Hưng Yên hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng thời kỳ 1968-1986 – 

Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Đại Tập(Khoái Châu) 1967

Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 504-QĐ/TVQH về việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương. Sau khi hợp nhất, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hải Hưng có 46 ủy viên (Hưng Yên 15 ủy viên, Hải Dương 31 ủy viên), trong đó có 13 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo sự chỉ định của Trung ương, đồng chí Lê Quý Quỳnh làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Hoài Bắc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 25 – 26/2/1968, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Hưng họp phiên đầu tiên gồm đại biểu Hội đồng nhân dân của hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Đầu tháng 3/1968, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng họp Hội nghị lần thứ hai để sắp xếp các tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo các cơ quan tỉnh. Đảng bộ Hải Hưng có 32 Đảng bộ trực thuộc, bao gồm 20 đảng bộ huyện, 2 đảng bộ thị xã (Hưng Yên và Hải Dương) và 10 đảng bộ cơ quan, xí nghiệp. Tổng số có 1.296 chi đảng bộ cơ sở, với 57.240 đảng viên.

Cơi cao đê Cửa An để chống lũ năm 1971

Hải Hưng là tỉnh lớn, nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng Bắc bộ, chiếm 21,7% tổng diện tích đồng bằng Bắc bộ, số dân 1.630.000 người, mật độ 632 người/km2, là tỉnh đông dân của miền Bắc, nằm giáp thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Hải Hưng có vị trí trọng yếu về kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, sản lượng lương thực hàng năm đạt 600.000 tấn, chiếm 13% tổng số sản lượng miền Bắc. Hải Hưng có đồng ruộng phì nhiêu, có đồi rừng và tài nguyên khoáng sản là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội.

Ngày 28/4/1968: Bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V, có 98,96% cử tri đi bỏ phiếu, 120 đại biểu trúng cử.

Ngày 11 – 13/6/1968: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V họp kỳ thứ nhất. Hội đồng đã nghe Ủy ban hành chính tỉnh báo cáo bản dự thảo phương hướng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân. Phân tích, đánh giá những thắng lợi và tồn tại từ khi hợp nhất tỉnh, đề ra chỉ tiêu phấn đấu để hoàn thành tốt kế hoạch năm 1968. Hội đồng nhân dân bầu Ủy ban hành chính tỉnh gồm 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính.

Ngày 9/9/1968: Đại hội Quyết thắng các lực lượng vũ trang Hải Hưng đã biểu dương thành tích của các đơn vị lực lượng vũ trang và đề ra phương hướng thi đua trong thời gian tới là: xây dựng tỉnh đội mạnh, huyện đội mạnh; xã đội, đại đội, trung đội quyết thắng, thực hiện 100% cơ sở có đơn vị quyết thắng. Đại hội đã trao Huân chương và cờ Quyết thắng cho các đơn vị và cá nhân có thành tích trong năm 1967.

Ngày 23 -24/10/1968: Ty Công an tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào bảo vệ trị an trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại. Hội nghị đánh giá những thắng lợi thu được trên mặt trận trị an là góp phần đập tan âm mưu gây bạo loạn và phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai. Hội nghị công nhận 87 chiến sĩ thi đua, 31 lá cờ đầu và 19 xã Quyết thắng được Bộ Công an khen thưởng.

Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ

Ngày 10/9/1969: tại Hội trường thị xã Hải Dương, Ban Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức trọng thể Lễ đón Lời Di chúc của Người. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy ban hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí bí thư, chủ tịch các huyện, thị xã, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp, đại biểu các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về dự đã nguyện thực hiện đúng Di chúc của Người và “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác”.

Ngày 14-16/10/1970: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (1960-1970) xây dựng lực lượng dự bị động viên tuyển quân, chi viện chiến trường. Trong 10 năm, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã nỗ lực phấn đấu đạt được thắng lợi toàn diện như: lực lượng vũ trang lớn mạnh; bắn rơi 70 máy bay Mỹ và bắt sống nhiều giặc lái; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và phục vụ chiến đấu.

Ngày 27-29/5/1971: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI họp kỳ thứ nhất. Hội đồng nghe báo cáo về kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, về sự chỉ đạo thực hiện sản xuất nông nghiệp, ổn định nghĩa vụ lương thực, ngân sách địa phương, công tác quân sự, báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tỉnh… Hội đồng nhân dân ra nghị quyết và kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hải Hưng đoàn kết nhất trí, phát huy thắng lợi đã giành được, ra sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, đặc biệt là kế hoạch Nhà nước năm 1971. Trước mắt thu hoạch nhanh gọn vụ đông xuân, vụ mùa, tích cực bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão. Đẩy mạnh công tác lương thực, xây dựng cơ bản, tuyển quân, xây dựng lực lượng, bảo vệ trị an, sẵn sàng chiến đấu, phát triển sự nghiệp giáo dục văn hóa, y tế… Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ủy ban hành chính gồm 1 chủ tịch, 4 phó chủ tịch và 10 ủy viên, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 23/8/1971: Vỡ đê Nhất Trai (Gia Lương, Bắc Ninh). Nhân dân Hải Hưng khắc phục hậu quả của trận lụt chưa từng có trong 100 năm (kể từ năm 1971 trở về trước) ở đồng bằng Bắc bộ.

