Phân biệt các loại thang đo trong nghiên cứu – Hệ thống thông tin Thống kê KH&CN

Trong nghiên cứu, việc đo lường có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những thang đo để định lượng các vấn đề nghiên cứu. Việc sử dụng thang đo nào sẽ định hướng cho phân tích của người nghiên cứu đồng thời giúp việc trình bày bảng câu hỏi được rõ ràng hơn. Vậy có các loại thang đo nào và cách sử dụng chúng ra sao để đạt được mục tiêu nghiên cứu?

PHÂN LOẠI THANG ĐO TRONG NGHIÊN CỨU

Theo sách “Phân tích dữ liệu với SPSS” của Hoàng Trọng – Chu Nguyễn Mộng Ngọc, có 4 loại thang đo cơ bản được trình bày theo thứ tự có khả năng biểu đạt thông tin tăng dần.

1. Thang đo danh nghĩa (nominal scale): trong thang đo này các con số chỉ dùng để phân loại các đối tượng, chúng không mang ý nghĩa nào khác. Về thực chất thang đo danh nghĩa là sự phân loại và đặt tên cho các biểu hiện và ấn định cho chúng một ký số tương ứng.

Ví dụ: Vui lòng cho biết giới tính của anh/chị?

  1. Nam
  2. Nữ

Thang đo danh nghĩa giúp quy ước các cá nhân trả lời câu hỏi này thành các biểu hiện của biến “giới tính”. Chúng ta có thể quy ước đặt Nam = 1, Nữ = 2. Những con số này mang tính định danh vì chúng ta không thể cộng hoặc tính ra giá trị trung bình của “giới tính”.

Những phép toán thống kê có thể sử dụng được cho thang đo danh nghĩa gồm: đếm, tính tần suất của một biểu hiện, xác định giá trị mode [1], thực hiện một số phép kiểm định.

2. Thang đo thứ bậc (ordinal scale): là thang đo mà các con số ở thang đo danh nghĩa được sắp xếp theo một quy ước nào đó về thứ bậc hay sự hơn kém, nhưng ta không biết được khoảng cách giữa chúng. Điều này có nghĩa là bất cứ thang đo thứ bậc nào cũng là thang đo danh nghĩa nhưng không thể suy ngược lại.

Ví dụ: Vui lòng cho biết trình độ học vấn cao nhất của anh/chị?

  1. Dưới trung học phổ thông
  2. Trung cấp, cao đẳng
  3. Đại học
  4. Sau đại học

Với câu hỏi này chúng ta có thể quy ước các cá nhân trả lời theo bốn biểu hiện của biến “trình độ học vấn”. Một người có câu trả lời được mã hóa bởi số 3 sẽ có trình độ học vấn cao hơn người mang số 2 hoặc 1

Đối với thang đo thứ bậc, khuynh hướng trung tâm có thể xem xét bằng số trung vị [2] và số mode, độ phân tán chỉ đo được bằng khoảng biến thiên và khoảng tứ phân vị [3]

3. Thang đo khoảng (interval scale): là một dạng đặc biệt của thang đo thứ bậc vì nó cho biết khoảng cách giữa các thứ bậc. Thông thường thang đo khoảng có dạng là một dãy các chữ số liên tục và đều đặn từ 1 đến 5, từ 1 đến 7 hoặc từ 1 đến 10. Dãy số này có 2 cực ở hai đầu thể hiện 2 trạng thái đối nghịch nhau, chẳng hạn như 1 là rất ghét, 7 là rất thích; 1 là không đồng ý, 7 là rất đồng ý; 1 là rất không hài lòng, 7 là rất hài lòng… Những phép toán thống kê có thể sử dụng thêm cho loại thang đo này so với 2 loại thang đo trước là tính khoảng biến thiên, số trung bình, độ lệch chuẩn.

Ví dụ: Anh/chị vui lòng đánh giá tầm quan trọng của các yếu tố sau đây đối với cuộc sống của một người? (1=không quan trọng; 7=rất quan trọng)

4. Thanh đo tỉ lệ (ratio scale): thang đo tỉ lệ có tất cả các đặc tính khoảng cách và thứ tự của thang đo khoảng, điểm 0 trong thang đo tỉ lệ là một trị số thật nên ta có thể thực hiện được phép chia để tính tỉ lệ nhằm mục đích so sánh. Thang đo tỉ lệ cho phép thực hiện mọi phép toán phân tích thống kê.

Ví dụ: Anh/chị vui lòng cho biết thu nhập hàng tháng của mình (triệu đồng)? Các con số thu được từ câu hỏi nêu trên có thể tính tỉ lệ được (chẳng hạn một người có thu nhập 30 triệu thì nhiều gấp đôi người có thu nhập 15 triệu.

TÓM TẮT SO SÁNH CÁC LOẠI THANG ĐO TRONG NGHIÊN CỨU

MỘT SỐ LƯU Ý KHI LỰA CHỌN THANG ĐO

– Việc lựa chọn thang đo tác động trực tiếp đến loại dữ liệu ta thu thập được. Thang đo định danh và thang đo thứ bậc cung cấp cho chúng ta dữ liệu định tính, nên gọi là thang đo định tính. Thang đo khoảng và thang đo tỉ lệ cung cấp cho chúng ta dữ liệu định lượng nên gọi là thang đo định lượng. Trong thực tế, chúng ta có thể áp dụng thang đo định tính đối với đặc điểm số lượng (ví dụ như mức thu nhập, mức chi tiêu…) và ngược lại có thể áp dụng thang đo định lượng đối với đặc điểm thuộc tính (ví dụ như mức độ đồng ý, mức độ quan trọng…).

