Con gì ăn ít nói nhiều… – Báo Phụ Nữ

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Hơn tuần trước, trong liên hoan của công ty, em nghe chồng em nâng ly “dô dô” với đám bạn cùng phòng của anh ấy, có một câu anh nói ra rất tâm đắc mà làm em đau đến thấu ruột gan. Anh nói nửa đùa nửa thiệt: “Con gì ăn ít nói nhiều, mau già lâu chết mồm kêu tiền tiền? Con vợ!”.

Mấy chị em ngồi cùng bàn cũng nghe, cười nói rổn rảng như chuyện của ai. Riêng em, em thấy nghẹn họng. Chồng em đang nói đến em đó. Chuyện tiền bạc của hai vợ chồng luôn là một chuyện căng thẳng. Lấy nhau tám năm được hai mặt con, chỉ có khoảng thời gian hơn một năm đầu tiên anh tự đưa tiền lương cho vợ. Sau đó hầu như em phải đòi, phải tìm mọi cách hỏi tiền, xin tiền, thì chồng mới đưa.

Không phải anh để tiền riêng, chỉ là anh tiêu xài vào những chuyện gì đâu, nhậu nhẹt bạn bè, rồi tới tháng lãnh lương phải trả cho người ta hết sạch. Bắt đầu từ năm nay, em giữ luôn thẻ ATM của chồng. Các khoản ngoài lương ngoài thẻ vẫn còn, em biết vậy, nên thỉnh thoảng vẫn phải hỏi tiền, hay bí mật lục bóp của chồng, thấy tờ nào to là tịch thu sạch.

Em có lấy tiền để tiêu xài riêng cho mình đâu, em còn hai đứa con, tiền học hành, con đau con ốm, nhà cửa thì đang ở nhà thuê… đủ thứ chuyện phải lo. Vậy mà càng ngày em càng có cảm giác em hỏi bao nhiêu anh giấu bấy nhiêu.

Giờ nghe vậy, em giận vô cùng. Có cách nào để tận thu cho hết tiền, mà “thằng chả” không nói được gì mình không chị?

Lệ Hằng (TP.HCM)

Nghe chồng nói chuyện tiền nong, em ức chế, giận giữ vô cùng - Ảnh minh họa Nghe chồng nói chuyện tiền nong, em ức chế, giận giữ vô cùng – Ảnh minh họa

Em Lệ Hằng thân mến,

Em tức giận làm chi. Câu đó thuộc thể loại “văn học dân gian”, nhằm đả kích tất cả các bà vợ, không trừ một bà nào, kể cả những bà chưa bao giờ mở miệng hỏi tiền chồng một lần trong đời. Thôi để mặc kệ “con gì” ở lại bên bàn nhậu. Mình cần xác định mục tiêu của mình và làm việc đó thật tốt mà thôi.

Hỏi tiền chồng là nghệ thuật “thượng thừa” của các bà vợ. Để trau dồi nghệ thuật hỏi (cho ra) tiền, mình cần đầu tư công sức có hệ thống một chút em ạ. Nhất định không làm theo cách bạ đâu cũng hỏi, thấy mặt chồng là hỏi, hỏi xong không có phương pháp kiểm tra thu hồi…

Cách làm này không chỉ kém hiệu quả (không thu được tiền), mà còn khiến tình hình gia đình tệ hơn, căng thẳng hơn, và tác dụng ngược là khả năng giấu tiền của chồng cũng được nâng cao hơn. Về lâu về dài, với cách làm này, tiền thu được sẽ ngày càng ít, mà cái sự nói dối của chồng thì ngày càng tăng.

Mình nên thu một cách có kế hoạch, minh bạch, đàng hoàng. Ví dụ, lương của chồng bao nhiêu, công khai một lần, đưa cho vợ bao nhiêu, vào ngày nào. Tài chính gia đình là của chồng công vợ. Vợ nhận tiền lương của chồng rồi đã chi vào những khoản gì, hết bao nhiêu còn bao nhiêu? Nay em đã cầm thẻ chi lương của chồng rồi, cũng cần cụ thể hóa các khoản chi của mình. Lâu lâu mỗi tháng, khoe cho chồng biết nhờ chi tiêu tiết kiệm, nhờ dành dụm mà gia đình mình sắm được cái này, nộp tiền học cho con được khoản kia… Như vậy mới thấy kết quả của việc vợ xài tiền có kế hoạch, dẫn đến việc chồng yên tâm… đưa tiền cho vợ xài.

Mình cũng không nên tận thu, lột sạch túi người ta. Việc thu tiền như nuôi gà đẻ trứng, muốn có trứng đều cần nuôi dưỡng nguồn thu, cần để lại cho chồng một ít tiền để còn chi tiêu những việc riêng, giao tiếp bạn bè, mua cái này cái nọ theo nhu cầu của anh ấy. Đó mới là cách duy trì nguồn thu để thu được nhiều và lâu dài em ạ! Ông bà có câu “còn người thì còn của”, giữ được tình cảm vợ chồng với nhau mới là nền tảng cơ bản, trên nền tảng ấy mình xây dựng gia đình, củng cố kinh tế, để mọi thành viên trong gia đình đều được ấm no hạnh phúc. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất của mình, phải không em?

HẠNH DUNG

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: [email protected]

Tư vấn tâm lý – tình yêu – hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.