Hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo cây cà phê vối

Những điều cần chú ý khi thực hiện ghép cải tạo giống cây cà phê vối để nâng cao năng suất cây trồng cho người trồng cà phê

Cây giống cà phê vối cũ trước đây hiện nay không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cây trồng thấp và không có khả năng chống lại một số loại sâu bệnh, chất lượng hạt cà phê cũng không cao do hạt nhỏ, 100 nhân chỉ đạt được 13 – 14g nên việc thay thế những giống cà phê cũ này bằng một giống cà phê mới năng suất chất lượng cao là điều cần thiết. Kỹ thuật ghép chồi cải tạo là phương pháp hiệu quả cao cho bà con nông dân giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng hơn với những giống như giống cà phê TR4, TR9 có tỉ lệ sống cao đến 90%, chi phí thực hiện lại thấp, cây cho năng suất sau 18 tháng giúp thời gian hoàn vốn nhanh. Cùng tìm hiểu những điều cần chú ý khi thực hiện ghép cải tạo giống cây cà phê vối trong bài viết bên dưới sau đây.

1. Chọn hạt giống cà phê

Dựa vào điều kiện sinh thái ở địa phương mà chọn chồi ghép của những dòng vô tính nhà nước đã công nhận, điều kiện của chồi ghép phải đáp ứng những điều kiện như sau: + Chồi ghép được lấy từ vườn nhân chồi đạt tiêu chuẩn. + Chối ghép lấy từ thân hoặc là ngọn của chồi vượt. + Kích thước dài 4 – 5 cm. + Cắt chồi xong cần bảo quản kĩ tránh việc bị héo. + Lấy chồi từ vườn đã bón phân trước đó ít nhất 7 ngày.

2. Thời điểm và kỹ thuật cưa cây

Ở viện eakmat và khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thời điểm cưa cây thích hợp nhất là vào thời điểm tháng 3 – 4 hàng năm, cưa cây cần tiến hành cưa cách mặt đất khoảng 30 – 35 cm, phần mặt cắt nghiêng một góc 45 độ theo hướng Đông hoặc Đông Bắc.

Hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo cây cà phê vối

Trước lúc cưa nên rong tỉa những cành chồi già của cây, cưa xong tiến hành dọn sạch vườn, gom tất cả cành cây ra khỏi vườn, tiến hành đào xới cho đất tơi xốp trước khi ghép.

3. Thời vụ và kỹ thuật ghép

Thời điểm ghép cây có thể tiến hành quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào tháng 5 – 6, tầm 2 tháng sau khi cưa cây. Lúc này các chồi tái sinh có 1 – 2 cặp lá có đường kính 6 – 8mm, cao chừng 20 – 30cm là có thể tiến hành ghép.

4. Kỹ thuật ghép thông thường

– Cắt bỏ phần ngọn và thân của chồi làm gốc ghép, cắt ngay thân cách nách 3 – 4 cm. – Chẻ dọc ngay giữa thân một đoạn ngắn khoảng 2 cm. – Với chồi ghép nên cắt vát thành hình nêm có độ dài 2cm, độ dài tương ứng với vết chẻ ở gốc ghép. – Đặt gốc chồi ghép vào ngay vết chẻ sao cho vỏ của gốc ghép lẫn chồi ghép được áp chặt vào nhau. – Dùng dây nilon để buộc chặt vết ghép, tiến hành buộc từ vòng ngoài sau đó quấn từ bên dưới lên. – Ghép xong tiến hành việc bao kín chồi bằng túi nilon, với gốc ghép cần phải bao kín lại bằng túi giấy để ngăn không cho nước thấm vào – Trên gốc ghép phân bố đều 2 – 3 chồi ghép.

5. Kỹ thuật ghép cải tiến

– Với phương pháp ghép này có thể tiết kiệm được chi phí bao nilon và bao giấy, chồi ghép có thể kiểm tra dễ hơn nhưng phải tiến hành trong mùa khô và thời điểm thời tiết thuận lợi. – Trước khi ghép cần tiến hành việc xử lý chồi ghép, nên cắt bỏ hết lá trên chồi ghép rồi tiến hành ghép như thông thường ở giai đoạn cuối. Dùng các loại dây ghép chuyên dùng để bọc kín lại toàn bộ chồi ghép, không cần bao chụp bên ngoài. Khi chồi ghép tiếp hợp với gốc ghép chúng bắt đầu sinh trưởng nên tiến hành bung chồi non ra khỏi dây ghép. – Ghép xong chất lượng của cây không hề bị ảnh hưởng bởi giống của gốc ghép. Tỉ lệ sống của chồi là 90% những cây bị chết bà con nên tiến hành ghép bổ sung cho những lần sau cách lần đầu 20 – 30 ngày. – Cây ghép không liên kết được giữa chồi ghép và gốc ghép sẽ có dấu hiệu kém sinh trưởng ít cành thứ cấp xuất hiện nhiều cành khô nên bà con hãy khắc phục tình trạng này bằng cách ghép 1 – 2 dòng vô tính khác nhau trên cùng một gốc ghép.

Bình Luận

comments