Để có được một ngôi nhà gác lửng đẹp vừa rẻ không hề đơn giản như bạn nghĩ, cần phải có sự đầu tư cũng như tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, dự trù được chi phí xây nhà gác lửng đẹp chiếm phần nhiều quyết định đến việc ngôi nhà được xây lên có đẹp và đúng như mong muốn của gia chủ hay không.
Không ít gia chủ thường băn khoăn và lo lắng về việc dự trù kinh phí trước khi tiến hành xây nhà gác lửng. Vì để dự tính một cách sát sao nhất số tiền cần bỏ ra cho việc xây dựng nhà thì bạn cần phải có cuộc khảo sát thực tế về các yếu tố ảnh hưởng đến giá. Sau đó tổng hợp các chi phí thành phần để ước lượng được kinh phí dự trù. Việc chuẩn bị số tiền quá ít so với dự tính ban đầu sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, dẫn đến tiến độ thi công bị kéo dài, gây nhiều bất tiện. Ngược lại, nếu kinh phí dự trù sát sao với chi phí thực cần bỏ ra, quá trình thi công sẽ diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi, giúp bạn sớm có được không gian sống hoàn hảo.
Hãy cùng tìm hiểu về chi phí xây nhà gác lửng đẹp năm 2020 chi tiết nhất qua bài báo giá dưới đây nếu bạn đang có nhu cầu xây mẫu nhà đang rất được yêu thích này nhé!
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá xây nhà gác lửng
Điều đầu tiên bạn cần phải tìm hiểu đó chính là các yếu tố ảnh hưởng đến giá xây nhà gác lửng. Nắm được điều này sẽ giúp cho bạn cân đối được những hạng mục cũng như chi phí từng thành phần, từ đó tiết kiệm được chi phí một cách hiệu quả.
1. Vị trí xây nhà
Yếu tố đầu tiên bạn cần quan tâm đó chính là vị trí xây nhà. Được biết, nền đất xây căn nhà là một trong những phần tốn khá nhiều chi phí trong xây dựng. Vị trí xây nhà ảnh hưởng trực tiếp đến phần xử lý nền móng, kết cấu chịu lực của căn nhà. Nếu nơi bạn định xây nhà bị thấp, trũng hơn mặt đường thì phương án xử lý đó là phải nâng lên để nhà được đẹp và có phong thủy tốt. Nhiều trường hợp, đất nền trũng quá sâu thì có thể tính đến phương án xây tầng hầm.
2. Yếu tố khí hậu và thời điểm xây nhà
Chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng khí hậu thì liên quan gì đến chi phí xây nhà. Thực tế, yếu tố khí hậu khu vực xây nhà cũng cần được đưa vào bài toán chi phí. Gia chủ cần phải tính toán đến các giải pháp bao che, chống nắng, chống ồn. Chúng ta thường được nghe câu “thời tiết thất thường” ý chỉ tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Hãy xác định thời điểm xây nhà, nên tránh xây vào thời điểm thường xuyên có mưa vì sẽ làm gián đoạn tiến độ thi công và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nền móng.
Không chỉ thế, những ngày đầu mùa nắng và giáp Tết là lúc giá vật liệu sẽ tăng cao vì lý do nhu cầu xây sửa nhà cửa đón Tết của các hộ gia đình. Giá cả vật liệu trên thị trường luôn có xu hướng biến động nên nếu bạn nắm bắt được thời điểm tốt sẽ giúp giảm thiểu kinh phí xây nhà gác lửng một cách tối đa.
Ngoài ra, giá nhân công từng thời điểm cũng sẽ có sự chênh lệch bởi lúc nguồn lao động dồi dào, nhàn rỗi thì bạn sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các nhóm thợ chất lượng với mức giá tốt hơn. Đổi lại, khi lao động khan hiếm, bạn sẽ phải bỏ ra một chi phí thuê nhân công cao hơn những thời điểm khác rất nhiều.
Vì vậy, có thể nói việc yếu tố khí hậu và thời điểm xây nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí xây nhà mà bạn không nên bỏ qua.
3. Giải pháp thiết kế
Có thể bạn không biết, nhưng cùng một khoản chi phí, có người xây được cả căn nhà 2 tầng, có người lại chỉ xây được căn nhà 1 tầng. Vậy, điều gì làm nên sự khác nhau đó? Câu trả lời ở đây đó chính là giải pháp thiết kế của mỗi căn nhà.
