Phóng viên: Trước khi dựng vở “Ivan bé bỏng” cho các học trò mình thể hiện trên Sân khấu Kịch Hồng Vân – Chợ Lớn, chị hình như có trăn trở…
– Nghệ sĩ THANH THỦY: “Ivan bé bỏng” được cảm tác từ tiểu thuyết “Lolita” của nhà văn Vladimir Nabokov (Nga). So với thế hệ của tôi, diễn viên trẻ hiếm hoi cơ hội được tắm mát trong dòng sông văn học nước ngoài. Tôi trăn trở lắm về diện mạo sân khấu kịch hôm nay khi các em bị hụt hẫng từ nền tảng cơ bản mà nếu không vun vén ngay từ bây giờ, các em sẽ mất phương hướng.
May mắn là các em thích cùng khám phá, cùng học hỏi và báo cáo thành quả. Xem lại “Ivan bé bỏng” qua cách thể hiện của người trẻ hôm nay trên sân khấu, tôi đã khóc thật nhiều. Mừng vì nỗ lực của mình đã được ghi nhận và tin vào con đường các học trò chọn không sai, vì các em đam mê và chịu khó.
Nghe các diễn viên trẻ là học trò gọi chị bằng cái tên thân mật “mẹ gà”?
– (cười) Tôi như gà mái đông con, cứ quán xuyến, la hét thậm chí có sẵn cây roi để dạy khi “đám con” ham chơi, lười biếng. Hạnh phúc lắm khi học trò gọi mình là mẹ.
Là một diễn viên đa tài, chị có thể làm tốt bất cứ vai trò nào, từ nghệ sĩ kịch nói, diễn viên truyền hình, đạo diễn, giám khảo chấm thi… Chị từng 4 lần đoạt giải Mai Vàng và nhiều giải thưởng uy tín khác. Để có được như ngày hôm này, chị tự nhận mình may mắn hay kiên trì của bản thân?
– Tôi từng bỏ nghề diễn, mở tiệm giày để kiếm sống nhưng rồi sàn diễn lại réo gọi và quay trở về. Sau khi tốt nghiệp đạo diễn tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, tôi được chọn ở lại trường làm giáo viên trợ giảng.
Rồi khi có gia đình lại thêm con nhỏ nhưng tôi vẫn kiên trì để được làm nghề. Để có được như ngày hôm nay đó là sự kiên trì vì tôi hiếm khi gặp may mắn.
Chọn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM làm bến đỗ, giai đoạn đó chị còn xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ trong các vở kịch truyền hình. Phải chăng đó là giai đoạn chị “thử lửa” với nhiều loại vai?
– Nghề diễn viên mà cứ đóng khung một loại nhân vật là “tiêu”. Tôi cảm ơn các nhân vật trong các vở: “Sợi dây đay”, “Hoa xuyến chi”, “Trái tim người lính”… của giai đoạn đó và sau này cộng tác với Sân khấu Kịch IDECAF, tôi được phát huy hết khả năng của mình khi không chỉ là diễn viên mà còn đảm nhận vai trò đạo diễn như “Ả cave nhà hàng Maxim”, “Chuyện làng Ung”, “Bão tố ngoài khơi”…
Ngoài ra còn có các vai: Đông Nghi trong vở “Xóm nhỏ Sài Gòn”, Sương trong vở “Cánh đồng bất tận”, thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”, Lee Kim Chi trong vở “Huyền thoại Lee Kim Chi”… đều là những vai diễn được khán giả thương.
Sau này vở “Tiếng vạc sành” do tôi làm đạo diễn đã mang về cho hành trang nghề của tôi giải thưởng “Đạo diễn sân khấu” đoạt giải Mai Vàng 2003.
Năm nay, thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu IDECAF đã tròn 20 năm. Diễn kịch cho thiếu nhi đã là một phần không thể thiếu trong đời sống sàn diễn của chị. Vậy chị nhớ nhất vai diễn nào?
– Từ những năm đầu chương trình “Ngày xửa ngày xưa” ra đời thì HTV đã có chương trình thu hút hàng triệu khán giả nhí với tên gọi “Chuyện ngày xưa”. Tôi thích nhất vai két Lala, cùng anh Thành Lộc, Bạch Long, Hoàng Trinh, Đình Toàn dẫn chuyện.
Chúng tôi tạo thành nhóm “Líu lo” mang đến cho các em nhỏ những bài học đạo đức thông qua những câu chuyện mà nhóm kể. Thời đó, ngoài món ăn tinh thần dành cho khán giả nhí mà ngày nay có thể họ đã là phụ huynh, “Chuyện ngày xưa” còn tạo thành cơn sốt, đi đâu tôi cũng được gọi tên “Két Lala”.
Bước sang lĩnh vực điện ảnh, chị liên tiếp nhận được nhiều lời mời và hiện khán giả đang chờ xem chị hóa thân trong phim “Mẹ ác ma, cha thiên sứ” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Phải chăng lần này sự may mắn đã mỉm cười với chị?
– Đúng là việc đến thì làm, bởi điện ảnh hoặc phim truyền hình đều phải có ê-kíp và muốn tham gia phim thì phải thử vai, phải hợp nhân vật. Tôi may mắn khi các vai diễn đa phần đều là vai người mẹ, mà nhân vật người giúp việc Mai Liên trong bộ phim truyền hình “Người mẹ nhí” của đạo diễn Minh Chung là vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong mắt khán giả qua những tình huống dở khóc dở cười.
Trở lại công việc đi dạy, áp lực làm thầy giai đoạn hiện tại trong tình hình sân khấu đầy biến động, chị đã làm gì để cân bằng chính mình?
– Tôi luôn khuyến khích học trò phải tư duy với văn hóa “tại sao”. Nhờ vậy thầy trò đã vượt qua rất nhiều rào cản, giải tỏa những áp lực. Để vượt qua khó khăn trong cuộc sống và để trụ được với nghề, học trò của tôi có em phải chạy xe ôm, giao hàng online, có em phụ bán quán ăn, làm bảo vệ… Sau một ngày mưu sinh vất vả thì ùa về với ước mơ cháy bỏng, đốt lên năng lượng tích cực để tiếp tục hành trình gắn với sàn diễn. Cứ thế mà hết khóa này đến khóa khác, thầy và trò cùng nhau đi tới, bây giờ nhiều em đã là đồng nghiệp của tôi.
Sân khấu đang biến động, chỉ còn vài nơi sáng đèn, đó là một thực tế đáng lo ngại. Nhưng tôi vẫn lao tới, làm đúng thiên chức người thầy, để đưa các em qua sông trên con đò mà tôi đã từng ngồi trên đó, được các thầy cô mình dìu dắt thì nay phải trả ơn thầy bằng việc góp phần đào tạo một thế hệ diễn viên trẻ tử tế với nghề.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!