Bệnh cường giáp nên ăn gì và kiêng ăn gì? Giải đáp từ bác sĩ – YouMed

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị bệnh cường giáp. Dinh dưỡng tốt giúp bạn giảm được những triệu chứng của bệnh cường giáp và tăng hiệu quả điều trị. Vậy bệnh cường giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì là phù hợp cho người bệnh ? Hãy cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô xây dựng chế độ ăn uống lành lạnh cho người bệnh cường giáp.

Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?

Người bệnh cường giáp nên bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm, không nên nhịn ăn hoặc sử dụng các chế độ giảm cân. Bệnh cường giáp làm tăng chuyển hoá trong cơ thể, đa phần người bệnh đều sụt cân mặc dù chế độ dinh dưỡng không đổi.

Vì vậy nếu bạn ăn uống không dinh dưỡng hoặc ăn với chế độ giảm cân có thể làm cân nặng giảm xuống một cách nghiêm trọng hơn.

Để trả lời câu hỏi bệnh cường giáp kiêng ăn gì cần biết Iốt là thành phần quan trọng để tạo thành hormon giáp.

Giảm nồng độ Iốt là một phần cần thiết trong điều trị kiểm soát nồng độ hormon giáp trong máu. Iốt đi vào cơ thể thông qua thực phẩm bạn sử dụng hằng ngày.

Lượng Iốt nhiều ít tuỳ vào loại thực như rau củ, thịt cá trứng sữa,… Như vậy giảm sử dụng thực phẩm chứa nhiều Iốt có ích cho người bệnh cường giáp.

Những loại thực phẩm cần kiêng cho người bệnh cường giáp

Thực phẩm chứa nhiều iot

Iốt làm thúc đẩy hoạt động của tuyến giáp, có thể làm vấn đề cường giáp có sẵn ở người bệnh nặng thêm. Giảm iốt là thực phẩm quan trọng nhất trong các loại thực phẩm cần kiêng cho người bệnh cường giáp. Các thực phẩm chứa Iốt sau cần hạn chế:

  • Muối Iốt.
  • Các loại rong biển, tảo biển hoặc các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc từ chúng.
  • Kiêng sử dụng các loại hải sản. Đa số các loại thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường chứa nhiều Iốt.
  • Các loại đồ hộp.
  • Nước uống đóng chai.
  • Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa: phô mai, bơ, kem,..
  • Các loại bánh quy bơ: nguyên liệu làm bánh có thể có chứa Iốt .
Rong biển, tảo biển.
Rong biển, tảo biển chứa nhiều iod

Ngoài ra người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm nấu sẵn bên ngoài vì bạn không kiểm soát được lượng muối Iốt và các nguyên liệu khác có chứa Iốt được sử dụng khi chế biến thực phẩm.

Các loại chất béo

Chất béo bão hòa và cholesterol gia tăng có thể làm các triệu chứng bệnh cường giáp trở nên nặng hơn và giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh.

Hơn nữa người bệnh cường giáp thường có các triệu chứng rối loạn ở đường tiêu hoá. Sử dụng nhiều chất béo gây khó tiêu, làm nặng hơn các triệu chứng tiêu hoá của người bệnh.

Tránh các thực phẩm có chất béo bão hoà như mỡ động vật, dầu chiên lại nhiều lần, các loại thức ăn chiên xào.

Cà phê

Cà phê là chất có tác dụng kích thích tiết hormone ở tuyến giáp nên có thể làm nặng hơn tình trạng cường giáp.

Bên cạnh đó, người bệnh cường giáp thường xuyên khó ngủ mặc dù rất họ rất mệt. Sử dụng cà phê càng làm làm họ dễ mất ngủ hơn, cảm giác nóng nảy khó chịu, căng thẳng, nhịp tim nhanh.

Vì vậy nên kiêng sử dụng cà phê. Hãy thử sử dụng những đồ uống thay thế khác như nước ép trái cây, trà thảo mộc tự nhiên.