Trận địa phòng không Triều Dương 10-1972

Ngày 1/3/1972: Ban Bí thư Trung ương Đảng họp, ra Thông báo số 02 về Nghị quyết điều động cán bộ của Bộ Chính trị. Thông báo nói rõ: trong phiên họp vừa qua, sau khi xem xét công tác của Đảng bộ Hải Hưng và tình hình nội bộ của tỉnh, Bộ Chính trị quyết định điều động hai đồng chí bổ sung cho Tỉnh ủy Hải Hưng: đồng chí Ngô Duy Đông, ủy viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương về làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Tạo, Thứ trưởng Phủ thủ tướng về làm Phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 1/4/1972: Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn số 19 về việc sắp xếp lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng gồm Bí thư, hai Phó bí thư và bốn ủy viên Ban Thường vụ là các đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư; Lê Quý Quỳnh, Phó bí thư Thường trực; Trần Tạo, Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban hành chính; các đồng chí Nguyễn Hoài Bắc, Trần Quang Tạo, Nguyễn Cấp, Đoàn Ngọc Ân là ủy viên Ban Thường vụ.

Ngày 17/5/1972: Tuổi trẻ Hải Hưng tổ chức lễ đón cờ luân lưu mang dòng chữ “Thanh niên anh dũng tiến lên, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đây là lần thứ hai tuổi trẻ Hải Hưng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng phần thưởng cao quý này.

Tháng 8/1972: Nữ nghệ sĩ Giên Phôn-đa diễn viên điện ảnh nổi tiếng và là chiến sĩ hòa bình xuất sắc sang thăm nước ta và về thăm Hải Hưng. Chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ phá đê, giết hại nhân dân, chị đã lên tiếng tố cáo tội ác của Tổng thống Mỹ Ních-xơn.

Cuối tháng 10/1972: Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết đơn vị lá cờ đầu ngành học mẫu giáo. Hội nghị nghe báo cáo tổng kết công tác chỉ đạo xây dựng trường mẫu giáo Tân Tiến (Văn Giang) – đơn vị bảy năm liền giữ vững danh hiệu đơn vị cờ đầu của phong trào mẫu giáo nông thôn toàn miền Bắc.

Ngày 29-30/12/1972: Tỉnh Hải Hưng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nông nghiệp năm 1972. Năm 1972, lần đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp, Hải Hưng đạt 5 tấn thóc/ha gieo trồng.

Cụ Đoàn Văn Tôn (Thụy Lôi, Tiên Lữ), có 5 con liệt sỹ,động viên thanh niên lên đường nhập ngũ

Ngày 28/4/1973: Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký Lệnh số 34/LCT tặng thưởng Huân chương lao động cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Hưng và 11 Huân chương cho một số huyện, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh Hải Hưng về thành tích trong sản xuất nông nghiệp năm 1972.

Ngày 6/3/1974: Nhân dịp sang dự Đại hội phụ nữ Việt Nam lần thứ VI, đoàn đại biểu phụ nữ các nước Lào, Campuchia, Anbani, Cộng hòa Chilê, Nhật Bản, Triều Tiên, Angiêri, Cộng hòa Ả rập Xyri, Pêru và một số nước châu Phi đã về thăm tỉnh Hải Hưng.

Ngày 5/5/1974: Bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, có 97,69% số cử tri đi bỏ phiếu, 120 đại biểu trúng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII.

Ngày 19/5/1974: Khánh thành nhà lưu niệm Bác Hồ ở thị xã Hưng Yên. Đây là ngôi nhà nơi Bác nghỉ trưa khi Bác về thăm Hưng Yên ngày 5/1/1958 (trước đây là khu nhà của Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên).

Ngày 5/6/1974: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII họp kỳ thứ nhất. Hội đồng đã nghe báo cáo và xác nhận kết quả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kết quả về thẩm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, báo cáo thảo luận và quyết định về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1974. Hội đồng đã bầu ra Ủy ban hành chính tỉnh nhiệm kỳ (1974-1977) gồm 1 Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch và các ủy viên, đồng chí Trần Tạo được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 7-9/6/1974: Đại hội Công đoàn Hải Hưng lần thứ nhất. Về dự Đại hội Công đoàn có hơn 280 đại biểu. Đại hội thông qua Nghị quyết vận động đông đảo công nhân, viên chức tham gia phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành 3 điểm cao (năng suất cao, tiết kiệm tốt, tiết kiệm nhiều), hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “7 mũi giáp công” chi viện nông nghiệp; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức bồi dưỡng và đào tạo cán bộ công đoàn, chăm lo đời sống công nhân viên chức nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong thời kỳ mới. Đại hội bầu Ban chấp hành công đoàn mới gồm 29 đồng chí.

