Mô hình công ty gia đình: Bí quyết quản trị hiệu quả | Vân Nguyên

Các công ty gia đình là trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Đông Nam Á. Theo thống kê, có hơn 60% doanh nghiệp trong khu vực là do các gia đình điều hành. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước.

Công ty gia đình là gì?

Công ty gia đình là những công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp, thành viên công ty là những người cùng thuộc một gia đình và nắm giữ hầu hết tổng số vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty.

Một số đặc điểm chính của công ty gia đình (đặc điểm phổ biến, không phải pháp lý):

  • Thành viên công ty: Chủ sở hữu, người nắm các chức danh quản lý công ty là người trong gia đình. Trong một số công ty, hầu hết nhân sự đều là các thành viên trong gia đình (có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng hoặc thân thiết trong gia đình).
  • Tỷ lệ vốn góp: Các thành viên trong gia đình thường nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty.
  • Thời gian tồn tại: Thường có thời gian hoạt động và tồn tại lâu hơn so với các công ty khác bởi công ty gia đình có sự kế thừa giữa các thế hệ để duy trì và phát triển công ty.

Ưu và nhược điểm của mô hình công ty gia đình

Ưu điểm

  • Có lợi thế trong việc quản trị công ty
  • Quyền sở hữu và tỷ lệ vốn góp thường tập trung vào một người hoặc một nhóm người trong gia đình nên sẽ hạn chế việc người ngoài tham gia quản lý và điều hành công ty;
  • Việc tổ chức và quản lý công ty được thực hiện linh động, ngoài áp dụng điều lệ công ty thì có thể được giải quyết bởi các nguyên tắc, truyền thống gia đình;
  • Các thành viên trong công ty thường có trách nhiệm lớn đối với công việc.
  • Quan hệ hợp tác và sự tin tưởng giữa các thành viên trong công ty cao, chặt chẽ. Đây cũng là cơ sở để tạo niềm tin cho các đối tác trong hoạt động kinh doanh.

Nhược điểm

  • Khó khăn trong việc huy động vốn cũng như các nguồn lực khác ở bên ngoài như: cơ sở vật chất, nhân sự…vì bản chất của công ty gia đình là mô hình quản trị kinh doanh khép kín trong phạm vi gia đình.
  • Sự phát triển và tính duy trì của công ty phải phụ thuộc cao vào yếu tố con người. Thông thường các doanh nghiệp muốn duy trì theo mô hình công ty gia đình thì phải có sự kế thừa của thế hệ sau. Những người quản lý sau yêu cầu phải có năng lực và triển vọng để phát triển công ty.
  • Sự mâu thuẫn, chia rẻ giữa các thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty. Một số công ty gia đình tan rã, ngừng hoạt động là do mâu thuẫn nội bộ.

7 điều cần lưu ý giúp điều hành công ty gia đình hiệu quả

Chủ động quản lý các hoạt động trong gia đình

Đầu tiên, bạn cần đặt ra các ranh giới. Theo một nguyên tắc chung, các vấn đề gia đình phải được giữ trong phạm vi gia đình. Trái lại, cuộc thảo luận về những rắc rối mà doanh nghiệp gặp phải nên hạn chế đến mức thấp nhất khi ở nhà.

Để làm được điều này, bạn nên thiết lập quá trình xử lý mâu thuẫn ở cả trong và ngoài văn phòng làm việc. Đồng thời, các thành viên trong gia đình nên có các cuộc trao đổi cởi mở với nhau.

Luôn có một bên thứ ba làm cố vấn

Lời khuyên từ bên ngoài có thể giúp các công ty gia đình tránh khỏi các quyết định chủ quan và bù đắp cho những thiếu sót trong chuyên môn.

Bạn nên đưa một thành viên độc lập, không phải là thành viên trong gia đình vào hội đồng quản trị hoặc tuyển thêm các trợ lý để đưa ra đánh giá khách quan và tăng thêm sự chuyên nghiệp cho các buổi họp của hội đồng quản trị.

Đối xử với tất cả nhân viên công bằng như nhau

Cái khó nhất đối với một người điều hành, quản lý công ty gia đình là sự công bằng trong cách đối xử với nhân viên. Bạn rất dễ mắc phải lỗi thiên vị với những nhân viên và cũng là thành viên trong gia đình. Nếu tình trạng thiên vị diễn ra trong một thời gian dài, những nhân viên còn lại sẽ coi thường bạn và tất nhiên họ cũng sẽ không thích làm việc cho bạn nữa.