Khi có nhu cầu xây nhà, mọi yêu cầu của bạn cân được chia sẻ với người thiết kế xây dựng một cách cụ thể và chi tiết. Và, mỗi một kiến trúc sư sẽ tiêu hao một khoản tiền khác nhau phụ thuộc vào các nhu cầu bạn đặt ra. Nói một cách dễ hiểu thì nhà có kiến trúc đơn giản, không cầu kỳ sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều nhà có lối kiến trúc phức tạp, độc đáo.
Có thể nói, giải pháp thiết kế cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí xây nhà gác lửng. Việc xác định thao tác này sẽ giúp cho bạn có thể lường trước những trường hợp chi phí phát sinh gấp đôi dự toán ban đầu.
4. Diện tích xây dựng
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng đó chính là diện tích ngôi nhà bạn cần xây. Tất nhiên rồi vì một ngôi nhà diện tích lớn sẽ tốn nhiều chi phí xây dựng hơn ngôi nhà có diện tích hạn hẹp. Và ngược lại.
5. Nguyên vật liệu sử dụng
Có rất nhiều loại vật liệu với đa dạng các mức giá khác nhau để gia chủ lựa chọn. Rẻ có, vừa vừa có và dĩ nhiên đắt tiền cũng có. Tùy vào khả năng tài chính của mình mà gia chủ sẽ lựa chọn loại vật liệu có mức giá phù hợp nhất.
Theo tìm hiểu, hiện nay giá vật liệu đang rơi vào 3 mức khá – trung bình – tốt với giá lần lượt là 5 triệu – 5,5 triệu – 6 triệu (tính trên 1m2).
Lựa chọn vật liệu đắt tiền thì chi phí xây dựng vì vậy mà cũng tăng lên. Ngược lại, chọn vật liệu rẻ hoặc vừa tầm sẽ giảm được chi phí xây dựng tối đa. Tuy nhiên, vì nhà là nơi bảo vệ các thành viên trong gia đình, hàng ngày bị thời tiết và khí hậu tác động nên đòi hỏi phải có độ bền tốt, gia chủ không nên chọn loại vật liệu quá rẻ sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của ngôi nhà.
Hướng dẫn cách tính chi phí xây nhà gác lửng đẹp đầy đủ và chi tiết
Đây chắc chắn là điều mà rất nhiều hộ gia đình đang nóng lòng muốn biết. Để có thể biết mình cần dự trù kinh phí bao nhiêu thì bạn cần phải có được những thông tin cụ thể như: diện tích nhà, phong cách thiết kế… Sau đó áp dụng cách tính giá xây dựng theo một công thức có sẵn.
Chi phí xây dựng nhà gác lửng = Diện tích xây dựng x Đơn giá trung bình tính trên 1m2
Vậy muốn tính được chi phí xây dựng, trước hết chúng ta cần biết nhà sẽ xây trên diện tích bao nhiêu và đơn giá trung bình tính trên m2.
Về cách tính diện tích xây dựng
Là tổng diện tích của các tầng, trong đó dĩ nhiên bao gồm cả tầng lửng. Nếu nhà cấp 4 thì diện tích cần tính là tầng trệt (tầng 1) + gác lửng. Nếu nhà 2 tầng thì diện tích cần tính là tầng 1 + tầng 2 + gác lửng. Cách tính tầng 3, tầng 4 cũng tương tự.
- Móng: Tính bằng 50%
- Trệt: Tính bằng 100%
- Gác lửng: Tính bằng 50% (nếu diện tích nhỏ hơn 8m2) và 100% (nếu diện tích lớn hơn 8m2).
- Mái: Tính bằng 30% (mái tôn), 60% (mái ngói)…
Đơn giá tính trên 1 mét vuông
Sẽ bao gồm chi phí cho nhân công, vật liệu… tính trên 1 m2.
Dựa vào vật liệu đối với nhà ở thường:
- Vật tư trung bình: 5.000.000 đồng/m2.
- Vật tư khá : 5.500.000 đồng/m2.
- Vật tư tốt: 6.000.000 đồng/m2.
