Bị viêm tai giữa kiêng ăn gì và nên ăn gì tốt cho người bệnh?

Bên cạnh việc thăm khám và điều trị, một chế độ ăn uống hợp lý cũng có thể giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng mà bệnh viêm tai giữa gây ra. Vậy trẻ viêm tai giữa nên ăn gì và kiêng ăn gì cho mau khỏe?

viêm tai giữa nên ăn gì

Viêm tai giữa là bệnh gì?

Viêm tai giữa là tình trạng viêm vùng tai giữa, thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Hầu hết viêm tai giữa xảy ra do biến chứng của các bệnh như viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm Amidan…

Khoảng 80% trẻ em sẽ bị viêm tai giữa trong suốt cuộc đời và từ 80-90% trẻ em bị viêm tai giữa trước tuổi đi học. Viêm tai giữa ít gặp hơn ở người lớn, hay gặp ở người có tiền sử bị viêm tai giữa tái phát, hở hàm ếch hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch…

Nhiễm trùng tai giữa có thể do virus, vi khuẩn hoặc đồng nhiễm. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây bệnh viêm tai giữa là Streptococcus pneumoniae, tiếp theo là Haemophilus influenzae (NTHi) và Moraxella catarrhalis.

Các tác nhân gây bệnh do virus phổ biến nhất của bệnh viêm tai giữa bao gồm virus hợp bào hô hấp (RSV), coronavirus, virus cúm, adenovirus, siêu vi trùng ở người và picornavirus.

ThS.BSNT Nguyễn Thùy Linh, Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, mặc dù một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh viêm tai giữa là đau và chảy dịch tai, nhưng nhiều trẻ bị viêm tai giữa có thể biểu hiện với các dấu hiệu và triệu chứng không đặc hiệu, Điều này có thể làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Các triệu chứng này bao gồm kéo hoặc giật tai, khó chịu, nhức đầu, giấc ngủ bị xáo trộn hoặc không yên, bú kém, biếng ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khoảng 2/3 số bệnh nhân có biểu hiện sốt, thường ở mức độ nhẹ.

Nếu không được điều trị thích hợp, viêm tai giữa có thể dẫn đến biến chứng như thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, viêm mạch máu, viêm mê đạo, viêm màng não, áp xe não, huyết khối xoang bên và xoang hang, giảm thính lực…

Chế độ ăn uống có cải thiện bệnh viêm tai giữa?

Một số nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học cũng như các nghiên cứu thực nghiệm khác cho thấy, việc ăn uống theo chế độ ăn Địa Trung Hải đã làm giảm tỷ lệ mắc một số bệnh lý liên quan đến stress oxy hóa, viêm mãn tính và hệ thống miễn dịch.

Có bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống và các chất dinh dưỡng riêng lẻ có thể ảnh hưởng đến các hệ thống miễn dịch và tình trạng viêm.

Một số dữ liệu cho thấy, chế độ ăn uống dư thừa tinh bột và thực phẩm có nguồn gốc động vật, cùng với không thường xuyên ăn trái cây và rau quả… tăng nguy cơ gây viêm nhiễm.

Trong các nghiên cứu được thực hiện trên các mẫu mucoid của bệnh nhân viêm tai giữa ứ dịch (OME) trên toàn cầu cho thấy, chế độ ăn uống có thể làm tăng các chất trung gian gây viêm tại chỗ và gia tăng các dấu hiệu của stress oxy hóa trong dịch ở trẻ em bị OME. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiền viêm và tăng phản ứng của niêm mạc chống lại các tác nhân lây nhiễm.(1)

Trẻ bị suy giảm miễn dịch có các tế bào trình diện kháng nguyên với phản ứng dưới mức tối ưu của tế bào T và B bị suy yếu. Thụ thể Toll-2 TLR2 cần thiết cho việc giải quyết kịp thời tình trạng viêm và nó đã được chứng minh có tác dụng thúc đẩy quá trình kêu gọi đại thực bào và loại bỏ vi khuẩn. Khi vắng mặt các TLR có thể dẫn đến tình trạng viêm tai giữa kéo dài.

Tất cả những điều này cho thấy rằng, một chế độ ăn uống phù hợp có thể hỗ trợ điều trị viêm tai giữa cũng như giảm các triệu chứng của bệnh.

Viêm tai giữa nên ăn gì?

Viêm tai giữa nên ăn gì là thắc mắc của nhiều bệnh nhân bị viêm tai giữa. Bác sĩ Linh cho biết, một nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh Học Mỹ (NCBI) đã chứng minh, chế độ ăn uống theo kiểu Địa Trung Hải truyền thống có thể giúp phòng ngừa và quản lý bệnh viêm tai giữa ứ dịch (OME).

