(Bqp.vn) – Quân khu 9 nằm ở cực Nam của Tổ quốc, thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có tổng diện tích tự nhiên trên 36 nghìn km2 với 147 hòn đảo lớn nhỏ; gồm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, có 743 km bờ biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; có chung đường biên giới với Campuchia; có 07 cửa khẩu.
Trong Kháng chiến chống Pháp, ngày 10/12/1945, Chiến khu 8 và Chiến khu 9 được thành lập. Chiến khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre và Sa Đéc. Chiến khu 9 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long và Trà Vinh. Một năm sau, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh giao lại cho Chiến khu 8. Cuối năm 1947 hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc nhập lại rồi chia thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu (lấy sông Hậu làm ranh giới hai tỉnh). Long Châu Tiền thuộc Khu 8, Long Châu Hậu thuộc Khu 9. Tháng 12/1950, tỉnh Hà Tiên nhập vào Long Châu Hậu, lấy tên tỉnh là Long Châu Hà thuộc Khu 9.
Tháng 5/1951, chiến trường Nam Bộ có sự thay đổi lớn về tổ chức và địa giới hành chính các tỉnh. Nam Bộ được chia làm hai Phân Liên khu và một Đặc khu: Phân Liên khu miền Đông, Phân Liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập lấy tên là tỉnh Vĩnh Trà và tỉnh Bến Tre của Chiến khu 8 thuộc Phân Liên khu miền Tây. Giải tán tỉnh Rạch Giá, các huyện Châu Thành, thị xã Rạch Giá, Gò Quao sáp nhập vào tỉnh Cần Thơ; các huyện Nam sông Cái Lớn nhập vào tỉnh Bạc Liêu; các huyện Bắc lộ Cái Sắn thuộc tỉnh Long Châu Hà. Như vậy, Phân Liên khu miền Tây lúc này gồm các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Châu Hà.
Sau Hiệp định Giơnevơ, tháng 10/1954, Phân Liên khu miền Tây đổi thành Liên Tỉnh miền Tây, tỉnh Rạch Giá được phục hồi trở lại. Cuối năm 1961 đầu năm 1962, Quân khu 8 (còn gọi là Quân khu 2) và Quân khu 9 (còn gọi là Quân khu 3) được thành lập trở lại. Quân khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và Bến Tre. Quân khu 9 gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng (thêm một phần tỉnh Bạc Liêu), Rạch Giá, Cà Mau (gồm một phần tỉnh Bạc Liêu) và Hà Tiên. Năm 1969 thành lập tỉnh Châu Hà, gồm tỉnh Hà Tiên và phần đất phía Nam sông Hậu của tỉnh Châu Đốc. Cuối năm 1974 tỉnh Châu Hà đổi thành tỉnh Long Châu Hà, thêm phần đất phía Nam sông Hậu của tỉnh Long Xuyên. Giữa năm 1972, thị xã Cần Thơ được nâng cấp lên thành phố trực thuộc khu và cuối năm 1973, Quân khu 9 thành lập lại tỉnh Bạc Liêu.
Cuối năm 1975, hai Quân khu 8 và 9 trong chiến tranh được sáp nhập lại thành Quân khu 9, gồm 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải. Năm 1978 tỉnh Long An thuộc địa bàn Đông Nam Bộ, lực lượng vũ trang tỉnh Long An thuộc sự quản lý, chỉ huy của Quân khu 7. Tháng 12/1991, tỉnh Cửu Long tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; tỉnh Hậu Giang tách ra thành tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng (các tỉnh mới bắt đầu hoạt động từ năm 1992). Tháng 12/1996, tỉnh Minh Hải tách ra thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu (bắt đầu hoạt động từ năm 1997). Tháng 12/2003 tỉnh Cần Thơ tách ra thành thành phố Cần Thơ (trực thuộc Trung ương) và tỉnh Hậu Giang (bắt đầu hoạt động từ năm 2004). Đến nay địa bàn Quân khu 9 có 12 tỉnh, thành phố (riêng Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương) là: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Trong lịch sử chiến tranh giải phóng, quân và dân Quân khu 9 đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vẻ vang chung của dân tộc. Trên chiến trường đồng bằng sông nước nhiều dân tộc, tôn giáo này, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Quân khu 9 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, từng bước trưởng thành, lập nên nhiều kỳ tích oanh liệt, cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Mỗi vùng đất Quân khu 9 đã ghi lại những chiến công rực rỡ từ Cổ Cò, Giồng Dứa, Tầm vu, Sóc Xoài, Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Nhật Nguyệt, An Biên trong kháng chiến chống Pháp đến Gò Quảng Cung, Giồng Thị Đam, Hòn Đất, Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chương Thiện, U Minh… trong kháng chiến chống Mỹ đều là những biểu tượng về ý chí quyết thắng, tinh thần sáng tạo trong nghệ thuật quân sự và đấu tranh cách mạng, về tinh thần đoàn kết quân dân và sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang Quân khu 9 lại tiếp tục vào cuộc chiến đấu mới, giải phóng đảo, đánh địch bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên địa bàn Quân khu, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng lại cuộc sống, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang.
