Bún riêu cua là một trong những món ăn truyền thống dân dã lâu đời của Việt Nam. Được chế biến từ nhiều nguyên liệu mang đầy đủ màu vị và hương sắc, món bún này cuốn hút người dùng ngay từ lần đầu tiên thưởng thức. Không những thế, bún riêu cua còn rất tốt cho sức khỏe, giúp thanh mát cơ thể.
Bún riêu cua – Món ăn dân dã mang đậm hương sắc quê hương. Ảnh: Internet
Là món ăn có nguồn gốc từ miền Bắc, khi chế biến, người ta thường cho thêm chút mắm tôm vào nước dùng để tăng độ đậm đà và ăn kèm với rau như: xà lách, chuối non cắt nhỏ, rau muống, kinh giới, tía tô… Tô bún riêu ở miền Bắc có màu sắc của những miếng cà chua đỏ ửng cùng lớp gạch cua thơm ngon và màu vàng của đậu chiên mang đến cho người ăn mùi vị thanh đạm, mát bổ đầy hấp dẫn.
Con ở miền Nam, ngoài cách nấu bún riêu cua như miền Bắc, họ còn thêm hạt điều để nước dùng có màu đỏ tươi đẹp mắt và lớp riêu cua cũng khác biệt. Nếu bún riêu xứ Bắc vừa mềm, xốp, thơm vị cua đồng và chỉ chế biến từ gạch cua thì ở miền Nam lớp riêu cua thường được ép thành bánh dày, pha thêm lòng đỏ trứng và có cả thịt băm để lớp riêu dày dặn hơn.
Khi ăn, người ta sẽ cắt riêu cua xếp vô tô bún cùng chút tiết heo mềm, da heo dai, đậu chiên giòn, chả lụa, chả chiên, chả cá và giò heo. Vì thế mà tô bún riêu cua ở miền Nam “phong phú” hơn miền Bắc rất nhiều.
Giá trị dinh dưỡng:
- Trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid và 2g glucid. Bên cạnh đó, cua đồng còn chứa lượng lớn vitamin (B1, B2, PP…), muối khoáng, photpho, sắt, đặc biệt là canxi.
- Cua đồng là vị thuốc được dùng với tên điền giải. Theo sách ‘Lĩnh Nam bản thảo’ của Hải Thượng Lãn Ông ghi: “Điền giải ngọt lạnh, ít độc, hay sinh phong, có tác dụng nối gân, tiết xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc”.
- Vì vậy, món bún không chỉ bổ dưỡng mà còn là món ăn thanh nhiệt, mang lại cảm giác ngon miệng.
Cách nấu bún riêu cua kiểu miền Bắc chuẩn vị
Nguyên liệu
- 500g cua đồng
- 100g thịt xay
- 50g tôm khô
- 2 quả trứng gà
- 1kg bún
- 3 miếng đậu hũ
- 4 quả cà chua
- Mắm tôm
- Hành tím, tỏi, hành lá, ngò
- Rau ăn kèm: rau muống, bắp chuối, xà lách
- Gia vị thông dụng: hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn, giấm
Các bước thực hiện
Sơ chế nguyên liệu
Đậu hũ cắt thành những khối vuông nhỏ và mang đi chiên vàng. Hành lá rửa sạch, phần lá cắt khúc, phần đầu băm nhuyễn. Cà chua rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, xào sơ chín.
Ngò rửa sạch, cắt khúc. Hành tím, tỏi bỏ vỏ, băm nhuyễn.
Rau ăn kèm rửa sạch và để ráo. Tôm khô ngâm nước cho mềm rồi mang đi xay nhuyễn.
Chế biến cua đồng
Cua ngâm nước khoảng 1 – 2 giờ để loại bỏ hết đất cát, rửa lại nhiều lần cho thật sạch. Lột yếm cua, mai cua để riêng.
Dùng muỗng nạo lấy phần gạch cua cho vào chén, ướp với một ít tiêu xay, hạt nêm. Mai cua đem đi xay nhuyễn.
Nạo lấy gạch cua và làm nước riêu cua. Ảnh: Internet
Nấu nước dùng và làm riêu cua
Cho cua vừa xay ở bước trên vào một cái âu lớn rồi hòa với ít nước, dùng tay bóp nhẹ cho thịt cua tan vào nước.
Dùng ray lọc nước cua trước khi cho vào nồi. Cứ thế lặp đi lặp lại hai bước này đến khi bạn thấy lượng nước đã đủ để nấu bún và trong âu chỉ còn lại vỏ cua cứng ráp là được.
Nêm 2 muỗng canh mắm tôm, 1 muỗng cà phê hạt nêm vào nồi nước cua vừa lọc rồi đặt lên bếp đun ở lửa vừa. Chú ý không để lửa to quá, gạch cua rất dễ bị cháy hoặc trào ra ngoài.
Từng miếng riêu cua thơm ngon, hấp dẫn. Ảnh: Internet
Khuấy đều tay để riêu cua kết lại và vớt ra tô để riêng. Tiếp tục cho cà chua đã xào sơ ở bước 1 vào nồi nước cua, nêm nếm lại cho vừa ăn rồi cứ tiếp tục đun với lửa nhỏ.
Làm chả tôm, thịt
Cho tôm khô đã xay nhuyễn ở bước 1 ra tô lớn cùng thịt xay, trứng gà, đầu hành băm, tỏi, hành tím băm, ½ muỗng canh hạt nêm, ½ muỗng đường và trộn đều hỗn hợp.
