Danh pháp
Tên khoa học
Caulis Cinnamomi cassiae.
Tên tiếng Việt
Vỏ thân hoặc vỏ cành nhỏ của cây Quế.
Phân loại khoa học
Họ Long não – Lauraceae.
Mô tả cây
Quế là một cây gỗ to, cao 10 – 20m.
Cành hình trụ tròn, nhẵn, thường chặt khúc dài từ 2 – 4cm. Mặt ngoài có màu nâu đến nâu đỏ, có nhiều vết nhăn dọc nhỏ và các vết sẹo cành, sẹo của chồi và nhiều lỗ vỏ. Chất cứng giòn, dễ gãy, mùi thơm nhẹ vị ngọt và hơi cay.
Lá mọc so le, phiến lá dày cứng và dài, dài khoảng 12 – 15cm, hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng; mặt dưới màu xám tro, hơi có lông lúc còn non; có 3 gân hình cung, nổi rõ ở mặt dưới, gân bên kéo dài đên đầu lá, gân phụ nhiều, song song; Cuống lá to, mặt trên có rãnh, dài 1,5 – 2cm.
Cụm hoa hmọc ở kẽ lá gần đầu cành thành chùy dài 7 – 15cm; bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trắng, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ. Quả hạch hình trứng hoặc hình bầu dục, có cạnh thuôn dài, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc hơi chia thùy, khi chín màu nâu tím. Toàn cây có mùi thơm.
Sinh thái
Quế có nguồn gốc ở Việt Nam. Các quần thế Quế mọc hoang dại được phát hiện trong các kiểu rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay tương đối nguyên sinh ở độ cao 500 – 700m trở lên.
Quế là cây gỗ ưa sáng và chịu bóng, nhất là lúc cây còn nhỏ. Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, cây mọc được trên nhiều loại đất ẩm, nhiều mụn và tơi xốp. Quế có bộ rễ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất nên ít bị đổ khi có gió bão.
Mùa hoa nở: tháng 4 – 7; mùa ra quả: tháng 10 – 12.
Phân bố
Trên thế giới
Quế được trồng nhiều ở Trung Quốc, Srilanca.
Tại Việt Nam
Được trồng ở các tỉnh phía Bắc đến phía Nam của miền Trung như Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghê An, Quảng Ninh.
Bộ phận dùng
Vỏ thân, vỏ cành nhỏ hay non được phơi hay sấy khô của cây Quế.
Thu hái, chế biến
Thu hái
Quế chi thường được thu hái vào mùa xuân và mùa hè, bỏ lá lấy cành phơi hoặc sấy khô, hoặc nhân lúc còn tươi chặt đoạn dài 2 – 4cm, phơi hoặc sấy khô.
Chế biến
Đem phơi khô trong râm hoặc ngoài nắng, sau đem cắt thành lát mỏng.
Bảo quản
Để dược liệu trong bì kín ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Quế chi chứa tinh dầu 0,43 – 1,35%. Thành phần chính của tinh dầu Quế chi là aldehyd cinnamic (khoảng 80 – 95%).
Ngoài ra còn có acid cinnamic và lượng nhỏ cinnamil acetae, phenylpropyl acetate, trans-acid cinnamic, coumarin, acid protocatechic…
Theo một tài liệu, vỏ quế có β-sitosterol, cholin, acid protocatechuic, acid vanilic, acid syringic. Nhiều năm gần đây, Quế chi được chứng minh có nhiều diterpen có tác dụng bổ thể gọi là cinnacassiol. Ngoài ra, còn có dẫn chất của flavonol và nhiều chất thơm cũng ở trong Quế chi.
Tác dụng dược lý
Giãn mạch, làm ra mồ hồi
Quế chi dùng riêng có tác dụng làm ra mồ hôi yếu; khi phối hợp với Ma hoàng, tác dụng nhanh lên. Thực nghiệm cho thấy, tinh dầu Quế chi có tác dụng giãn mạch, cải thiện tuần hoàn huyết dịch, tăng cường tưới máu ngoại vi (biển), nhờ vậy mà có tác dụng làm ra mồ hôi và hạ sốt.
Hạ sốt, giảm đau
Dịch chiết nước Quế chi, aldehyd cinnamic, acid cinnamic có tác dụng hạ sốt trên thỏ gây sốt thực nghiệm, đồng thời có tác dụng hạ thân nhiệt và hạ nhiệt độ da ở chuột nhắt trắng sinh lý. Tác dụng hạ sốt của Quế chi là làm giãn mạch dưới da, tăng khả năng tán nhiệt, gây tăng tiết mồ hôi. Dịch chiết nước Quế chi hoặc cắn chiết nước thêm tinh dầu Quế dùng đường uống làm tăng ngưỡng chịu đau trên chuột nhắt trắng.