Ngày 11-13/7/1974: Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất (vòng 1). Về dự Đại hội có 308 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 50 vạn cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Hội phụ nữ tỉnh gồm 33 ủy viên.

Ngày 11-13/12/1974: Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất (vòng 2). Về dự Đại hội có trên 300 các mẹ, các chị có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” đại diện cho trên 50 vạn cán bộ, hội viên. Đại hội thảo luận và nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, phát động đợt thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam lần thứ tư. Mục tiêu của Đại hội đề ra là: xây dựng người phụ nữ Hải Hưng thành người phụ nữ toàn diện, có trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có đạo đức tốt, có năng lực đảm đang việc nước việc nhà.

Xã Đặng Lễ, nơi làm nghĩa vụ lương thựcnhiều nhất tỉnh Hải Hưng

Ngày 24/3-1/4/1975: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ I tại thị xã Hải Dương. Về dự Đại hội có 450 đại biểu thay mặt cho hơn 71.000 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm công tác của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng từ khi hợp nhất, quyết định phương hướng và nhiệm vụ công tác năm 1975 và phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1975-1980), quyết định nhiệm vụ xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng để thi hành Nghị quyết lần thứ 23 của Trung ương Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí, trong đó 33 đồng chí là ủy viên chính thức, 6 đồng chí là ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 6/4/1975: Bầu cử Quốc hội khóa V và Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương. Hải Hưng có trên 97% số cử tri đi bầu cử. Huyện Tiên Lữ có 100% cử tri đi bỏ phiếu.

Ngày 1/5/1975: Gần một vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân và học sinh, các cơ quan trong tỉnh và thị xã Hải Dương mít tinh chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 2/5/1975: Ủy ban hành chính và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng đã long trọng tổ chức Lễ thay mặt nhân dân trong tỉnh đưa 20 cây vạn tuế lên trồng ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 8-14/5/1975: Tỉnh tổ chức Hội diễn sân khấu của tỉnh lần thứ hai chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng và kỷ niệm 85 năm ngày sinh Bác Hồ. Gần 1.000 diễn viên với 37 tiết mục gồm các thể loại: chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối được chọn lọc từ các cơ sở về dự hội diễn.

Ngày 21-23/5/1975: Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất. Về dự Đại hội có hơn 300 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết gần hai triệu dân trong tỉnh. Đại hội đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại và góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại hội bầu ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa I gồm 75 đại biểu, ông Lê Quang Vinh làm Chủ tịch.

Ngày 15-19/7/1975: Đại hội đại biểu Hội nông dân tập thể tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất. Trên 450 đại biểu về dự Đại hội. Đại hội đánh giá tình hình phong trào nông nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp. Đại hội khẳng định: “Giai cấp nông dân tập thể ngày càng lớn mạnh, thu được nhiều thắng lợi quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, xây dựng nông thôn giầu đẹp, góp phần bảo đảm những nhu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và việc góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”. Đại hội đề ra phương hướng thực hiện cho giai đoạn mới là: đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp”. Đại hội đã bầu ra Hội đồng nông dân tập thể gồm 25 ủy viên.

Ngày 25/4/1976: Tỉnh Hải Hưng cùng cả nước tiến hành Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước. Hải Hưng được bầu 20 đại biểu trong tổng số 248 đại biểu được bầu ở miền Bắc và chia thành 4 khu vực bầu cử. Số cử tri đi bầu cử của tỉnh đạt 99,14%, 14 huyện, thị xã có từ 99 đến 100% số cử tri đi bầu.

Ngày 11-20/11/1976: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II (vòng 1). Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất cao hai dự thảo văn kiện quan trọng là: Đề cương báo cáo chính trị và Điều lệ (sửa đổi) của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ IV của Đảng gồm 34 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Khai, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức về dự và nói chuyện với Đại hội.

Ngày 15/2/1977: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 85 công nhận huyện Văn Lâm đã hoàn thành phổ cập văn hóa cấp II cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và công nhân viên kỹ thuật các cơ quan trong toàn huyện ở độ tuổi học bổ túc văn hóa. Đây là huyện đầu tiên của Hải Hưng đạt thành tích này.

Ngày 11/3/1977: Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58 về việc hợp nhất một số huyện của tỉnh Hải Hưng. Huyện Văn Giang và huyện Yên Mỹ hợp nhất thành huyện Văn Yên; huyện Văn Lâm và huyện Mỹ Hào hợp nhất thành huyện Văn Mỹ; huyện Tiên Lữ và huyện Phù cừ hợp nhất thành huyện Phù Tiên.

