu, ngoài ra còn có tác dụng chống ung thư.

– Các loại cá biển có nhiều axit béo có tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.

2. Vệ sinh cá nhân :

– Thường xuyên kiểm tra da để phát hiện các tổn thương da : sử dụng gương soi nếu cần quan sát sau lưng, mông, bàn chân.

– Xoay trở thường xuyên ít nhất mỗi 2giờ/ lần. Dráp giường trải thẳng, không dồn cục tránh tỳ đè. Nằm nệm chống loét.

– Kiểm tra chân hằng ngày nhằm phát hiện các tổn thương như : chổ phòng, cục chai, bị đỏ,… khi phát hiện cần :

+ Rửa hằng ngày với nước ấm, lau khô bằng khăn lông mềm, sử dụng kem làm ẩm da.

+ Cắt ngắn móng tay, chân, chú ý không cắt quá sát, không cắt khóe.

– Mang giày đúng cỡ. Mua giày vào buổi chiều, đo giày ở tư thế đứng, không mang giày suốt ngày, không mang giày cao su, nhựa, không đi chân không.

– Điều trị tại cơ sở y tế khi có vết thương.

3. Rèn luyện sức khỏe :

– Nên tập những môn thể thao rèn luyện sự dẻo dai như đi bộ, dưỡng sinh, đi xe đạp, bơi lội.

– Duy trì hoạt động thể lực ở mức cho phép. Tập luyện cần phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và sở thích cá nhân.

4. Tuân thủ chế độ điều trị :

+ Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều, không tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của nhân viên y tế.

+ Theo dõi đường huyết thường xuyên.

+ Nên mang theo sổ sức khỏe bên mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Theo tài liệu thông tin chung về bệnh đái thóa đường – Trung tâm tiểu đường Joslin
  2. Bài truyền thông giáo dục sức khỏe đái tháo đường – Bệnh viện An Giang
  3. Chăm sóc bệnh nhân Nội khoa – Bệnh viện 108
  4. Hướng dẫn chăm sóc bệnh Nội khoa – BV TW Huế