Đại thọ, thượng thọ – Báo Đà Nẵng điện tử

* Cách dùng các từ hưởng dương, hưởng thọ, thượng thọ, đại thọ… trên sách báo, tài liệu và ngày cả ngoài đời nhiều nơi không đồng nhất. Theo quý báo, nghĩa của các từ này là như thế nào? (Xuân Ngọc, Thuận Phước, Đà Nẵng) .

* Pháp luật quy định việc tổ chức lễ mừng thọ như thế nào. (Lê Văn Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Một trong những biển ngạch (tấm bảng treo trong nhà) thường được con cháu dâng tặng các cụ trong lễ mừng thọ. Nguồn: Internet Một trong những biển ngạch (tấm bảng treo trong nhà) thường được con cháu dâng tặng các cụ trong lễ mừng thọ. Nguồn: Internet

– Về từ hưởng dương, đúng như ông nói, hiếm thấy trong từ điển. Nếu tách từng chữ ra thì hưởng là nhận lấy mà dùng, dương chỉ sự sống (ngược với âm là cõi người chết). Chúng tôi chỉ thấy hưởng dương có trong Từ điển Việt – Việt (tra trực tuyến tại tratu.soha.vn) và được giải thích là động từ, cách gọi trang trọng để nói về việc con người “đã được sống trên cõi đời” (thường nói về người chết trẻ). Từ điển đó chỉ giảng hưởng dương “thường nói về chết trẻ”, nhưng lại không giải thích chết ở độ tuổi nào gọi là “chết trẻ”.

Theo quan niệm dân gian, chết khi chưa tới 60 tuổi thì được gọi là hưởng dương. Bởi người xưa cho rằng khi “chúc thọ” cho ai thì người đó ít nhất phải được 60 tuổi (gọi là đáo tuế), nghĩa là tròn một hoa giáp. Ví dụ năm nay là năm Đinh Dậu, ai sinh trong năm nay thì 60 năm nữa giáp lại Đinh Dậu mới được gọi là hưởng thọ.

Theo cách hiểu thông thường, chữ “thọ” dùng chỉ những người có tuổi tác cao, sống lâu. Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh chia ra ba thứ bậc: 60 tuổi gọi là Hạ thọ, 70 tuổi gọi là Trung thọ, 80 tuổi gọi là Thượng thọ.

Ngày trước, người Việt bốn mươi tuổi đã được làng xóm, tộc họ quý như lão ông bây giờ. Trong làng, 50 tuổi đã được làm lễ lên lão. Tuy không phải là chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các vị này ra chốn đình trung đã được mời ngồi riêng ở chiếu trên. Xã hội ngày một tiến bộ, mức sống người dân được cải thiện và tuổi thọ từ đó cũng được nâng cao dần. Nếu ở thời cụ Đào Duy Anh soạn từ điển, số người thọ đến 80 quá hiếm thì ngày nay không ít các cụ thọ đến trên trăm tuổi. Từ đó, cách gọi tuổi thọ của các cụ cũng ít nhiều thay đổi.

Khoản 4, Điều 8, Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định nội dung tiêu đề mừng thọ được thể hiện theo độ tuổi cụ thể như sau:

– Đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi: lễ mừng thọ;

– Đủ 80 tuổi và đủ 85 tuổi: lễ mừng thượng thọ;

– Đủ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên: lễ mừng thượng thượng thọ.

Với mức 100 tuổi, có nơi gọi là “đại thọ”, như bài viết “Mừng thọ đầu năm – nét văn hóa cần được “chăm sóc” đăng trên baodatviet.vn ngày 18-2-2011: “Theo nghi thức của làng Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, những ai ở độ tuổi tròn 70 (trung thọ), 80 (thượng thọ), 90 (thượng thượng thọ), 100 (đại thọ) sẽ cùng được tổ chức mừng thọ vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch”.

Từ điển Hán Nôm (tra trực tuyến tại hvdic.thivien.net) không có mục từ đại thọ, chỉ có mục từ thượng thọ được giảng với 3 nét nghĩa: (a) Trăm tuổi; (b) Tuổi 90 trở lên và (c) Chúc thọ. Trong khi đó, cũng mục từ thượng thọ, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1975) chỉ giảng chung là: “Tuổi già rất cao”.

Về việc mừng thọ cho người cao tuổi, Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định như sau:

1. Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà;

2. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà;

3. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:

a) Ngày Người cao tuổi Việt Nam;

b) Ngày Quốc tế người cao tuổi;

c) Tết Nguyên đán;

d) Sinh nhật của người cao tuổi.

ĐNCT