Tìm lại vị tuổi thơ Hà Nội với món trứng đánh kem “huyền thoại” 30 năm giữa lòng thành phố

Ẩm thực Hà thành, hay “quà Hà Nội” từ xưa đã đi vào biết bao nhiêu áng văn thơ của những nhà văn nổi tiếng như Vũ Bằng, Thạch Lam, Băng Sơn… Ấy thế nhưng, đó là câu chuyện của hơn một thế kỷ trước. Hà Nội của những năm 80, 90, hay cả Hà Nội của ngày nay, vẫn còn đó rất nhiều những câu chuyện ẩm thực đáng để người ta phải nhớ đến. Bởi cái hương vị của Hà Nội, dù trải qua bao nhiêu năm, vẫn luôn là một dấu ấn khó phai với những người con Hà thành và cả những vị khách phương xa khi ghé thăm.

Lần tìm theo những món ăn tuổi thơ cách đây 20 – 30 năm còn sót lại ở Hà Nội, tôi đã quyết định chọn món trứng đánh kem để thưởng thức.

Đặt chân đến quán nhỏ trong một ngày chớm thu, gió nhè nhẹ và cái nắng vàng dịu như thể mùa hè còn lưu luyến chẳng chịu rời đi. Cái thời tiết thật thích hợp để ăn trứng đánh kem.

Không khó để tìm ra quán trứng đánh kem Bà Khanh nổi tiếng trên con phố Hai Bà Trưng nhờ vào một tấm banner đỏ treo ngay trên bức tường rêu hướng ra mặt đường.

Trái với tưởng tượng ban đầu, cứ nghĩ rằng sẽ là một bầu không khí yên bình như hồi thập kỷ 80, 90 mà tôi đã từng xem trong mấy MV nhạc retro, rồi chỉ có hai vợ chồng bác chủ cùng nhau làm đồ và mang đồ cho khách… Nhưng không, quán bây giờ tấp nập vô cùng. Đã vậy còn rất đông nhân viên nữa. Người xăm xắn tìm chỗ để xe cho khách, người vội vã đi order đồ, người lo mang trứng kem ra để khách chẳng phải đợi lâu…

Khi ngỏ ý muốn hỏi về câu chuyện làm món trứng đánh kem gia truyền, xin chụp vài tấm ảnh, một bác trai, mà lúc đó trong ấn tượng của tôi là một ông bác to béo, có phần hơi… xã hội đen nữa, vội vã xua tay nói rằng quán đang đông lắm! Bác sợ có người vào hỏi phỏng vấn thì không làm kịp đồ cho khách đâu. Rồi ông bác cứ thế xua tay và lắc đầu nguầy nguậy: “Thôi, thôi…”.

Cứ nghĩ rằng buổi sáng khám phá “lịch sử” món kem trứng ở đây thế là đi tong… Nhưng không đâu, vì câu chuyện thú vị vẫn còn đang chờ ở phía sau kìa…

Giữa lúc còn đang bối rối chẳng biết nên làm sao, thì một anh nhân viên vẫn nhiệt tình sắp xếp chỗ cho chúng tôi ngồi. Phía trong nhà, ở ngay khu chế biến trứng đánh kem, vài người tò mò ngó đầu ra để xem đang xảy ra chuyện gì. Được thể, thôi thì cứ thử cố thêm lần nữa, tôi vào nói chuyện với bác gái để xin hỏi thăm bác vài câu sau khi đã vãn khách, thế là bác đồng ý. Ôi may quá…

Trứng đánh kem – món ăn tuổi thơ của bao người

Lại nhắc đến tuổi thơ, đúng là ký ức của ai cũng sẽ gắn liền với một vài món ăn nào đó. Dù chẳng xa xỉ, chẳng đắt đỏ, thế nhưng đó là những mảnh kỷ niệm mà cho đến tận 20, 30 năm sau, người ta lại phải bồi hồi mỗi khi nhắc đến.

