CUỘC SỐNG THI VỊ CỦA THUỲ CỐM

Mình mới mua được cuốn này, vất vả mang từ VN sang.

Mình đã biết tay viết Pha Lê từ lâu. Trước mình rất hay đọc chuyên mục ẩm thực trên Soi. Khi biết chị Pha Lê ra sách, mình nóng lòng muốn mua (mà khó khăn mãi sách mới đến tay ahuhu, xin hãy bán ebook).

Mình đã đọc hết một lèo cuốn này ngày hôm qua (gợi nhớ những tháng ngày còn làm ở NXB, mỗi lần cty mất điện là đọc được hẳn mấy quyển sách). Ban đầu cứ nghĩ sách nonfic chuyên môn sẽ khó đọc nhanh nhưng hoá ra sách viết rất cuốn, giọng bình dân như trò chuyện, đọc vèo vèo không mệt.

Sách chia nhiều chương, bắt đầu từ nguồn gốc chuyện ăn uống của tổ tiên loài người từ xưa, rồi tới những cuộc cách mạng khi con người chuyển từ lối sống di canh di cư sang định canh định cư, cả lịch sử một số căn bệnh gắn liền với việc ăn uống… Câu chuyện lịch sử được diễn giải bằng những lập luận chặt chẽ, dễ hiểu. Mình mới nhận ra là mình đã hiểu sai về bản chất của rất nhiều món ăn, lẫn cả việc chăn nuôi trồng trọt. Khi hiểu được bản chất của thực phẩm, chúng ta mới có thể biết cách ăn tốt cho sức khoẻ nhất.

Tựu chung, mình thấy đây là một cuốn sách đáng đọc, dễ đọc, đem tới những kiến thức khái quát, cơ bản nhất về thực phẩm và cách loài người tạo ra thực phẩm, nhất là trong thời đại chúng ta hoang mang về chuyện ăn uống, không biết ăn gì mới thật sự tốt. Một vài đúc rút về cuốn này mình thấy thú vị:

  • Con người gốc là động vật ăn tạp. Cơ thể chúng ta được thiết kế, được tiến hoá để phù hợp với chuyện ăn tạp. Cái gì thuận tự nhiên sẽ là tốt nhất. Con người muốn khoẻ phải ăn tạp, ăn đủ thứ, đủ chất.
  • Ăn cái gì không quan trọng bằng nguồn gốc của thực phẩm đó và cách chúng ta chế biến chúng. Ví dụ như đậu nành vốn là một thứ thức ăn khó tiêu hoá, muốn hấp thu được hết chất dinh dưỡng, hạn chế chất có hại, phải lên men. Đậu nành lên men cực kỳ tốt cho sức khoẻ chẳng hạn như nước tương, natto, miso… Những sản phẩm khác từ đậu nành như bột đậu nành, sữa đậu nành… đều là đậu nành không lên men, không bổ béo gì, ăn chơi thì được chứ không nên ăn nhiều. Hay sữa của bò được ăn cỏ và chăn thả tự nhiên rất rất tốt cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Nhưng sữa của bò công nghiệp bị nuôi nhốt tù túng, cho ăn đậu ăn hạt (trái với tự nhiên của bò), bị cưỡng ép mang thai… thì chắc chắn không tốt.
  • Cách ăn tốt nhất là ăn đồ nguyên vẹn, mùa gì thức nấy, ăn đồ địa phương: cụ thể như bánh mì nguyên cám lên men, gạo lứt, đường thô, hải sản, động vật nuôi thả, cho ăn đúng tự nhiên (vd bò, dê ăn cỏ, cá ăn rong rêu…), hạn chế bánh mì trắng, gạo chà trắng, đường tinh luyện, đồ hộp, đồ chế biến sẵn…
  • Cách trồng trọt chăn nuôi tốt nhất là luân canh, xen kẽ cây trồng, chăn nuôi để cải tạo đất, giữ đất, giữ cân bằng thiên nhiên. Không có cái gì thâm canh, độc canh mà tốt lành. Hay trong sách gọi đó là cách làm “thâm độc” :v . Và vốn bản chất là thiên nhiên không tạo ra rác, chất thải của loài này có thể là thức ăn của loài khác, phân trâu bò sẽ trở thành chất bón cho đất… là một vòng tuần hoàn hoàn hảo (cho tới khi con người phá đám . _ . ).
  • Ăn chay muốn khoẻ khá phức tạp (việc ăn chay là đi ngược lại bản chất tự nhiên của con người). Người ăn chay phải thêm những dinh dưỡng còn thiếu bằng việc uống vitamin bổ sung hoặc tiêm/truyền thường xuyên. Tất nhiên, lựa chọn ăn chay không có gì là xấu hay sai trái, tuy nhiên, trước khi quyết định trở thành người ăn chay, bạn phải nghiên cứu kỹ, cẩn thận để đảm bảo sức khoẻ của mình.

Sau khi đọc sách và biết chỉ số dinh dưỡng xuất sắc, ngất ngưởng của natto, có lẽ mình sẽ tập ăn thử cái món nhớt nhớt, khó ngửi này ^^” . Chắc sẽ có bài mới cập nhật chuyện tập ăn natto.