Phương pháp luyện tập tại nhà cho trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng nếu được can thiệp sớm và đúng cách.

Hiện nay, trẻ mắc chứng tự kỉ ngày càng nhiều ở Việt Nam. Trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Tự kỷ chưa có thuốc chữa khỏi, việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn.

Bên cạnh việc điều trị với các bác sĩ Nhi khoa, cha mẹ cũng cần lưu ý luyện tập cho con tại nhà để quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Tự kỷ ở trẻ là gì?

Tự kỉ là tình trạng trẻ bị khiếm khuyết, khó khăn trong giao tiếp, tương tác, kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc khi tiếp xúc với xã hội và thế giới xung quanh.

Tự kỷ khiến trẻ khó hòa nhập, tự cách ly, tách biệt mình với mọi người, sống trong thế giới riêng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh chủ quan, không để ý đến con khi trẻ có dấu hiệu tự kỷ nhẹ khiến cho tình trạng này kéo dài, cản trở sự phát triển của bé và gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ khó nhận biết thông qua hành vi, ở giai đoạn tự kỷ nặng thì có những biểu hiện rõ rệt.

  • Thiếu kết nối với bạn bè đồng trang lứa, thụ động, khó khăn trong diễn đạt suy nghĩ nhưng vẫn có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ, người thân trong gia đình theo thứ tự ưu tiên.
  • Trẻ thường tự chơi một mình, chơi lặp lại một món đồ, ít đáp lại khi có người gọi tên, ít kể chuyện với mọi người.
  • Khó khăn rõ rệt khi tập thể dục, chơi trò chơi cần trí tưởng tượng. Trẻ chỉ có thể bắt chước một số động tác đơn giản, không nắm bắt được các động tác phức tạp, nhất là trong các trò chơi phối hợp với đồng đội.
  • Trẻ rất khó khăn khi tự nói ra suy nghĩ, nhưng lại có khả năng nhại lại lời nói của người lớn, trong khi lại rất khó khăn khi lặp lại các động tác.
  • Trẻ đặc biệt ưa thích hay sợ hãi một loại tiếng động nào đó.
  • Trẻ tỏ ra thích thú với hình ảnh, ánh sáng, âm thanh màu sắc của vô tuyến.
  • Trẻ có thể liếm và ngửi người khác như một món đồ ăn. Có một số trẻ chỉ ăn một số món nhất định, đó là một dạng chống đối sự thay đổi.
  • Nhiều trẻ không biết nóng lạnh, không đau khi bi ngã, gẫy xương, vết trầy xước, ngược lại cũng có trẻ lại quá nhạy cảm với các vết thương, chỉ hơi đau một tí đã khóc rất lâu.

Việc xác định bệnh thông qua những dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ là không dễ dàng. Cha mẹ cần hết sức chú ý và đưa con đi khám ngay tại các địa chỉ uy tín khi phát hiện trẻ có triệu chứng tự kỷ.

Nguyên nhân trẻ bị tự kỷ

Xem video:

  • Vì sao trẻ bị tự kỷ? – VTC1
  • Chuyên gia: BSCKII Đỗ Thúy Lan
  • Thời lượng: 4 phút 36 giây

Tự kỷ ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh tự kỷ nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến giảm khả năng hòa nhập, đồng thời có nhiều tác động xấu đến sự tác động tới sự phát triển của trẻ.

  • Trẻ rất khó hoặc không thể hòa nhập được với cộng đồng, thụ động, ít giao tiếp, thu mình
  • Trẻ không phát triển bình thường như các bạn đồng trang lứa, vô cảm, mất phản ứng hoặc có những hành vi bộc phát thái quá, không kiểm soát được bản thân
  • Nhiều trẻ có xu hướng tự làm tổn thương, gây hại đến thân thể
  • Tự kỷ ảnh hưởng lớn tới sự hoàn thiện và phát triển nhân cách, trí tuệ và thể chất của trẻ

Cách chữa bệnh tự kỷ ở trẻ

Chứng tự kỷ hoàn toàn có thể khắc phục được nếu như cha mẹ biết cách chăm sóc và luyện tập cho con.

Cha mẹ nên đi con đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Nhi uy tín hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ Nhi từ xa để biết cách chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ tự kỷ.

Thái độ và vai trò của cha mẹ

Từ trước đến nay, nhiều gia đình khi xác định con mắc tự kỷ đã phó mặc cho các trung tâm, cơ sở điều trị mà không biết rằng cha mẹ chính là người cứu con mình ra khỏi tự kỷ tốt nhất.

Với trẻ tự kỷ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chăm sóc sức khỏe và giáo dục, từ điều trị, giáo dục hướng dẫn thay đổi hành vi, trị liệu ngôn ngữ, tập luyện thể thao, tác động bằng âm nhạc… để giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia tự kỷ, cần có sự vào cuộc của cha mẹ. Bởi hơn bất cứ bác sĩ hay thầy cô giáo nào, cha mẹ có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ.

