Bánh tét, có nơi gọi là bánh đòn, là một loại bánh trong ẩm thực của cả người kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Bánh tét có nét tương đồng với bánh chưng ở Miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong. Vì vậy bánh tét được sử dụng rất nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam với vị trí không khác gì bánh chưng. Còn chần chừ gì nữa mà không lưu ngay lại các cách làm bánh tét nhân thịt trong bài viết dưới đây.
1. Ý nghĩa nhân sinh cao cả của bánh tét ngày Tết
Bánh tét được bọc qua nhiều lớp lá như hình tượng một người mẹ bọc lấy đàn con. Người ta ăn bánh Tét như một cách để nghĩ về mẹ, như chị em cùng một mẹ sinh ra luôn đùm bọc lẫn nhau. Ngoài ra, ngày Tết là lúc người ta luôn mang một niềm mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc và an bình. Bánh tét có lớp nếp xanh cùng nhân vàng từ đậu giúp gợi nhớ về một cuộc sống an cư lạc nghiệp, màu xanh của đồng lúa, đời sống chăn nuôi.
Tuy bánh tét và bánh chưng có cách gói bánh khác nhau nhưng thực ra bên trong nhân bánh lại có điểm chung. Đó là ý nghĩa đề cao sức lao động của con người, sự hòa hợp âm dương, của trời đất, của con người và thiên nhiên, và như một lời nhắc nhớ mọi người luôn hướng về tổ tiên ông bà.
2. Các cách làm bánh tét nhân thịt dẻo ngon, béo béo, bùi bùi
2.1. Cách làm bánh tét nhân thịt truyền thống
Nguyên liệu:
- 5kg nếp dẻo
- 1kg đậu xanh cà vỏ
- 1kg thịt mỡ
- 100gam hành lá
- 300gam hành tím
- Lá chuối, lạt, tiêu, muối, bột ngọt.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đậu xanh ngâm nở, nấu chín rồi đánh nhuyễn.
- Hành lá xắt nhuyễn.
- Mỡ thịt chần qua nước sôi, xắt sợi dài 10cm, vuông 1cm.
- Làm nóng dầu rồi cho hành lá vào. Tiếp đó, cho đậu xanh, muối, tất cả trộn đều khoảng 5 phút. Nhấc xuống chia làm 30 phần.
- Nắn một phần đậu xanh mỏng, cho sợi mỡ vào giữa bao kín.
- Nếp sau khi ngâm qua đêm, để ráo. Làm nóng chảo, cho ít dầu, xào sơ nếp với ít bột ngọt và muối. Xào đến khi nếp ra nhựa thì tắt bếp.
Bước 2: Gói bánh
- Lá chuối cắt hình vuông 25cm để bọc ngoài. Lá nhỏ khoảng 15cm đặt phía trong. Lá bịt đầu cắt ngang 5cm, chiều dài 15cm. Tất cả đem phơi héo hoặc trụng qua nước sôi rồi lau sạch.
- Trải lá ra thớt hay mâm lớn, cho nếp vào, dàn mỏng, sau đó đặt nhân vào giữa.
- Gấp 2 mí lá ngoài lại với nhau, cuốn tròn, dùng dây lạt cột ở giữa.
- Tiếp đến bẻ một đầu lá dằn xuống cho dễ gói đầu trên, dùng kéo cắt bớt lá dư. Gấp đầu lá thành hình vuông, đặt hai miếng lá bịt đầu chéo nhau.
- Dùng dây lạt buộc lại cho chặt, đầu còn lại làm tương tự.
- Tiếp tục dùng dây lạt buộc giống đầu đòn bánh, tức buộc 2 đầu chéo nhau theo chiều dọc đòn bánh để giữ cho lá 2 đầu không bung rách.
- Dùng dây lạt buộc từ 6 đến 8 vòng ngang. Phần dây còn thừa xoắn cho dây cuộn lại.