Ngày 4-14/4/1977: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II (vòng 2), Đại hội thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh hai năm 1977-1978 và những năm tiếp theo. Đại hội đã quyết định những nhiệm vụ, chủ trương công tác xây dựng Đảng và bầu Ban chấp hành mới gồm 36 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Ngô Duy Đông, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 15/5/1977: Bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, Hải Hưng có 2.838 khu vực bỏ phiếu ở 29 đơn vị bầu cử với 98,28% tổng số cử tri đi bầu. Kết quả: 120 người trúng cử trong số 150 người ứng cử.

Ngày 4-10/6/1977: Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất họp tại thị xã Hải Dương. Đại hội đã đánh giá những cống hiến xuất sắc của lớp người trẻ tuổi và sự lớn mạnh của Đoàn. Các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc, quyết định phương hướng, nhiệm vụ của thanh niên Hải Hưng trong giai đoạn mới và bầu Ban chấp hành Tỉnh đoàn gồm 37 ủy viên.

Ngày 15-17/6/1977: Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Hưng khóa VIII họp kỳ họp thứ nhất. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã bầu Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1977-1980 gồm 25 ủy viên, đồng chí Trần Tạo được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ngày 21-22/7/1977: Đại hội Hội Phụ nữ tỉnh Hải Hưng lần thứ II họp tại thị xã Hải Dương. Hơn 400 đại biểu ưu tú thay mặt cho trên 60 vạn hội viên, cán bộ Hội trong tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến vào các Văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc, quyết định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của phụ nữ Hải Hưng trong năm tới và bầu Ban chấp hành gồm 39 ủy viên.

Ngày 10-15/10/1977: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị mở rộng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Trung ương và ra Nghị quyết về “nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp đưa nông nghiệp tỉnh ta phát triển vượt bậc”.

Ngày 4-6/1/1978: Đại hội văn học nghệ thuật Hải Hưng lần thứ nhất. Đại hội đã nghe báo cáo hoạt động của phong trào văn học nghệ thuật của tỉnh trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đại hội thảo luận dự thảo Điều lệ Hội văn học nghệ thuật và bầu Ban Chấp hành Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng.

Ngày 21/3/1978: Xã Ngọc Long, huyện Văn Yên (nay là huyện Yên Mỹ) được Hội đồng Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bức trướng “Quê hương gia đình văn hóa mới”. Trong những năm kháng chiến chống mỹ cứu nước, xã Ngọc Long là một xã thực hiện tốt công tác y tế, chi viện chiến trường. Cán bộ và nhân dân trong xã đã hoàn thành vượt mức công tác tuyển quân, góp nhiều lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Trong phong trào văn hóa quần chúng, xây dựng gia đình văn hóa mới, xã đã trở thành một trong những nơi mở đầu cho phong trào gia đình văn hóa mới của tỉnh và miền Bắc.

Ngày 22/3/1978: Đại hội Công đoàn tỉnh Hải Hưng lần thứ hai. Đại hội có 250 đại biểu thay mặt cho hơn 58.000 đoàn viên công đoàn cơ sở. Đại hội đã xác định nhiệm vụ hàng đầu cho phong trào công nhân viên chức là: thi đua phục vụ sản xuất nông nghiệp, lấy phong trào phát huy sáng kiến là mũi nhọn của tất cả các công đoàn trong tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh gồm 33 đồng chí và bầu 14 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu công đoàn toàn quốc lần thứ IV.

Ngày 24-26/4/1978: Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng lần thứ hai. Đại hội thảo luận báo cáo về tình hình công tác mặt trận từ Đại hội lần thứ nhất và phương hướng nhiệm vụ công tác mặt trận khóa tới. Đại hội đã bầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh gồm 83 ủy viên.

Ngày 24-25/10/1978: Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Hải Hưng lần thứ II. Đại hội đã phát động phong trào 5 tốt. Nội dung của phong trào là: “vận động và thực hiện sản xuất tốt; vận động và thực hiện tiết kiệm tốt; vận động và tham gia công tác xây dựng lực lượng quốc phòng, giữ gìn trật tự trị an, an ninh, chính sách hậu phương quân đội tốt; vận động và thực hiện nội quy nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; xây dựng và củng cố tổ chức Hội phụ nữ tốt”.

Ngày 6/11/1978: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh công bố Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho lực lượng vũ trang nhân dân Hải Hưng.

Ngày 22/2/1979: Đoàn Nguyễn Trãi – Bộ đội Hải Hưng lên đường đánh quân bành trướng Trung Quốc xâm lược.

