Cách ghi hồ sơ xin việc 2023 mới nhất thế nào?

Cách ghi hồ sơ xin việc 2023 mới nhất gồm những nội dung gì? Hồ sơ xin việc phải có những giấy tờ gì? Cùng HieuLuat tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thành phần, cách ghi hồ sơ xin việc 2023 có gì mới?

Chào bạn, trước hết, thành phần, cách ghi hồ sơ xin việc 2023 không có sự thay đổi nhiều về số lượng, cách thức trình bày.

Tuy nhiên, tùy thuộc từng vị trí công việc, từng cơ quan, doanh nghiệp mà thành phần hồ sơ xin việc, cách thức ghi/trình bày cũng có sự thay đổi.

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật hiện hành không quy định các ứng cử viên/người tìm việc phải chuẩn bị những loại hồ sơ, giấy tờ gì để phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Việc phải có những giấy tờ, tài liệu gì phụ thuộc vào nhu cầu của người tuyển dụng, chứng minh khả năng phù hợp với vị trí tuyển dụng của mỗi ứng viên.

Cụ thể, với những vướng mắc của bạn, HieuLuat giải đáp như sau:

Thành phần bộ hồ sơ xin việc chuẩn gồm những gì?

Thông thường, một bộ hồ sơ xin việc chuẩn gồm các giấy tờ sau:

  • Mẫu đơn xin việc (viết tay, đánh máy hoặc điền theo mẫu có sẵn trong bộ hồ sơ hoặc do đơn vị tuyển dụng phát hành);

  • Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của địa phương/hoặc có chứng thực của văn phòng công chứng, phòng công chứng;

  • CV xin việc nêu cụ thể hoặc tóm tắt quá trình làm việc cũng như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển (CV xin việc hay được gọi là bản trình bày tóm lược quá trình làm việc, kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ, điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên);

  • Giấy khám sức khỏe do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp: Thường là giấy khám sức khỏe trong vòng 06 tháng gần nhất, tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin việc;

  • Bằng cấp, chứng chỉ liên quan (bản sao hoặc bản photo thông thường, tùy yêu cầu của đơn vị tuyển dụng)

  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân còn hiệu lực; Sổ hộ khẩu/giấy xác nhận nơi cư trú (photo hoặc sao y);

  • Ảnh chân dung 3×4 hoặc 4×6;

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1;

  • Giấy giới thiệu từ công ty cũ/hoặc thư giới thiệu làm việc từ cá nhân, cơ quan, tổ chức có chuyên môn;

  • Bản tự khai (nếu cần);

  • Các loại giấy tờ khác tùy thuộc vị trí tuyển dụng được nêu rõ trong yêu cầu về hồ sơ của nhà tuyển dụng;

Như vậy, thành phần hồ sơ xin việc thông thường bao gồm giấy tờ chứng minh nhân thân, giấy tờ chứng minh nơi ở, giấy tờ chứng minh khả năng/năng lực/học vấn, giấy tờ chứng minh nhân sự…

Ngoài các giấy tờ thông thường, nhà tuyển dụng còn có thể yêu cầu các úng viên nộp thêm các giấy tờ khác để chứng minh năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, ứng viên cần thực hiện việc điền thông tin/ghi thông tin theo đúng hướng dẫn về cách ghi hồ sơ xin việc 2023 như chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Hướng dẫn cách ghi hồ sơ xin việc 2023 mới nhất

Cách ghi hồ sơ xin việc 2023 như thế nào?

Để có một bộ hồ sơ ứng tuyển tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, cần lưu ý về cách viết của một số giấy tờ, tài liệu có trong bộ hồ sơ xin việc như sau:

Một là, cách viết mẫu đơn xin việc:

  • Đơn xin việc là một trong những giấy tờ không thể thiếu của một bộ hồ sơ xin việc;

  • Đơn xin việc có thể được viết tay hoặc đánh máy cũng như có thể điền thông tin vào mẫu đơn xin việc có sẵn trong bộ hồ sơ hoặc cũng có thể theo mẫu của nhà tuyển dụng;

  • Để được người tuyển dụng đánh giá cao, ứng viên nên viết tay đơn xin việc để thể hiện sự cầu thị của mình, đồng thời cần thể hiện được mong muốn, khát khao làm việc, vừa thể hiện được tính chuyên nghiệp, thể hiện rằng bạn là ứng viên tiềm năng của vị trí truyển dụng;

  • Đơn xin việc cũng nên tập trung viết theo nội dung mà nhà tuyển dụng yêu cầu từ vị trí tuyển dụng đăng tuyển;

Hai là, cách viết sơ yếu lý lịch tự thuật

  • Sơ yếu lý lịch là một bản tóm tắt những thông tin cá nhân của người khai sơ yếu lý lịch: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, thông tin gia đình, bằng cấp,… với mục đích giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt được các thông tin cơ bản về ứng viên;

  • Sơ yếu lý lịch có thể được sử dụng là mẫu có sẵn trong bộ hồ sơ hoặc tự đánh máy hoặc theo mẫu của nhà tuyển dụng;

Một số lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch:

  • Họ và tên: Viết đúng họ, chữ đệm và tên, ghi như trong giấy chứng minh nhân dân và viết bằng chữ in hoa. Ví dụ: NGUYỄN VĂN A;

  • Số điện thoại liên hệ: điền số điện thoại mà bạn dùng thường xuyên nhất;

  • Giới tính: Nam/nữ;