Dựa vào phong cách sử dụng:
- Nhà cổ điển: 7 – 10 triệu/m2.
- Nhà phong cách tân cổ điển: 5,5 – 6,5 triệu/m2.
- Nhà hiện đại: 5 – 5,5 triệu/m2.
Lưu ý: Đây chỉ là đơn giá xây nhà gác lửng trọn gói dành cho nhà ở phổ biến hiện nay mang tính chất tham khảo. Tùy thuộc vào từng công trình thực tế, diện tích xây dựng, vị trí địa lý địa chất, vật liệu thi công, loại mái sử dụng… sẽ có những giá khác nhau.
Ví dụ về cách tính giá xây dựng
Bạn có thể tham khảo cách tính giá xây dựng dưới đây bằng cách thay diện tích sàn thi công. Bài viết lấy ví dụ là nhà gác lửng cấp 4 có diện tích 5×17.
Tính diện tích:
- Móng: 5 x 17 x 50% = 42,5 m2
- Tầng Trệt: 5 x 17 x 100% = 85 m2
- Gác lửng (cho là nhỏ hơn 8m2): 5 x 17 x 50% = 42,5 m2
- Mái (sử dụng mái tôn): 5 x 17 x 30% = 25,5 m2
>> Tổng diện tích sàn thi công : 195,5 m2
Nhân đơn giá:
Ví dụ xây nhà cấp 4 có gác lửng với vật tư trung bình là 5.000.000 đồng/m2 thì chi phí xây dựng là:
- 195,5 m2 x 5.000.000đ = 977.500.000 đồng.
Hoặc xây nhà cấp 4 có gác lửng theo phong cách tân cổ điển (khoảng 6 triệu đồng/m2) thì chi phí xây dựng là:
- 195,5 m2 x 6.000.000đ = 1.173.000.000 đồng.
Trên đây là cách tính dự trù chi phí xây nhà gác lửng đẹp. Nếu muốn biết chính xác mình cần phải bỏ ra chi phí bao nhiêu cho việc xây dựng thì bạn nên tìm đến một đơn vị thiết kế, thi công xây dựng chuyên nghiệp. Họ sẽ giúp bạn tính toán một cách bài bản, cụ thể từng hạng mục dựa vào mức tài chính bạn đưa ra.
Một số mẫu nhà có gác lửng đang được ưa chuộng hiện nay
Sau khi đã biết được cách tính toán chi phí xây dựng nhà gác lửng, bạn cũng nên tham khảo một vài mẫu nhà gác lửng đẹp với từng mức chi phí khác nhau dưới đây. Từ đó bạn sẽ biết mẫu nhà nào phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như sở thích của mình.
Mẫu 1: Nhà ống 1 tầng có gác lửng
Mẫu nhà này có chi phí dao động trong khoảng 100-200 triệu đồng, phù hợp cho những hộ gia đình ít người như các cặp vợ chồng mới cưới, ông bà già về hưu…
Với thiết kế nhà ống 1 tầng có gác lửng, mẫu nhà sẽ giúp tăng diện tích sử dụng cho gia đình và đáp ứng đầy đủ công năng. Nhà có được sự thông thoáng nhờ khả năng thiết kế kết nói với tầng lửng hợp lý, như sư cách bố trí, sắp xếp nội thất bên trong. Từ đó, người dùng dễ dàng có được sự thoải mái nhất. Bạn có thế thiết kế mẫu nhà 1 tầng có gác lửng gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và nhà tắm, nhà vệ sinh mà không tốn quá nhiều chi phí xây dựng.
Mẫu 2: Nhà ống 2 tầng có gác lửng
Với mẫu nhà 2 tầng có gác lửng, bạn sẽ tốn khoảng từ 300-500 triệu đồng chi phí xây dựng cũng như sắm sửa nội thất. Không cần quá nhiều sự đầu tư về tài chính nhưng với mẫu nhà này, bạn vẫn có thể nới rộng không gian sống một cách hoàn hảo nhờ bố trí và sắp xếp thêm tầng lửng. Nếu bạn đang gặp khó khăn về diện tích xây dựng nhỏ, chi phí hạn hẹp thì nhà ống 2 tầng có gác lửng chính là sự lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất.
