Daylight saving time – tiết kiệm ánh sáng ban ngày

Daylight saving time hay còn gọi là quy ước giờ mùa hè là khái niệm thường được nhắc đến nhiều ở những quốc gia ôn đới hay gần cực, với ý nghĩa tiết kiệm năng lượng chiếu sáng khi tận dụng ánh sáng ban ngày bằng cách chỉnh đồng hồ sớm hơn một tiếng so với bình thường.

Daylight saving time là gì?

Tiết kiệm ánh sáng ban ngày – Daylight saving time là chiến dịch thiết lập đồng hồ sớm hơn 1 giờ so với chuẩn quốc tế trong những tháng mùa hè và lùi lại 1 tiếng khi đến mùa thu, để có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách triệt để hơn.

Daylight saving time - tiết kiệm ánh sáng ban ngày

Trong xã hội học công nghiệp, người ta thường làm việc dựa theo một lịch trình đồng hồ có sẵn và không hề thay đổi trong suốt một năm. Tất cả những thói quen và lịch trình này đều bị chi phối bởi quãng thời gian ban ngày, trong khi đó thời gian này lại bị thay đổi theo mùa, do độ nghiêng trục quay của Trái Đất. Phía Bắc và phía Nam của vùng nhiệt đới có ánh sáng ban ngày kéo dài lâu hơn vào mùa hè và ngắn hơn vào mùa đông.

Bằng cách chỉnh lại đồng hồ sớm hơn 1 tiếng so với thời gian tiêu chuẩn, mọi người sẽ bắt đầu thức dậy sớm hơn 1 giờ, bắt đầu làm việc và hoàn thành công việc sớm hơn, tận dụng được thêm thời gian và năng lượng chiếu sáng vào ban ngày, giảm thiểu chiếu sáng ban đêm nhờ ngủ sớm.

Daylight saving time thường bắt đầu vào những tháng của mùa hè, cụ thể là ngày chủ nhật thứ hai của tháng 3, và kết thức vào mùa đông, nghĩa là chủ nhật đầu tiên của tháng 11.

Lịch sử hình thành ngày daylight saving time

Quy ước giờ mùa hè được đề xuất đầu tiên bởi Benjamin Franklin, từ một bức thư được gửi tới Tạp chí Paris. Nhưng thực tế, nội dung của bức thư chỉ là muốn mọi người nên có ý thức dậy sớm hơn vào mùa hè. Quy tắc này nghiêm túc được đề xuất bởi William Willett trong bài viết “Lãng phí ánh sáng ban ngày” – Waste of Daylight được xuất bản vào năm 1907, mặc dù vậy, quy ước tiết kiệm ánh sáng ban ngày lại không được Quốc hội Anh thông qua.

Vào năm 1916, Chính phủ Đức đã áp dụng quy ước này khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngay sau đó Quốc hội Anh cũng thông qua và bắt chước theo. Dần dần nhiều nước khác cũng bắt đầu áp dụng quy ước này cho quốc gia mình, đặc biệt là những nước ôn đới.

Vào ngày 31/3/1918, quy định này chính thức có hiệu lực ở Mỹ, nhưng đã vấp phải rất nhiều sự phản đối từ phía nhân dân và phải rút lại sau đó. Bộ luật dần được áp dụng trở lại vào ngày 9/2/1942, như một cách để tiết kiệm tài nguyên nhằm cung cấp năng lượng cho Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ hai. Và khi chiến tranh kết thúc đạo luật này lại được bãi bỏ.

Năm 1966, Mỹ ra “Luật Thống nhất thời gian” yêu cầu cả nước thực thi Daylight saving time bắt đầu từ chủ nhật cuối cùng của tháng 4, và kết thúc vào ngày chủ nhật của tháng 10 hằng năm.

Năm 1998, theo điều luật 2000/84/CE của Quốc hội Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã thống nhất lịch đổi giờ tại tất cả các nước thành viên.

Hưởng ứng ngày daylight saving time

Chiến dịch Daylight saving time là một chiến dịch nhằm tiết kiệm năng lượng nhưng chỉ diễn ra ở các nước ôn đới. Tại những quốc gia ở gần đường xích đạo, ngày và đêm có chiều dài gần bằng nhau (12 giờ), nhưng ở những nơi khác, ánh sáng ban ngày có thể kéo dài hơn vào mùa hè. Do đó, Daylight saving time thường trở nên vô dụng đối với những quốc gia ở vùng nhiệt đới hoặc gần đường xích đạo. Đó là lí do vì sao ở Việt Nam không áp dụng quy luật này vào cuộc sống.

Để ủng hộ phong trào tiết kiệm năng lượng, thay vì chỉnh đồng hồ sớm hơn một giờ như các nước ôn đới, ta có thể tiết kiệm năng lượng chiếu sáng bằng các cách khác nhau. Chẳng hạn sử dụng bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng như đèn LED, đèn huỳnh quang, hạn chế sử dụng đèn sợi đốt, hoặc chỉ sử dụng đèn chiếu sáng khi cần thiết.