Nhạc sĩ Trúc Phương theo tôi được biết thì ông có tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình (tức tỉnh Trà Vinh, được đổi tên thành Vĩnh Bình thời cụ Ngô) cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn.
Nhạc sĩ Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết,… Sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản “Tình thương mái lá” và “Tình thắm duyên quê” viết vào năm 1957; sau đó là “Chiều làng em” (1958) và “Đò chiều” (1959). Gia tài của nhạc sĩ Trúc Phương gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950; phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại Sài Gòn như: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa, Mưa nửa đêm…
Trong số nhiều bài hát của ông, tôi vẫn thích nghe nhất là bài Mưa nửa đêm – đặc biệt là trong mấy tháng hè của Sài Gòn – cứ tối tối là mưa rả rích xuyên đêm. Nằm trên gác nhỏ của phòng trọ, nghe tiếng mưa đổ trên mái tôn, lúc tí tách, lúc ầm ào, con người ta dễ đi vào cõi nhớ với từng ngóc ngách kỷ niệm.
Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi, Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang Anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ Gói trọn trong tuổi nhớ
Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay, Có phải vì tâm tư dấu kín trong thư còn đây, Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến Giấc ngủ chưa đến tìm.
Bạn cùng phòng trọ của tôi cũng thuộc dạng “sương sa hột lựu” giống tôi, rất thích nghe mấy bản nhạc buồn đêm mưa. Hễ tối tối, trời mưa, là lại mở bài Mưa nửa đêm, mà cũng giống tôi, toàn nghe cô Thanh Thúy hát mà thôi.
Mưa nửa đêm, ta đã buồn Nghe Thanh Thúy hát lại càng buồn thêm.
Lần đầu tiên khi nghe bài này do ca sĩ Thanh Thúy hát, nàng “sương sa hột lựu” đã phán như vậy. Mà cũng đúng thiệt, lời bài hát cùng với giai điệu da diết vốn đã gây xốn xang trong lòng người nghe; lại thêm giọng hát xuyên tim của ca sĩ Thanh Thúy nữa, hỏi lòng có đau không?
Ngoài hiên mưa tuôn mưa lạnh xuyên qua áo ai. Canh dài nghe bùi ngùi Mưa lên phố nhỏ có một người vừa ra đi đêm nay Để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi.
Không biết tâm tư của đứa bạn cùng phòng như thế nào, riêng tôi, khi nghe bài hát Mưa nửa đêm, tôi thấy có một phần đời mình trong đó. Tôi cũng đã nuốt nước mắt vào trong lòng để tiễn người đi trong đêm mưa. Trên sân ga vắng lạnh, dưới cơn mưa đêm, nhìn theo bóng chàng xa dần bên khung cửa của chuyến xe lửa đi về miền quê cát trắng, tôi biết khó mà có ngày gặp lại. Mà đúng thật, hơn mười năm rồi, người ấy đã vĩnh viễn rời khỏi tim tôi để nhảy vào tim của một cô gái cùng quê, theo lời cha mẹ.
Khi trót gửi những hình ảnh của tim vào lòng đêm, Những kỷ niệm cho nhau nếu mất đi xin đừng quên Tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt Những giọt mưa cuối cùng.
Bạn hỏi tôi, buồn không? Tôi thú thật, có buồn, nhưng đó là tâm trạng của những năm xưa. Còn bây giờ thì không buồn nữa. Vì sao à? Vì có lẽ tận bây giờ mới hiểu, tất cả đều là duyên số. Nếu tôi với chàng mà lấy nhau thì chắc bây giờ phải bù đầu bù cổ với một tiểu đội con cái, có thời gian đâu mà nghe Mưa nửa đêm, thời gian đâu mà ngắm mưa qua ô cửa sổ, thời gian đâu mà làm đẹp cho đời. “Hi hi hi. Bà nói vậy cho đỡ tủi đó thôi. Tui biết mà!” – Bạn nói như tạt nước vô mặt. Trời ơi, thiệt là…
Dù sao, tôi vẫn cảm ơn nhạc sĩ Trúc Phương đã để lại cho đời bài hát này. Nhờ vậy mà tôi thấy yêu đời hơn qua hơn chục mùa mưa ở Sài Gòn – trong căn gác nhỏ yêu thương đã gắn bó cùng tôi với cô bạn chanh chua muối mặn, sương sa hột lựu nhưng lại thương tôi vô cùng.
Bạch Thạch
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!