1. Tìm hiểu về món mì Quảng Phan Thiết
Nhắc đến mì Quảng người ta thường nghĩ ngay đến món ăn đặc sản của Quảng Nam. Nhưng thực chất thì món mì này cũng rất nổi tiếng ở Phan Thiết với nguyên liệu, cách chế biến và hương vị đặc trưng riêng.
Khác với mì Quảng miền Trung thì sợi mì quảng Phan Thiết nhỏ và mềm hơn, nhiều quán còn thay bằng mì trứng hoặc sợi hủ tiếu. Nước dùng nấu từ giò heo, thịt heo hoặc thịt vịt nên có vị ngọt thơm, béo béo. Hiếm khi nấu với thịt gà và tuyệt đối không dùng hải sản.
Và nếu chính gốc của mì Quảng Phan Thiết thì nước dùng sẽ hơi ngọt và cay một chút. Một điểm khác biệt nữa là mì Quảng miền Trung chan rất ít ăn hơi sệt sệt, còn mì quảng Phan Thiết thì phải chan ngập mì trong tô. Không dùng kèm bánh tráng và rau sống mà chủ yếu ăn với giá đỗ, húng lủi.
2. Hướng dẫn cách nấu mì Quảng Phan Thiết ngon
2.1. Cách nấu mì Quảng vịt Phan Thiết
Mì Quảng vịt nấu với nước dừa tươi là món ăn nổi tiếng của vùng biển Phan Thiết. Cách nấu mì Quảng Phan Thiết với thịt vịt cũng rất đơn giản mà không kém phần ngon miệng. Không những thế lại chứa nhiều chất dinh dưỡng nữa đấy.
2.1.1 Chuẩn bị nguyên liệu
- Sợi mì quảng: 800g
- Thịt vịt: 600g
- Nước hầm xương: 600ml
- Nước dừa tươi: 400g
- Tỏi: 15g
- Hành tím: 15g
- Gừng: 15g
- Nước mắm: 4 thìa canh
- Đường trắng: 2 thìa canh
- Đường phèn: 2 thìa canh
- Màu dầu điều: 4 thìa canh
- Hạt nêm: 1/2 thìa canh
- Rau húng lũi ăn kèm
- Đậu phộng rang
2.1.2. Sơ chế và ướp thịt vịt
- Thịt vịt đã làm sạch dùng muối chà xát quanh thân vịt, bóp kỹ với muối để khử mùi hôi. Ngoài ra có thể dùng gừng hoặc rượu trắng xát đều thân vịt.
- Rửa lại nhiều lần với nước cho sạch, chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Cho thịt vịt vào tô cùng 2 thìa canh đường, 1 thìa canh hạt nêm, 2 thìa canh nước mắm và 15g mỗi loại gồm tỏi, hành tím, gừng băm nhỏ. Trộn đều và ướp khoảng 15 phút.
2.1.3. Chiên thịt vịt và nấu nước dùng
- Cho 2 thìa canh dầu màu điều vào chảo bắc lên bếp đun nóng. Sau đó cho thịt vịt đã ướp vào chiên cho vàng đều hai mặt.
- Tiếp đến bắc nồi lên bếp, thêm 2 thìa canh màu dầu điều cùng 10g tỏi băm và 10g hành tím băm phi vàng thơm.
- Cho thịt vịt vào đổ thêm nước dừa tươi và nước hầm xương rồi đun sôi. Khi nước sôi lên vặn lửa nhỏ và hầm thịt khoảng 45 phút.
- Nêm thêm 1,5 thìa canh hạt nêm, 2 thìa canh nước mắm và 2 thìa canh đường phèn. Nếm lại nước dùng cho vừa miệng và tắt bếp.
2.1.4. Hoàn thành món mì quảng vịt
- Mì quảng trụng sơ qua nước sôi rồi cho vào tô, gắp thịt vịt lên trên, thêm rau húng thái nhỏ và đậu phộng rang. Chan nước dùng lên và thưởng thức luôn hoặc chấm kèm với nước mắm gừng để tăng thêm hương vị.
- Thịt vịt được hầm chín mềm hòa quyện với nước dùng ngọt thơm và có chút beo béo của nước dừa cùng sợi mì Quảng dẻo dai hấp dẫn.