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các bệnh nhân áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống đã giảm đáng kể phản ứng viêm và tăng khả năng chống chọi của hệ miễn dịch với các bệnh viêm nhiễm thông thường, tình trạng ngạt mũi giảm, thính lực và các triệu chứng về tai cũng được cải thiện. Những bệnh nhân trong thử nghiệm này cũng hạn chế phải dùng thuốc kháng sinh cũng như các loại thuốc điều trị khác. Hầu hết không phải can thiệp phẫu thuật viêm tai giữa.

Theo bác sĩ Linh, chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nó được đặc trưng bởi hàm lượng cao các thực phẩm tươi, sống theo mùa. Các thực phẩm giàu chất xơ thực vật, khoáng chất, vitamin, enzym và chất chống oxy hóa; nhiều trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.(2)

Một trong những đặc điểm của chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống là chỉ số đường huyết trung bình thấp; đủ chất béo không bão hòa đa từ dầu thô, quả hạch, hạt và cá. Hàm lượng protein và chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật thấp, ít sử dụng thức ăn công nghiệp và chế biến sẵn.

Các khuyến nghị trong chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống cơ bản bao gồm:

  • Luôn bổ sung chế độ ăn uống theo nhu cầu của trẻ em (theo độ tuổi).
  • Sử dụng dầu ô liu làm nguồn bổ sung chất béo chính cho cơ thể.
  • Ăn nhiều trái cây, rau, các loại đậu và các loại hạt.(3)
  • Bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại bánh mì và ngũ cốc khác (mì ống, gạo và ngũ cốc nguyên hạt).
  • Thực phẩm đã qua chế biến tối thiểu, thực phẩm tươi và sản xuất tại địa phương là tốt nhất.
  • Sử dụng các chế phẩm từ sữa hàng ngày, chủ yếu là sữa chua và pho mát.
  • Thịt đỏ, cá, trứng nên được dùng vừa phải.
  • Trái cây tươi nên là món tráng miệng hàng ngày.
  • Hạn chế sử dụng đồ ngọt, bánh ngọt và các món tráng miệng từ sữa…
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Ngoài ra, hoạt động thể chất thường xuyên cũng cần thiết để giúp tiêu hóa tốt và nâng cao thể trạng.

Viêm tai giữa kiêng ăn gì?

Viêm tai giữa không nên ăn gì? Những thực phẩm sau đây có thể làm cho tình trạng viêm tai giữa thêm nghiêm trọng nên hạn chế sử dụng.

1. Protein từ sữa bò

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự nhạy cảm với các protein từ sữa bò có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc của tai giữa.

Ngoài ra, sữa bò và các thực phẩm khác không qua trung gian globulin miễn dịch (IgE) còn có thể gây viêm màng nhầy tiêu hóa và hô hấp với các triệu chứng khác nhau. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bệnh lý viêm tai giữa.

Vì vậy, loại bỏ sữa trong chế độ ăn có thể hỗ trợ điều trị viêm tai giữa.

2. Lúa mì không có celiac

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, các sản phẩm từ lúa mì không có celiac có thể gây bất lợi cho bệnh nhân viêm tai giữa theo cách tương tự như sữa bò. Do đó, cần kiêng ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ loại thực phẩm này để tránh làm tăng phản ứng viêm khiến bệnh thêm trầm trọng. Các thực phẩm từ lúa mùa không có Celiac phổ biến nhất là bánh mì trắng, bánh ngọt công nghiệp.

3. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

Nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Mỹ về tác động của chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống đối với bệnh lý viêm tai giữa cho thấy chế độ ăn này giúp làm giảm các triệu chứng viêm.

Trong chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống, các sản phẩm thịt đỏ và thịt chế biến sẵn nên hạn chế sử dụng hàng ngày. Thực tế, các bác sĩ cũng khuyến cáo sử dụng nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn không có lợi cho sức khỏe và có nguy cơ gây ra một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường ruột.

4. Đồ uống công nghiệp có đường

Các đồ uống công nghiệp bao gồm các loại nước ngọt đóng chai, nước giải khát có gas đều được khuyến cáo nên hạn chế trong chế độ ăn uống của tất cả mọi người (bao gồm người khỏe mạnh và người đang mắc các bệnh lý trong đó có bệnh nhân viêm tai giữa.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị bệnh viêm tai giữa với các chuyên gia tại chuyên khoa Tai mũi họng của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin Quý khách vui lòng liên hệ:

Khi trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh nên đưa con tới các bệnh viện có chuyên khoa Tai-Mũi-Họng thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần ghi nhớ viêm tai giữa kiêng ăn gì? Viêm tai giữa nên ăn gì để điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ. Điều này sẽ hỗ trợ cải thiện bệnh và giúp trẻ mau phục hồi. Cần lưu ý, đây là chế độ ăn uống giúp hỗ trợ tốt cho quá trình quản lý và phục hồi bệnh, không phải bài thuốc chữa viêm tai giữa ứ dịch. Vì vậy, phụ huynh không nên lạm dụng mà bỏ qua việc điều trị tại bệnh viện cho trẻ.