(NSMT) – Bí hầm dừa là một món ăn đặc trưng của người dân miền sông nước Tây Nam Bộ, món này có thể nấu theo cả 2 kiểu chay và mặn, ăn kiểu nào cũng thơm ngọt làm mát lòng người dân quê.
Bí hầm dừa- món ăn quen thuộc của người dân xứ miệt vườn, từ xưa dân gian đã có câu “Thiếp mong mẹ gả về vườn/ Ăn bông bí luộc hương dừa nấu canh”. Trái bí để hầm dừa ở đây là trái bí rợ, thuở khai hoang bí rợ mọc dại bờ rừng được người ta đem về trồng trong vườn rồi dần dần cải giống.
Bí rợ là một loại rau ăn được nhiều phần như đọt bí, bông bí, trái bí và cả hạt bí. Đọt bí có thể lặt sạch lớp vỏ xơ bên ngoài, bẻ đốt vừa ăn rồi đem xào tỏi, nấu canh hay luộc đều được. Bông bí trổ vàng ươm dưới trời sa mưa đã đi vào từng lời ca của nhạc sĩ Bắc Sơn với sự thân thương quê nhà. Bông bí đực còn là một món rau được nhiều người ưa thích thường xuất hiện trong các món ăn dân dã miền quê như bông bí luộc chấm chao, bông bí xào, bông bí dồn thịt nấu canh hay các món lẩu,… Hạt bí rang lên lại là món quà quê nhấm nháp trong mùa Tết của cả người lớn và đám trẻ lon ton.
Trái bí rợ có những hình thù khác nhau như hình tròn với các vân rãnh chia như múi cau hay bí hồ lô với vẻ ngoài giống chiếc hồ lô xa xưa ông bà ta dùng đựng rượu, đựng nước. Trái bí rợ có thể ăn từ lúc còn non tới khi đã chín vàng, bí non ăn kiểu bí non, bí già ăn kiểu bí già và mỗi cách chế biến sẽ tạo nên hương vị đặc trưng.
Trái bí rợ đã già có phần ruột màu vàng nghệ óng ả đẹp mắt, dường như người dân miền Tây ưa chuộng loại bí hồ lô hơn là bí tròn do có tính dẻo nhiều hơn. Các bà nội trợ miền sông nước có thể chế biến ra đủ thứ món chỉ với trái bí, thông thường có món bí hầm xương, bí nấu tép, chè bí, bánh bí hay cả sữa bí. Tuy nhiên, món ăn dân dã nhất với trái bí rợ ở miền Tây phải nói đến là bí hầm dừa, món ăn chỉ thuần các nguyên liệu thực vật có sẵn trong vườn nhà.
Món bí hầm dừa không thể nói chính xác rằng xuất phát ở địa phương nào nhưng có lẽ rất thân quen với nhiều người dân khu vực An Giang, một người nào đó đã nói mỗi lần nhớ về nội lại nhớ đến bí hầm dừa, món ăn này khi nội còn sống thường nấu cho chị ăn.
Đây là một món ăn tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người dân miền Tây, đến nay cách chế biến còn được biến tấu đa dạng với các nguyên liệu khác nhau từ chay đến mặn. Trước đây, bí hầm dừa chỉ đơn giản có 2 nguyên liệu là trái bí rợ già và dừa khô vắt lấy nước cốt, ngay tại xứ dừa nên món ăn kết hợp nước cốt dừa là chuyện hết sức bình thường, thậm chí nếu thiếu dừa người ta sẽ cảm thấy món ăn mất đi nhiều phần thơm ngon.
Bí rợ gọt vỏ, rửa sạch cắt miếng vừa ăn, thêm chút đường và muối tùy khẩu vị, nước dừa giảo cũng nêm nếm một chút rồi đun sôi, sau đó cho bí vào hầm mềm. Khi bí đã mềm mới để nước cốt nhất và nêm nếm lại một lần nữa, nếu muốn ăn hành chỉ cầm thêm chút hành lá xắt nhỏ là đã xong món ăn thơm ngon bổ dưỡng. Bí hầm dừa có thể ăn không hoặc ăn với cơm trong những ngày “chay” đều được.
Bí hầm dừa còn được nấu theo kiểu mặn bằng cách hầm cùng xương, tép,… dành cho những người cần bổ sung dinh dưỡng, bí dẻo bùi thêm cái ngọt của xương và tép hòa trong nước cốt dừa béo ngậy làm mê mẩn lòng người.
Bí hầm dừa là một món canh, đến nay nhiều người đã cải biến nấu thành món chè để cúng trong những ngày Rằm lớn như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 và Rằm tháng 8. Món chè này được gọi là chè kiểm với đa dạng các nguyên liệu nấu như đậu phộng, khoai lang, khoai môn, bột khoai, bột báng, chuối xứ,…
Bí hầm dừa là món ăn đượm tình quê hương đối với những người con xứ sở, một món ăn dân dã, thân quen gợi nhớ cả miền ký ức tuổi thơ.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!