Bước 3: Nấu bánh
- Bắc một nồi nước thật sôi, lót lá chuối còn dư quanh nồi để tạo màu xanh cho bánh rồi xếp bánh vào.
- Đun sôi lửa liên tục. Trong lúc nấu, liên tục đảo để bánh chín đều. Nấu khoảng 6 – 8 tiếng là bánh chín.
- Khi bánh đã chín, vớt bánh ra và rửa sạch bằng nước mát, sau đó để bánh ở nơi thoáng mát hoặc treo bánh lên.
2.2. Cách làm bánh tét nhân thịt trứng muối
Nguyên liêu:
- 5kg nếp hoa vàng
- 500gam đậu xanh
- 1kg thịt ba chỉ
- 20 quả hột vịt muối
- 2kg lá chuối
- 10 củ hành tím
- 2 chén nước cốt dừa
- Muối, mắm, tiêu hạt,…
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Nếp vo 2 lần cho sạch, sau đó ngâm qua đêm rồi vớt ra để ráo.
- Bắc 1 cái chảo lên bếp, cho 2 bát nước cốt dừa vào nấu cho thật sôi thì cho nếp vào, nêm các gia vị như hạt tiêu, muối, mì chính rồi nấu đến khi nước cạn, nếp có nhựa chảy ra dính thì tắt bếp.
- Thịt ba chỉ rửa sạch cắt miếng to.
- Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, hấp 10 phút rồi đem xào với hành tím băm và nêm thêm gia vị cho vừa ăn.
- Trứng vịt muối lọc lấy lòng đỏ, cho vào màng bọc thực phẩm xoắn thành khối vừa với chiều dài của bánh tét.
- Cuối cùng, bọc thịt, trứng muối bằng 1 lớp đậu xanh.
Bước 2: Gói bánh
- Trải lá chuối ra mâm, xúc gạo nếp đổ vào, dàn theo chiều dài và đặt nhân vào đó. Gấp 2 mép lá vào với nhau, cuộn tròn và nén chặt phần nhân, gấp 2 đầu lá lại với nhau thành hình vuông.
- Dùng dây lạt buộc cố định thật chặt. Lưu ý, để tạo hình bánh, bạn phải gói chặt tay.
Bước 3: Luộc bánh
- Xếp 1 lớp lá chuối xuống đáy nồi, cho bánh lên và đổ nước vào luộc chín.
- Thời gian luộc khoảng 8 tiếng tùy bánh nhiều hay ít, nếu thấy bánh cạn nước thì phải bổ sung nước sôi vào ngay.
- Sau khi luộc bánh xong, vớt ra ngoài và rửa lại với nước cho trôi hết chất nhựa dính quanh bánh. Để cho bánh ráo rồi đem bảo quản.
2.3. Cách làm bánh tét nhân thịt hương lá dứa dẻo ngon
Nguyên liệu:
- 5kg gạo nếp
- 1kg thịt ba chỉ
- 1kg đậu xanh
- 200gam lá dứa
- 1kg lá chuối
- 10 củ hành tím
- Muối, tiêu, đường
- Lạc hoặc dây nilon
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Lá dứa rửa sạch, cắt khúc. Cho vào máy xay sinh tố xay cùng 1 chén nước. Lọc qua rây để lấy phần nước cốt.
- Vo sạch gạo nếp, ngâm qua nước ấm cùng với nước cốt lá dứa và để qua đêm. Sau đó đổ ra rổ, vo lại và để ráo rồi rắc ít muối vào nếp, xóc đều.
- Đậu xanh vo sạch, sau đó ngâm qua đêm cho nở mềm. Hôm sau trút đậu ra, rửa lại và đem đi hấp chín. Khi đậu còn nóng, dùng cối tán nhuyễn, sau đó phi ít hành tím thơm đổ vào trộn đều.
- Thịt ba chỉ rửa sạch với nước muối, sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo và cắt miếng lớn. Kế đến cho tỏi, hành, tiêu vào cối và giã nát. Trút hết số gia vị này vào ướp với thịt trong 2 tiếng.
