Phòng tránh bệnh viêm đại tràng | Sở Y tế Nam Định

Viêm đại tràng là một bệnh tiêu hóa thường gặp, tỉ lệ mắc bệnh cao ở những nước đang và kém phát triển do mức sống còn thấp nên điều kiện vệ sinh trong ăn uống ít được chú trọng. Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn hay các ký sinh trùng qua ăn uống nhưng không được điều trị triệt để. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang mạn tính.

1. Triệu chứng thường gặp

Rối loạn tiêu hóa kéo dài, người bệnh đi ngoài phân lúc bón, lúc lỏng, đi từ 2 đến 6 lần một ngày. Người bệnh cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện hay có cảm giác mót, muốn đi nữa sau khi vừa đi xong.

Trướng bụng, đầy hơi khu trú dọc khung đại tràng, bệnh nhân luôn cảm thấy bụng căng tức, khó chịu.

Đau bụng, đây là triệu chứng thường gặp, đau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện hoặc lúc đói. Đau bụng thường ở hố chậu trái hoặc phải.

Trường hợp nặng hơn có thể bị chảy máu trực tràng, đi ngoài phân có nhầy và có thể có máu…

2. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm đại tràng, bao gồm:

– Nhiễm các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như shigella, samonella…

– Nhiễm nguyên sinh động vật như amib, lamblia…

– Nhiễm ký sinh trùng, là các loại giun sống ký sinh ở đại tràng như giun đũa, giun kim… và các loại sán ruột.

– Ăn uống không điều độ hoặc các thức ăn gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột.

– Táo bón kéo dài.

– Viêm đại tràng thứ phát sau các bệnh khác của hệ tiêu hóa.

3. Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng

Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản đến khâu chế biến. Những loại thức ăn nào dễ gây viêm đại tràng co thắt thì cần tránh dùng hoặc dùng rất hạn chế. Không ăn các loại thực phẩm còn tươi sống như: rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá…. Cần vệ sinh tốt môi trường sống.

Tránh stress, căng thẳng kéo dài: Tránh stress, lo lắng thái quá gây trầm cảm làm giảm nhu động ruột; hãy tạo cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Stress, căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới việc tái phát bệnh đau dạ dày và các bệnh có liên quan.

Vận động, thể dục thể thao, uống nhiều nước: Kiên trì chăm chỉ vận động, thể dục thể thao, uống nhiều nước, có thể lấy lòng bàn tay sờ nhẹ quanh vùng thượng vị – rốn theo chiều kim đồng hồ ngày vài lần để kích thích nhu động ruột.

Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn tăng cường nhiều chất xơ như rau xanh, củ, quả, trái cây, đặc biệt những loại giàu kali như chuối, đu đủ, khoai lang…để giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hạn chế hoặc không nên dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, các chất chua cay và những thức ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ khó tiêu. Nên ăn nhẹ, nhai kĩ. Chia làm nhiều bữa, đặc biệt không nên ăn quá nhiều, quá no vào buổi tối.

Duy Tiến (t/h)