Ngày 24/2/1979: Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70 hợp nhất huyện Văn Mỹ và huyện Văn Yên (trừ 14 xã cắt sang huyện Khoái Châu) thành huyện Mỹ Văn, huyện lỵ đặt tại huyện Mỹ Hào cũ. Nhập các xã Hoàn Long, Yên Phú, Yên Hòa, Tân Tiến, Long Hưng, Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công, Văn Phú, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở, Việt Cường, Minh Châu của huyện Văn Yên vào huyện Khoái Châu thành một huyện mới lấy tên là huyện Châu Giang, huyện lỵ đặt tại huyện Khoái Châu cũ.

Ngày 31/3/1979: Khánh thành nhà máy xi măng Hải Hưng với công suất 10.000 tấn/ năm.

Ngày 20/5/1979: Hải Hưng tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và cấp tương đương. Kết quả, cuộc bầu cử có 98,56% số cử tri đi bỏ phiếu, các cử tri đã lựa chọn bầu được 578 đại biểu vào Hội đồng nhân dân huyện, thị xã và 12.669 đại biểu vào Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

Tháng 8 năm 1979: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về việc phát động xây dựng “Vườn quả Bác Hồ”.

Ngày 30/10-3/11/1979: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III được tổ chức tại thị xã Hải Dương. Đại hội có trên 500 đại biểu đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự. Đại hội kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II trong 3 năm (1977-1979) và đề ra mục tiêu kinh tế- xã hội cho 2 năm (1980-1981). Đại hội xác định 3 nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn mới là:

  • Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân.
  • Tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế- xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 43 ủy viên, trong đó có 4 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên, đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 3-5/12/1979: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII họp kỳ thứ 6. Hội đồng nhân dân tỉnh đã đánh giá cao những thành tích đạt được trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1979 và đề ra những chỉ tiêu chủ yếu, biện pháp cần làm nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1980, tập trung sức đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Tháng 4/1980: Hải Hưng tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hội nghị đánh giá: năm 1979, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhưng công nghiệp địa phương đã đạt những thành tích lớn. Giá trị sản lượng đạt 137 triệu đồng, bằng 105% kế hoạch. Trong đó quốc doanh đạt 43,7 triệu đồng, thủ công nghiệp đạt 93,3 triệu đồng. Hội nghị đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu cho ngành công nghiệp địa phương trong năm 1980.

Ngày 29 -30/4/1980: Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Hưng lần thứ III được tổ chức tại thị xã Hải Dương. Đại hội đã nghe báo cáo tình hình thực hiện các mặt công tác trong 2 năm 1978-1979 và phương hướng, nhiệm vụ công tác Mặt trận Tổ quốc trong 2 năm 1980-1981. Đại hội bầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa III gồm 62 ủy viên.

Tháng 11/1980: Ty Giáo dục tổ chức tổng kết 35 năm (1945-1980) xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa. Từ chỗ 95% người dân mù chữ đến năm 1980 đã căn bản xóa xong. Hải Hưng được Quốc hội và Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích hoàn thành phổ cập văn hóa cấp I cho toàn dân (năm 1978).

Ngày 27/1/1981: Khánh thành Nhà hát nhân dân thị xã Hưng Yên.

Tháng 5/1981: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX họp kỳ thứ nhất. Hội đồng đã nghe báo cáo về kết quả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh vào tháng 4/1981 và bầu ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tháng 6/1981: Hải Hưng tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (1976-1980) cuộc vận động nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới. Hội nghị khẳng định trong 5 năm, cuộc vận động nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới đã thu được những thắng lợi trên các mặt thực hiện việc cưới, việc tang, bài trừ mê tín dị đoan và xây dựng ý thức làm chủ tập thể cũng như mọi biểu hiện sống thiếu văn hóa của thanh niên trong cách giao tiếp, ăn mặc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa từ 6 gia đình đầu tiên năm 1963, đến năm 1981 đã có 111.430 hộ, chiếm 35% tổng số hộ. Hội nghị nhất trí kiện toàn Ban chỉ đạo và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian tới.

Ngày 1/9/1981: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 16 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa việc khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.

Đầu tháng 9/1981: Ngành giáo dục bước vào năm học đầu tiên thực hiện cải cách giáo dục.

Ngày 6-14/1/1982: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV (vòng 1). Về dự có 522 đại biểu, đồng chí Lê Thanh Nghị- ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước về dự Đại hội. Đại hội đã phân tích sâu sắc những chủ trương có tính chất chiến lược của cách mạng nước ta, đề ra những mục tiêu kinh tế- xã hội trong những năm 80 và phương hướng kế hoạch cụ thể cho 5 năm (1981-1985) của tỉnh.

Ngày 4/1/1982: Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 2 về việc mở rộng thị xã Hưng Yên. Thị xã Hưng Yên được mở rộng gồm các xã, thôn sau: xã Lam Sơn và xã Hiến Nam của huyện Kim Thi; thôn Phương Độ (xã Hồng Nam); các thôn Nam Tiến, Mậu Dương (trừ xóm Châu Dương) của xã Quảng Châu thuộc huyện Phù Tiên. Sau khi được mở rộng, thị xã Hưng Yên bao gồm: phường Lê Lợi, Minh Khai, các xã Lam Sơn, Hiến Nam và Hồng Châu.

