Mẹ biết lười con nên người – Mỗi ngày 1 cuốn sách

QUA CUỐN SÁCH NÀY, BẠN SẼ BIẾT:

* Làm thế nào để dạy con ngủ trên giường của mình, dọn dẹp đồ chơi và tự mặc quần áo. * Khi nào nên và không nên giúp đỡ con. * Làm thế nào để tắt chế độ “bà mẹ hoàn hảo” và bật chế độ “bà mẹ lười”. * Mức độ nguy hiểm của việc quan tâm, chăm sóc trẻ quá mức và làm thế nào để tránh khỏi vấn đề này. * Phải làm gì khi con nói: “Con không muốn”. * Làm thế nào để giúp con tin vào sức mạnh của bản thân. * Nuôi dạy con theo phương pháp Coaching là gì? Tôi là một bà mẹ lười. Không những lười, tôi còn ích kỉ và vô tư trong con mắt một số người. Nhưng tôi thành như vậy bởi tôi muốn lũ trẻ của mình trở nên độc lập, chủ động và có trách nhiệm. Với vai trò một bà mẹ, tôi cần cho lũ trẻ cơ hội càng nhiều càng tốt để giúp chúng hình thành và thể hiện những phẩm chất kể trên. Và trong trường hợp này, sự lười biếng của tôi đóng vai trò một cái phanh tự nhiên, để kìm hãm và hạn chế bớt sự “tích cực” quá mức đến độ “không cần thiết” có thể bắt gặp ở bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Sự “tích cực” này được thể hiện qua những nỗ lực không mệt mỏi để mang lại những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của con cái bằng cách làm mọi thứ cho con, thay con. Tôi là người mẹ lười biếng, tôi đối nghịch, tương phản hoàn toàn với những bà mẹ mà tôi gọi vui là “các bà mẹ siêu nhân” bởi trong họ tập hợp đầy đủ: siêu tích cực, siêu lo lắng và siêu quan tâm. Vâng, tôi là một bà mẹ lười? Nhưng bạn có bao giờ đặt câu hỏi này chưa:

TRẺ THỰC SỰ CẦN MỘT NGƯỜI MẸ NHƯ THẾ NÀO?

Đứa trẻ không cần một bà mẹ biết “hy sinh”. Đứa trẻ cần một người mẹ biết yêu thương và hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là một người mẹ nên từ bỏ công việc hay cấm cản bản thân mình. Một số bà mẹ cần phải làm việc chăm chỉ hơn vì hạnh phúc. Vấn đề không phải là chúng ta dành bao nhiêu tiếng một tuần cho công việc mà là Động lực. Những câu nói như “Mẹ đã làm việc suốt cuộc đời vì con!” hay “Vì con, mẹ đã từ bỏ sự nghiệp của mình!”, thậm chí tệ hại hơn “Mẹ đã không đi bước nữa vì con! Mẹ không muốn một ông bố dượng bước vào căn nhà của chúng ta!”, “Vì con mẹ đã phải sống cuộc sống không có tình yêu với bố, mẹ đã phải chịu đựng để con được lớn lên trong gia đình đầy đủ!” là những tổn thương không bao giờ lành được trong cuộc đời đứa trẻ, kể cả về tâm sinh lý khi chúng đã trưởng thành. Thật ra bạn chỉ đang cố gắng đổ trách nhiệm lên những đứa trẻ, thay vì thừa nhận rằng bạn đã không biết cách sống như thế nào. Những đứa trẻ sẽ sống và trưởng thành ra sao khi nhận ra mình chính là lý do khiến mẹ không hạnh phúc?

THỨ NHẤT: Lấy hạnh phúc của mình đền đáp lại sự hi sinh của mẹ giống như bà đã từng. Bạn chắc chắn cũng gặp những trường hợp kiểu như một người đàn ông, con trai của một bà mẹ đơn thân, không thể sắp xếp được cuộc sống cá nhân và vẫn là một người độc thân dù đã bước sang tuổi 40. Liệu đó có phải là một sự lựa chọn có ý thức? Than ôi, mỗi lần cậu con trai này đi hẹn (dù cậu 20 hay 30 tuổi) đều khiến người mẹ cảm thấy “phát sốt”. THỨ HAI: Nhìn nhận mẹ như một hình mẫu về sự hy sinh. Khi có con hãy theo gương của mẹ, nghĩa là hy sinh bản thân mình cho con cái. THỨ BA: Có thể giữ khoảng cách với mẹ để hạn chế nghe những lời trách móc về sự vô ơn, để bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác tội lỗi. Nếu bạn cho rằng mẹ đã hy sinh bản thân vì mình, bạn sẽ khó mà tránh hay thoát ra khỏi cảm giác tội tỗi. THỨ TƯ: (Cách dễ chịu nhất nhưng rất hiếm gặp). Những đứa trẻ lớn lên vẫn là những con người hạnh phúc và chúng giúp mẹ trở nên hạnh phúc hơn dù chỉ một chút. Nhưng tốt hơn hết hãy theo trật tự: một bà mẹ hạnh phúc sẽ dạy những đứa con của mình trở thành những người hạnh phúc. Trẻ không học được nhiều từ lời nói mà chính từ hình mẫu của cha, mẹ mình. Vì hạnh phúc của trẻ, bạn hãy tự đi tìm công thức hạnh phúc của chính mình. Đừng hy sinh và mệt mỏi quá mức. Và đừng quên chăm sóc bản thân.

Tác giả: Anna Bykova Giá: 89.000đ Số trang: 284 trang Nhà xuất bản: Lao động