Trứng đánh kem cũng thế! Nhớ hồi nhỏ, thỉnh thoảng lại được mẹ thưởng cho một cốc. Mà đã là trẻ con, ai mà không mê mệt cái hương vị ngọt ngọt, béo béo, ngậy ngậy, đã vậy lại còn thơm nức mũi ấy chứ. Thế nhưng, chẳng nhớ rõ là thời gian nào, chỉ láng máng là sau một đợt cúm gia cầm, mẹ sợ không dám cho ăn trứng, thế là bị “cắt” luôn món ăn hấp dẫn này. Đứa trẻ lúc ấy, buồn ơi là buồn…

Thế rồi theo thời gian, khi con người ta ngày một lớn hơn, thời đại ngoại nhập, bao nhiêu món ăn nước ngoài ồ ạt tràn vào, mấy ai còn nhớ nhiều đến cái món trứng đánh kem ngày xưa nữa. Chỉ tới khi có người nào đó chợt nhắc đến, rồi tưởng tượng ra cái hương vị béo ngậy ngày xưa, lúc ấy thì chao ôi là thèm…

Trứng đánh kem của ngày xưa và trứng đánh kem của 30 năm về sau, hương vị vẫn còn nguyên vẹn như thế, chắc có lẽ cũng bởi do tay người làm vẫn giữ được sự yêu nghề năm nào.

Gọi là món ăn tuổi thơ của nhiều người Hà Nội, thế nhưng cũng vẫn có những người chưa từng nếm thử bao giờ, nhất là các bạn trẻ thế hệ sau này thậm chí còn nhầm lẫn món này với cà phê trứng ở Đinh, ở Giảng… Thế nhưng trứng đánh kem lại khác biệt hoàn toàn.

Mỗi cốc trứng đánh kem chỉ gồm 2 lòng đỏ trứng gà và chút đường được đánh thật kỹ càng cho tới khi trở nên thật bông xốp, mềm mịn rồi thêm chút hương vị như vani, cà phê, trà xanh hoặc thêm hẳn một muỗng đậu xanh nấu đường thật to.

À, nếu ai đó băn khoăn về việc ăn thế này chẳng khác nào… trứng sống thì hãy quên ngay chuyện đó đi nhé! Trứng ở đây đã được bác chủ lựa chọn rất cẩn thận, nguồn gốc đảm bảo. Trứng sau khi đánh bông lên sẽ chẳng còn chút vị tanh nào cả, cứ mềm mềm mịn mịn, đưa thìa múc lên thôi đã thấy thích vô cùng rồi.

Chúng tôi gọi thử vị vani và đậu xanh. Cảm nhận đầu tiên khi mang ra là mùi thơm nức cả mũi. Quả thật, ở cái thời điểm giữa buổi mà chưa được ăn sáng như thế này, ngửi thấy mùi trứng đánh kem là chỉ muốn ăn ngay lập tức.

Đúng là mỗi hương vị có một nét đặc biệt riêng. Cốc trứng kem vani đặc sệt, mịn mịn, bông bông. Trứng đã được đánh rất kỹ, chẳng những hết sạch mùi tanh mà lại có thêm chút thơm dìu dịu của vani. Bỏ một thìa vào miệng, cảm giác như tan chảy, ngấm vào từng giác quan.

Cốc trứng đánh kem đậu xanh thì khác hơn bởi phần đậu xanh bên dưới, phần kem trứng ở phía trên cũng được đánh bông hơn và ít mịn đi đôi chút. Các hạt đậu xanh đã được ninh nhừ, ăn kèm với chút kem trứng tạo nên một cảm giác khác biệt vô cùng. Món này thích hợp ăn lúc còn nóng, như vậy mới thấy hết cái ngon.

Và nếu vẫn cảm thấy không đủ no, bạn hãy gọi thêm một chiếc bánh mì. Bánh mì chấm với trứng đánh kem cũng ngon “tuyệt cú mèo” luôn đó.

Trứng đánh kem Bà Khanh: món trứng bắt nguồn tình yêu

Ngồi phía trong sân của quán trứng đánh kem, khoảng sân nhỏ hẹp cũng chính là lối đi ra đi vào, lúc ấy mới thấy cảm giác của Hà Nội xưa ùa về. Khác hẳn với không khí ồn ã, xô bồ của phố phường ngoài kia, chỉ cách nhau một bức tường mà không gian thoáng đãng và yên bình vô cùng.

