Dấu ấn của Đề cương cách mạng miền nam

Chuyển hướng đấu tranh

Theo PGS, TS Chu Đình Lộc, Trường đại học Khánh Hòa, Đề cương cách mạng miền nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn ra đời đúng thời điểm mọi thứ đi vào bế tắc. Đây là văn kiện quan trọng hướng dẫn các đảng bộ ở miền nam kịp thời chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, đồng thời góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15.

Trong những năm tháng cam go đấu tranh yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đế quốc Mỹ thi hành Hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã từng bám trụ, lăn lộn với phong trào khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông, Sài Gòn – Chợ Lớn nên nắm chắc tình hình, đánh giá đúng âm mưu của địch. Tháng 8/1956, Đề cương cách mạng miền nam hoàn thành, mở ra bước ngoặt mới cho quân và dân ta. “Bản đề cương này đã tác động trực tiếp đến phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm ở miền nam nói chung, các tỉnh cực Nam Trung Bộ nói riêng, làm chuyển hướng phương thức đấu tranh của nhân dân, từ đấu tranh chính trị hoàn toàn sang đấu tranh chính trị kết hợp tự vệ vũ trang. Quân và dân ta thời điểm đó phấn khởi lắm. Ở giai đoạn này các tỉnh Nam Trung Bộ lần lượt thành lập các đội vũ trang. Lực lượng vũ trang những năm chống Mỹ bắt đầu hình thành từ năm 1958, sau đó chúng ta dấy lên cao trào đồng khởi 1960, tạo chuyển hướng chiến lược cách mạng quan trọng”, TS Lộc cho biết thêm.

Trong bản đề cương với 24 trang viết tay, đồng chí Lê Duẩn xác định “Chính quyền miền Nam hiện nay không chỉ là chính quyền do bọn thực dân cũ và phong kiến bị bại trận để lại, mà còn là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới, của tên đế quốc đầu sỏ rất hiếu chiến đang có mưu đồ xâm lược nước ta là đế quốc Mỹ”. Căn cứ vào tình hình thực tế và những khó khăn mà quân và dân ta đang nếm trải, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát-xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”.

Thay đổi bước ngoặt

Sau khi phân tích tình hình và bàn thảo nhiều vấn đề, tại Hội nghị lần thứ II của Xứ ủy Nam Bộ (tháng 12/1956) do đồng chí Lê Duẩn chủ trì, Xứ ủy Nam Bộ đã quyết định chủ trương “xé rào”, mở đường cho cách mạng miền nam phát triển theo hướng có kết hợp đấu tranh vũ trang. TS Võ Văn Thật, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, chủ trương “xé rào” của Xứ ủy Nam Bộ vào thời điểm đó đã mở ra một lối thoát tuy hẹp nhưng rất quan trọng đối với sự tồn vong của cách mạng miền nam. Ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, nhiều lực lượng vũ trang bí mật đã được thành lập trở lại để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị diễn ra có hiệu quả.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Đề cương cách mạng miền nam ra đời đúng thời điểm đã góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo với niềm tin chiến thắng rất lớn. Từ nội dung của bản đề cương, các đảng bộ địa phương lúc đó tập trung vào ba việc: có biện pháp đối phó với bọn ngoan cố, tổ chức vũ trang tự vệ và xây dựng căn cứ địa vững chắc.

Trong khi đợi Nghị quyết Trung ương 15 được truyền đạt đến, các đảng bộ phía nam khi đó đã chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hoàn cảnh thực tế cũng như nội dung Đề cương cách mạng miền nam mà dần tiến hành khởi nghĩa, giải phóng vùng miền núi phía tây các tỉnh đồng bằng, phát động nhân dân phá các khu tập trung của địch, đưa dân trở lại núi rừng, lập căn cứ kháng chiến chống Mỹ – Diệm. Cuộc nổi dậy của nhân dân Bác Ái vào năm 1959 đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở miền núi, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa từng phần ở miền núi, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong toàn Liên khu V chuyển sang thế tấn công.

Cùng với phong trào đồng khởi trên toàn miền nam, các cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ lúc bấy giờ đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ – Diệm, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang thời kỳ chủ động tiến công địch, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Hội thảo khoa học quốc gia “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền nam (1945-1975)” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ 45 cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trên cả nước. Với gần 60 bài tham luận, hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính nhằm làm bật lên vai trò cũng như những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn cho cách mạng miền nam, gồm: “Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1945-1954)”; “Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền nam Việt Nam (1954-1975)” và “Đồng chí Lê Duẩn với văn hóa, giáo dục kháng chiến”.