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT luôn phát huy truyền thống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự – quốc phòng; phối hợp cùng với các địa phương tích cực xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quân khu, góp phần quan trọng tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, thế trận chiến tranh nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Một là, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố khá vững chắc, trong đó tập trung xây dựng các tiềm lực về chính trị – tinh thần, kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh (QP-AN) trong khu vực phòng thủ
Tăng cường tiềm lực chính trị tinh thần, LLVT Quân khu luôn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân và các LLVT nắm vững nhiệm vụ quân sự – quốc phòng, củng cố niềm tin tuyệt đối với Đảng, với chế độ XHCN, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của địch. Tổ chức tốt công tác giáo dục QP-AP, đã tổ chức 3.941 lớp bồi dưỡng KTQP cho 286.203 người thuộc các đối tượng, đối tượng là chức sắc, chức việc các tôn giáo: 268 lớp/16.080 lượt người (chức sắc 7.846 người, chức việc 8.234 người) và cho gần 6 triệu học sinh, sinh viên. Tích cực tham gia, phối hợp cùng với chính quyền các địa phương xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa phương (nhất là ở cơ sở). Đưa hơn 10 vạn lượt cán bộ chiến sĩ huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác vận động quần chúng. Từ năm 2003 đến nay đã tuyên truyền trong nhân dân hàng ngàn cuộc với hơn 13,8 triệu lượt người tham dự; bồi dưỡng phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên 8.012 người; tham gia xây dựng trên 6.746 cơ sở chính trị (có 790 chính quyền xã, phường và 5.956 tổ chức chính trị – xã hội); hoà giải 661 vụ; ngăn chặn 170 vụ truyền đạo trái phép; vận động 4.351 học sinh bỏ học trở lại lớp tiếp tục học tập và phổ cập giáo dục tiểu học 3.308 người. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự với bạn Campuchia, giúp bạn về kinh nghiệm trong chỉ huy, quản lý, đào tạo cán bộ và một phần kinh phí để xây dựng quân đội, phát triển kinh tế – xã hội.
Tích cực xây dựng tiềm lực kinh tế – xã hội, phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường QP-AN. Qui hoạch phát triển đi đôi với củng cố tăng cường phòng thủ đất nước, tạo thế trận vững chắc trong KVTP tỉnh, thành phố. Mở rộng và làm mới hàng ngàn km đường trong hệ thống đường dọc ngang, hệ thống thông tin liên lạc trên tuyến biên giới, ven biển, đảo và các trọng điểm trong nội địa; tổ chức xếp, bố trí các khu dân cư ở các địa phương và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959, các nông, lâm trường của quân khu dọc biên giới Tây Nam; tổ chức hàng triệu ngày công xây dựng nhiều công trình chiến đấu, phòng thủ dọc tuyến biên giới, biển, đảo đã tạo nhiều địa hình có lợi và thế trận liên hoàn, vững chắc trong khu vực phòng thủ. Đầu tư gần 2.000 tỉ đồng xây dựng doanh trại cho LLVT.
Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng – an ninh, chất lượng và sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu ngày cào được nâng cao, luôn bảo đảm quân số SSCĐ đạt trên 95%; tuyển quân từ năm 1996 – 2010 đạt 100% chỉ tiêu, tỉ lệ đảng viên nhập ngũ đạt 6,29%. Sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đạt 90,42%; bổ nhiệm bố trí SQDB đạt 77,94% nhu cầu, tăng 50,9%. Lực lượng DQTV đạt 1,38% so với tổng dân số; đảng viên 13,89% (tăng 6,39% so với năm 2004); bố trí 69.07% chỉ huy trưởng xã, phường, thị trấn là đảng viên; đào tạo 2.432 đồng chí là chỉ huy trưởng xã, phường, thị trấn; xây dựng chi bộ quân sự xã, phường thị trấn đạt 93,60%. Kếp hợp xây dựng lực lượng với tổ chức huấn luyện, diễn tập SSCĐ, Quân khu đã tổ chức diễn tập PT-01; diễn tập MN-04, PT-8 theo sự chỉ đạo của Bộ.
Hai là, xây dựng Đảng bộ Quân khu luôn đạt tiêu chuẩn TSVM và chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu ngày càng được nâng cao.
Thường xuyên tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng TSVM, xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; có trên 90% tổ chức Đảng TSVM, 80% Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; chi bộ đại đội chiến đấu có chi ủy đạt 97,22%. Phát triển hơn 10 nghìn đảng viên, tỉ lệ lãnh đạo của Đảng bộ Quân khu đạt 54,29% (tăng 17,9% so với năm 2001). Đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng 14% (tăng 13,03%); đại học 40% (tăng 7%), sau đại học 2,93% (tăng 2,78% so năm 2001); các chức danh chính ủy, phó chính ủy, chính trị viên đạt 100%, chính trị viên phó đạt 96%. Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng Đảng bộ TSVM gắn với xây dựng đơn vị VMTD, chất lượng huấn luyện chiến đấu và giáo dục chính trị không ngừng được nâng cao. Giáo dục chính trị đạt 100% yêu cầu, có 80% khá giỏi; có 558 lượt cơ quan, đơn vị được công nhận có môi trường văn hóa tốt; 211 tập thể và 818 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
100% các đơn vị trong LLVT Quân khu 9 đã diễn tập các phương án sẵn sàng chiến đấu; huấn luyện chiến đấu 100% đạt yêu cầu có 75% khá giỏi, quân số huấn luyện đạt từ 97,33% trở lên; tham dự 34 lần hội thao, hội thi cấp Bộ, có 9 lần đạt giải Nhất, 9 lần đạt giải Nhì, 8 lần đạt giải Ba và 01 lần đạt giải Tư toàn đoàn; đào tạo và đào tạo lại gần 5 vạn lượt cán bộ chỉ huy phân đội và nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Quân sự – Công an – Biên phòng đẩy mạnh các hoạt động trị an ở cơ sở, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xây dựng đơn vị nề nếp chính qui có nhiều tiến bộ khá vững chắc; tình hình vi phạm kỷ luật hàng năm đều giảm (năm 2001 = 1,02% đến 5/2010 còn 0,098%);
Đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo mô hình VAC, thu hoạch 131.506 tấn thịt cá, 739.150 tấn rau củ quả, 258.455 tấn lương thực; đưa vào bữa ăn bộ đội bình quân 2.000 đồng/người/ngày (tăng so với năm 2001 = 1.440 đồng), quân số khỏe hàng năm đạt 98,67%; có 82% đơn vị đạt tiêu chuẩn quân y 5 tốt; xây dựng 33 bệnh xá, 05 bệnh viện dã chiến, bệnh viện khu vực, 07 đội điều trị dự bị động viên, với 1.400 giường. Đến nay, xây dựng doanh trại, nhà ở cho 100 % Trung đoàn BB đủ quân, các trung, lữ đoàn binh chủng, nhà trường, bệnh viện, đoàn an dưỡng 30 và xây dựng trụ sở cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn đạt 47,07% (667/1.418). 2 năm (2008, 2009) thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực hành tiết kiệm trong sử dụng kinh phí 13, 5 tỉ đồng. Đảm bảo tốt vũ khí trang bị SSCĐ, hệ số kỹ thuật VKTBKT làm nhiệm vụ SSCĐ đạt từ 0,95 đến 1; hệ số kỹ thuật chung VKTBKT đạt từ 0,61% đến 0,97%. Thu hồi quản lý và xử lý 250 tấn đạn, hơn 7 nghìn khẩu súng và 400 xe ôtô; có 568 sáng kiến được đưa vào ứng dụng, tiết kiệm cho ngân sách quốc phòng 2 tỉ đồng.
Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, chính sách hậu phương quân đội, tăng cường mối đoàn kết quân dân.
Tổ chức trên 2 triệu lượt bộ đội thường trực, DQTV, DBĐV của LLVT quân khu tham gia cứu hộ, cứu nạn; giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt. Điển hình như: 02 đợt chống cháy rừng U Minh vào năm 2002 và năm 2005, Quân khu đã huy động hơn 1.000 quân và hàng chục ngàn lượt lực lượng DQTV, DBĐV bất chấp nguy hiểm, đã cứu chữa kịp thời hàng trăm ngàn ha rừng tràm khỏi bị thiêu huỷ; đưa 218.000 Bộ đội chủ lực, DQTV và DBĐV giúp nhân dân các tỉnh ven biển Tây Nam bộ phòng chống, khắc phục cơn bão số 5 (1997) và cơn bão số 9 (2006); đã trục vớt 200 tàu thuyền gặp nạn trên biển, di dời 14.178 hộ gia đình, dựng lại và sửa chữa 25.964 ngôi nhà, xây dựng mới 10.386 ngôi nhà, tặng quà cho gia đình nghèo, gặp thiên tai trị giá 25 tỉ đồng, cứu trợ 142.260 kg gạo.
Đặc biệt khắc phục sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần thơ, Quân khu 9 đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ y, bác sĩ, đã cứu sống 29/30 trường hợp trong đó có 17 ca trọng thương, tiếp nhận bảo quản và làm thủ tục bàn giao về gia đình mai táng 49 tử thi. Giúp dân 1,93 triệu ngày công lao động: làm, sửa chữa, tu bổ 1.809 km đường giao thông nông thôn; làm mới và sửa chữa trên 2.000 cây cầu và 402 cống, đập; làm thuỷ lợi, đắp đê bao chống lũ lụt hơn 220 km; thu hoạch, chăm sóc hoa màu 2.862 ha. Xây dựng tặng 1.400 nhà tình nghĩa, 6.100 nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội với tổng trị giá 225 tỉ đồng và đóng góp gần 100 tỉ đồng vào chương trình xoá đói giảm nghèo, quỹ “vì người nghèo”, và quỹ “ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”; phụng dưỡng 130 Mẹ Việt nam anh hùng; thăm và tặng quà các tổ chức, sở sở thờ tự, gia đình tín đồ tôn giáo và các gia đình dân tộc Khơme gần 10 tỉ đồng; hỗ trợ các gia đình quân nhân khó khăn 3,63 tỉ đồng; khám chữa bệnh 249.140 lượt người và cấp thuốc 6,292 tỉ đồng. Thực hiện Quyết định 290, 188, 142 của Thủ tướng Chính phủ, đã tiếp nhận 135.464 trường hợp, chi trả chế độ 107.990 trường hợp; tích cực chủ động tìm kiếm, cất bốc và đã quy tập được 5.234 hài cốt liệt sỹ ở CPC về nước và 2.145 hài cốt liệt sỹ trong nước.
Trong quá trình công tác, Quân khu 9 đã có 05 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới; 56 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ tổ quốc; 01 Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích trong cứu hộ, cứu nạn. Từ năm 2000 – 2009, có 9 tập thể được tặng Cờ thi đua Chính phủ; 56 tập thể được tặng Cờ thi đua Bộ Quốc phòng; 70 tập thể, 150 cá nhân được tặng Bằng khen Chính phủ; 138 tập thể, 209 cá nhân được tặng Bằng khen Bộ Quốc phòng có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng hàng năm và trong các nhiệm vụ được giao.
(Cổng TTĐT BQP)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!