Nội soi dạ dày: Gây mê, có đau không, quy trình nội soi bao tử

Theo ThS.BS Nguyễn Phước Lâm – Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, nội soi dạ dày là phương pháp an toàn và ưu việt nhất để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thực quản – dạ dày – tá tràng. Với hình ảnh trực quan từ hệ thống thiết bị nội soi hiện đại, các chuyên gia tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh có thể dễ dàng quan sát, phát hiện những tổn thương ống tiêu hóa, từ đó có phương án tầm soát, điều trị cụ thể cho người bệnh.

Tư vấn chuyên môn bài viết ThS.BS Nguyễn Phước Lâm – Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Ngày càng có nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa trên nguy hiểm, gồm cả ung thư thực quản – dạ dày. Tuy nhiên, kể cả khi đã có các triệu chứng như thường xuyên đau bụng, ợ hơi, buồn nôn…, nhiều người vẫn chần chừ, không muốn đi khám và nội soi dạ dày vì tâm lý e sợ. Trong suy nghĩ của họ, nội soi dạ dày là thủ thuật gây đau đớn, khó chịu, chỉ được chỉ định khi không còn cách chẩn đoán nào khác.

Thế nhưng, trên thực tế, nội soi dạ dày không hề đáng sợ như vậy. Trái lại, nó là phương pháp vừa an toàn, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm để chẩn đoán các vấn đề tiêu hóa bất thường. Việc hiểu rõ về phương pháp này sẽ giúp người bệnh thoải mái, loại bỏ sự lo ngại khi được chỉ định nội soi, đồng thời chủ động hơn trong quá trình tầm soát sức khỏe đường tiêu hóa.

Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày (nội soi bao tử) là thủ thuật đưa ống soi mềm vào bên trong đường tiêu hóa nhằm kiểm tra, quan sát thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Đây là thủ thuật an toàn và đem lại hiệu quả cao trong việc phát hiện, nhận định các tổn thương của đường tiêu hóa trên. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong những phần bị hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản…

Nội soi dạ dày rất hiếm gây ra biến chứng. Các biến chứng chủ yếu đến từ việc người bệnh không hợp tác hoặc đường tiêu hóa có tình trạng thủng, dọa thủng từ trước, người bệnh có những bệnh lý nền về tim mạch và phổi nặng. Một số biến chứng có thể có bao gồm chảy máu, xây xát niêm mạc, nhiễm trùng, biến chứng tim mạch và hô hấp… (1)

Khi nào cần nội soi dạ dày?

Khi nào bạn cần nội soi dạ dày, trong đa số trường hợp thì nội soi bao tử sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, người bệnh sẽ cần nội soi khi:

    • Có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lý đường tiêu hóa trên như khó nuốt, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, đi ngoài phân đen…
    • Cần lấy mẫu mô chẩn đoán (sinh thiết) hoặc điều trị một số tình trạng nhất định thông qua nội soi dạ dày như giãn thực quản, cắt bỏ polyp, loại bỏ dị vật…
    • Cần xem xét, đánh giá lại kết quả sau khi đã điều trị các bệnh lý thực quản – dạ dày – tá tràng
    • Thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Người thừa cân, béo phì, nghiện hút thuốc lá, người bị viêm loét dạ dày mãn tính, người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa…

Ngoài những trường hợp được chỉ định, người khỏe mạnh, không thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, không có triệu chứng cũng có thể đăng ký nội soi dạ dày tự nguyện để tầm soát, phát hiện sớm các bất thường hệ tiêu hóa. (2)

Nội soi dạ dày là phương pháp an toàn và hiếm khi có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ có thể không chỉ định thủ thuật này cho những đối tượng bị thủng dạ dày hoặc các cơ quan khác trong ống tiêu hóa; người bị bỏng do uống acid; người bị suy tim, thiếu máu cơ tim cấp; người bị suy hô hấp; người có túi phình lớn ở động mạch chủ, túi thừa Zenker; người mới ăn no và một số trường hợp cụ thể khác.

Khám nội soi dạ dày ở đâu? Hiện tại có nhiều cơ sở áp dụng phương pháp nội soi dạ dày, nhưng không phải chỗ nào cũng uy tín, chất lượng và an toàn. Ta cần tìm cơ sở có đủ các tiêu chí như: có bác sĩ chuyên môn, có trang thiết bị hiện đại, có quy trình khám chữa rõ ràng,..

Các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến

Hiện nay, kỹ thuật nội soi dạ dày có thể được thực hiện qua đường miệng hoặc đường mũi. Bệnh nhân có thể lựa chọn nội soi kết hợp gây mê (nội soi không đau) hoặc không gây mê khi tiến hành. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định phương pháp phù hợp với người bệnh.