Ngày 9/1/1982: Hải Hưng tổng kết công tác nông nghiệp năm 1981. Ngành nông nghiệp năm 1981 vượt năm 1980 cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng của cả năm là 329.000 ha, tăng 18.000 ha. Diện tích vụ đông là 56.000 ha, chiếm 40% diện tích canh tác. trong đó đậu tương tăng 1.904 ha, tỏi tăng 388 ha. Năm 1981 là năm đầu tiên Hải Hưng đạt năng suất lúa 6,011 tấn/ha và cũng là năm có tổng sản lượng lương thực lớn nhất từ trước tới năm 1981 (86 vạn tấn). Đàn lợn tăng 5.000 con; đàn bò tăng 835 con; đàn gia cầm tăng 20 vạn con, đàn ong tăng 700 đàn.

Tháng 6/1982: Ngành thương binh và xã hội Hải Hưng tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Cờ thưởng luân lưu “Đơn vị dẫn đầu thi đua ngành thương binh xã hội” của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thành tích công tác năm 1981. Đồng chí Dương Quốc Chính, ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội về dự và trao cờ. Năm 1981, Hải Hưng là tỉnh đầu tiên hoàn thành kiểm tra việc thực hiện chính sách thương binh xã hội ở 100% số xã, phường, thị trấn đạt loại khá về công tác thương binh xã hội. Trên 6.700 bố mẹ liệt sĩ và 15.000 con liệt sĩ được Hội viên nhận chăm sóc, giúp đỡ, 91% số thương binh, người nhà liệt sĩ, người tàn tật được sắp xếp công việc hợp lý, 60% số thương binh và 27% số gia đình liệt sĩ đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”.

Ngày 27/11/1982: Thực hiện Quyết định số 80 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Danh mục số 1 các chức vụ công nhân viên chức Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 404 đổi tên các Ty chuyên môn thành các sở: Sở Thương nghiệp, sở Lương thực, sở Công nghiệp – Thủ công nghiệp, sở Giao thông vận tải, sở Xây dựng, sở Tài chính, sở Thương binh xã hội, sở Thủy sản, sở Y tế, sở Lao động, sở Thủy lợi, sở Văn hóa thông tin, sở Nông nghiệp, sở Bưu điện, sở Giáo dục… Các chức vụ Trưởng ty, Phó ty nay đổi là Giám đốc, Phó giám đốc.

Tháng 12/1982: Hải Hưng tổng kết 6 năm (1976-1982) xây dựng vùng kinh tế mới. Trong 6 năm, gần 80 ngàn người, bao gồm 5.683 gia đình, 62.909 lao động đi xây dựng các nông trường, lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp trên các vùng kinh tế mới ở các tỉnh Gia Lai- Kom Tum, Quảng Ninh, Sơn La, Đồng Nai, Long An. Đến với vùng đất mới có 854 đảng viên, 13 kỹ sư, 3 bác sĩ, 40 y sĩ, 70 cán bộ trung cấp quản lý kinh tế, kỹ thuật, 102 kế toán trung cấp và gần 300 cán bộ các ngành thuộc khu vực Nhà nước.

Ngày 25-29/1/1983: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV (vòng 2). Về dự Đại hội có hơn 500 đại biểu. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế – xã hội năm 1983 và mức phấn đấu đến năm 1985 của tỉnh, Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa IV gồm 41 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 5/8/1983: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về công tác y tế trong 3 năm (1983-1985). Nghị quyết chỉ rõ: tăng cường vận động sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện mỗi gia đình chỉ nên có 1 đến 2 con, hạ thấp tỷ lệ sinh đẻ.

Ngày 1/9/1983: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định một số vấn đề về công tác giáo dục trong năm học 1983-1984. Quyết định đề ra phương châm chủ yếu là: “Nhà nước và nhân dân cùng làm trong sự nghiệp giáo dục và phát triển giáo dục, kết hợp chặt chẽ nhà trường, gia đình với xã hội để thực hiện thắng lợi cải cách giáo dục”.

Ngày 24-25/11/1983: Hội nghị triển khai công tác xây dựng quy hoạch cán bộ do Tỉnh ủy triệu tập. Hội nghị đã thảo luận và đề ra 6 nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về lãnh đạo và quản lý giỏi về khoa học-kỹ thuật: Xác định rõ nội dung quy hoạch; xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cần đạt trong thời gian 10 năm, 5 năm; xác định mục tiêu nâng cao trình độ kiến thức toàn diện; làm tốt việc lựa chọn cán bộ dự bị; lựa chọn phương pháp tạo nguồn phù với tình hình đặc điểm cơ sở; tiếp tục bồi dưỡng cán bộ bằng những hình thức phong phú, linh hoạt, có mục đích.

