Từ “Búp sen xanh”…
“Búp sen xanh” ra đời năm 1982, đến nay (2015), đã qua hơn 30 lần tái bản và nối bản, với tổng lượng phát hành lên đến gần 1 triệu bản in.
Năm 1990, tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”. Sau khi dựng thành phim, đạo diễn Long Vân đã đổi tên thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn” và nhân vật Út Huệ đổi tên thành Út Vân.
Út Huệ, người cuối cùng đưa tiễn Nguyễn Tất Thành lên tàu rời bến cảng Nhà Rồng, rời Việt Nam, sang Pháp. Khi con tàu chở Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba mờ mờ phía chân trời. Lê Thị Huệ chắp tay trên ngực nhìn theo, khấn trước đất trời:
“Sông ơi!
Đừng mọc đá ngầm
Biển ơi!
Đừng dựng sóng dữ…
Anh đi thuận gió xuôi buồm…
Hỡi những phương trời xa lạ…
Hãy đón lấy Anh…
Một chàng trai nước Việt…
Anh là của Nước của Dân…
Tất cả đợi Anh về…”
Út Huệ tên thật là Lê Thị Huệ, con gái của Lê Quang Hưng, giữ chức Kế quan – một chức vụ nhỏ ở Bộ Công. Bà vốn là học trò thầy Cử Nghệ Nguyễn Sinh Sắc khi còn ở Huế. Hai đứa trẻ, Nguyễn Tất Thành lên 10 và Lê Thị Huệ lên 8, vốn gắn bó với nhau vì tình đồng môn và càng gắn bó hơn khi cả hai đều sớm mồ côi mẹ.
Cha tục huyền, người mẹ kế của Lê Thị Huệ cay nghiệt, gia cảnh không mấy vui vẻ. Cho tới năm 1907, vua Thành Thái bị lưu đày, các quan trong triều nhiều người bị “huyền chức” phải thuyên chuyển.
Nguyễn Sinh Sắc, quan Thừa biện ở Bộ Lễ vào Bình Khê (Bình Định) nhậm chức “Tri phủ lĩnh Tri huyện”. Nguyễn Tất Thành sau sự việc cùng học trò trường Quốc học tham gia giúp những người biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ (1908) cũng phải rời Huế. Họ rời xa nhau từ đó.
…đến “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”
Vẫn giữ những chi tiết nội dung “Búp sen xanh” về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi hai mươi, tuy nhiên, trong “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” nhà văn Sơn Tùng chủ ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô thanh nữ Lê Thị Huệ với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Sau khi Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hai người gặp nhau. Đến khi Nguyễn Tất Thành lên tàu tìm phương cứu nước, ở lại Sài Gòn, Lê Thị Huệ vẫn dõi theo, đợi chờ tưởng như bóng chim, tăm cá.
Trong lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng ở ngôi chùa tu hành ngoài cửa ngõ Sài Gòn, bà Lê Thị Huệ chia sẻ: “Tuổi trẻ của tôi u ám buồn và ngập chìm trong thương nhớ. Tôi mong ngóng, chờ đợi một con người ở tận bên kia trái đất. Không gì có thể tả được cái nỗi lòng ngày ấy… Thỉnh thoảng anh Diệp Văn Kỳ gặp tôi có nói: Cậu Thành vẫn hoạt động bên Paris…”.
Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc tạ thế tại Cao Lãnh (1929), hai người con là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm không vào kịp, Lê Thị Huệ đã cùng những người học trò cũ tổ chức lễ tang chu đáo và để tang cụ…
Sau này, có những lần Bác đã hỏi hai ông Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm về cô Huệ nhưng cả hai ông đều nói chỉ biết rằng cô Huệ còn sống và đã đi tu, còn không biết thêm một thông tin nào nữa cả. Bác nghe xong rồi thở dài…
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà văn Sơn Tùng với thương tật trên mình mất sức khỏe 81% cùng vợ, bà Phan Hồng Mai, lặn lội vào Sài Gòn. Từ lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ, những năm 1948-1950, Sơn Tùng đã tìm gặp những gia đình từng có quan hệ với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông đã gặp cô Út Huệ năm xưa, nay đã là một cụ già hơn 80 tuổi đang tu hành. Ký ức của người già, lại là người tu hành, không dễ gì mở ra.
Bà Phan Hồng Mai kể lại, nhà văn phải lui tới 18 lần, vợ cũng không được theo cùng, mà chỉ có một người cháu của bà Lê Thị Huệ là học giả Lê Hương dẫn tới. Đến khi thực sự tin cẩn, bà mới hé mở dần.
Bà Lê Thị Huệ hỏi Sơn Tùng: “Ông ở cạnh Cụ Hồ nhiều năm, có khi nào thấy cụ nhắc tới hai chữ tình yêu không?”. Sơn Tùng kể lại câu chuyện, năm 1960, khi Viện Văn học dịch xong tập thơ “Nhật ký trong tù” do Nam Trân dịch. Riêng bài “Mới ra tù, tập leo núi”, Bác có dịch lại trên Báo Nhân Dân, ký bút danh T.Lan: “Mây ấp núi, núi ôm mây/ Lòng sông sạch, chẳng mảy may bụi hồng/ Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong/ Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai”.
Sơn Tùng vừa đọc hết bài thơ, bà Lê Thị Huệ xúc động thật sự: “À, tôi nhớ ra rồi”, bà đọc tiếp luôn: “Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai/ Biển Đông còn đó, non Đoài còn đây/ Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Đúng cậu Thành rồi! Cậu Thành vẫn không quên tôi!”.
Và bà dặn thêm: “Khi nào tôi qua đời, ông có viết gì thì viết… Còn bây giờ thì không nên. Có người sẽ cho rằng tôi thấy sang bắt quàng làm họ”.
Năm 1981, bà Lê Thị Huệ qua đời. Năm 1982, “Búp sen xanh” ra đời. Đến nay, năm 2015, “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đến tay bạn đọc. Chúng ta hiểu rõ hơn về gia thế của người con gái suốt đời chờ đợi Nguyễn Tất Thành.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!