Các bố các mẹ cần:

  • Đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi ngờ trẻ bị tự kỷ
  • Tích cực tìm hiểu tự kỷ, điểu chỉnh cảm xúc bản thân khi tiếp xúc với trẻ
  • Tạo môi trường sống an toàn, ổn định cho trẻ
  • Dành nhiều thời gian cho trẻ: quan sát, hiểu, tương tác và dạy trẻ phù hợp
  • Dạy trẻ mọi lúc mọi nơi bằng vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, biểu tượng
  • Kết hợp với các nhà chuyên môn: bác sĩ nhi khoa, cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sỹ chuyên khoa tâm thần
  • Chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc, phương tiện dạy trẻ với các cha mẹ khác
  • Ghi nhật ký về diễn biến của trẻ và cách can thiệp để rút kinh nghiệm.
Trẻ mẹ có vai trò quan trọng trong điều trị tự kỷ cho trẻ – Ảnh: Pixabay

Phương pháp luyện tập tại nhà cho trẻ tự kỷ

Tự kỉ không phải là căn bệnh cướp đi đứa con thân yêu của các bậc phụ huynh, nếu biết cách can thiệp đúng lúc – đúng cách và sử dụng đúng đồ dùng trực quan… sẽ đem lại sự thành công. Các bố mẹ cần ghi nhớ những thói quen sau:

  • Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. Ít nhất 3 giờ/ngày
  • Hạn chế xem tivi
  • Gọi tên, nhìn mắt, nhìn theo tay chỉ, gây sự chú ý của trẻ, tạo nhu cầu cho trẻ
  • Dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh
  • Dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bye, bắt tay, hoan hô
  • Dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác: chi chành, ú oà, kiến bò
  • Bắt chước động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản
  • Nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật
  • Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần
  • Sai việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh
  • Vận động tinh: xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán
  • Vận động thô: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng
  • Kích thích cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp: mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp
  • Tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép
  • Khuyến khích trẻ chơi cùng trẻ khác
  • Dứt khoát hành vi sai, lờ đi khi trẻ ăn vạ
  • Luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi với tiến bộ nhỏ nhất

Một số đồ chơi và trò chơi phù hợp với trẻ tự kỷ

Đồ chơi hấp dẫn về thị giác: điểm mạnh của trẻ tự kỷ là học bằng thị giác. Đồ chơi, đồ vật hấp dẫn về thị giác có chuyển động và âm thanh kết hợp vận động của tay đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút sự chú ý của trẻ tự kỷ. Một số ví dụ về đồ chơi:

  • Thổi bóng xà phòng
  • Ô tô dây cót có âm thanh và ánh sáng, đóng mở cửa
  • Chong chóng
  • Lô gô, đồ chơi chồng lắp
  • Thả hình vào cột hoặc hộp
  • Đàn gõ
  • Vòng lò xo ngũ sắc
  • Bóng gai phát sáng
  • Các đèn phát sáng màu khác nhau
  • Ghép hình
  • Tranh ảnh (ánh chụp, lô tô, sách tranh, truyện, tranh chủ đề…)

Đồ chơi giả vờ: Đồ chơi nhằm phát triển khả năng tương tác với người khác và trí tưởng tượng ở trẻ. Ví dụ một số đồ chơi:

  • Búp bê, thú bông
  • Bộ cốc chén, nấu ăn
  • Bộ cắt hoa quả
  • Bàn chải, lược, bát thìa, giấy ăn
  • Nhà, ô tô
  • Trò chơi giả vờ: đóng vai

Đồ chơi vận động tinh: để phát triển kỹ năng vận động phối hợp tay mắt, bắt chước, sự kiên trì, điều hòa rối loạn cảm giác.

  • Bảng từ, giấy, bút sáp và chì màu
  • Đất nặn
  • Kéo cắt, giấy màu
  • Xâu chuỗi, hạt
  • Lô gô, lắp ghép
  • Nhặt vật nhỏ, gấp, xé, bóc, kẹp

Các trò chơi tạo sự uyển chuyển: Có tác dụng tạo không khí vui nhộn, tương tác và điều hòa vận động

  • Bài hát đồng giao kết hợp với các động tác cơ thể: Nu na nu nống, kéo cưa, nhong nhong, chi chành, dung dăng dung dẻ
  • Bài hát về cơ thể kết hợp động tác
  • Bài hát về con vật kết hợp với các động tác

Đồ chơi vận động cơ thể: Trẻ thích tham gia vào loại trò chơi này hơn là vì ít cần óc tưởng tưởng, ít phải dùng ngôn ngữ, giảm hành vi định hình, cải thiện điều hòa vận động. Ví dụ:

  • Cầu trượt, xích đu, bập bênh, đá hoặc ném bóng…
  • Lăn hoặc nhún trên bóng to; Bàn nhún, câu thăng bằng…
  • Kéo dây chun; Xe đạp, xe lắc
Lựa chọn những trò chơi phù hợp cho trẻ tự kỷ – Ảnh: Pixabay

Chăm sóc trẻ tự kỷ đúng cách

Môi trường sinh hoạt

Xây dựng môi trường sinh hoạt phù hợp cho bé là điều cần thiết. Các bé bị tự kỷ không phù hợp với những môi trường nóng bức, đông người. Bé sẽ thoải mái hơn khi ở trong môi trường mát mẻ như phòng bật điều hòa, xe hơi,…

Cha mẹ nên hạn chế nhất đưa con tới nơi có độ ẩm cao hoặc nơi có áp suất không khí thấp (vùng núi) vì dễ gây ra tình trạng thiếu oxy lên não bé, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.