1. Nội soi dạ dày qua đường miệng

Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương pháp truyền thống và được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay. Trong phương pháp này, bác sĩ đưa ống soi mềm vào miệng người bệnh, dẫn qua vòm họng, xuống thực quản, dạ dày để tiến hành kiểm tra.

    • Ưu điểm: Thủ thuật nội soi qua đường miệng có chi phí thấp, dễ thực hiện, có độ chính xác cao nếu người bệnh hợp tác tốt.
    • Nhược điểm: Phương pháp này sử dụng ống soi mềm có đường kính tương đối lớn. Khi ống soi đi vào bên trong đường tiêu hóa, nó có thể kích thích lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi khiến người bệnh khó chịu, buồn nôn, nôn, cảm thấy sợ hãi và e ngại nội soi. Một số trường hợp vì nôn nhiều nên sau khi soi có thể bị đau rát, xây xát ở cổ họng.

2. Nội soi dạ dày qua đường mũi

Nội soi dạ dày qua đường mũi là thủ thuật luồn ống nội soi qua mũi xuống thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng để kiểm tra những tổn thương trong đường tiêu hóa.

    • Ưu điểm: Thủ thuật được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và có độ chính xác cao. Ống soi qua mũi có đường kính nhỏ hơn ống soi đường miệng (khoảng 5,9mm), giúp khảo sát sâu và chi tiết ở những vị trí mà các ống nội soi thông thường không thể đi qua được. Đồng thời, nó không chạm đến vùng hầu họng nên ít gây cảm giác buồn nôn, khó chịu cho người bệnh. Trong quá trình soi, người bệnh vẫn có thể nói chuyện, trao đổi được với bác sĩ.
    • Nhược điểm: Nội soi dạ dày qua đường mũi không áp dụng cho người bệnh mắc các vấn đề vùng mũi, hẹp khe mũi. Bên cạnh đó, phương pháp này không xử lý được các vấn đề cần can thiệp như loại bỏ polyp, lấy dị vật, cầm máu, nong hẹp ống tiêu hóa… mà phải chuyển qua nội soi đường miệng để thực hiện. Ngoài ra, chi phí nội soi qua mũi cũng cao hơn so với đường miệng.

Lưu ý: Hiện nay Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa tại BVĐK Tâm Anh không áp dụng nội soi dạ dày qua đường mũi. Quý khách hàng cần thực hiện phương pháp nội soi dạ dày sẽ được bác sĩ khuyến nghị nội soi dạ dày qua đường miệng hoặc nội soi dạ dày gây mê/ không đau.

3. Nội soi dạ dày gây mê không đau

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng gây mê không đau là phương pháp đưa ống soi qua đường miệng, xuống thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng khi người bệnh đang được gây mê nhằm chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa trên. Việc gây mê được thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 5 – 15 phút, người bệnh sau khi soi xong sẽ tỉnh lại nhanh chóng và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

    • Ưu điểm: Nhờ gây mê mà quá trình nội soi được thực hiện dễ dàng hơn, người bệnh không có cảm giác khó chịu, buồn nôn, nôn… Bệnh nhân cũng không cảm thấy sợ hãi, ám ảnh sau nội soi và nhất là không cử động mạnh, giật ống nội soi gây tổn thương ống tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình nội soi phát hiện các vấn đề cần can thiệp, bác sĩ cũng sẽ có thể thực hiện các thủ thuật như lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu, tiêm xơ, nong hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản… thuận lợi và an toàn hơn.
    • Nhược điểm: Nội soi gây mê tốn kém hơn và đòi hỏi cao về trình độ, tay nghề bác sĩ, phương tiện theo dõi. Trước khi nội soi, người bệnh có thể phải đo điện tim đồ và thực hiện một số xét nghiệm khác. Ngoài ra, dù lượng thuốc mê ít, thời gian gây mê ngắn nhưng một số người sau khi tỉnh vẫn có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ và có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khác của thuốc mê.

4. Nội soi dạ dày không đau bằng viên nang

Ngoài 3 phương pháp nội soi dạ dày được áp dụng phổ biến ở trên, người bệnh còn có thể nội soi dạ dày không đau bằng viên nang. Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ nuốt viên nang có chứa một thiết bị camera rất nhỏ. Sau khi nuốt vào, viên nang sẽ di chuyển lần lượt xuống thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già. Camera trong viên nang có thể chụp liên tục 3 hình trong 1 giây và truyền qua máy hiển thị để bác sĩ quan sát và chẩn đoán tình trạng bệnh.