Vì vậy, để tránh mắc phải lỗi này, bạn nên đưa ra những chính sách, quy định rõ ràng bằng văn bản về cách ứng xửa đối với nhân viên và quá trình tuyển dụng nhân viên. Ghi rõ chức năng, quyền hạn và mô tả chi tiết của từng công việc để nhân viên trong công ty đều cảm thấy họ được đối xử công bằng.

Khuyến khích các thành viên ra ngoài làm việc để học hỏi kinh nghiệm

Kinh nghiệm làm việc sẽ trao cho các thành viên gia đình cơ hội để trưởng thành và trở nên khác biệt trong kinh doanh. Khi ra ngoài làm việc ,họ sẽ có được một tầm nhìn rộng hơn chứ không chỉ bó hẹp trong văn hóa làm việc của bản thân họ.

Do vậy, một khi trở về, họ sẽ là các đối tác kinh doanh tốt hơn nhiều so với các anh chị em của mình và điều này cũng giúp công ty tránh được các xung đột gia đình.

Giải quyết nhu cầu cá nhân và mục tiêu của từng thành viên

Mỗi thành viên đều có các mục tiêu, nhu cầu và ưu tiên của riêng mình. Hầu hết những vấn đề này sẽ nảy sinh theo thời gian. Do vậy, cách tốt nhất là đối xử với các người chủ gia đình như là các nhà đầu tư cá nhân. Hiểu và giải quyết các nhu cầu của từng người, cả trên phương diện kinh doanh và cuộc sống cá nhân.

Hãy nhớ rằng, các rắc rối nhỏ trong gia đình có thể trở thành vấn đề lớn nếu những vấn đề và mục tiêu nhỏ nhặt đó không được giải quyết.

Nếu nhân viên muốn ra đi, hãy chấp nhận

Chuyện nhân viên ra đi ngày càng trở nên quá phổ biến ở các công ty. Với tư cách là người đứng đầu công ty gia đình, bạn nên chuẩn bị trước tinh thần cho mọi sự từ chức của nhân viên và tôn trọng quyết định của họ. Nếu bạn càng cố gắng “níu kéo”, bạn sẽ càng làm mối quan hệ thân thiết giữa bạn và người đó trở nên tồi tệ hơn và không mang lại hiệu quả.

Cách tốt nhất để “giữ chân” nhân viên là bạn nên tạo một môi trường làm việc lành mạnh và có tính cạnh tranh cao. Cho dù nhân viên có phải là người thân của bạn hay không, bạn cũng nên tạo cơ hội thăng tiến cho họ. Nếu nhân viên (người thân) của bạn có khả năng làm việc tốt, hãy cân nhắc và tạo điều kiện cho anh/cô ta lên làm quản lý. Ngoài ra, hãy thể hiện sự đánh giá cao của bạn về những ý kiến, quan điểm hay của nhân viên.

Không lạm dụng chức quyền

Vai trò của các thành viên trong công ty hoàn toàn khác so với vai trò của các thành viên trong gia đình. Trong công việc, bạn không nên đối xử với con trai của mình như là cha đối với con mà hãy đối xử như một người chủ công ty đối với nhân viên. Bạn cần phải tôn trọng những ý kiến của con trai mình, chứ không nên áp đặt, ép buộc. Nếu bạn lẫn lộn giữa cách đối xử ở gia đình và công ty thì mối quan hệ gia đình của bạn sẽ bị rối tung lên.

Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực trong công việc và để mối quan hệ gia đình luôn bền lâu, bạn cần phải khách quan khi đối xử với những nhân viên và cũng là người thân của bạn. Khi phê bình người thân, bạn chỉ nên gói gọn lời phê bình trong khuôn khổ công việc chứ không chế trách về những vấn đề riêng tư.

Kết luận

Có thể thấy rằng, mô hình doanh nghiệp gia đình đã phát triển trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng vẫn còn tồn đọng một số mặt hạn chế. Môi trường làm việc có rất nhiều điểm tốt nhưng sự đan xen giữa yếu tố cá nhân và tính chuyên nghiệp có thể khiến công ty mắc phải sai lầm. Nguyên nhân căng thẳng hàng đầu là do những người họ hàng làm việc kém hiệu quả, tiếp đến là nhiều bất đồng giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nếu biết cách, bạn vẫn có thể vừa giúp hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả lại vừa khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn êm ấm.

Đề xuất cho bạn:

  • 5 cấp độ năng lực lãnh đạo: Bạn đang ở đâu?
  • Văn hóa doanh nghiệp và các bước xây dựng văn hóa cho tổ chức
  • 5 bí quyết giúp nhân viên phát triển
  • Những sai lầm thường gặp của lãnh đạo
  • Các phong cách lãnh đạo thường gặp