Bệnh cường giáp nên ăn gì

Vitamin D và Omega 3

Omega-3 giúp làm dịu xuống hoạt động tuyến giáp. Vitamin D được bổ sung giúp hấp thụ canxi vào cơ thể tốt hơn cũng như loãng xương. Đây là loại chất thường được bác sĩ yêu cầu bổ sung nhằm tăng cường sức khỏe cho tuyến giáp và cả cơ thể.

Cá hồi là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin D và omega-3 mà người bệnh cường giáp nên sử dụng.

Nếu bạn không ăn được cá hồi có thể bổ sung omega-3 thông qua các loại hạt, dầu oliu. Vitamin D có trong các loại nấm, lòng đỏ trứng.

Cá hồi là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin D và omega-3
Cá hồi là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin D và omega-3

Selen

Bổ sung thực phẩm giàu selen giúp lượng hormon giáp trong cơ thể được cân bằng vào bảo vệ tuyến giáp trước những nguy cơ gây bệnh. Selen còn giúp ngăn các tổn thương và bảo vệ các mô khác khỏe mạnh.

Bạn có thể tìm thấy các nguồn thực phẩm giàu selen như:

  • Hạt chia.
  • Nấm.
  • Nước trà.
  • Các loại thịt.
  • Cơm.

Các loại rau họ cải

Các loại rau họ cải giúp một phần quan trọng trong giảm các triệu chứng căng thẳng, lo lắng ở người bệnh cường giáp nhờ vào khả năng làm giảm sản xuất hormon từ tuyến giáp. Với nguồn rau họ cải phong phú nhiều loại giúp các bữa ăn của bạn đa dạng hơn.

Các loại rau họ cải như:

  • Bông cải xanh.
  • Bắp cải.
  • Súp lơ trắng.
  • Cải xoăn.
  • Cải mâm xôi.

Các loại quả mọng

Các loại quả là nguồn cung cấp cho cơ thể vô số các loại vitamin và chất chống oxy hoá. Những chất chống oxy hóa tự nhiên này có thể giúp nâng cao hiệu quả miễn dịch của cơ thể và cân bằng hormon giáp. Các loại quả mọng như:

  • Dâu tây.
  • Nho.
  • Việt quất.
  • Cam quýt.

Khuyến khích nên sử dụng đa dạng các loại quả mọng để có được nguồn vitamin và các khoáng chất dồi giàu.

Lưu ý nên sử dụng các loại trái cây tươi chưa qua xử lý như sấy khô, mứt vì trong quá trình chế bế có thể làm giảm các khoáng chất cần thiết và thêm vào đó một số nguyên liệu không phù hợp cho người bệnh cường giáp.

Các loại quả là nguồn cung cấp cho cơ thể vô số các loại vitamin
Các loại quả là nguồn cung cấp cho cơ thể vô số các loại vitamin

Chế độ nghỉ ngơi cho người bệnh cường giáp

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì nghỉ ngơi cũng là một biện pháp hiệu quả trong giảm các triệu chứng của bệnh cường giáp.

Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn để phục hồi thể trạng. Lao động nhiều và gắng sức có thể làm tình trạng sức khoẻ thêm suy kiệt khi các cơ quan đã phải hoạt động quá mức do cường giáp.

Người bệnh cường giáp nên nghỉ ngơi nhiều hơn, nhất là trong khoảng thời gian 3-4 tháng đầu điều trị, tránh những căng thẳng áp lực, hạn chế thức khuya và lao động gắng sức.

Bạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh cường giáp chỉ dựa vào dinh dưỡng. Tuy nhiên kết hợp với một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp giúp bạn giảm các triệu chứng của cường giáp, mang lại một cảm giác dễ chịu hơn khi triệu chứng bệnh thay đổi. Hơn nữa chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng giúp quá trình điều trị nhanh chóng có hiệu quả hơn.