Chống viêm và chống dị ứng
Dịch chiết nước Quế chi, tinh dầu Quế chi có tác dụng ức chế đối với nhiều tác nhân gây viêm cấp, làm giảm mạnh tính thấm thành mạch. Tinh dầu Quế còn có tác dụng ức chế viêm mạn trên mô hình u hạt thực nghiệm bằng cách cấy cầu bông ở chuột nhắt trắng. Thực nghiệm cho thấy, cơ chế tác dụng kháng viêm của Quế chi là do ức chế tổng hợp histamin, ức chế tổng hợp và giải phóng PGE, dọn gốc tự do… Quế chi có khả năng ức chế IgE, làm bền tế bào mast, ức chế giải phóng các chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt tính của bổ thể.
Kháng vi sinh vật gây bệnh
Cắn chiết ethanol của Quế chi có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus, E. coli, Streptococcus pneumoniae, Bacillus anthraci; tinh dầu Quế, aldehyd cinnamic có tác dụng ức chế Mycobacterium tuberculosis, Influenza virus ECHO 11 in vitro.
An thần, chống co giật
Dịch chiết nước Quế chi, tinh dầu Quế chi, aldehyd cinnamic có tác dụng giảm hoạt động tự chủ của chuột nhắt trắng, tăng tác dụng gây ngủ của barbiturat, đối kháng với tác dụng gây hưng phấn TKTW của amphetamin; đối kháng tác dụng gây co giật trên chuột nhắt ứắng của strychnin, nicotin.
Tính vị, tác dụng
Tính cam, tân, ôn, vị cay, mùi thơm.. Quy vào ba kinh tâm, phế và bàng quang.
Công năng: Giải biểu hàn, phát hãn giải cơ, thông dương khí, ôn thông kinh mạch, hóa khí.
Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, khí huyết ứ trệ, đau bụng lạnh, bế kinh do huyết hàn, đau nhức xương khớp, đàm ẩm, tâm quý, thùy thùng, phù, đái không thông lợi.
Công dụng và liều dùng
Công dụng
Có tác dụng kích thích tiêu hóa, trợ hô hấp và tuần hoàn, tăng sự bài tiết, co mạch, tăng nhu động ruột và co bóp tử cung, chống khối u, chống xơ vữa động mạch vành, chống oxy hóa.
Quế chi thang có công năng hạ sốt, phát hãn, chống viêm, giảm đau, ức chế virus cúm, tăng cường miễn dịch.
Ngoài ra, Quế chi còn được dùng làm thuốc cấp cứu bệnh do hàn như chân tay lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tả lỵ, thũng do tiểu tiện bất lợi, kinh bế, rắn cắn, ung thư.
Liều dùng
Ngày dùng từ 3 – 10g, dạng thuốc sắc.
Các thầy thuốc Đông Y thường cho phối hợp cùng các vị thuốc khác.
Một số bài thuốc
Chữa cảm mạo (Quế chi thang)
Quế chi 8g; Cam thảo, Thược dược, Sinh khương, mỗi vị 6g; Táo đen 4 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống nóng trong ngày.
Chữa thấp khớp mạn tính thể hàn
Quế chi, Thương truật, mỗi vị 260g; Hắc phụ chế, Cam thảo, mỗi vị 160g; Ma hoàng, Tế tân, mỗi vị 80g. Thương truật ngâm nước gạo, thái mỏng sao vàng, các vị khác thái nhỏ phơi khô, tán lẫn, rây mịn. Ngày uống 20g chia 2 lần trước bữa ăn.
Chữa viêm khớp dạng thấp đang tiến triển
Quế chi, Bạch thược, Thương truật, Phòng phong, Tri mẫu, mỗi vị 12g; Gừng tươi, Ma hoàng, Hắc phụ chế, mỗi vị 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm phế quản mạn tính
Quế chi 12g, Phục linh 16g, Bạch truật 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa hen phế quản khi hết cơn
Quế chi 8g; Đại táo 12g; Bạch thược, Hoàng kỳ, mỗi vị 8g; Gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm loét dạ dày – tá tràng
Quế chi 8g; Hoàng kỳ 16g; Đại táo 12g; Hương phụ, Bạch thược, mỗi vị 8g; Sinh khương, Cam thảo, Cao lương khương, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa bế kinh, chậm kinh, đau bụng kinh
Quế chi, Gừng sao cháy, mỗi vị 12g; Ích mẫu, Củ gấu, mỗi vị 20g; Ngải cứu 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa nôn mửa khi có thai
Quế chi 8g; Bạch thược 12g; Đại táo 8g; Cam thảo, Sinh khương, mỗi vị 6g. Sắc uống.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Quế chi
Âm hư, dương thịnh, hỏa vượng và phụ nữ có thai không dùng.
Không sử dụng Quế chi cho các bệnh nóng sốt.
Bệnh nhân suy gan hoặc có vấn đề về gan, bệnh nhân bị xuất huyết hay tổn thương ở yết hầu cũng nên kiêng kị.
Không nên lạm dụng Quế chi vì có thể gây ra những ảnh hương không tốt đến sức khỏe.
Nên tham khảo tư vấn của các bác sĩ và thấy thuốc để sử dụng Quế chi một cách tốt nhất, an toàn, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!