Ngày 30/11- 2/12/1983: Đại hội đại biểu ngành tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh lần thứ hai. Đại hội nhận thấy rằng, từ Đại hội lần thứ I (1981) tổng sản lượng tiểu thủ công nghiệp đã tăng gấp 7,1 lần. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho hai năm (1984-1985).

Máy bay phun thuốc trừ sâu cho cánh đồng đay

Ngày 17-18/4/1984: Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém từ (1979-1983). Hội nghị nhận định trong 5 năm các cơ sở Đảng đã vươn lên qua cuộc vận động xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, 17% các cơ sở Đảng được tặng cờ “Đảng bộ vững mạnh”. Phần lớn các cơ sở Đảng đều hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình, lãnh đạo nhân dân hoàn thành các kế hoạch Nhà nước, song vẫn còn cơ sở Đảng yếu kém về tổ chức, chưa thực sự đoàn kết, đảng viên chưa gương mẫu, kỷ luật lỏng lẻo. Hội nghị đã đề ra biện pháp nhằm xây dựng Đảng vững mạnh cho những năm tiếp theo.

Tháng 5/1984: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (1979-1983) công tác hậu cần địa phương. Hội nghị biểu dương các cấp, các ngành đã thực hiện tốt công tác hậu phương phục vụ quốc phòng với phương châm kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng. Hoạt động của bộ đội thường trực và dân quân tự vệ thu được kết quả đáng kể với mục đích: “Làm giầu đánh thắng”. Thành lập các đội chống lụt, bão, tăng gia sản xuất lương thực và thực phẩm. Hội nghị bàn và quyết định phương hướng, nhiệm vụ hậu cần trong những năm tiếp theo.

Tháng 6/1984: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị động viên phong trào thi đua trong nông nghiệp năm 1983. Hội nghị tổng kết những thành tích và kinh nghiệm về tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa năm 1983, nổi bật là phong trào thi đua thâm canh tăng vụ, coi trọng sản xuất vụ đông, mở rộng cây xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp toàn diện. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, xã viên lao động giỏi. Hội nghị phát động phong trào thi đua “Thực hiện thật tốt những nhiệm vụ cấp bách của sản xuất nông nghiệp và nông thôn”.

Ngày 20/8/1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về công tác dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Nghị quyết đã đề ra 3 mục tiêu trong cuộc vận động này là: Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con, không sinh con thứ 3; sau 22 tuổi mới sinh con đầu lòng; đẻ thưa cách nhau 5 năm. Nghị quyết cũng đề ra những quy định tạm thời và chỉ tiêu thi đua cho cuộc vận động

Tháng 11/ 1984: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định về công tác quản lý ruộng đất.

Ngày 21/4/1985: Bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, Hải Hưng có 1,2 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu cử.

Ngày 14/5/1985: Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X họp kỳ thứ nhất. Tại kỳ họp này, Hội đồng đã tiến hành kiểm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nghe báo cáo về kế hoạch kinh tế- xã hội năm 1985, quyết định bổ sung các biện pháp thực hiện kế hoạch và đề ra chương trình công tác của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X. Hội đồng nhân dân đã bầu Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa X gồm 17 đại biểu, Đồng chí Nguyễn Văn Phúc được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.

Ngày 22/6/1985: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 129 về việc bù giá vào lương và đưa lương vào giá thành sản phẩm bắt đầu từ ngày 1/7/1985.

Ngày 1/7/1985: Hải Hưng tiến hành bù giá vào lương đối với 9 mặt hàng định lượng và 6 mặt hàng ngoài định lượng cho cán bộ, công nhân viên chức, học sinh các trường chuyên nghiệp, người ăn theo và lực lượng vũ trang tỉnh (kể cả cơ quan, xí nghiệp Trung ương đóng tại địa phương) cán bộ công nhân viên về hưu, mất sức và những người hưởng chế độ trợ cấp chính sách.

Ngày 20/7/1985: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương sao vàng- Huân chương cao quý nhất của Nhà nước tặng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Hải Hưng về công lao và thành tích to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 12/9/1985: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết 41 về “Cải tiến quản lý kinh tế, xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế và phân phối theo lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Nghị quyết này nhằm mở đường cho giai cấp nông dân tập thể Hải Hưng sản xuất theo hướng hạch toán kinh tế kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đảm bảo quyền lợi, hiệu quả cho người lao động.

Ngày 14,15,16/9/1985: Hải Hưng cùng cả nước làm công tác thu đổi tiền, bắt đầu lưu hành tiền ngân hàng mới: 1 đồng tiền ngân hàng mới bằng mười đồng tiền ngân hàng cũ.

