Dấu ấn trong cải cách tài chính công ở Thái Nguyên – Tin nổi bật – Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên

Năm 2020, chỉ số CCHC công của Thái Nguyên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó nội dung cải cách tài chính công đạt 11,07/12 điểm, xếp thứ nhất trong cả nước. Đối với đánh giá chỉ số CCHC tại các sở, ngành, đơn vị, Sở Tài chính Thái Nguyên xếp thứ 5/19 đơn vị sở, ngành được xếp hạng. Đây vừa là thành quả, vừa là động lực để ngành Tài chính Thái Nguyên tiếp tục vươn lên.

Cải cách hành chính (CCHC) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì CCHC càng trở nên cấp thiết với tiến trình phát triển và đổi mới. Với vai trò quan trọng đó, những năm qua CCHC đã được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Giai đoạn 2021-2025 chương trình CCHC tỉnh Thái Nguyên đã xác định cụ thể sáu nhiệm vụ, trong đó cải cách tài chính công là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy, bổ trợ cho các nhiệm vụ khác của chương trình CCHC, đặc biệt nội dung về đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao và và sản phẩm đầu ra.

Để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tài chính công, những năm qua, ngành Tài chính đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tiến hành xây dựng và thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí chi tiêu nội bộ; quản lý, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp.Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã tiến hành thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, sáng tạo của người lao động, thay đổi kỹ năng quản lý, thực hiện tiết kiệm nghiêm túc, đúng quy chế.

Cùng với đó, trong công tác phân cấp ngân sách, ngành Tài Chính đã tham mưu với tỉnh thực hiện nhiều đổi mới cơ bản, nâng cao quyền chủ động và trách nhiệm của các đơn vị, các địa phương và các ngành sử dụng ngân sách, giảm được nhiều khâu, thủ tục không cần thiết trong phân bổ ngân sách. Đặc biệt, Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Tài Chính đã tham mưu với tỉnh về việc tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo bằng hoặc cao hơn định mức quy định của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu cho ngân sách địa phương…

Phạm vi các cơ quan thực hiện khoán có sự mở rộng đáng kể so với giai đoạn trước. Theo báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và khoán chi hành chính trên địa bản tỉnh năm 2021, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện tự chủ và đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công (trong đó cơ quan đơn vị hành chính khố tỉnh: 46 đơn vị; khối huyện 173 đơn vị). Để triển khai cơ chế khoán chi, 100% các cơ quan hành chính đã xây dựng thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản. Việc thực hiện các quy chế ngày càng đi vào thực chất, qua đó đã giúp quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán cũng như kinh phí tiết kiệm tại các cơ quan được chặt chẽ, tiết kiệm hiệu quả. Kết quả trong nhưng năm gần đây, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, cắt giảm những công việc chưa thật sự cấp thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên với việc các đơn vị quản lý hành chính sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện kinh phí khoán, 100% các đơn vị đều thực hiện đúng quy định về sử dụng kinh phí quản lý hành chính, do vậy kết quả số kinh phí tiết kiệm được năm 2020 là 9.194 triệu đồng; năm 2021 là 9.473 triệu đồng.

Những kết quả nêu trên cho thấy việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho xã hội, tạo điều kiện cho người dân ngày càng có cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ chất lượng cao, đồng thời góp phần cải thiện từng bước thu nhập của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp theo đúng các mục tiêu đã đặt ra tại Chương trình CCHC nhà nước .

Đáng nói, thời gian qua, Sở Tài Chính cũng đã tiếp nhận và giải quyết lượng lớn các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực của ngành. Với nhiều nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể cán bộ, công chức của ngành Tài Chính Thái Nguyên đã giải quyết các hồ sơ nhanh gọn, hiệu quả, đáp ứng được mong muốn của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, cải cách tài chính công ở Thái Nguyên đã có những bước chuyển mạnh mẽ và đạt được kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ CCHC khác, từ đó tạo hiệu quả chung của CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các mục tiêu, yêu cầu đặt ra về CCHC của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; theo nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn mới 2021-2030 tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp một số khó khăn như:

Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động còn mang tính bình quân, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỉ lại vào sự bao cấp của nhà nước và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với những dịch vụ công.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ (liên doanh, liên kết trong hoạt động) còn chạy theo số lượng dịch vụ mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu.

Việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị còn chưa đồng đều do yếu tố về địa bàn, lĩnh vực hoạt động hoặc ưu đãi của cơ chế đem lại: các đơn vị có thu nhập cao chủ yếu tập trung tại trung tâm, thành phố; nguồn thu chủ yếu từ phí do nhà nước ban hành; một số đơn vị có ngành nghề độc quyền… ngược lại các đơn vị có thu nhập thấp do cơ chế chính sách không cho phép thu, hoặc đóng tại địa bàn khó khăn.

Thu nhập của người lao động giữa các loại hình đơn vị sự nghiệp có sự chênh lệch lớn, chưa phản ánh đúng sự đóng góp của người lao động.

Hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia ngày một gay gắt nên càng đang đặt ra yêu cầu đối với CCHC trong đó cải cách hành chính công. Bởi vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tài chính công trong tổng thể CCHC nhà nước, Thái Nguyên vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp là rất cần thiết. Nhất là việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xác định dịch vụ công sử dụng ngân cách Nhà nước; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật;có cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công…

Nhằm góp phần thực hiện công tác CCHC của tỉnh, nhất là công tác cải cách tài chính công, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các đơn vị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở cho việc ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật…

Đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua việc: Xác định danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN; Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, Cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công; Cơ chế thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể: Xác định dịch vụ công sử dụng NSNN; Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; Cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công.

Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa. Các biện pháp đồng bộ trên được triển khai sẽ góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước; giảm dần đơn vị được nhà nước đảm bảo kinh phí, tăng số lượng đơn vị tự chủ, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động theo đúng mục tiêu chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết 76/2021/NQ-CP ngày 25/7/2021 của Chính phủ.

Cùng với sự nỗ lực của ngành Tài Chính, để công tác cải cách tài chính công của tỉnh có sự chuyển biến tốt hơn nữa, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện để việc đổi mới cơ chế tài chính của các cơ quan, đơn vị thực sự phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc thực hiện Chương trình tổng thể thể về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn đầy khó khăn, thách thức sắp tới./.

Sở Tài Chính phân công cán bộ trực tại Trung tâm hành chính côngđể tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị, doanh nghiệp

và chuyển cho các phòng chuyên môn giải quyết kịp thời