  • Năm sinh: Viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;

  • Dân tộc: Kinh/ Thái/ Tày….;

  • Tôn giáo: Nếu không theo tôn giáo nào thì ghi “Không”. Các trường hợp còn lại ghi theo tôn giáo mình theo như: Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa…;

  • Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/ Nơi ở hiện tại: Cần ghi chi tiết đến số nhà, thôn, xóm… nơi mà bạn đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đang sinh sống hiện nay;

  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân: Cần ghi chính xác số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước và ghi rõ ngày cấp, nơi cấp;

  • Nguyên quán: Ghi nơi được sinh ra, là nơi sinh sống của cha mẹ, ông bà, cần ghi chi tiết đến số nhà, thôn, xóm…;

  • Thành phần bản thân hiện nay: ghi rõ hiện nay đang là học sinh, sinh viên, tự do, viên chức, công nhân….;

  • Trình độ văn hóa: Đã học hết lớp 12 theo hệ chính quy thì ghi 12/12 chính quy, hoặc 12/12 bổ túc văn hóa. Trình độ học cao hơn thì ghi cao đẳng, đại học…;

  • Trình độ ngoại ngữ: Điền ngôn ngữ mình biết và đã đạt đến đâu (ví dụ TOIEC 800, IELTS 6.5…);

  • Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam: Điền ngày kết nạp và nơi kết nạp (nếu đã được kết nạp vào Đảng);

  • Nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn: Được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật gì thì viết theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức…;

  • Cấp bậc: thường dành cho công chức nhà nước, ghi bậc lương đang nhận (nếu có);

  • Ngày nhập ngũ, xuất ngũ: Mục này dành riêng cho những ai ghi giới tính là Nam và đã đủ tuổi nhập ngũ, cần ghi rõ ngày, tháng, năm, nhập ngũ/ xuất ngũ của mình và ghi thêm lý do xuất ngũ.

  • Hoàn cảnh gia đình: Cần khai thông tin cá nhân của cha, mẹ, anh, chị, em ruột thịt trong gia đình.

  • Quá trình hoạt động của bản thân: Trình bày cụ thể thế mạnh của bản thân thông qua quá trình hoạt động, kinh nghiệm làm việc, các chức vụ đã làm trước đó;

  • Khen thưởng, kỷ luật: Điền các thành tích khen thưởng đã đạt được cũng như những vi phạm mình đã mắc phải;

Ba là, cách viết CV xin việc

CV xin việc là hồ sơ năng lực, thể hiện trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, năng lực cũng như điểm yếu, điểm mạnh của ứng viên.

Thông thường, CV được làm bằng word đơn giản, hoặc chuyên nghiệp hơn thì được thiết kế bằng các phần mềm chuyên viết CV.

Đặc biệt với phần liệt kê kinh nghiệm làm việc, thành tích, kết quả đạt được, cần nêu thật chi tiết, đầy đủ nhưng ngắn gọn, súc tích.

Bốn là, các loại giấy tờ khác trong hồ sơ xin việc

Giấy khám sức khỏe, các chứng chỉ, bằng cấp liên quan, các giấy tờ cá nhân khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay sổ hộ khẩu là các giấy tờ có sẵn, tùy vào yêu cầu của từng nhà tuyển dụng mà bạn cần chuẩn bị bản photo hoặc là công chứng.

Những lưu ý chung khi ghi hồ sơ xin việc:

  • Không nên viết tắt khi ghi các thông tin trong hồ sơ, trừ một số từ ngữ thông dụng có thể viết tắt thì có thể sử dụng;

  • Khi viết hồ sơ nên dùng một loại mực;

  • Chữ viết phải ngay ngắn, rõ ràng, không tẩy xóa;

  • Đơn xin việc có ảnh, ảnh chụp trong 6 tháng trước đó tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin việc;

  • Hồ sơ được trình bày rõ ràng, sạch đẹp cũng là một trong những điểm cộng của bạn đối với nhà tuyển dụng, đó cũng là điều mà bất kỳ người xin việc cũng cần lưu ý;

Như vậy, cách ghi hồ sơ xin việc 2023 đối với một số loại giấy tờ, tài liệu cơ bản trong bộ hồ sơ xin việc được thực hiện như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Ngoài cách ghi như chúng tôi đã nêu trên, bạn đọc có thể tham khảo những hướng dẫn cách ghi trong bản mẫu mà nhà tuyển dụng ban hành để đạt hiệu quả tối ưu.

CV xin việc nên được trình bày ấn tượng

Doanh nghiệp được giữ bản gốc bằng cấp của người lao động không?

Chào bạn, việc giữ bản gốc giấy tờ của người lao động hoặc ứng cử viên/người lao động là hành vi bị cấm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Vì vậy, doanh nghiệp không có quyền giữ bản gốc các loại giấy tờ là bằng tốt nghiệp, chứng chỉ của bạn.

Cụ thể, Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Từ quy định trên, doanh nghiệp yêu cầu bạn phải nộp các giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ là trái quy định pháp luật.

Bạn có quyền từ chối cung cấp các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ bản gốc của mình cho doanh nghiệp.

Kết luận: Ngoài lưu ý về cách ghi hồ sơ xin việc 2023 như chúng tôi đã nêu trên, người lao động cần đặc biệt lưu ý, không giao nộp bất kỳ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ bản gốc/bản chính của mình cho người sử dụng lao động.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về cách ghi hồ sơ xin việc 2023, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.