– Với mỗi loại thang đo, chúng ta sử dụng các phép toán thống kê khác nhau. Những thang đo có mức độ đo lường cao thì chúng ta có thể áp dụng đa dạng các phép toán thống kê. Trong phân tích, với thang đo định tính (gồm thang đo định danh và thang đo thứ bậc), chúng ta chỉ có thể tính tỷ lệ (%) (hay tần suất) và số trội (mode). Với thang định lượng (gồm thang đo khoảng và thang đo tỉ lệ), chúng ta có thể thực hiện nhiều phép toán hơn như trung bình cộng, phương sai, độ lệch chuẩn, phân tích hồi quy… Nhưng ngược lại chúng ta nên hạn chế dùng tỷ lệ (%) đối với thang đo định lượng vì thang đo này có thể có nhiều lượng biến làm phân tích bị rồi và khó tìm ra bản chất của vấn đề.

– Trong thực tế nghiên cứu, ngay cả khi dữ liệu đã thu thập xong, chúng ta có thể chuyển đổi dữ liệu định lượng về dạng dữ liệu thứ bậc định tính. Ví dụ từ dữ liệu thu nhập (triệu đồng) (thang đo tỉ lệ) ta có thể biến đổi thành dữ liệu về mức thu nhập (thang đo thứ bậc); quy mô vốn của doanh nghiệp (tỷ đồng) có thể được biến đổi về dạng thứ bậc (dưới 5 tỷ đồng, từ 5-10 tỷ đồng, trên 10 tỷ đồng)… Tuy nhiên chúng ta không thể thực hiện việc chuyển đổi ngược lại. Nghĩa là sau khi thu thập, dữ liệu ở bậc đo lường cao hơn có thể chuyển xuống bậc đo lường thấp hơn, nhưng dữ liệu ở bậc đo lường thấp hơn không thể chuyển lên bậc đo lường cao hơn.

– Đối với thang đo khoảng, mặc dù đã lượng hóa vấn đề nghiên cứu bằng thang điểm từ 1 đến 5, từ 1 đến 7 hay từ 1 đến 10 nhưng chưa có tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi bậc của thang đo. Việc cho điểm hoàn toàn phụ thuộc vào cảm tính của người trả lời. Để hạn chế khuyết điểm này, khi thiết kế bảng hỏi, chúng ta cần đặt câu hỏi rõ ràng và cụ thể để người trả lời hiểu đúng nhất bản chất vấn đề nghiên cứu.

CHÚ THÍCH

[1] Số mode hay số yếu vị của một danh sách dữ liệu hoặc một mẫu là giá trị của phần tử xuất hiện nhiều nhất trong danh sách. Ví dụ: số mode của {1, 3, 6, 6, 6, 7, 7, 12, 12, 17} là 6.

[2] Số trung vị là một số tách giữa nửa lớn hơn và nửa bé hơn của một mẫu, nghĩa là một nửa mẫu có các giá trị nhỏ hơn hay bằng số trung vị và một nửa mẫu có giá trị bằng hoặc lớn hơn số trung vị. Để tìm số trung vị của một danh sách hữu hạn các số, ta xếp tăng dần tất cả các quan sát rồi lấy giá trị nằm giữa danh sách. Nếu số quan sát là số chẵn, ta thường lấy trung bình của hai giá trị nằm giữa.

[3] Tứ phân vị có 3 giá trị (tứ phân vị thứ nhất, thứ hai và thứ ba). Ba giá trị này chia một tập hợp dữ liệu (đã sắp xếp dữ liệu theo trật từ từ bé đến lớn) thành 4 phần có số lượng quan sát đều nhau gọi là khoảng tứ phân vị. Giá trị tứ phân vị thứ nhất bằng trung vị phần dưới, giá trị tứ phân vị thứ hai bằng giá trị trung vị, giá trị tứ phân vị thứ ba bằng trung vị phần trên

[4] Ví dụ cổ điển để phân biệt thang đo khoảng và thang đo tỉ lệ là nhiệt độ. Nhiệt độ trong phòng máy lạnh là 16 độ C, còn nhiệt độ bên ngoài là 32 độ C. Chúng ta có thể kết luận nhiệt độ bên ngoài cao hơn 16 độ C so với bên trong phòng. Nhưng nếu chúng ta nói, bên ngoài nóng gấp đôi so với bên trong, điều này không chính xác, vì nhiệt độ khi chuyển qua đơn vị đo độ F thì tỉ lệ này không còn đúng. Với việc so sánh nhiệt độ bên ngoài gấp đôi nhiệt độ bên trong, chúng ta đang sử dụng 0 độ C làm điểm tham chiếu để so sánh hai nhiệt độ. Trong trường hợp nhiệt độ dưới 0 độ C, chúng ta không thể sử dụng nó làm điểm tham chiếu để so sánh. Do đó nhiệt độ là thang đo khoảng và có điểm 0 quy ước.

Như Hà

QUÝ ANH/CHỊ CẦN HỖ TRỢ XỬ LÝ, PHÂN TÍCH DỮ LIỆU VUI LÒNG GỬI THÔNG TIN QUA FORM DƯỚI ĐÂY

CHÚNG TÔI SẼ LIÊN HỆ VÀ PHÚC ĐÁP TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT

Đang tải…