    • Ưu điểm: Ưu điểm nổi trội của kĩ thuật này là người bệnh không đau, không khó chịu, không buồn nôn và cực kỳ an toàn (tỷ lệ tai biến rất thấp – dưới 1%). Bên cạnh đó, nó còn giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh ở những vị trí mà ống nội soi thông thường khó đến được, đồng thời hạn chế được nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, HIV, vi khuẩn HP qua dụng cụ nội soi chung.
    • Nhược điểm: Nội soi viên nang có chi phí rất đắt đỏ và thường bỏ sót tổn thương do camera không quan sát hết các vùng của dạ dày, do vậy chỉ được khuyến cáo sử dụng trong nội soi ruột non – nơi mà ống nội soi mềm quy ước không thể đi đến. Bên cạnh đó, nội soi viên nang chưa được phổ biến rộng rãi. Phương pháp này cũng không cho phép lấy mẫu mô ra làm xét nghiệm được. Nội soi viên nang không thể áp dụng cho những người bị động kinh, mắc chứng khó nuốt, tắc ruột, trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ mang thai và một số đối tượng khác.

Quy trình nội soi dạ dày

Quy trình nội soi dạ dày bao gồm 3 giai đoạn chính là trước, trong và sau nội soi.

1. Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày

    • Bác sĩ nội soi tiến hành thăm khám, kiểm tra tiền sử nội khoa, ngoại khoa của người bệnh và các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm bổ sung nếu cần thiết. Đây là bước bắt buộc phải có trước khi nội soi. Tuy vậy, nhiều cơ sở y tế thường bỏ qua bước này, nếu chẳng may người bệnh mắc bệnh nền nghiêm trọng hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu thì có thể gây ra những biến chứng nặng nề khi can thiệp nội soi.
    • Trước khi nội soi, người bệnh cần nhịn ăn 6 – 8 tiếng để dạ dày sạch, giúp quá trình nội soi tiến hành thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần ngừng sử dụng một số loại thuốc nhất định theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả và sự an toàn trong quá trình nội soi.(3)

2. Quá trình nội soi dạ dày

    • Bệnh nhân được hướng dẫn nằm đúng tư thế khi thực hiện nội soi. Các thiết bị hỗ trợ theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim sẽ được gắn lên người bệnh nhân để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiến hành. Nếu nội soi có gây mê, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ truyền một lượng thuốc mê vừa đủ qua đường tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh.
    • Bắt đầu nội soi, bác sĩ đưa ống nội soi đi qua thực quản, xuống dạ dày và tá tràng. Hình ảnh trong đường tiêu hóa người bệnh sẽ được camera thu lại và hiển thị trên màn hình TV. Căn cứ vào đó, bác sĩ có thể xác định chính xác các vùng tổn thương và đưa ra chẩn đoán bệnh.
    • Trong quá trình nội soi, nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể thực hiện lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm mô bệnh học hoặc tiến hành các thủ thuật điều trị như cắt polyp, cầm máu, lấy dị vật, nong hẹp…
    • Quá trình nội soi thường diễn ra trong vòng 10 – 20 phút, tùy theo tình trạng cụ thể của từng người bệnh. (4)

3. Sau khi nội soi

    • Nếu có gây mê, bệnh nhân sẽ được đưa ra vị trí để hồi tỉnh và nghỉ ngơi khoảng 30 phút.
    • Triệu chứng sau khi nội soi dạ dày có thể bao gồm cảm giác buồn nôn, nôn, khó nuốt, chảy máu miệng, đau họng nếu nội soi qua đường miệng, đau mũi nếu nội soi bao tử qua đường mũi. Những triệu chứng này là hoàn toàn bình thường và sẽ dần biến mất mà không cần thăm khám, điều trị gì.
    • Kết quả nội soi dạ dày sẽ có ngay sau đó. Bác sĩ trả kết quả nội soi, tư vấn bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe, kê đơn thuốc và hẹn tái khám (nếu cần). (5)

Các câu hỏi về nội soi dạ dày thường gặp

1. Nội soi dạ dày có phát hiện ung thư không?

Nội soi dạ dày là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Nếu có các tổn thương nghi ngờ ung thư trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết – lấy một mẫu mô nhỏ đưa đi phân tích để xác định chẩn đoán. Khi đã xác định ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành các xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn.

Ngoài ra, nội soi dạ dày còn giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình hình của các đối tượng có nguy cơ ung thư dạ dày cao để lên kế hoạch, tần suất nội soi định kỳ phù hợp.

2. Nội soi dạ dày có đau không?

Nội soi dạ dày được tiến hành nhẹ nhàng, không gây đau đớn vì thế người bệnh có thể yên tâm nội soi dạ dày không đau. Tuy nhiên, việc luồn ống nội soi qua cổ họng trong nội soi qua đường miệng có thể gây cảm giác khó chịu, buồn nôn. Nôn ói nhiều lần trong quá trình nội soi sẽ làm xước, đau họng, đồng thời kéo dài thời gian nội soi. Điều này khiến nhiều người bệnh có tâm lý sợ hãi, ám ảnh mỗi khi cần nội soi dạ dày.