Mẫu 3: Nhà ông 3 tầng có gác lửng
Mẫu nhà 3 tầng có gác lửng này có chi phí xây dựng nằm trong khoảng 500- 700 triệu đồng. Những mẫu nhà ống 3 tầng có gác lửng luôn được nhiều người lựa chọn bởi nó có nhiều tiện ích, phù hợp với những hộ gia đình có từ 5-7 người. Đặc biệt, ở thành phố với diện tích mặt tiền hẹp, đất chật thì những mẫu nhà ống nhỏ hẹp được xây cao tầng, có gác lửng chính là giải pháp hiệu quả nhất. Nhà gác lửng này không chỉ đem đến một chất lượng cuộc sống hoàn hảo mà còn giúp tạo nên không gian thông thoáng cho ngôi nhà cũng như diện tích sử dụng, giảm chi phí sử dụng.
Ngoài 3 mẫu nói trên, còn vô số các kiểu nhà có gác lửng đẹp khác để bạn tham khảo, bạn có thể xem một vài mẫu dưới đây:
- Mẫu nhà gác lửng đẹp đang là xu hướng của năm 2020
- Mẫu nhà gác lửng đẹp hiện đại, sang trọng
- Khám phá nhà gác lửng đẹp nhất Việt Nam
Hoặc bạn có thể tham khảo thêm: Những mẫu nhà đẹp có kinh phí xây dựng chỉ từ 100 – 500 triệu đồng.
Làm thế nào để tiết kiệm chi phí khi xây nhà gác lửng?
Dù bạn có tài chính dư dả hay hạn hẹp thì việc tiết kiệm chi phí xây dựng nhà gác lửng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, nền móng vững chắc là điều nên làm. Khoản chi phí tiết kiệm được từ việc xây dựng nhà có thể dùng cho việc sắm sửa nội thất hay làm một việc gì đó ý nghĩa. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn có thể tiết kiệm chi phí xây dựng một cách hiệu quả.
1. Trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng
Việc nắm được những kiến thức cơ bản về xây dựng sẽ giúp cho bạn chủ động hơn và biết cách để lựa chọn phương án phù hợp, tiết kiệm nhất. Bạn có thể học hỏi và trau dồi thêm cho mình vốn kiến thức từ bạn bè hoặc tham khảo sách báo.
2. Lập kế hoạch rõ ràng, chi tiết
Bạn cần phải lập một kế hoạch thật rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. Đó có thể là dự đoán tổng chi phí xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhân công… Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, những người từng xây nhà trước đó hoặc những người có hiểu biết nhất định hoặc đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Họ không chỉ đưa ra những lời khuyên hữu ích mà còn có thể giúp bạn có được phương án hữu hiệu nhất.
Điều bạn cần làm tiếp theo đó là cân nhắc giữa diện tích xây dựng và diện tích sinh hoạt để từ đó thiết kế số lượng phòng phù hợp. Ví dụ từ 2-4 người thì nhà chỉ cần 2 phòng, nhưng số người lên tới 5-7 người thì phải cần 3 phòng. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng xây thừa phòng, lãng phí không gian và tốn chi phí xây dựng.
3. Chọn mua mảnh đất dễ xây
Điều tốt nhất là bạn đã có sẵn đất để xây nhà. Còn nếu chưa có đất, bạn nên chọn mảnh đất nào bằng phẳng, giao thông thuận tiện để trong quá trình xây dễ dàng vận chuyển vật liệu, máy móc, từ đó giúp tiết kiệm chi phí lẫn thời gian thi công.
Ngoài ra, sự thuận lợi về địa thế còn giúp bạn giảm bớt rất nhiều chi phí trong quá trình sinh sống sau này. Không nên mua đất ở những nơi lồi lõm, nhiều đá, nhiều nước, vì như vậy bạn sẽ mất công thuê người dọn dẹp, lấp đất, đập đá. Chi phí cho việc này cũng không hề nhỏ. Chưa hết, bạn cũng nên nhờ những người có chuyên môn để lựa chọn khu đất ở nơi gò đồi cao ráo, tránh những tầng địa chất yếu để tránh được khoản kinh phí không nhỏ cho việc gia cố móng như ép cọc, khoan cọc nhồi, đóng cừ tràm.
