Lưu ngay Top cách làm đồ chơi ô cửa bí mật hàng đầu 2023

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

MÔ TẢ SÁNG KIẾN

Mã số :…………

1. Tên sáng kiến: “Thiết kế mô hình trò chơi ô cửa bí ẩn dành cho trẻ mẫu giáo”

2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Chuyên môn giảng dạy

3. Mô tả bản chất của sáng kiến

3.1. Tình trạng giải pháp đã biết

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ của GDMN là nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục trẻ. Mục tiêu giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Phương pháp giáo dục mầm non chủ yếu là “Học bằng chơi, chơi bằng học”. Vui chơi là hoạt động chủ đạo trong trường mầm non. Để thực hiện hoạt động vui chơi phải có đồ dùng đồ chơi và để tiết học trở nên phong phú, hấp dẫn đối với trẻ thì phải có đồ dùng dạy học của giáo viên giúp cho trẻ ham thích đi học, yêu quí cô giáo, đoàn kết với bạn.

Đồ dùng đồ chơi là phương tiện giáo dục trong trường mầm non, đồ dùng đồ chơi trong trường mầm non được hiểu như là đồ dùng dạy học, đồng thời như là đồ chơi cho trẻ, phải quan tâm đến việc tạo ra đồ dùng dạy học cho cô và đồ chơi cho trẻ ở trường mầm non.

Đồ dùng dạy học cho cô có thể sưu tầm hoặc do chính giáo viên làm, đồ dùng dạy học tự tạo được làm từ các nguyên vật liệu dễ tìm kiếm, đa dạng, dễ chế tạo, sản phẩm gần gũi với hoạt động của trẻ và luôn đổi mới, Trong nhiều năm qua nhà trường đã từng lúc bổ sung, mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi cần thiết để phục vụ cho trẻ trong các hoạt động, hàng năm nhà trường cũng có tổ chức hội thi làm đồ dùng đồ chơi ở các lớp nhằm làm phong phú thêm nguồn đồ chơi cho trẻ, đồ dùng dạy học cho cô. Tuy nhiên các đồ dùng dạy học và đồ chơi đó chưa được các cô mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ vào. Vì vậy để góp phần nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ vào làm đồ dùng đồ chơi, và giúp trẻ hứng thú hơn khi tham gia hoạt động học chúng tôi đã thảo luận và thống nhất thực hiện giải pháp: “Thiết kế mô hình trò chơi ô cửa bí ẩn dành cho trẻ mẫu giáo”

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến

– Mục đích của giải pháp:

Giúp trẻ hứng thú tham gia học tập, mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh thông qua các hình ảnh.

Đưa kiến thức đến với trẻ một cách nhẹ nhàng dưới hình thức trò chơi

Trẻ được trực tiếp thao tác vào trò chơi, được phát triển vận động tinh, rèn sự khéo léo của đôi bàn tay qua trò chơi

Trò chơi góp phần thực hiện tốt quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”

– Nội dung giải pháp:

+ Tính mới của giải pháp:

Áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào việc làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ bằng việc sử dụng ánh sáng đèn led và âm thanh kích thích tính tò mò, phiêu lưu khám phá của trẻ.

+ Các bước thực hiện:

* Thiết kế mô hình trò chơi “Ô cửa bí ẩn”

Chuẩn bị nguyên vật liệu:

Nguyên vật liệu chính để làm mô hình trò chơi này gồm:

+ Một tấm mica màu trắng đục có kích thước khoảng 2m

+ Một tấm mica màu trắng trong có kích thước khoảng 0,5m

+ Mica màu xanh, mica màu đỏ, mica màu vàng mỗi tấm khoảng 0,5m

+ Tấm phom màu trắng có kích thước 60x60cm

+ 4 trụ sắt nhỏ cỡ đầu đũa có chiều dài 60cm

+ Hệ thống đèn led và hộp phát âm thanh

+ Các hình ảnh về các chủ đề, các con số, chữ cái đã được in ra và ép nhựa cho cứng. Tùy theo các hoạt động giáo viên tổ chức mà chuẩn bị các hình ảnh tương ứng,

+ Các món đồ chơi vận động tinh nhỏ gọn dành cho trẻ mẫu giáo

Yêu cầu khi lựa chọn nguyên vật liệu: Nguyên vật liệu sử dụng làm mô hình trò chơi phải được vệ sinh sạch sẽ khô ráo và đảm bảo an toàn cho trẻ: Không độc hại, không sắc nhọn, kết dính chắc chắn…

Cách làm:

* Bước 1: Cắt và dán miếng mica màu trắng đục thành hộp vuông lớn có 5 mặt (mặt trên, mặt dưới, mặt bên trái, mặt bên phải và mặt sau) kích thước 60x60cm, gắn 4 trụ sắt theo chiều dọc vào mặt trống phía trước của hộp vuông.

* Bước 2: Gọt dũa 12 miếng mica màu (có 4 màu xanh, 4 màu đỏ, 4 màu vàng) thành 12 hình vuông có kích thước 12,5×12,5cm gắn vào các trụ sắt để làm các ô cửa, các ô cửa được gắn theo quy tắc xanh, đỏ, vàng và các ô này có thể xoay vòng từ mặt sau ra mặt trước và ngược lại nhờ hệ thống trụ sắt. Phía sau của từng ô cửa làm các hộc để gắn các hình ảnh vào.