Bước 2: Gói bánh
- Đặt 2 miếng lá chuối xếp chồng lên nhau rồi múc gạo đã ráo vào dàn đều ở giữa miếng lá. Tiếp theo, cho nhân đậu xanh trải đều một lớp bên trên, thêm mấy miếng thịt và cuối cùng là phủ nhân và gạo.
- Sau đó, gấp hai mép lá vào chập với nhau rồi nắn đều tay cho đòn bánh tròn. Sau đó, gói lần lượt hai đầu và dùng dây lạt buộc chặt từ chiều dọc đến chiều ngang. Vừa gói bánh vừa lăn đều và vỗ vào thân đòn để bánh được chắc tay và tròn đều.
Bước 3: Luộc bánh
- Nấu 1 nồi nước sôi, sau đó thả bánh vào luộc trong khoảng 1 tiếng. Sau tiếng đầu tiên này, vớt bánh ra và nấu nồi nước sôi mới, tiếp tục cho bánh vào luộc trong khoảng 7 tiếng.
- Khi luộc bánh, thấy nước hơi cạn là phải chêm nước sôi đổ vào nồi bánh. Tránh đổ nước lạnh sẽ làm cho bánh bị sần, không dẻo.
- Sau khi bánh chín, vớt bánh ra ngoài và rửa lại với nước lạnh. Sau đó treo bánh lên cho ráo bớt nước.
3. Cách bảo quản bánh tét lâu hỏng
- Bánh tét mới vớt ra còn nóng thì nên treo bánh ở nơi thoáng mát và chờ cho bánh nguội. Không cất bánh vào tủ hay để bánh trong túi kín, bánh bị hầm hơi sẽ rất mau hư.
- Bánh tét có thể bảo quản 3 – 4 ngày ở nơi thoáng mát. Hoặc có thể cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh, khi dùng thì đem hấp lại hoặc chiên ăn rất ngon.
- Ngoài ra nếu muốn bảo quản lâu hơn có thể đặt bánh lên ngăn đá, tuy nhiên cần rã đông bánh ở nhiệt độ thường và luộc lại bánh khi dùng. Nếu bảo quản ở ngăn đá thì bánh có thể sử dụng trong khoảng 1 tháng.
4. Mẹo nhỏ cần nắm khi làm bánh tét nhân thịt
Khâu chọn nguyên liệu:
- Nếp hãy chọn loại có hạt đều, ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa dẻo vừa thơm.
- Nên chọn đậu xanh hat nhỏ, ruột vàng thì bánh tét sẽ thơm ngon hơn.
- Nên chọn mua thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn để nhân bánh được mềm và dẻo thơm, tránh chọn thịt quá nạc.
- Khi chọn lạt buộc bánh, cần chọn loại lạt mỏng, mềm, dẻo dai.
Quá trình luộc bánh :
- Khi nấu được 1,5 – 2 tiếng, nên vớt bánh ra ngoài, trở ngược đầu bánh rồi tiếp tục cho vào luộc để bánh chín đều.
- Hãy chú ý châm nước thường xuyên để nồi nước không bị cạn trong quá trình luộc.
- Sau khi luộc chín bánh, vớt bánh ra ngoài, rửa qua với nước lạnh, dùng tay lăn tròn để bánh được đẹp mắt.
Hy vọng với các cách làm bánh tét nhân thịt như trên, bạn đã có thể tự tin gói bánh tét ngay tại nhà để có những đòn bánh tét vừa rẻ, vừa hợp vệ sinh mà còn tăng thêm tình thân cho cả gia đình. Cả nhà cùng ngồi quây quần gói bánh, luộc bánh chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó phai trong cuộc đời mỗi người. Đòn bánh tét có màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, ngọt bùi của nhân đậu, lá dứa và thịt thơm phức sẽ luôn là hương vị khó quên với mỗi người Việt nói chung và người con miền Nam riêng. Chúc các bạn thành công!
Thanh Hoà tổng hợp
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!