Đau cứng cổ không xoay đầu được: Đừng chủ quan coi thường!

Cột sống cổ là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, chứa 7 đốt sống cùng nhiều cơ, gân, dây chằng và xương làm nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau, bảo vệ tủy sống bên trong ống tủy sống và giúp cổ có thể xoay chuyển theo nhiều hướng. Khi các bộ phận này bị tổn thương sẽ gây ra triệu chứng đau cứng cổ rất khó chịu, thường gặp nhất là sau khi ngủ dậy vào buổi sáng. Nếu bạn hoặc người thân cũng gặp tình trạng này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu đau cứng cổ là bệnh gì?

Cổ đau cứng là triệu chứng vùng cổ bị đau nhức với nhiều mức độ, khi đó cơ của vùng cổ thường bị co cứng khiến người bệnh không thể xoay đầu, rất khó cử động.

Bệnh thường xuất hiện bất ngờ vào buổi sáng hoặc sau khi vận động mạnh. Đôi khi triệu chứng thường xuất hiện thoáng qua hoặc ở mức độ nhẹ nên dễ bị bỏ qua. Thế nhưng khi đau cứng cổ lâu ngày mà không có hướng điều trị kịp thời thì bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Một số triệu chứng của bệnh đau cứng cổ:

  • Đau nhức ở vùng cổ, cơn đau ngày càng tăng.
  • Triệu chứng đau thường kèm với căng cơ nên hạn chế vận động, xoay cổ bị đau.
  • Khởi phát từ cơn đau cứng cổ, sau đó người bệnh bị đau đầu, hoặc cơn đau có thể lan xuống vai, cánh tay và bàn tay.
Đau cứng cổ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh
Cổ bị cứng là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

2. Nguyên nhân khiến cổ căng cứng không xoay được

Lý do khiến đau cổ không xoay được có thể kể đến như sau:

2.1. Do căng cơ hoặc tổn thương mô mềm

Các cơ thường bị kéo căng trong các hoạt động hàng ngày kèm theo ít vận động như:

  • Giữ cổ ở một vị trí trong thời gian dài như nghe điện thoại bằng cách kẹp vào cổ và vai, ngồi xem máy tính hoặc điện thoại, lái xe…
  • Vận động và di chuyển đầu sang hai bên nhiều lần.
  • Ngủ sai tư thế, nằm kê gối quá cao hoặc quá thấp.
  • Chấn thương thể thao, tai nạn lao động.
  • Tâm lý căng thẳng, áp lực.
  • Mang vác vật nặng ở một bên vai.

Xem ngay: > Căng cơ ở cổ và 5 nguyên nhân thường gặp nhất > Những cách phòng tránh chấn thương trong thể dục thể thao

2.2. Do bệnh lý

Bên cạnh nguyên nhân do các thói quen sinh hoạt thì các bệnh lý về xương khớp cũng khiến cho cổ đau cứng. Một vài bệnh xương khớp thường gặp như:

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị rò rỉ ra bên ngoài qua khe hở của bao xơ bị rách, chui vào ống sống, khiến các dây thần kinh xung quanh bị chèn ép và gây đau cứng cổ.

Thoái hóa cột sống cổ: Theo thời gian, khi tuổi tác càng lớn thì các đốt sống cổ, đĩa đệm, sụn khớp sẽ dần bị mài mòn, tiến trình thoái hóa tiến triển gây nên các cơn đau nhức khó chịu và dễ dẫn đến cổ bị căng cứng.

Hẹp ống sống cổ: Bệnh do các nốt viêm ở khớp làm cho diện khớp giữa các đốt sống cổ phình to ra, gây chèn ép dây thần kinh và tủy sống. Từ đó, bệnh gây nên các cơn đau mỏi vai gáy, cổ đau cứng, cảm giác tê bì cánh tay.

Viêm màng não: Viêm màng não cũng có thể làm đau cổ không xoay được. Bệnh gây nên tình trạng viêm nhiễm ở cột sống và não tủy bởi các vi rút, vi khuẩn và nấm. Ngoài đau cứng cổ, người bệnh còn có thể bị sốt, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, nhức đầu…

Cứng cổ không xoay được có thể là dấu hiệu của bệnh xương khớp và cột sống
Cứng cổ không xoay được do nhiều nguyên nhân gây nên, chính vì vậy bệnh nhân cần theo dõi và thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa nhé!

3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh đau cứng cổ

Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, trước tiên các bác sĩ sẽ hỏi thăm người bệnh về tiểu sử các bệnh đã mắc phải, sau đó tiến hành khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:

Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI: Thông qua các hình ảnh sau khi chụp, bác sĩ sẽ dễ dàng nhận biết được nguyên nhân khiến cổ bị đau cứng.

Xét nghiệm máu: Xác định người bệnh có bị viêm hoặc nhiễm trùng hay không, vì đây cũng có thể là nguyên nhân gây đau cứng cổ.

4. Cách điều trị đau cứng cổ, vùng gáy

Hiện nay, các phương pháp điều trị đau cứng cổ vai gáy gồm có:

4.1. Chườm nóng/lạnh xen kẽ

Trong vài ngày đầu tiên, người bệnh có thể dùng đá lạnh hoặc túi chườm đá chuyên dụng đặt vào vùng bị đau trong khoảng 15 – 20 phút để giảm sưng viêm, đau nhức và thư giãn các cơ.

Sau đó, người bệnh có thể xen kẽ chườm nhiệt nóng với một miếng đệm nóng ở mức vừa phải, hoặc bằng cách tắm nước ấm để xoa dịu cơn đau cứng cổ.

Chườm nóng lạnh xen kẽ là cách chữa trị cứng cổ tạm thời
Chườm nóng/lạnh xen kẽ là cách chữa trị cứng cổ tạm thời với mức độ đau nhức nhẹ.

4.2. Dùng thuốc giảm đau

Nếu chườm nóng/lạnh không có hiệu quả, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như Ibuprofen, Acetaminophen, thuốc chống trầm cảm, tiêm Steroid, thuốc giãn cơ để giảm đau nhức, sưng viêm khó chịu. Thế nhưng, việc sử dụng thuốc cần phải cẩn thận, có sự hướng dẫn của bác sĩ để không gặp phải những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

4.3. Thay đổi lối sống

Người bị cổ đau cứng cũng nên thay đổi các thói quen sinh hoạt của mình như tập thể dục kéo giãn cơ nhẹ nhàng, hạn chế ngồi yên một vị trí trong thời gian dài, nằm ngủ đúng tư thế, dùng gối kê vừa phải, đồng thời biết thư giãn, kiểm soát căng thẳng để giảm các cơn đau nhức, căng cứng khó chịu.