Kính mắt bao gồm kính cận, viễn, loạn, kính râm (kính mát)… cần được sử dụng và bảo quản hợp lý để có độ bền cao, ít cong vênh, từ đó giúp đạt hiệu quả như mong muốn khi sử dụng. Sau đây là cách sử dụng và bảo quản kính mắt đúng đắn.
Xem thêm: 9 Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng
Nên đeo kính và tháo kính bằng cả hai tay
Nhiều người có thói quen chỉ sử dụng một tay cầm một bên gọng kính để đeo kính vào mắt, hoặc cũng chỉ dùng một tay cầm gọng kính rồi tháo kính ra.
Việc này lâu ngày dễ làm kính bị méo, lệch hai gọng, giữa gọng và mắt kính không còn chuẩn, gọng kính cũng dễ lung lay khiến kính không còn “zin” như lúc đầu, đòi hỏi phải sửa chữa hoặc thay kính mới.
Cách đúng là dùng cả hai tay nhẹ nhàng cầm hai gọng kính để gài nhẹ vào tai. Nếu cần chỉnh kính cho đúng với sống mũi thì cũng cầm kính bằng cả hai tay để chỉnh nhẹ.
Chú ý vệ sinh kính
Trong quá trình sử dụng, kính thường xuyên bị bám bẩn, đặc biệt là ở các khe kẽ nơi sống mũi, chỗ gập ở gọng, đường viền mắt kính… Để kính giữ được độ trong ở mắt kính, không bị ô xy hóa, bạn nên vệ sinh kính thường xuyên bằng nước sạch hoặc nước rửa kính chuyên dụng, sau đó lau khô kính bằng vải mềm sạch.
Lý tưởng và đơn giản nhất là mỗi ngày bạn nên rửa kính dưới vòi nước sạch để trôi đi các bụi bẩn, sau đó để kính tự khô.
Không để kính tiếp xúc với nhiệt độ cao
Kính mắt được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng nhìn chung dù làm bằng chất liệu nào thì kính cũng sẽ giảm độ bền nếu để tiếp xúc với nhiệt độ cao. Muốn kính bền, đừng bao giờ để gần những nơi nhiệt độ cao như: cạnh bếp ga, lò sưởi, bàn là nóng…
Không để kính ngoài trời nắng nóng, nhất là với những kính có gọng bằng nhựa. Ngoài ra, không rửa kính bằng nước nóng, không đeo kính khi đi tắm hơi, không dùng máy sấy, lò sấy để làm khô kính.
Cất kính cẩn thận khi không dùng đến
Khi không dùng kính, cần cất trong hộp cứng hoặc túi vải mềm và để ở chỗ cao theo quy định trong nhà bạn. Không vứt kính bừa bãi ở dưới sàn, trên giường vì dễ vô tình dẫm phải hoặc nằm đè lên; không để kính ở chỗ vừa tầm tay với của trẻ con vì trẻ nghịch ngợm có thể lôi kính ra chơi và làm hỏng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho chúng.
Không chạm tay vào mắt kính
Khi chạm tay vào mắt kính, dù tay bạn sạch cỡ nào thì cũng sẽ có “dấu vết” để lại, khiến bạn nhìn mờ hoặc không thoải mái. Nếu vô tình chạm tay vào mắt kính khiến kính bị mờ bởi dấu tay, hoặc kính bị vương các vết bẩn khác, cách giải quyết là vệ sinh mắt kính.
Không tự ý sửa chữa kính
Nếu phát hiện kính có vẻ không cân đối, bạn nên đem kính đến cửa hàng để đề nghị sửa chữa. Không nên tự ý bẻ, uốn gọng.
Không đeo kính khi chơi các môn thể thao đối kháng
Bạn có thể đeo kính khi đi bộ, đạp xe đạp nhẹ nhàng, nhưng nếu chơi các môn thể thao có tính đối kháng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… thì nhất thiết cần bỏ kính ra, bởi rất có thể bạn bị ngã, kính không những gãy hỏng mà còn gây nguy hiểm cho bạn.
Cuối cùng, mọi đồ dùng đều có tuổi thọ nhất định. Dù bạn có sử dụng và bảo quản kính cẩn thận đến đâu thì qua thời gian, kính vẫn bị hỏng do lão hoá, gọng sẽ trở nên yếu đi hoặc bị bào mòn, mắt kính sẽ bị ngả màu hay trầy xước.
Nếu phát hiện kính có dấu hiệu không còn đạt chuẩn, bạn hãy gặp bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện mắt để khám mắt, đồng thời xin tư vấn về việc sửa chữa hoặc thay kính mới.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn
Biên tập: TTT
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!