Ngày 24-25/9/1985: Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Hưng tổ chức Hội nghị phụ nữ tài năng Hải Hưng lần thứ nhất. Gần 200 phụ nữ tiêu biểu cho hơn 22 nghìn các mẹ, các chị tài năng trong lao động sản xuất, công tác, học tập và nuôi dạy con, được bình bầu từ các cơ sở hội về dự Hội nghị. Tại Hội nghị các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực hoạt động như: công tác quản lý Nhà nước, công tác thâm canh lúa, chăn nuôi giỏi, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ và một số kinh nghiệm nâng cao tay nghề của các đại biểu ở các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và văn hóa- xã hội.

Ngày 23-29/9/1985: Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội. Hải Hưng cử 29 vận động viên xuất sắc về Đại hội dự 4 môn: bóng bàn, bắn súng, bơi lội và điền kinh. Kết quả, đoàn Hải Hưng đã giành được 2 giải đồng đội và được Ban Tổ chức Đại hội tặng cờ “Đơn vị tổ chức tốt Đại hội thể dục thể thao các cấp” với nhiều giải cá nhân khác.

Ngày 26/9/1985: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 464 về nhiệm vụ, quyền lực của giám đốc xí nghiệp.

Ngày 17-18/11/1985: Sở giáo dục tổng kết công tác giáo dục 10 năm (1975-1985), liên hoan chiến sĩ thi đua giáo viên dạy giỏi lần thứ 6. Gần 200 đại biểu gồm 82 giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua từ 5 đến 17 năm liền tiêu biểu cho 990 chiến sĩ, giáo viên giỏi toàn ngành, 38 tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa từ 15 đến 25 năm liền, 35 trường tiên tiến xuất sắc và cán bộ phòng giáo dục các huyện, thị xã về dự. Trong 10 năm (1975-1985), ngành giáo dục đã đạt được một số thành tựu tiêu biểu: số giáo viên đạt trình độ chuẩn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục đối với cấp I là 60%, cấp II là 70%, cấp III trên 90%; 362 trường tiên tiến, trong đó có 38 trường tiên tiến xuất sắc, 253 tổ lao động xã hội chủ nghĩa, 990 chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi trong năm học 1984-1985.

Ngày 26-27/11/1985: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 8 và 28 của Trung ương về giá – lương – tiền. Hội nghị xác định: luôn luôn coi sản xuất là gốc, giá lương tiền là phương tiện đẩy mạnh sản xuất. Hội nghị bàn biện pháp kiên quyết xóa bỏ quan liêu bao cấp, chống bảo thủ trì trệ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tôn trọng quyền chủ động, sáng tạo của cơ sở.

Ngày 31/12/1985: Ủy ban nhân dân tỉnh ra 2 quyết định: Quyết định số 650 về nghiêm cấm tư nhân không được kinh doanh những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý: lương thực, thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, rượu, bia, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, vải, xe đạp, phụ tùng xe đạp; Quyết định số 652 quy định cấm các đơn vị tập thể cá nhân vận chuyển và sử dụng pháo đốt, cán bộ công nhân viên chức uống rượu bia trong các cuộc tiếp khách, các hội nghị lớn, nhỏ và ngoài các quán trong giờ hành chính.

Ngày 15/1/1986: Tỉnh ủy Hải Hưng ra Nghị quyết sắp xếp tổ chức lại bộ máy và biên chế cán bộ để thực hiện Nghị quyết 8, 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị 75 của Ban Bí thư Trung ương. Nghị quyết gồm 3 phần, phần thứ 2 bàn về phương hướng chủ trương trong đó nhấn mạnh: Xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa… bảo đảm sản xuất phát triển, mọi người đều có việc làm, ổn định đời sống cho cán bộ công nhân viên chức và người lao động; giảm bớt các tổ chức đầu mối, bỏ hẳn các tổ chức trung gian không cần thiết và những tổ chức trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm nhẹ bộ máy hành chính, gián tiếp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện đến mức cao nhất sự lãnh đạo theo trực tuyến.

Ngày 19/6/1986: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Thông cáo về việc bán lương thực theo cơ chế bù giá vào lương nhằm xóa bỏ bao cấp trên mặt hàng lương thực, hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa cho các đối tượng được cung cấp lương thực.

Ngày 4-5/8/1986: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thi đua khối công nghiệp Trung ương. Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết phong trào thi đua và liên kết thi đua khối công nghiệp Trung ương tại Hải Hưng trong 2 năm (1984-1985) và phương hướng mục tiêu thi đua trong 5 năm (1986-1990) với 4 nội dung cụ thể là: nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiến quân vào khoa học kỹ thuật; giúp đỡ hợp tác hỗ trợ kinh tế xã hội địa phương phát triển; tổ chức ổn định và cải thiện đời sống cán bộ công nhân.

Ngày 1/9/1986: Ban nếp sống mới của tỉnh phát hành chứng nhận kết hôn và hướng dẫn tổ chức kết hôn theo nghi thức mới.