Cách xây bể phốt 3 ngăn – Sơ đồ chi tiết và cấu tạo bể tự hoại 3 ngăn

Hướng dẫn cách xây bể phốt 3 ngăn đúng kĩ thuật

Cấu tạo bể phốt 3 ngăn

Để tiết kiệm không gian cũng như dễ dàng bố trí đường ống dẫn chất thải, bể tự hoại 3 ngăn thường được xây ngay dưới nền nhà. Bể tự hoại 3 ngăn thông thường sẽ chia làm 2 cách sử dụng như sau:

  • Cách 1: 1 ngăn dùng để chứa chất thải, 2 ngăn còn lại dùng để lắng bùn thải.
  • Cách 2: 1 ngăn dùng để chứa chất thải, 1 ngăn lắng bùn thải và 1 ngăn lọc.

cấu tạo bể phốt

Thông thường, bà con ưa chuộng thiết kế bể phốt 3 ngăn theo cách 2 do hiệu quả tự phân hủy chất thải cao hơn, lượng bùn thải sinh ra ít nên không cần phải thông hút bể phốt nhiều. Nhiệm vụ của các ngăn trong bể như sau:

  • Ngăn chứa: Là ngăn tiếp nhận trực tiếp lượng chất thải đổ về bao gồm: phân, nước tiểu, giấy vệ sinh và các tạp chất khác. Tại ngăn này sẽ diễn ra các phản ứng hóa học, chất thải sẽ được các vi sinh vật kị khí phân hủy thành bùn thải. Ngăn chứa có thể tích lớn nhất trong 3 ngăn, chiếm tối thiểu một nửa tổng thể tích bể.
  • Ngăn lọc: Có chức năng chính là giữ lại các chất lơ lửng từ ngăn chứa chảy qua. Ngăn lọc có thể tích khoảng ¼ tổng thể tích bể.
  • Ngăn lắng: Là nơi lưu trữ chất thải không phân hủy được như: cặn bã, tóc, nhựa, kim loại… phía trên ngăn lắng là lớp nước trong sẽ được thải ra ngoài môi trường. Thể tích ngăn lăng chiếm khoảng ¼ tổng thể tích bể.

bể phốt 3 ngăn

Nguyên lý hoạt động bể tự hoại 3 ngăn

Sau khi đi vệ sinh và xả nước, chất thải được dòng nước cuốn theo, qua hệ thống ống dẫn và đi vào ngăn chứa của bể tự hoại. Các thành phần dinh dưỡng trong chất thải như: Hydrocacbon, protein, lipit, chất xơ là nguồn dinh dưỡng để vi khuẩn kị khí và nấm men hấp thu. Các phản ứng phân hủy diễn ra trong một thời gian dài biến chất thải thành bùn lắng xuống dưới đáy bể. Các chất không phân hủy được sẽ chuyển sang bể lắng và bể lọc và giữ lại tại 2 bể này, chỉ có nước trong được thoát ra ngoài môi trường kèm theo các khí sinh ra trong quá trình phân hủy như: CH4, H2S, CO2, NH3…

sơ đồ bể tự hoại 3 ngăn

Các yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phân hủy chất thải của bể bao gồm:

  • Nhiệt độ
  • Lưu lượng dòng thải
  • Thời gian lưu nước
  • Tải trọng chất thải
  • Thành phần chất thải
  • Cấu tạo bể
  • Lượng vi sinh vật và nấm có trong bể

Để tránh làm chết các vi sinh vật, nấm men phân hủy chất thải, bà con tránh đổ quá nhiều hóa chất tẩy rửa xuống bồn cầu, gây ảnh hưởng đến khả năng phân hủy chất thải, dễ làm đầy và tắc bể phốt.

Sơ đồ bể tự hoại 3 ngăn

Bà con có thể tham khảo sơ đồ bể phốt và bản vẽ bể phốt 3 ngăn thông dụng phía dưới. Đây là mẫu thiết kế được ứng dụng nhiều nhất và có độ ổn định, hiệu quả vận hành tương đối cao.

cấu tạo bể tự hoại 3 ngăn

Cách xây bể phốt 3 ngăn

Cách xây bể phốt tự hoại bằng gạch

Để đảm bảo độ chắc chắn của bể, tránh các hiện tượng rạn nứt do áp suất cao gây ra, bà còn cần xây tường bể hàng đôi, có độ dày khoảng 220mm trở lên tương đương với 2 lớp gạch xếp sát nhau. Cách xây tốt nhất là nên xếp gạch thành một hàng dọc, hàng phía trên xoay gạch thành hàng ngang và sử dụng gạch đặc, vữa xi măng cát vàng mac 75 để xây dựng. Khi thi công, lưu ý lớp vữa mạch phải đầy đặn, không để thiếu, hở và có độ dày đồng đều, được miết chặt và kĩ tránh gây ra các vết hở, dễ làm tường bể bị rạn nứt trong quá trình sử dụng.