* Bước 3: Hệ thống đèn led dây được gắn vào mặt sau của hộp và hộp âm thanh vào phía bên trong của hộp.(Nhờ các tiệm chuyên làm bảng hiệu, đèn led giúp gắn đèn và hộp âm thanh vào, nhờ tạo ra hiệu ứng theo yêu cầu của mình)

* Bước 4: Dùng các nguyên vật liệu khác nhau để làm các đồ chơi vận động tinh và để vào bên trong mỗi ô cửa

Cách sử dụng và công dụng của mô hình trò chơi:

Đây là mô hình trò chơi tương tác dựa trên một hệ thống đèn led được điều khiển bằng remort. Hệ thống trò chơi là 1 hình vuông lớn, phía trước là 12 ô cửa bằng mica có thể xoay vòng từ mặt sau ra mặt trước và ngược lại, phía sau của từng ô cửa làm các học để gắn các tranh theo chủ đề hoặc tùy theo yêu cầu của từng hoạt động mà cô đưa ra để đặt vào các ô cửa. Khi chơi, trẻ bật công tắc ON, nhạc nổi lên, hệ thống đèn led lập tức cháy sáng, bấm nút hoạt động R, hệ thống đèn led cháy sáng lần lượt qua các ô cửa màu theo chiều kim đồng hồ, đèn cháy sáng chạy tới ô trẻ thích trẻ sẽ chọn ô đó bằng cách nhấn nút vào chữ R, đèn lập tức dừng lại ở ô cửa đã chọn, trẻ dùng tay xoay ô cửa bên trong xuất hiện hình ảnh, trẻ quan sát và trả lời câu hỏi theo yêu cầu ban đầu của cô. Song song với trả lời câu hỏi về các hình ảnh thì bên trong các ngăn của từng ô cửa giáo viên còn sắp xếp các đồ dùng như: con vật, đèn giao thông, hoa, vòng… để cháu tiếp tục chơi các trò chơi phát triển vận động tinh cũng như phát triển trí tuệ cho trẻ.

* Công tác phối hợp với cha mẹ học sinh:

Thông qua các buổi họp cha mẹ học sinh ở lớp chúng tôi cũng tích cực thông tin đến phụ huynh về tầm quan trọng của đồ dùng đồ chơi đối với trẻ và lợi ích của việc tạo ra đồ dùng học tập thu hút, hấp dẫn trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Từ đây phụ huynh đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về cơ sở vật chất như: hỗ trợ các nguyên vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ

3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp

Qua áp dụng giải pháp chúng tôi nhận thấy giải pháp này dễ thực hiện, không tốn kém chi phí nhiều, dễ dàng vận dụng, chuyển tải được nhiều chủ đề giáo dục trong một trò chơi, tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong việc tổ chức thiết kế các hoạt động giáo dục về nhận thức. Sáng kiến này có thể triển khai được ngay với trình độ kỹ thuật và điều kiện hiện nay của các trường mầm non trong tỉnh Bến Tre.

3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp

Kinh tế:

– Chuyển tải được nhiều chủ đề giáo dục trong một trò chơi, tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong việc tổ chức thiết kế các hoạt động giáo dục về nhận thức

– Giá thành thấp tiết kiệm được kinh phí trong đầu tư giảng dạy của giáo viên

Kỹ thuật:

Vận dụng sáng tạo, kết hợp linh hoạt giữa các nội dung giáo dục với hệ thống âm thanh, đèn led dây.

Xã hội:

  • Đối với trẻ:

– Trẻ được phát triển nhận thức, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, lĩnh hội kiến thức.

– Tất cả được tiếp cận hình thức “Chơi mà học” mới lạ giúp trẻ tiếp thu kiến thức nhanh hơn, húng thú tích cực hơn trong học tập

– Rèn sự khéo léo, linh hoạt của đôi bàn tay khi trẻ thực hiện các vận động tinh trong trò chơi “ Ô cửa bí ẩn”

  • Đối với giáo viên:

Giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc làm các đồ dùng, đồ chơi, mạnh dạn đầu tư, sáng tạo hơn trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào thiết kế đồ dùng đồ chơi cho trẻ.

Việc tận dụng công nghệ, kỹ thuật vào thiết kế mô hình trò chơi hình góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục trẻ theo chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

  • Đối với cha mẹ học sinh:

Cha mẹ học sinh hỗ trợ giáo viên một cách nhiệt tình, cùng phối hợp với giáo viên trong việc làm đồ dùng, đồ chơi

Tạo nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động cùng trẻ ở trường. Từ đó tạo mối quan hệ thân thiết, thống nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ.

Cung cấp hỗ trợ nhiều nguyên liệu: giấy báo, chai nhựa, vỏ sữa,… để cô tạo ra nhiều đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ phong phú hơn

3.5 Tài liệu kèm theo: Hình ảnh của trẻ tham gia vào trò chơi “Ô cửa bí ẩn” được nhóm tác giả thực hiện tại trường.

Bến Tre, ngày 7 tháng 2 năm 2020