2.2. Cách nấu mì Quảng Phan Thiết với giò heo
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Sợi mì Quảng: 500g
- Giò heo: 1kg
- Sườn cốt lết: 500g
- Sốt ớt chưng: 2 thìa cà phê
- Tỏi xay: 2 thìa canh
- Ớt xay: 2 thìa canh
- Tỏi: 5 tép
- Ớt chuông đỏ hoặc vàng: 5 quả
- Hành tím: 4 củ
- Hạt điều màu: 1 thìa canh
- Dầu ăn: 100ml
- Nước mắm: 4 thìa canh
- Chanh: 1 miếng nhỏ
- Đậu phộng rang: 1 ít
- Nước lọc hoặc nước soda: 2 lít
- Rau thơm ăn kèm (diếp cá, húng quế, húng lủi)
2.2.2. Sơ chế giò heo và sườn cốt lết
- Giò heo, sườn cốt lết cho vào thau nước muối loãng ngâm khoảng 20 phút. Sau đó dùng dao cạo sạch lông và rửa lại nước sạch.
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi cho giò heo và sườn cốt lết vào trụng sợ khoảng 3 phút. Vớt ra xả lại nhiều lần với nước sạch và để ráo.
2.2.3. Sơ chế các nguyên liệu khác
- Tỏi, hành tím bóc vỏ và băm nhỏ hoặc xay nhuyễn.
- Ớt chuông bỏ cuống, rửa sạch, cắt múi cau để lọc bỏ hạt. Sau đó cho vào nồi nước bắc lên bếp luộc khoảng 3 phút rồi cũng đem đi xay nhỏ.
2.2.4. Ướp và chiên giò heo, sườn cốt lết
- Cho tỏi, hành băm vào tô sườn và giò heo. Thêm 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa cà phê sốt ớt, 2 thìa canh hạt nêm, 3 thìa canh đường, 10ml dầu ăn.
- Trộn đều hỗn hợp và ướp khoảng 2 – 3 giờ trong ngăn mát tủ lạnh.
- Cho 50ml dầu ăn vào chảo bắc lên bếp đun nóng với lửa vừa. Sau đó lấy sườn và giò heo ra đem chiên cho đến khi thịt săn lại, màu hơi ngả vàng là được. Vớt ra cho ráo dầu.
2.2.5. Làm sốt ớt và nấu nước dùng
- Đổ phần nước đã ướp sườn và giò heo vào chảo. Bắc lên bếp đun sôi rồi thêm ớt chuông vào, đảo đều và đun đến khi thấy nước sốt sền sệt là được.
- Đổ khoảng 2 lon nước soda và 150ml nước lọc vào nồi đun sôi. Tiếp đến cho phần sườn và giò heo chiên vào. Nêm thêm 2 thìa canh đường, 2 thìa canh nước mắm và 1 thìa canh hạt nêm khuấy đều.
- Trong lúc đó cho 1 thìa canh hạt điều màu và 20ml dầu ăn vào chảo. Bắc lên bếp đảo đều từ 3 – 4 phút rồi đổ sang nồi nước dùng.
- Bắc chảo khác lên bếp cho 20ml dầu ăn vào đun nóng, cho tỏi và ớt xay vào đảo đều cho sệt lại thì cũng cho vào nồi nước dùng.
- Đun sôi thêm lần nữa cho phần thịt heo chín mềm thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng và tắt bếp.
2.2.6. Trình bày và thưởng thức mì Quảng giò heo
- Sợi mì Quảng trụng sơ qua nước sôi rồi cho vào tô. Cho giò heo, sườn cốt lết vào, thêm ít rau thơm thái nhỏ và chan nước dùng lên.
- Khi ăn có thể vắt thêm ít nước chanh và rắc đậu phộng rang lên, trộn đều rồi thưởng thức.
- Cách nấu mì Quảng giò heo Phan Thiết có mùi thơm phức hấp dẫn. Nước dùng mì Quảng giò heo nóng hổi, cay mặn đậm đà ăn cùng sợi mì mềm, sườn cốt lết chắc thịt và giò heo beo béo ngon khó cưỡng.
Với 2 công thức nấu mì Quảng Phan Thiết trên bạn có thể dễ dàng lựa chọn nguyên liệu nấu tùy theo sở thích nhé. Cách thực hiện cũng không quá khó phải không nào, chỉ cần bỏ ra chút thời gian là đã có ngay món mì Quảng thơm ngon, đậm đà thưởng thức cùng gia đình rồi. Chúc bạn và cả nhà ngon miệng!
Lê Vy
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!