Hoạt động hàng ngày

Không nên để trẻ nhàn rỗi, hướng dẫn cho trẻ những việc có thể làm, đặc biệt là những việc tự phục vụ bản thân: gấp quần áo, mang giày, lâu mặt, rửa ray,… hoặc những công việc nhẹ phụ giúp người thân trong gia đình.

Cho bé đi bộ thường xuyên, chi thành nhiều lần trong ngày. Quãng đường phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của trẻ, tránh đi một lần xa, quá lâu khiến trẻ mất sức.

Hướng dẫn trẻ tập bơi sớm tại theo phương pháp dạy bơi lội cho trẻ tự bế và chậm phát triển tâm thần. Bơi lội là một liệu pháp phụ trợ giúp phục hồi cho trẻ chậm phát triển khá hiệu quả và được áp dụng rộng rãi.

Giao tiếp với trẻ tự kỷ

Cha mẹ cần lưu ý kiểm soát cảm xúc khi trò chuyện với trẻ. Tuyệt đối không la mắng, quát tháo, than phiền. Nên nói chuyện to, nhanh, rõ ràng nhưng vẫn ôn hòa.

Lắng nghe những điều bé nói, không bắt trẻ lặp lại những điều bé vừa nói hoặc cha mẹ vừa nói. Nếu cần trẻ ghi nhớ thì có thể nhắc lại sau một khoảng thời gian nhất định, không nói lại liên tục.

Nói chuyện, quan tâm tới bé khi nói chuyện trong nhóm đông người, không để bé có cảm giác bị cô lập.

Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không nói dối, hứa những không thực hiện vì dễ khiến bé mất lòng tin, khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ

  • Không sử dụng sữa động vật và các thực phẩm làm từ sữa, bổ sung nguồn đạm thực vật bằng các loại đậu
  • Hạn chế tối đa các món ăn làm từ bột mì, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp
  • Uống nước phù hợp với độ tuổi và thời tiết, không nên uống quá ít nhưng cũng không uống quá nhiều
  • Hạn chế hoặc cẩn thận khi ăn đồ biển, hải sản như cá thu, cá ngừ, ngao, sò vì nhữn loại này rất dễ nhiễm thủy ngân ở nồng độ cao.

Phòng tránh trẻ tự kỷ bị bắt nạt

Trẻ tự kỷ thường khó hòa nhập, không thân thiết được với bạn bè nên rất dễ trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt học đường.

Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn về tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng tới học tập, cuộc sống.

Cha mẹ cần hết sức lưu ý khi con có những biểu hiện bị bắt nạt như:

  • Thâm tím, xước xát trên cơ thể, đau không rõ ràng: Đau bụng, đau đầu,…
  • Trẻ lo âu, sợ sệt, tức giận, sợ đến trường
  • Có những hành vi gắt gỏng, bực tức, không vui, quấy khóc, bỏ ăn
  • Cắn móng tay, tiểu dầm, sợ hãi, khó ngủ
  • Kết quả học tập giảm sút, thường xuyên mất tiền, mất dụng cụ học tập

Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng tâm sự với trẻ để tìm hiểu vấn đề. Phụ huynh có thể giúp trẻ tự kỷ:

  • Quan sát và lắng nghe trẻ, không tự ý suy diễn suy nghĩ, hành vi của trẻ tự kỷ
  • Xây dựng bản đồ những nơi nguy hiểm và an toàn cho trẻ. Trong đó, lớp học và sân chơi là nơi an toàn được đánh dấu màu xanh, nhà vệ sinh là nơi nguy hiểm được đánh dấu màu đỏ.
  • Hướng dẫn trẻ phản ứng và hành động đúng cách khi bị bắt nạt
  • Kết nối với giáo viên, nhà trường để bàn bạc, trao đổi và quan sát tình hình của bé
  • Thực hiện giáo dục học đường, không trách móc mà nên nhẹ nhàng khuyên nhủ, khuyến khích các bạn trong lớp quan tâm đến trẻ bị tự kỷ
Trẻ tự kỷ dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường – Ảnh: Pinterest

Giúp cho trẻ thoát khỏi chứng bệnh tự kỷ cần sự kiên nhẫn và chân thành của cha mẹ. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp cho cha mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích về hội chứng tự kỷ ở trẻ.