Tạo áp lực lên con để tạo ra kim cương hay than chì? | Báo Dân trí

Trên đây là lời tâm sự của bà mẹ 2 con đồng thời cũng hoạt động trong ngành giáo dục 15 năm nhận định về định hướng và áp lực của bố mẹ lên con cái.

Biến áp lực thành động lực

Tạo áp lực lên con để tạo ra kim cương hay than chì? - 1

Định hướng đúng cách sẽ là chất xúc tác tạo nên kim cương (Ảnh: Getty Images)

Gần đây, những trường hợp học sinh trầm cảm và có ý nghĩ cực đoan đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Các bậc phụ huynh “đứng ngồi không yên”. Thậm chí quá thương và lo cho con sau khi đọc tin về những vụ tự tử của nhiều đứa trẻ còn chưa đầy 20 tuổi rồi nhìn sang con mình, chợt bật khóc. Cha mẹ nào cũng yêu thương và luôn muốn dành cho con mình điều tốt nhất nhưng “bố mẹ cũng chỉ lần đầu làm bố mẹ mà thôi!”.

Chị Nguyễn Việt Nga, quản lý kinh doanh công ty tài chính và đồng thời là mẹ của 3 con chia sẻ, đối với chị việc bố mẹ định hướng cho con quan trọng nhưng bản thân con tự biết tạo áp lực sẽ còn cần thiết hơn, vì bố mẹ không thể đi theo con cái cả đời.

Chị Nga chia sẻ, từ khi còn bé, chị không được bố mẹ định hướng và sát sao về việc học tập, việc làm như bây giờ. Tất cả những áp lực mà chị có được đều qua trải nghiệm thực tế, qua những buổi đi gặt đi cấy giúp mẹ “một nắng hai sương”. Vì bố mẹ chị đều là nông dân, xuất phát điểm ở nông thôn nghèo nên việc học tập của con không quá được chú trọng. Khi đó chiếc cặp, quyển sách, đôi dép mới để đến trường là cả niềm vui to lớn thời thơ ấu.

Bước ngoặt lớn nhất trong đời chị có lẽ là lần trượt cấp 3 trường điểm ở huyện, vì bố mẹ chị lúc đó lưỡng lự phân vân không chọn cho con mình môi trường đào tạo tốt, học sinh chất lượng nên chị phải học tại một ngôi trường “hạng B”.

Thời gian đó chị xấu hổ với bạn bè, thầy cô vì trong suốt những năm cấp 2, chị đi thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh nhưng giờ lại phải vào trường cấp 3 “xoàng”, môi trường học tập chểnh mảng. Chị đã có khoảng thời gian trách bố mẹ mình không đủ tốt để đưa ra quyết định đúng đắn cho con cái. Nhưng chị đã tự biết biến áp lực thành động lực. Vì ở trong một môi trường như vậy, chị càng phải nỗ lực hơn nữa để chứng minh bản thân. Và kết quả là chị là một số ít người đỗ đại học điểm cao ở huyện.

Không phải than chì nào chịu sức ép cũng trở thành kim cương

Việc đặt ra cho con những giới hạn, quy luật không chỉ giúp con hình thành nên tính cách, con người mà còn giúp cho tương lai sau này. Nhưng quy luật thế nào, nghiêm khắc ra sao phụ thuộc trên nhiều yếu tố ngoại cảnh và tính cách của đứa trẻ.

Theo chị Nguyễn Quỳnh Trang (kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục 15 năm và cũng là mẹ 2 con): “Phụ huynh khó tính và nguyên tắc với con cái vì họ mong muốn con trưởng thành và thành công trong học tập, cuộc sống. Họ nghĩ đó là cách họ yêu con mình, muốn tốt cho con mình”.

Có điều hầu hết bố mẹ lại ép con phải tốt phải giỏi với quy chuẩn từ kinh nghiệm, tìm hiểu và tính cách của bố mẹ mà không trao đổi, tìm hiểu mong muốn và tính cách của con, không cho con tham gia quyết định cùng, chưa nói tới được tự quyết định.