Trong góc sân nhỏ mà mấy nhà chung nhau, bác Khanh sử dụng để bán hàng chung với một người hàng xóm khác. Hai người bán hai món khác nhau hoàn toàn, giúp đỡ nhau vui vẻ và nhiệt tình, đã vậy còn cứ kể tốt về nhau. Thế mới thấy cái tình cảm của thế hệ trước, giản dị, mộc mạc mà chân thật vô cùng.

Vừa ngồi thưởng thức cốc trứng đánh kem ngọt ngào béo ngậy, vừa có thể xem bác Khanh luôn tay làm, vừa làm vừa kể lại những câu chuyện ngày xửa ngày xưa.

Bác bảo: “Ngày xưa bác trai còn trẻ, bác trai rất là yêu thể thao. Đi tập thể thao về rất là thích ăn món trứng kem này. Thế là bác về bác đánh trứng kem phục vụ bác trai thì bác thấy là phục vụ mọi người được, thế là bác thành nghề đấy”.

Hồi mới mở, bác cũng mua thử máy đánh trứng từ nước ngoài về, thế nhưng với số lượng khách hàng ngày một đông, máy chẳng chịu nổi nên cứ hỏng liên tục. Thế rồi bác trai đã tự tay “chế” ra một chiếc máy đánh trứng cho vợ “hành nghề”. Và chính chiếc máy ấy đã theo bác cho đến tận bây giờ.

Nghe bác kể, đôi mắt lấp lánh niềm vui khi hoài niệm lại những năm tháng ngày xưa cũ. Thấy vậy mà cũng vui lây. Bao nhiêu sự sợ sệt, e dè với ông bác “xã hội đen” lúc sáng đột nhiên tan biến hết.

30 năm, trứng đánh kem đã truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác

Trong câu chuyện làm nghề của bác Khanh, chẳng thể thiếu đi những vị khách quen đã theo bác tận 30 năm cho đến bây giờ.

Đúng là một món quà tuổi thơ luôn khiến người ta nhớ mãi, có cơ hội là sẽ muốn thưởng thức lại ngay. Thế nên mới có chuyện những đứa trẻ của 30 năm trước hay ra quán bác ăn trứng đánh kem, sau đó lại đưa con của mình đến, để cho mấy đứa trẻ bây giờ biết rằng tuổi thơ của bố mẹ chúng ngày xưa thế nào. Và quả thật, sức hấp dẫn chẳng thể chối từ của món ăn này cũng hút hồn cả những đứa trẻ của nhiều năm về sau. Thế nên mấy đứa dù đi học xa tận nước ngoài, mỗi lần được về nước cũng không quên ghé quán bác Khanh.

Mà bác Khanh nhớ dai lắm nhé! Có những người ngày xưa ăn trứng đánh kem ở quán bác, đi nước ngoài cả vài chục năm sau quay lại mà bác còn nhớ được hương vị ngày xưa họ thích ăn là gì.

Bác Khanh cũng chia sẻ sẽ truyền nghề cho cô con gái duy nhất, để các thế hệ bây giờ hay cả về sau cũng sẽ được ăn món trứng đánh kem “huyền thoại” này.

Tạm biệt gia đình, bác trai vẫn còn đùa đùa: “Tao đã bảo không cho quay sao vẫn cứ quay?”. Rồi bác cười cười bảo: “Ừ thôi các con về nhé!”

Hà Nội là thế đó. Cho dù 10 năm, 20 năm, hay rất nhiều năm về sau, cho dù có bao nhiêu đổi thay, vẫn còn những thứ thật nguyên vẹn, chẳng bao giờ tàn phai theo năm tháng. Để cho những thế hệ về sau được nhắc nhớ đến cội nguồn quê hương, rằng ở nơi chúng sinh ra và lớn lên, đã từng có những điều thật bình dị, mộc mạc, nhưng lại đẹp đến như vậy.