Chả tôm thịt có màu sắc bắt mắt. Ảnh: Internet
Khi nước riêu cua sôi, dùng muỗng múc từng phần hỗn hợp vừa trộn ở trên cho vào nồi nước.
Thấy chả chín nổi lên mặt nước, bạn múc ra để riêng, tiếp tục cho đậu phụ đã chiên vào.
Nấu bún riêu cua
Dùng chảo vừa xào cà chua phi thơm hành tím băm nhuyễn, sau đó cho phần gạch cua đã chuẩn bị ở bước 1 vào đảo đều và tắt bếp.
Phần gạch cua béo ngậy cho món ăn thêm đậm đà. Ảnh: Internet
Phần này bạn có thể cho luôn vào nồi nước riêu cua để tạo màu hoặc cho riêng vào từng tô khi ăn đều được.
Nếu cho gạch cua xào vào nồi nước dùng, bạn chỉ cần nấu thêm 3 – 5 phút là được. Trước khi tắt bếp, bạn cho giấm bỗng vào, tùy theo khẩu vị của bạn mà có thể cho ít hoặc nhiều. Trong món bún riêu cua của người miền Bắc thường cho thêm giấm bỗng vào để tạo ra vị chua thanh dịu dàng và mùi thơm đặc trưng.
Thành phẩm, trình bày và thưởng thức
Cho BÚN, hành, riêu cua, chả vào tô. Chan nước dùng lên trên và thêm ít ngò, tiêu xay là bạn đã có món BÚN RIÊU CUA vô cùng hấp dẫn, chuẩn vị, ăn kèm với đĩa rau sống và chấm với mắm tôm là ngon tuyệt vời.
Các bước thực hiện món bún riêu cua vô cùng đơn giản. Ảnh: Internet
Mẹo và một số lưu ý
- Bạn có thể cho thêm tôm khô vào nước riêu hoặc dùng nước hầm xương để món bún riêu cua ngon hấp dẫn hơn.
- Nếu dùng thịt cua đóng hộp, các bạn có thể trộn cùng với thịt xay rồi chia thành các miếng nhỏ thả vào nồi nước dùng đang sôi, đợi chúng chín rồi vớt ra để riêng giống như thịt cua (do thịt cua đống hộp khi nấu như thịt cua giã không kết tủa nên chúng ta dùng cách nấu này để bát bún riêu ngon và đẹp hơn)
Cách chọn cua ngon
- Nên chọn cua đồng có màu tím xám đục, phần mai có màu sáng hơn. Cua nhiều thịt là những con cua đực có yếm nhỏ và nhọn. Cua cái có yếm lớn thường sẽ nhiều gạch hơn.
- Bạn phải chọn những con còn di chuyển nhanh, càng và chân còn đủ, lấy tay ấn vào vỏ yếm thấy nổi bọt là cua còn tươi.
- Để làm bún riêu cua ngon, cua phải được giã bằng tay, váng thịt cua mới mềm, mịn và giữ được mùi vị đặc trưng. Nếu không có thời gian bạn đem xay cua bằng máy xay, nhưng váng thịt cua thường xốp, sạn.
Bà bầu ăn bún riêu cua được không?
- Thịt cua đồng chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là canxi. Trong thời kì thai nghén, mẹ và bé đều cần được cung cấp một lượng lớn canxi để bổ sung cho hệ xương và răng. Thiếu canxi, mẹ bầu có thể đối mặt các cơn đau nhức khớp, chảy máu chân răng… Thai nhi thiếu canxi sinh ra nhẹ cân, thấp còi.
- Vì vậy, ăn thịt cua đồng hay các món như bún riêu cua rất tốt cho mẹ bầu. Tuy nhiên, trong thịt cua biển lại chứa một lượng nhỏ thủy ngân có thể gây dị tật hệ thần kinh nếu mẹ bầu ăn phải.
- Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy 2 loại chất là dioxin và polychlorinated biphenyls, gây phát ban vô cùng độc hại. Một lượng nhỏ dioxin và polychlorinated biphenyls nếu nhiễm phải có khả năng tấn công hệ miễn dịch, phá hủy chức năng hệ thần kinh, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh gây sinh non, sảy thai ở thai nhi.
- Vì vậy, dù có nhiều dinh dưỡng, các mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều cua. Theo khuyến cáo, một tuần, mẹ bầu chỉ nên ăn 200g thịt cua và bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác.
Bún riêu cua ăn kèm với gì?
- Bún riêu thường ăn kèm với rau thơm, gồm có: rau muống bào, tía tô, kinh giới, xà lách, giá, hành lá và ngò gai. Ở một số nơi, người ta còn sử dụng rau húng quế và rau chuối bào cho món ăn này.
Ăn bún riêu cua có béo không?
- Một tô bún riêu cua cỡ vừa chứa 450 kcal. Như vậy năng lượng trong một tô bún riêu cao gấp 2,25 lần một chén cơm trắng (200 kcal) và gấp 1,5 lần một chén cơm có thức ăn (300 kcal). Muốn giảm cân, bạn cần có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.
Để có thể học thêm cách nấu bún riêu cua ngon cũng như cách chế biến nhiều món ăn dân dã, hấp dẫn, đặc trưng của từng vùng miền. Bạn có thể đăng ký bằng cách điền thông tin cá nhân vào form bên dưới hoặc liên hệ số điện thoại 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn các khóa học phù hợp.
24 bình chọn
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!