Để giải quyết tình trạng này, người bệnh có thể lựa chọn hình thức nội soi dạ dày qua đường mũi hoặc nội soi dạ dày gây mê không đau. Đặc biệt, trong phương pháp nội soi gây mê, người bệnh hoàn toàn không có bất cứ cảm giác khó chịu nào và cũng không bị ảnh hưởng tâm lý. Quá trình nội soi được thực hiện nhẹ nhàng. Người bệnh sau khi tỉnh sẽ được nằm nghỉ ngơi để hồi tỉnh hoàn toàn trước khi ra về.

3. Nội soi dạ dày gây mê có nguy hiểm/có ảnh hưởng gì không?

Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp an toàn và ít xảy ra tai biến. Nhờ gây mê mà người bệnh tránh được tình trạng buồn nôn, khó chịu trong quá trình nội soi, giảm nguy cơ va chạm mạnh gây chảy máu, thủng, rách hoặc nhiễm trùng cơ quan đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, do tác dụng của thuốc gây mê, người bệnh có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ sau nội soi. Rất hiếm trường hợp người bệnh gặp phải tình trạng dị ứng thuốc mê hoặc các phản ứng phụ nghiêm trọng như tụt huyết áp, suy hô hấp, loạn nhịp tim…

4. Có thai có nội soi dạ dày được không?

Phụ nữ có thai không nên nội soi dạ dày nếu chưa thật sự cần thiết. Mặc dù được đánh giá là phương pháp an toàn, nhưng nội soi bao tử vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Quá trình nội soi có thể gây khó chịu, nôn ói, nặng hơn thì nhiễm trùng, xước, thủng thực quản, dạ dày làm ảnh hưởng đến việc ăn uống và hấp thụ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai không thể áp dụng phương pháp nội soi gây mê vì thuốc mê có thể làm tăng khả năng sinh non, dị dạng, quái thai ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy trong những tình huống cấp cứu bác sĩ vẫn có thể tiến hành nội soi trên thai phụ.

5. Khoảng cách giữa 2 lần nội soi dạ dày là bao lâu?

Việc nội soi không nên thực hiện quá thường xuyên mà cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định tần suất nội soi phù hợp. Cụ thể:

    • Người bị viêm dạ dày nhẹ, không phát hiện loạn sản, teo niêm mạc hoặc các tổn thương tiền ác tính khác trong dạ dày và cũng không có tái phát các triệu chứng: Đã nội soi lần 1 thì có thể không cần nội soi lại lần 2.
    • Những người có yếu tố nguy cơ cao ung thư dạ dày như có cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày, có tiền sử nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, hút thuốc lá… dù nội soi dạ dày bình thường vẫn nên tầm soát định kỳ ung thư dạ dày bằng nội soi 2 năm 1 lần.
    • Người bị viêm dạ dày mãn tính có teo niêm mạc, loạn sản tế bào: Tùy mức độ có thể nội soi theo dõi định kỳ mỗi 1 – 2 năm /lần.
    • Người bị Barrett thực quản, có loạn sản: Nội soi theo chỉ định của bác sĩ, thường là 1 năm/lần để theo dõi diễn tiến của bệnh.
    • Người bị tổn thương dạ dày nghiêm trọng, có loạn sản dạ dày mức độ nặng: Bác sĩ có thể chỉ định nội soi 3 – 6 tháng/ lần để theo dõi, kiểm tra tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh sở hữu Trung tâm nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa quy tụ đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, tay nghề cao, tự tin làm chủ các kỹ thuật nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, nội soi thực quản, nội soi trực tràng, nội soi tụy mật ngược dòng ercp hiện đại, đảm bảo thực hiện chẩn đoán và điều trị nhẹ nhàng, ít xâm lấn.

Bệnh viện cũng được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại được nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến, đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh được diễn ra tốt nhất. Đối với nội soi, bệnh viện trang bị hệ thống nội soi nhuộm màu bằng dải băng hẹp NBI, có độ phóng đại lên hơn trăm lần, giúp quan sát rõ ràng các vi cấu trúc bề mặt niêm mạc, vi mạch máu ở niêm mạc, tránh bỏ sót tổn thương ung thư sớm còn rất nhỏ, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn cung cấp các phòng nội trú cùng các dịch vụ chăm sóc y tế cao cấp cho bệnh nhân có nhu cầu điều trị tại bệnh viện. Hệ thống phòng nội trú mới, được trang bị đầy đủ đồ dùng, tivi màn hình LED, Internet, thiết bị kết nối nhân viên y tế hỗ trợ 24/24… giúp người bệnh hoàn toàn cảm thấy thoải mái và an tâm khi điều trị.

Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu nhất để kiểm tra, phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa trên. Khi cần nội soi dạ dày, người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn, tránh biến chứng và lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.