Nước ta có cả chục loại bánh canh, từ to bằng chiếc đũa (bánh canh bột lọc Sài Gòn), nhuyễn như sợi chỉ (bánh canh hẹ Phú Yên), dẹp đép như bánh canh bột gạo xắt (thường thấy tỉnh miền Trung) đến ngắn tủn như cọng bánh lọt (thường thấy ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau). Điểm chung của tất cả các loại bánh canh là đều làm từ bột gạo.
Nhưng bạn có biết, không chỉ có bột gạo, bột nếp cũng có thể làm được bánh canh. Và món bánh canh đó đã gắn liền với thời thơ ấu của tôi.
Tôi có thể ăn bánh canh thay cơm cả tháng cũng không ngán. Tôi thích cái dáng vẻ nõn nường của những cọng bánh canh trắng muốt, dẹp tròn gì trông cũng xinh. Không rối nùi như hủ tíu hay mì, không nhuyễn như bún nên bánh canh luôn tách rời từng sợi trong tô. Dùng muỗng xắn vài cọng cho vào miệng, ngay lập tức cảm nhận được sự trơn, mượt rất êm ái, cái sựt sựt thật nhẹ nhàng của bột, đôi khi nuốt trọng cũng thấy ngon.
Tả nhiều như vậy nhưng chỉ muốn nói rằng tôi mê bánh canh số một, mê từ thời biết ăn dặm cho đến bây giờ vẫn còn mê.
Hồi tôi còn nhỏ, bữa sáng của cả nhà luôn là cơm nguội chiên. Đúng là ngán tận cổ khi sáng nào cũng phải tiêu hóa cái món nuốt trầy cần cổ đó. Tôi là con út trong nhà nên hay làm nũng làm nư, đòi ba chở đi ăn quán bánh canh của bà Chín sát vách trường tiểu học của xã.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào tôi cũng được chìu chuộng, năm thì mười họa ba mới thưởng cho một bữa bánh canh, đó là vào ngày khai giảng, được lãnh thưởng,… Vì vậy mà, tuổi thơ tôi, bánh canh luôn là giấc mơ thường trực.
Một sáng mùa mưa sụt sùi, ngoại lụi hụi dậy sớm lấy bột nếp ra nhào. Ngoại nói với má: “Thay vì nấu chè chủm (tương tự như chè trôi nước nhưng là những viên nhỏ, không có nhân) mình nấu bánh canh đổi món”.
Đầu tiên, ngoại bắt nồi nước lên bếp, cho vào chút muối, đợi sôi thì dùng tay véo những cục bột vừa phải, để giữa 2 lòng bàn tay, xoa vào nhau cho khối bột dài ra, tròn đều rồi thả vào nồi. Không như bột gạo hay bị sượng, bột nếp ninh trong nước sôi độ 1 phút đã chín từ trong ra ngoài và nổi lên trên.
Khi những cọng bột vừa chín tới, ngoại vớt ra để vào nồi nước lạnh cho có độ dai, giòn. Trước đó, má đã ngâm trước một mớ nấm rơm khô để dành từ mùa nắng rửa sạch, vắt ráo rồi ra trước ao nhà hái mấy trái mướp hương vào, gọt vỏ, xắt xéo. Nấm và mướp sau đó được cho vào nồi luộc bột, nấu chín để tạo độ ngọt cho nước dùng.
Khi mọi thứ chín tới, ngoại nêm nếm vừa ăn rồi cho mấy cọng bột nếp trở lại nồi, nấu sôi vài dạo, nêm thêm chút hành, tiêu là đã xong nồi bánh canh. Để món bánh canh bột nếp thêm phần thơm ngon, ngoại bảo má bằm nguyễn mớ tỏi, phi thơm rồi chan vào nồi.
Sáng đó, tôi mắt nhắm mắt mở xuống bếp bỗng tỉnh cả người khi nghe mùi hành tiêu quyện với mùi tỏi phi thơm nức cả gian bếp. Đây đích thị là mùi bánh canh rồi, tôi háo hức chạy tới chỗ ngoại và má, hơi thất vọng khi thấy trong nồi là những cọng bột to, nhỏ, dài, ngắn lung tung chứ không đều tăm tắp như bánh canh ngoài quán.
Nhưng khi ngồi vào bàn, xắn vài sợi bánh canh cho vào miệng, vừa nếm muỗng đầu tiên tôi đã biết đó là tô bánh canh ngon nhất trong đời mình. Không dai nhách như bánh canh bột lọc của Sài Gòn, không bở như bánh canh bột gạo, cọng bánh canh bột nếp ngoại làm vừa dẻo vừa sựt sựt lại có mùi thơm rất ngào ngạt của nếp. Đó là cái mùi mà khi ăn bánh ít bạn hay cảm thấy; nó quyện với hành, tiêu, tỏi phi bỗng trở nên đậm đà trong từng ngóc ngách của khứu giác.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!