Sau khi xây xong bể, cần trát bao phủ cả 2 mặt trong ngoài bằng vữa xi măng cát vàng mac 75 có độ dày tối thiểu 20mm. Nên trát làm 2 lần để đảm bảo vữa trát bám chắc. Sau khi trát lớp đầu tiên dày khoảng 10mm, cần khía hình ô van và để khô trước khi trát nốt lớp thứ 2 dày khoảng 10mm. Cuối cùng quết xi măng nguyên chất chống thấm trên bề mặt. Mục đích để làm tăng độ bám dính của lớp vữa, tránh làm nước thải thấm và rỉ ra ngoài.

bản vẽ bể tự hoại 3 ngăn

Tại các góc bể cần trát nguýt góc và đặt các tấm lưới thép đan có kích thước ô 10x10mm vào trong lớp vữa khi trát mặt trong của bể để tăng khả năng chống nứt và chống thấm. Lưu ý đặt một phần của tấm lưới khoảng 200mm nằm trên đáy bể. Nếu mực nước ngầm dâng lên quá cao, cần trát thêm lớp đất sét dày khoảng 100mm xung quanh bể để hạn chế nước rích vào. Đáy bể phải đổ bê tông cốt thép liền khối với chiều cao tối thiểu 100mm có dầm bao quanh chu vi bể ở chân tường để chống thấm cho bồn cầu.

Lưu ý: trong quá trình xây dựng, nên mua xi măng chuyên dụng dùng cho xây bể tự hoại để hạn chế việc bể bị rạn nứt sau này.

Cách xây bể phốt tự hoại 3 ngăn bằng bê tông cốt thép đúc sẵn nguyên khối

Với bể tự hoại kiểu này, không cần xây dựng, chỉ cần mua bể được đúc sẵn về và giăng kín bằng cao su chịu nhiệt, chịu nước tại vị trí nắp bể tự hoại và ống dẫn truyền giữa các ngăn, ống dẫn nước vào ra.

thiết kế bể phốt 3 ngăn

Hệ thống ống dẫn nước của bể tự hoại 3 ngăn

Hệ thống ống dẫn nước của bể phốt 3 ngăn cần phải đặt so le với nhau để tăng thời gian lưu nước trong bể, đảm bảo quá trình xử lý chất thải được tốt nhất. Nên đặt ống dẫn chất thải vào bể nằm ngang, độ dốc khoảng 2% và chiều dài không quá 12m. lựa chọn ống chữ T có đường kính tối thiểu 100mm để làm ống dẫn chất thải. Đặt đầu trên của ống cao hơn mặt nước, đầu dưới ngập cách mặt nước khoảng 400mm tránh lớp váng trên bề mặt bể bịt đầu ống. Cốt đáy ống vào cao hơn đáy ống ra tối thiểu 50mm.

Các năng được thông với nhau bằng các ống dẫn cút chữ L với đường kính tối thiểu 100mm hoặc để các lỗ hở trên vách ngăn với kích thước tối thiểu 200x200mm. Dù sử dụng cút hoặc lỗ hở đều cần đảm bảo cách đáy bể tối thiểu 500mm và cách mặt nước từ 300mm trở lên để đảm bảo quá trình phân hủy diễn ra trong điều kiện tốt nhất và khả năng thoát nước ổn định và dễ dàng nhất.

kích thước bể phốt gia đình

Lưu ý khi thiết kế và xây dựng bể tự hoại 3 ngăn

Cần lưu ý những điểm sau đây trong cách xây bể phốt 3 ngăn để thu được hiệu quả hoạt động ổn định và đúng theo dự tính.

  • Chiều sâu lớp nước trong bể phải đảm bảo tối thiểu đạt 1,2m để tạo môi trường kị khí, đảm bảo các phản ứng phân hủy diễn ra thuận lợi nhất.
  • Chiều rộng của bể thấp nhất phải đạt 0,7m. Nếu xây bể tự hoại 3 ngăn hình chữ nhật thì tỉ lệ giữa chiều dài và chiều rộng là 3:1.
  • Lưu lượng nước thải của hộ gia đình dao động từ 10 -25 m3/ngày xây bể phốt 3 ngăn sẽ tối ưu hơn bể 2 ngăn.
  • Đáy bể phốt cần đổ tấm đan bê tông cốt thép mac 200 với độ dày tối thiểu đạt 150mm, đảm bảo chịu được tải trọng của cả bể, giảm tối đa khả năng nứt bể, tránh chất thải thấm xuống đất.
  • Nên xây bể tự hoại bằng gạch lỗ nhỏ, đổ bê tông cốt thép được đúc sẵn (hoặc thay thế bằng bê tông đổ tại chỗ đều được) hoặc mua bể tự hoại được chế tạo sẵn bằng vật liệu composite, HDPE giúp tăng độ bền và độ ổn định của bể trong quá trình sử dụng.
  • Đảm bảo bể phải kín, tránh lọt khí hoặc nước có thể tràn vào bể.

Cách xây bể phốt 3 ngăn

Trên đây, khomay3a.com vừa chia sẻ tới bà con cách xây bể phốt 3 ngăn chi tiết nhất. Với những thông tin hữu ích trên đây, hy vọng bà con có thể áp dụng và xây cho gia đình mình một nhà vệ sinh tự hoại đúng tiêu chuẩn, hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình cũng như thân thiện với môi trường. Chúc bà con sức khỏe dồi dào.