4. Lựa chọn phong cách của ngôi nhà
So với phong cách biệt thự, cổ điển cầu kỳ thì phong cách nhà theo hướng hiện đại, đơn giản sẽ tốn ít chi phí hơn rất nhiều. Nếu có ngân sách vừa phải, hãy chọn phong cách nhà hiện đại, thay vì những kiểu thiết kế lạ mắt, hãy chọn nhà theo hình chữ nhật với vị trí xây, sơn tường và cảnh quan bắt mắt.
5. Đi thăm nhiều ngôi nhà đã xây
Không chỉ tham khảo qua sách báo, internet, hãy dành chút ít thời gian để đi thăm thực tế thật nhiều ngôi nhà đẹp khác. Hãy chọn những ngôi nhà có lối kiến trúc từ đơn giản đến hiện đại, cổ điển để so sánh về kiến trúc, thẩm mỹ từ đó có cơ sở để cân nhắc nhằm lựa chọn cho mình một kiểu nhà phù hợp nhất.
6. Thuê công ty thiết kế, kiến trúc sư và đơn vị xây dựng có uy tín
Công ty thiết kế, kiến trúc sư chính là người quan trọng giúp bạn thể hiện những mong muốn, yêu cầu của mình vào ngôi nhà. Vì vậy, hãy chọn những đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này để họ giúp bạn tìm ra phương án tối ưu nhất, phù hợp điều kiện kinh tế nhất.
Đừng ngần ngại ngồi xuống và trao đổi chi tiết về bản vẽ, hướng thi công với các đơn vị thiết kế, công ty xây dựng. Có như vậy, gia chủ và những đơn vị đó mới hiểu rõ ràng về nhau, tránh được tranh chấp xảy ra sau này cũng như tiết kiệm được thời gian của cả hai bên. Không chỉ đảm bảo quyền lợi, việc làm này còn giúp tiến độ và chất lượng thi công được tốt nhất.
7. Tính toán thời gian và chọn thời điểm khởi công
Bạn nên chọn thời điểm thi công xây nhà gác lửng đẹp vào mùa nắng khô ráo để tránh những cơn mưa rào bất chợt làm gián đoạn tiến độ. Vì thời gian là vàng bạc nên thi công càng nhanh sẽ càng tốt và được những chi phí không cần có như bảo vệ, thất thoát vật tư, trượt giá, điện, nước, ăn, ở, đi lại…
8. Tham khảo giá vật liệu xây dựng
Giá vật tư ở mỗi thời điểm sẽ có mức giá khác nhau. Ví dụ như khi đầu mùa nắng, mức giá sẽ đội lên rất nhiều vì lúc này nhu cầu xây nhà tăng cao. Hãy tham khảo giá vật liệu xây dựng ở nhiều nơi, sau đó xem xét đâu là nơi áp dụng giá tốt nhất. Bạn nghĩ sao về việc mua sẵn vật liệu xây dựng ở thời điểm hạ nhiệt và chờ tới lúc thời tiết thuận lợi nhất mới khởi công xây dựng?
Ngoài những bí quyết trên, bạn cũng có thể xây nhà tiết kiệm bằng một số biện pháp như: giảm bớt công trình phụ, hạn chế việc sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt xa hoa, đắt đỏ… Thay vào đó, nên sắm sửa khi bạn có điều kiện hơn, không nhất thiết phải mua một lần mà nên chia từng đợt hoặc mua trả góp.
Tổng kết
Giờ thì bạn đã nắm được chi phí xây nhà gác lửng đẹp cũng như bí quyết để xây nhà tiết kiệm rồi đúng không? Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc sớm có được ngôi nhà hoàn thiện, tiện nghi để ổn định cuộc sống là điều mong muốn của tất cả mọi người. Thay vì những ngôi nhà lớn, việc chọn mẫu nhà gác lửng nhỏ gọn nhưng đẹp cũng đã là một quyết định đúng đắn của bạn khi mẫu nhà này được xem là tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Hy vọng bạn sẽ sớm có được ngôi nhà của riêng mình!
Nguồn: Trần Anh Group
Xem thêm:
- bản vẽ nhà gác lửng
- nhà cấp 4 gác lửng đẹp 5×20
- nhà cấp 4 gác lửng đẹp 4×20
Đánh giá của bạn
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!