Mụn ở quai hàm: Nguyên nhân và cách trị mụn như thế nào?

Theo nghiên cứu của các bác sĩ và chuyên gia da liễu, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mụn mọc ở quai hàm, một số nguyên nhân chính có thể nhắc tới như:

  • Tuyến bã nhờn ở cằm bài tiết quá nhiều dầu thừa trên da: Dầu thừa có tác dung cân bằng độ ẩm cần thiết cho da nhưng nếu lượng dầu thừa này quá nhiều sẽ gây bít tắc lỗ chân lông, tạo môi trường yếm khí thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây mụn hay còn được gọi là Propionibacterium acnes (P. acnes). Do quá trình phát triển của Propionibacterium acnes sẽ sản sinh ra nhiều mụn ở vùng chữ T gây mất thẩm mỹ. Thông thường tình trạng này sẽ dễ thấy ở những người có da dầu hoặc da hỗn hợp thiên dầu.
  • Không tẩy trang hoặc vệ sinh da không đúng cách: Mỗi ngày da chúng ta phải tiếp xúc với mỹ phẩm, đồ trang điểm hay rất nhiều bụi bặm trong không khí. Nếu không được làm sạch thường xuyên, các bụi bẩn, bã nhờn, cặn trang điểm sẽ bám lại tại các lỗ chân lông, lâu ngày gây bít lỗ chân lông gây ra việc giảm sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của da, khiến da dễ bị vi khuẩn P. acnes xâm nhập và gây mụn. Da yếu cũng là nguyên nhân chính hình thành một số khuyết điểm trên da như nám, tàn nhang, da không đều màu khi da phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Tình trạng bất thường nội tiết tố trong cơ thể: Việc thay đổi nồng độ nội tiết tố bất thường cũng là một trong những nguyên nhân chính gây mụn trứng cá hoặc tăng nguy cơ bị mụn trứng cá. Tình trạng này thường xuất hiện ở đối tượng trong giai đoạn dậy thì, nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ trong giai đoạn mang thai hay người đang ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Mụn cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý phụ khoa: Viêm cổ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, nhiễm nấm âm đạo, viêm lộ tuyến. Để tìm chính xác nguyên nhân gây mụn, bạn cần đến các cơ sở y khoa để thăm khám và tìm cách chữa trị mụn ở hai bên quai hàm.
  • Một số nguyên nhân khác bao gồm: Chế độ ăn uống có nhiều đường, đồ cay nóng hay nhiều dầu mỡ; dùng tay chạm lên mặt thường xuyên, sử dụng nhiều các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá hay cà phê, các vật dụng hằng ngày không được vệ sinh sạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến da như khẩu trang, mũ bảo hiểm…

>>> Tham khảo: Nên uống gì cho mát gan hết mụn tại nhà?

Mụn mọc ở hai bên quai hàm có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ và các chuyên gia da liễu thì mụn mọc ở hai bên quai hàm nếu được điều trị sớm và đúng cách sẽ không gây bất kỳ nguy hiểm nào tới sức khỏe. Tuy nhiên, đa số người bị thường có thói quen nặn mụn tại nhà và xem thường hậu quả, từ đó gây ra nhiều mối nguy hại tiềm ẩn đối với sức khỏe.

Việc tự nặn mụn ở quai hàm tại nhà có khả năng cao gây tổn thương đến da và lây nhiễm sang các vùng da lân cận vì đặc tính của loại mụn này thường ở dạng mụn viêm, mụn bọc, gây sưng và đau.