Chị Trang cảm thấy tạo áp lực cho con là hoàn toàn đúng đắn nhưng mức độ thế nào mới là quan trọng. “Không phải than chì nào chịu sức ép cũng trở thành kim cương, khi thực hiện sai cách nó chỉ còn lại đống tro tàn mà thôi!”, chị nói.

Phụ huynh đương nhiên rất sợ nghe tin tức trẻ em tự tử. Bất cứ khi nào nghe được tin này bố mẹ đều khựng lại, nghĩ về những gì mình đã dạy con mình xem mình sai ở đâu, có áp đặt con quá không.

Tuy nhiên, sự mong muốn con mình phải giỏi như người ta, sự lo lắng, sợ hãi con mình hư hỏng vì quá nhiều cạm bẫy ngoài kia đã khiến nhiều ông bố bà mẹ phải dùng các biện pháp ép buộc với con.

Với chị Trang, chị sẽ xem xét lại lịch học, lịch chơi, các hoạt động xem cần thay đổi điều gì, trao đổi nhiều hơn xem con muốn điều gì, cần bố mẹ hỗ trợ cái gì; Khuyến khích con để con hiểu lý do và biến mục tiêu thành của con, để con có thể yêu thích và tự chủ động học tập, làm việc.

Những lúc con bướng bỉnh hay mải chơi, mải xem tivi, chơi điện thoại thì đương nhiên vẫn sẽ bị mắng bị phạt. “Phải quy định rõ ràng với nhau sao khi trao đổi, ai phạm lỗi vẫn phạt theo đúng luật. Phải chấp nhận nếu không sẽ không được đi chơi công viên cuối tuần hoặc không được thưởng”, chị Trang nói.

“Áp lực của bố mẹ thì tốt đấy, nhưng con thấy bị dồn nén”

Tạo áp lực lên con để tạo ra kim cương hay than chì? - 2

Áp lực học tập, thành tích đang ngày càng chiếm lấy cuộc sống thế hệ trẻ (Ảnh: Getty Images)

Không phải con cái nào cũng hiểu được tấm lòng của bố mẹ, tại sao lại bắt chúng học, mong chúng đạt điểm cao nhưng chưa bao giờ hỏi chúng có khả năng đạt được con số đó không, có thích môn học đó không? Nhiều bố mẹ sinh con ra để kỳ vọng chúng thực hiện tiếp những điều còn dang dở mà thế hệ trước không thể làm được.

Theo Thảo Ly, học sinh lớp 11 trường THPT tại Hà Đông nói rằng, em thương bố mẹ đi làm vất vả, kiếm tiền cho em ăn học nhưng áp lực mỗi ngày khiến em mệt mỏi. “Nhiều lúc em cảm thấy những mục tiêu mà bố mẹ đặt ra có quá viển vông, xa vời?”, Ly nói.

Nữ sinh tâm sự: “Em cố gắng được điểm 9 môn văn một lần. Với em như vậy là quá khó khăn rồi. Áp lực không? Có chứ! Nhưng đó cũng là kỳ vọng của bố mẹ em, nên em cảm thấy cuộc đời bức em đến thế bí rồi. Bình thường điểm thi môn văn cao nhất em chỉ được 8, mà giờ đề ra mục tiêu là 9. Áp lực liên tục trong một thời gian dài làm con người mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể xác. Em cứ mãi trong vòng luẩn quẩn mà chẳng tìm thấy lối ra”.

Xã hội nào cũng cần có nguyên tắc nhất định, nếu không có đèn đỏ sẽ không biết điểm dừng, đi mãi đi mãi rồi biết đi về đâu? Thế hệ trẻ cũng vậy, cần quy luật và định hướng nhưng mức độ như thế nào mới phải, mới phù hợp vẫn là câu hỏi đau đầu của nhiều phụ huynh.